Chính sách đối ngoại của Ấn Độ đến năm 2030 và triển vọng quan hệ Việt Nam - Ấn Độ
Trong những năm gần đây, tình hình thế giới và khu vực có những chuyển biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường. Tập hợp lực lượng giữa các nước lớn, các nước tầm trung diễn ra linh hoạt, những biến đổi trong tương quan lực lượng giữa các nước dẫn đến những biến động trong trật tự thế giới, đặt ra thách thức cho các nước nhỏ trong triển khai chính sách đối ngoại, bảo vệ lợi ích quốc gia.
Ấn Độ là nước có vị trí quan trọng ở khu vực châu Á - Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Ấn Độ là quốc gia lớn nhất tại khu vực Nam Á, dân số đông nhất thế giới, tiềm lực quân sự mạnh và sở hữu vũ khí hạt nhân với chi tiêu quân sự đứng thứ 4 thế giới. Trong hai thập kỷ đầu của thế kỷ 21, Ấn Độ đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ, từ cường quốc khu vực trở thành cường quốc toàn cầu và là một “cực” quan trọng trong trật tự thế giới đa cực, đa trung tâm hiện nay. Với chính sách “tự chủ chiến lược”, Ấn Độ đang khẳng định vai trò địa chiến lược quan trọng của mình và được tất cả các bên tranh thủ. Với sức mạnh tổng hợp mới, Ấn Độ đang coi mình là “Lãnh đạo Phương Nam” với việc đề cao vai trò, tiếng nói của các nước Nam bán cầu (Global South), qua đó gia tăng vị thế trong quan hệ với các nước lớn. Ấn Độ cũng đang tích cực thực hiện Chính sách “Hành động hướng Đông” với các nước khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Tình hình chính trị nội bộ của Ấn Độ ổn định. Chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi và Đảng BJP đang giành được ưu thế tuyệt đối trên chính trường, đạt được uy tín cao, với nhiều thành tựu về phát triển kinh tế, khoa học kỹ thuật, nâng cao vị thế quốc tế của Ấn Độ, đặc biệt trong nhiệm kỳ hai của Thủ tướng Modi. Tháng 6/2024, đảng BJP của Thủ tướng Narendra Modi đã thắng cử nhiệm kỳ thứ ba liên tiếp, khẳng định uy tín cá nhân cũng như những thành tựu mà đảng BJP và Thủ tướng Narendra Modi mang lại cho Ấn Độ những năm gần đây.
Về kinh tế, từ năm 2022, Ấn Độ đã chính thức vượt Anh để trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới với quy mô GDP khoảng 3.100 tỷ USD và được dự báo sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới với quy mô GDP đạt khoảng 7.000 tỷ USD vào năm 2030. Ấn Độ hiện có 169 tỷ phú, đứng thứ 3 thế giới về số lượng kỳ lân (unicorns) sau Mỹ và Trung Quốc. Thủ tướng Modi thúc đẩy chính sách tự cường về kinh tế. Năm 2020, Thủ tướng Modi công bố gói hỗ trợ kinh tế tương đương 265 tỷ USD (khoảng 10% GDP Ấn Độ với tên gọi “Sứ mệnh Ấn Độ tự cường” (Self - Reliant India Mission). Chiến lược “Ấn Độ tự cường” dựa trên năm trụ cột: 1- Phát triển nền kinh tế mới (trở thành nền kinh tế quy mô 5.000 tỷ USD); 2- Tạo dựng cơ sở hạ tầng hiện đại; 3- Thiết lập hệ thống phân phối dựa trên công nghệ; 4- Tận dụng dân số trẻ; 5- Khai thác hiệu quả nhu cầu trong nước. Mục đích là nhằm củng cố năng lực nội sinh, củng cố và gia tăng năng lực sản xuất nội địa, đảm bảo “tất cả các nhu cầu của người dân được đáp ứng bởi các doanh nghiệp trong nước”, với tầm nhìn đưa kinh tế Ấn Độ đạt quy mô 5000 tỷ USD vào năm 2030. Ấn Độ đang nổi lên là một trung tâm kinh tế năng động, thu hút mạnh mẽ dòng đầu tư chuyển dịch từ các nước phát triển. Về sức mạnh mềm, Ấn Độ được coi là nền dân chủ thành công lớn nhất thế giới, các giá trị văn hóa như Bollywood, Yoga đang ngày càng lan tỏa trên toàn cầu.
Về đối ngoại có thể tóm lược chính sách đối ngoại của Ấn Độ trong khuôn khổ như sau: Độ thi hành chính sách đối ngoại tích cực và chủ động, đang khẳng định vị thế là các cường quốc khu vực, một trong những động lực quan trọng của phát triển kinh tế toàn cầu. Chính sách đối ngoại của Ấn Độ hiện nay tập trung vào: (i) Đặt ưu tiên cho chính sách “láng giềng trên hết” và củng cố vai trò tại khu vực Ấn Độ Dương. (ii) Ưu tiên cải thiện và duy trì quan hệ cân bằng với các cường quốc, thúc đẩy quan hệ tốt với cả Mỹ, Nga, Đức, Nhật Bản, Australia, nỗ lực ổn định quan hệ với Trung Quốc. (iii) Đẩy mạnh chính sách “Hành động hướng Đông”[1] và coi trọng quan hệ với láng giềng “mở rộng”, tăng cường kết nối với ASEAN. (iv) Duy trì chính sách “liên kết hướng Tây”. (v) Tích cực tham gia và dẫn dắt quá trình tập hợp lực lượng toàn cầu thông qua việc tham gia tích cực và chủ động khởi xướng nhiều liên minh, liên kết khu vực và toàn cầu, hình thành chiều hướng đối ngoại đa liên kết, thúc đẩy cải cách và mở rộng HĐBA LHQ
Ấn Độ là quốc gia đa đảng, trong đó 02 đảng chính là Đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP) của Thủ tướng Narendra Modi và Đảng Quốc đại (INC). Với những chính sách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đổi mới mô hình sản xuất và nâng cao đời sống của người dân của đảng BJP và chính phủ của Thủ tướng Modi, Ấn Độ cơ bản vẫn duy trì được sự ổn định chính trị, xã hội trong những năm qua. Việc thắng cử nhiệm kỳ thứ 3 liên tiếp giúp Thủ tướng Modi có thể tiếp nối và mở rộng của chính sách đối ngoại hiện nay.
Trong quan hệ giữa các nước lớn, Ấn Độ tiếp tục chính sách cân bằng động giữa Mỹ, Trung Quốc và phần nào là Nhật Bản. Tuy nhiên, nếu chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương được Mỹ, Nhật Bản, Australia đẩy mạnh hơn, các hạn chế trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ có thể bộc lộ rõ hơn. Ấn Độ sẽ tiếp tục coi trọng quan hệ với ASEAN. Việc phải phân bổ nguồn lực nhiều hơn cho khu vực Nam Á ít có khả năng ảnh hưởng đến cam kết của Ấn Độ đối với Đông Nam Á nói riêng và Châu Á - Thái Bình Dương nói chung vì quan hệ với ASEAN sẽ giúp Ấn Độ cân bằng ảnh hưởng với các cường quốc khác, tăng cường vai trò của Ấn Độ tại khu vực. Ấn Độ sẽ can dự với khu vực một cách chủ động, tích cực hơn, góp phần duy trì cân bằng lực lượng trong khu vực.
Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ và triển vọng
Ấn Độ luôn khẳng định coi trọng vị trí và vai trò của Việt Nam ở khu vực Đông Nam Á, coi Việt Nam là trụ cột quan trọng trong chính sách “Hành động hướng Đông” và là một đối tác trong Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Ấn Độ. Ấn Độ cũng coi Việt Nam là một đối tác kinh tế - thương mại tiềm năng, là thị trường xuất khẩu, đầu tư nhiều triển vọng của các doanh nghiệp Ấn Độ. Ngoài ra, Ấn Độ cũng muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam trong ứng phó với các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống, cũng như cùng trao đổi quan điểm về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm.
Kể từ khi nâng cấp lên quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện năm 2016, quan hệ Việt Nam - Ấn Độ phát triển sâu rộng hơn. Ấn Độ hiện là một trong bảy Đối tác Chiến lược Toàn diện của Việt Nam và Việt Nam cũng là nước thứ hai trong ASEAN thiết lập Quan hệ Đối tác Chiến lược với Ấn Độ. Tin cậy chính trị cấp cao giữa hai nước ngày càng được củng cố, hợp tác hai nước trên các lĩnh vực đã đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ. Hai bên đã có các văn kiện quan trọng làm nền tảng và định hướng cho quan hệ song phương, gần đây nhất là: Tuyên bố Tầm nhìn chung Việt Nam - Ấn Độ vì Hoà bình, Thịnh vượng và Người dân và Tuyên bố về tăng cường quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện (tháng 8/2024). Hai nước cũng nỗ lực duy trì các cơ chế hợp tác song phương, triển khai các văn kiện đã ký kết cũng như ký mới thêm nhiều văn kiện hợp tác trên hầu hết các lĩnh vực.
Hợp tác quốc phòng phát triển hiệu quả, thực chất, là một trụ cột quan trọng và chiến lược trong tổng thể quan hệ hai nước. Gần đây nhất, Ấn Độ đã hỗ trợ Việt Nam gói tín dụng trị giá 500 triệu USD dành cho quốc phòng. Tháng 7/2023Ấn Độ đã chuyển giao tàu hải quân đã qua sử dụng mang tên Kirpan cho Việt Nam.
Kim ngạch thương mại hai chiều đã tăng 2,5 lần kể từ khi hai nước nâng cấp lên Đối tác Chiến lược Toàn diện, đạt 13,2 tỷ USD năm 2021 và hơn 15 tỷ USD năm 2022, đạt gần 10,73 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm 2023. Ấn Độ hiện là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Việt Nam, trong khi Việt Nam là đối tác lớn thứ 17 của Ấn Độ trên thế giới. Tính đến hết tháng 11/2023, Ấn Độ đứng thứ 24/149 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với 383 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 1,07 tỷ USD trong các lĩnh vực năng lượng, khai thác khoáng sản, chế biến nông nghiệp, sản xuất đường, trà, cà phê, hoá chất nông nghiệp, công nghệ thông tin và phụ tùng ô tô. Các tập đoàn lớn của Ấn Độ đã quan tâm đến thị trường Việt Nam trong các lĩnh vực chiến lược như năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến, dược phẩm, hạ tầng, logistics, trong đó Tập đoàn Adani đã cam kết đầu tư 10 tỷ USD vào Việt Nam. Năng lượng và dầu khí là lĩnh vực hợp tác chiến lược trong quan hệ hai nước. Các công ty lớn của Ấn Độ như Công ty dầu khí Quốc gia Ấn Độ (ONGC), Công ty Essar, Công ty OVL đang hợp tác thăm dò, khai thác dầu khí Việt Nam. Hai nước đang mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực năng lượng mới, năng lượng tái tạo, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số. Việt Nam đã đồng ý tham gia Liên minh năng lượng mặt trời quốc tế do Ấn Độ đề xuất.
Giao lưu văn hóa, nhân dân hai nước ngày càng được mở rộng. Chính phủ Ấn Độ tài trợ Việt Nam triển khai dự án bảo tồn, trùng tu Di sản văn hoá thế giới Mỹ Sơn. Lượng khách Ấn Độ đến Việt Nam đạt mức tăng trung bình 25%/năm trong 5 năm qua, từ hơn 85.000 lượt năm 2016 lên gần 300.000 năm 2020, thuộc 16 thị trường có khách quốc tế đến Việt Nam cao nhất. Từ tháng 10/2019, hai hãng hàng không tư nhân của Việt Nam (Vietjet) và Ấn Độ (IndiGo) đã mở đường bay thẳng giữa 06 thành phố của hai nước. Tổng cộng cho đến nay có 50 chuyến hành khách và 7 chuyến hàng hóa/tuần giữa hai nước.
Việt Nam và Ấn Độ có nhiều điểm tương đồng, đó là việc kiên trì, kiên định chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại. Với nền tảng quan hệ vững chắc, và sự phù hợp của hai bên trong triển khai chính sách đối ngoại của nhau, Việt Nam và Ấn Độ còn nhiều dư địa để phát triển quan hệ mạnh mẽ hơn nữa cả song phương và đa phương. Việt Nam luôn thể hiện sự ủng hộ đối với chính sách “Hành động hướng Đông” và và hỗ trợ Ấn Độ phát triển quan hệ với ASEAN, thúc đẩy sự kết nối, tương đồng giữa Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AOIP) và Sáng kiến Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPOI) của Ấn Độ. Ấn Độ cũng luôn khẳng định tiếng nói tích cực trong các vấn đề khu vực và ngày càng tăng cường quan hệ thực chất với ASEAN.
Trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới có nhiều biến chuyển, thế và lực của hai nước Việt Nam và Ấn Độ có những thay đổi mạnh mẽ trong những năm gầy đây, tạo ra thế và lực mới cho cả hai nước. Quan hệ hữu nghị truyền thống và Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam - Ấn Độ có nhiều tiềm năng để ngày càng phát triển thực chất và hiệu quả, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển phồn vinh ở khu vực và trên thế giới./.
[1] Ngoại trưởng Ấn Độ Jaishankar phát biểu tại Hội nghị đặc biệt các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Ấn Độ nhân kỷ niệm 30 năm quan hệ (tháng 6/2022): Ấn Độ nhấn mạnh vai trò tiên phong của ASEAN trong chủ nghĩa khu vực, đa phương và toàn cầu hóa, là nền tảng cho cấu trúc chiến lược và kinh tế khu vực đang định hình; coi ASEAN là trung tâm trong chính sách Hành động hướng Đông, ủng hộ ASEAN vững mạnh, đoàn kết và thịnh vượng; khẳng định nhờ hướng Đông (về phía ASEAN), thay vì hướng Tây, Ấn Độ mới tạo ra những bước thay đổi lớn vừa qua.
Tác giả: ThS Trần Thị Thu Trang
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục
Tư liệu Nghiên cứu Ấn Độ 04:00 12-12-2024
G20 và Cơ hội Mở Rộng Quan Hệ Ấn Độ - Mỹ Latinh
Tư liệu Nghiên cứu Ấn Độ 03:00 12-12-2024