Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Chính sách đối ngoại của Ấn Độ: Tham vọng toàn cầu, bá chủ khu vực và địa kinh tế (Phần 1)

Chính sách đối ngoại của Ấn Độ: Tham vọng toàn cầu, bá chủ khu vực và địa kinh tế (Phần 1)

Ấn Độ hiện đang tính toán lại phương pháp tiếp cận địa chiến lược của mình. Quan hệ với Nhật Bản, Trung Quốc, Nga và Australia đang đạt được tầm quan trọng trong tương quan với quan hệ với Mỹ và EU, vốn được coi là các đối tác chiến lược ưu tiên. Châu Á, bắt đầu từ khu vực láng giềng gần nhất, có khả năng trở thành trọng tâm địa lý chính trong chính sách đối ngoại của ông Modi.

05:53 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Chính sách đối ngoại của Ấn Độ: Tham vọng toàn cầu, bá chủ khu vực và địa kinh tế

Chỉ trong một thời gian lên nắm quyền, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã xoay xở để đem lại một cuộc cải tổ mạnh mẽ về chính sách đối ngoại cho đến nay vẫn bị bóp nghẹt và không được xác định rõ ràng của Ấn Độ và đã làm gia tăng đáng kể tư thế toàn cầu của nước mình. Các cuộc hội nghị thượng đỉnh thành công với nhóm BRICS (Brazil, Nga, Ẩn Độ, Trung Quốc và Nam Phi), Nhật Bản, Trung Quốc, Nepal và Bhutan đã được hoàn thành với một chuyến viếng thăm nổi bật tới Mỹ từ 27 - 30/9/2014. Chuyến viếng thăm Mỹ của Modi là chuyến đi nước ngoài thú vị nhất của ông: bị cấm nhập cảnh vào Mỹ trong 9 năm vì những cáo buộc về vai trò của ông trong vụ thảm sát Gujarat năm 2002, thảm đỏ vào Nhà Trắng đã trải ra. Ông Modi nhận một sự tiếp đón “như ngôi sao nhạc rock” ở Mỹ, đặc biệt từ những người Mỹ gốc Ấn, chăng hạn như buổi nói chuyện trước 18.000 người ở Vườn hoa Quảng trường Madison ở New York.

Không như những người tiền nhiệm, ông Modi đã nhấn mạnh vào chính sách đối ngoại như một ưu tiên ngay từ đầu cùng với một nhiệm vụ mạnh mẽ là đặt nền kinh tế Ấn Độ vào trật tự. Modi mong muốn tái củng cố địa vị cường quốc đang nổi lên của Ấn Độ vốn đang suy kém trong những năm gần đây do tăng trưởng kinh tế yếu. Ông không chỉ tiếp thêm trọng tâm và tham vọng vào chính sách đối ngoại của Ấn Độ, mà còn trực tiếp kết nối nó với kế hoạch của ông nhằm chuyển đổi nền kinh tế Ấn Độ. Được đưa ra vào tháng 9/2014, “Sản xuất tại Ằn Độ” đã trở thành chương trình tiêu biểu của Narendra Modi khi ông mong muốn biến Ấn Độ thành một trung tâm sản xuất toàn cầu. Câu thần chú trong chính sách đối ngoại của ông, do đó, được thúc đẩy mạnh mẽ bởi địa kinh tế - đặc biệt là thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) - và đồng thời tìm cách để củng cố vai trò lãnh đạo của Ấn Độ tại Nam Á. Trong khi các Chính phủ do Đảng Quốc đại dẫn dắt trước đây ưu tiên quan hệ với Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) (Chính phủ Singh đã đàm phán thỏa thuận năng lượng hạt nhân lịch sử giữa Mỹ và Ấn Độ từ giai đoạn 2005-2008 và khởi động các cuộc đàm phán thương mại tự do với EU năm 2007), Modi đang chuyển trọng tâm sang khu vực láng giềng lân cận và các nước lớn khác tại châu Á như Nhật Bản, Trung Quốc và Australia, cũng như nhóm BRICS.

Ông Modi có một sở thích cá nhân về chính sách đối ngoại và, một cách khác thường, đã thực hiện nhiều cuộc viếng thăm nước ngoài (đặc biệt tới Trung Quốc và Nhật Bản) khi ông từng là Thủ hiến Gujarat, một bang của Ấn Độ. Chính sách đối ngoại của ông Modi đã kết hợp chủ nghĩa siêu thực dụng với sự nhạy bén trong kinh doanh. Ông đã xoay xở để thuyết phục cả Trung Quốc lẫn Nhật Bản đầu tư mạnh vào Ấn Độ trong khi thiết lập lại chỗ đứng của Ấn Độ trong khu vực láng giềng lân cận không ổn định của mình. Xác nhận lại chính sách không liên kết truyền thống của Ấn Độ, ông Modi đã sử dụng một phương pháp tiếp cận mạnh mẽ hơn đế khẳng định nền độc lập của đất nước mình trong khi đưa ra một cách tiếp cận rất chọn lọc đối với hợp tác đa phương. Chẳng hạn, Ấn Độ đã phủ quyết một cách khác thường Hiệp định Tạo thuận lợi cho thương mại (TFA) của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào tháng 7 (một bản dự thảo đã được nhất trí bởi 160 thành viên WTO bao gồm cả Chính phủ Ấn Độ tiền nhiệm do Đảng Quốc đại lãnh đạo tại Hội nghị Bộ trưởng Bali năm 2013) đối với các mối quan ngại về an ninh lương thực. Một bước đột phá đã đạt được bên lề cuộc Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) vào tháng 11, khi Mỹ nhất trí không thách thức các chính sách an ninh lương thực của Ấn Độ tại WTO, loại bỏ thế bế tắc chính đi đến thỏa thuận. Với Mỹ, ông Modi tránh xa việc gia nhập bất kỳ chiến lược lớn nào của Mỹ đối với châu Á hoặc Nhà nước Hồi giáo (IS) tại Iraq và Syria, nhưng trong chuyến viếng thăm tới Mỹ ông đã phát biểu về thương mại, đầu tư và hợp tác an ninh song phương.

Khu vực láng giềng lân cận của Ấn Độ

Là một cường quốc mới nổi với tham vọng toàn cầu, Ấn Độ trước hết phải thích ứng với vai trò là một cường quốc khu vực. Quyết định lớn đầu tiên của ông Modi sau khi bảo đảm quyền lực là mở rộng một lời mời chưa từng có tới các nhà lãnh đạo tại Hiệp hội Các nước Nam Á vì Hợp tác khu vực (SAARC) tới lễ nhậm chức của mình, bất chấp sự phản đối tại Ấn Độ từ một số lãnh đạo các bang nhất định và các đồng minh đảng chính trị. Ông Modi muốn nhấn mạnh vai trò của New Delhi trong khu vực láng giềng lân cận của Ấn Độ và phục hồi SAARC, một vai trò từ lâu đã bị New Delhi bỏ quên. Động thái này không chỉ khăng định sự chấp nhận trách nhiệm của Ấn Độ như một lãnh đạo khu vực, mà còn là dấu hiệu đầu tiên của một sự chuyển đổi trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ.

Trong ngày đầu tiên tại nhiệm, ông Narendra Modi đã tổ chức các cuộc đàm phán song phương thành công với Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif. Bước đột phá lớn gần đây nhất trong quan hệ Ấn Độ - Pakistan đã diễn ra dưới liên minh BJP trước đây do Vajpayee lãnh đạo (1998-2004) với Chính phủ Sharif, một sự phát triển mà ông Modi tìm cách noi theo. Bằng cách bước đầu đưa ra lời đề nghị hòa bình cho Sharif, ông Modi không chỉ dỗ dành Pakistan trao đổi qua lại, mà còn thiết lập bộ máy dân chủ của Pakistan chống lại lực lượng quân sự và cơ quan tình báo bài Ấn của nước này, những cơ quan phản đối chuyến thăm của ông Sharif tới Ấn Độ. Tuy nhiên, trước cuộc bầu cử của mình, ông Modi đã hứa giữ vững lập trường cứng rắn đối với Pakistan.

Khi Abdul Basit, Cao ủy Pakistan tại Ấn Độ gặp gỡ quân ly khai Kashmiri vào tháng 8 (một chính sách bị Chính phủ Ấn Độ tiền nhiệm do Đảng Quốc đại lãnh đạo làm ngơ), Ấn Độ đã hoãn các cuộc đàm phán cấp ngoại trưởng được lên lịch một tuần trước khi các cuộc đàm phán đó diễn ra. Ông Modi đã vạch ra giới hạn đỏ đầu tiên cho Pakistan.

Các cuộc đàm phán song phương cũng được tổ chức với tất cả các lãnh đạo khác của SAARC. Một cách tượng trưng, chuyến viếng thăm nước ngoài đầu tiên của ông Modi là tới nước láng giềng Bhutan vào tháng 6, và vào tháng 8 ông trở thành Thủ tướng Ấn Độ đầu tiên tới Nepan trong 17 năm, tại đây ông đã đề xuất một dòng tín dụng trị giá 1 tỷ USD cho các dự án về năng lượng và phát triển cơ sở hạ tầng. Tháng 6, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Sushma Swaraj đã tới Dhaka. Bangladesh là một nước láng giềng chủ chốt có thể giúp Ấn Độ kết nối tốt hơn với các vùng lãnh thổ phía Đông Bắc biệt lập về mặt địa lý của mình, kiềm chế chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo tập trung vào Ấn Độ và chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc tại Vịnh Bengal.

Sự rút lui của quân đội Mỹ và NATO khỏi Afghanistan sẽ để lại một khoảng trống quyền lực lớn trong khu vực mà ông Modi đang tìm cách để lấp đầy. Bằng việc đi đầu với tư cách là nước lớn nhất trong SAARC, Ấn Độ đang tìm cách thiết lập các quy tắc cho khu vực, nơi là quê hương của một nước Pakistan đối thủ không đội trời chung được vũ trang hạt nhân và đang ngày càng dễ bị tác động bởi ảnh hưởng của Trung Quốc. Trong những năm gần đây, dấu chân chiến lược của Trung Quốc tại khu vực láng giềng của Ấn Độ đã trở nên sâu sắc hơn, đặc biệt, thông qua việc đầu tư vào các cảng thương mại tại Pakistan, Sri Lanka, Bangladesh, và Myanmar. Tuy nhiên, những nước này bị “những con diều hâu” Ấn Độ nhìn nhận một cách nghi ngờ như một “chuỗi ngọc trai” nhằm mục đích bao vây Ấn Độ và kiềm chế sự mở rộng của nước này đồng thời cùng giám sát các hoạt động hải quân của Ấn Độ. Trong khi những cảng này tại lúc này vẫn có giá trị thương mại, việc Trung Quốc làm sâu sắc thêm mối quan hệ với các nước láng giềng của Ẩn Độ thông qua viện trợ quân sự và kinh tế cùng các dự án cơ sở hạ tầng nổi bật là mối lo ngại thực sự. Chẳng hạn, khoảng ¾ lượng xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc được bán cho ba nước láng giềng Nam Á của Ấn Độ: Bangladesh, Myanmar và Pakistan.

Tham gia Đông Á

Trọng tâm của những hoạt động vận động tại Đông Á của ông Modi là điệu waltz Trung Quốc - Nhật Bản của ông. Ông Modi chia sẻ một mối liên kết cá nhân với cả Nhật Bản và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Ông Modi đã tới Nhật Bản hai lần với tư cách là Thủ hiển bang Gujarat - Nhật Bản không theo gót Mỹ và châu Âu trong việc đặt lệnh cấm đi lại với ông Modi sau các cáo buộc về vai trò của ông trong cuộc thảm sát Gujarat năm 2002. Ông Modi là một trong số bốn người duy nhất ông Abe theo dõi trên Twitter (bên cạnh Bộ trưởng Bộ Nội vụ Ấn Độ Rajnah Singh), và trong suốt chuyến viếng thăm 5 ngày của ông Modi tới Nhật Bản vào tháng 8- 9/2014, ông đã được đón tiếp ở Kyoto bằng một cái ôm thật chặt từ vị Thủ tướng Nhật Bản thường cứng nhắc. Trong suốt chuyến viếng thăm đó, Nhật Bản đã nâng quan hệ của mình với Ấn Độ lên mức “quan hệ đối tác chiến lược toàn cầu đặc biệt” và cam kết đầu tư 35 tỷ USD vào phát triển năng lượng và cơ sở hạ tầng của Ấn Độ, ngoài việc tăng gấp đôi FDI trong vòng 5 năm tới.

Một dự án tàu cao tốc hay tàu Shinkansen trị giá 10 tỷ USD và một thỏa thuận hợp tác sản xuất đất hiếm cũng đã được công bố (Ấn Độ chiếm khoảng 2,2% trữ lượng đất hiếm trên thế giới). Mặc dù một thỏa thuận năng lượng hạt nhân nhiều người trông đợi đã không được ký kết, hợp tác năng lượng và quan hệ quân sự đã được tăng cường đáng kể. Hai nước cũng nhất trí thiết lập một thỏa thuận an ninh “2+2” để đưa các bộ trưởng quốc phòng và ngoại giao đến với nhau, tổ chức các cuộc tập trận hàng hải thường xuyên và Nhật Bản sẽ tiếp tục tham gia các cuộc tập trận quân sự giữa Ấn Độ và Mỹ. Tại Tokyo, ông Modi cũng lên án “vistar vaad” hay khuynh hướng bành trướng của “một số nước” đang “dính líu vào việc xâm phạm và tiến vào vùng biên của các nước khác” - một ám chỉ úp mở tới chủ nghĩa bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc.

Mặc dù Ấn Độ có tranh chấp biên giới riêng với Trung Quốc, ông Modi cũng không phải người bài Trung. Ông đã tới Trung Quốc bốn lần trước khi trở thành Thủ tướng để cố đạt được các khoản đầu tư vào Gujarat. Tại đó, cũng như tại Nhật Bản, ông cũng được tiếp đón với nghi lễ trọng thể dành riêng cho nguyên thủ quốc gia. Ông Modi là một người ngưỡng mộ sự phát triển của Trung Quốc và cảm thấy thoải mái giữa các nhà kỹ trị ở Bắc Kinh. Vào một trong những chuyển viếng thăm của mình, ông không chỉ mang theo những tấm danh thiếp đỏ in bằng tiếng Quan thoại, mà còn tuyên bố rằng “Trung Quốc và người dân nước này có một vị trí đặc biệt trong trái tim tôi”. Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã tới Ấn Độ ngay sau khi ông Modi được bầu trong khi ông Modi đã gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hội nghị Thượng đinh BRICS được tổ chức tại Brazil từ ngày 14 - 16/6/2014.

Tập Cận Bình đã kết thúc chuyến viếng thăm ba ngày tới Ấn Độ bằng việc ghé qua Ahmedabad (quê hương của Modi) vào ngày 17/9, sinh nhật thứ 64 của ông Modi. Chuyến viếng thăm có tính biểu tượng rất cao và đánh dấu sự khởi đầu của các khoản đầu tư lớn hơn của Trung Quốc vào Ấn Độ - Theo Ủy ban Châu Âu, Trung Quốc chỉ đầu tư 400 triệu USD vào Ấn Độ trong thập kỷ trước, so với số cổ phiếu FDI trị giá 26,8 tỷ euro mà Bắc Kinh nắm giữ tại EU vào cuối năm 2012. Tập Cận Bình là vị chủ tịch Trung Quốc đầu tiên viếng thăm Ấn Độ trong 8 năm và đã đưa theo một phái đoàn gồm khoảng 135 nhà lãnh đạo doanh nghiệp, 12 bản thỏa thuận đã được ký kết cả thảy. Trung Quốc cam kết đầu tư 20 tỷ USD vào các lĩnh vực sản xuất và cơ sở hạ tầng của Ấn Độ, nhất trí xây dựng kết nối đường sắt cao tốc và xây dựng hai khu công nghiệp tại các bang Gujarat và Maharashtra của Ấn Độ. Chuyến viếng thăm cũng chứng kiến việc kết nghĩa của hai thủ đô thương mại Mumbai và Thượng Hải cũng như Ahmedabad với Quảng Châu. Bên cạnh đó, một kế hoạch phát triển kinh tế và thương mại 5 năm cũng được nhất trí, và được hoan nghênh nhiệt liệt ở New Delhi do thâm hụt thương mại lớn của Ấn Độ với Trung Quốc (khoảng 36,2 tỷ USD trên tổng thương mại 66 tỷ USD trong năm 2013).

Một dấu hiệu của chính sách đối ngoại mới của ông Modi là khả năng của ông trong việc thu hút cả Trung Quốc lẫn Nhật Bản đầu tư vào Ấn Độ mà không kích động một trong hai bên. Tuy nhiên, ông Modi cũng cảnh giác với Trung Quốc trên một vài khía cạnh. Để đối phó với “Con đường tơ lụa trên biển” mới của Trung Quốc mà sẽ liên kết châu Âu với Trung Quốc qua Ấn Độ Dương, ông Modi sẽ sớm khởi động một sáng kiến về chính sách đối ngoại mới, “Dự án Mausam”. Dựa trên mô hình gió mùa theo thời vụ được các thủy thủ Ấn Độ cổ xưa sử dụng, Mausam sẽ trải dài từ Đông Phi đến Indonesia, đem lại cho Ấn Độ quyền kiểm soát mạnh mẽ đối với Ấn Độ Dương bằng cách làm sâu sắc hơn quan hệ với các quốc gia ven biển. Chẳng hạn, Ấn Độ gần đây đã tăng cường hợp tác quốc phòng với Maldives và Sri Lanka (theo sau chuyến viếng thăm của Tập Cận Bình tới những nước này trước khi tới Ấn Độ), trong khi bốn tàu chiến Ấn Độ hiện đang neo đậu theo một thoả thuận 2 tháng ngoài khơi vùng biển Đông Phi và phía Nam Ấn Độ Dương. (Xem tiếp phần 2)

Nguồn:

Cùng chuyên mục