Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Chính sách đối ngoại của Ấn Độ với việc thực thi hiệp định Geneva tại Việt Nam (1954-1958) và với tranh chấp Biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc: nhìn từ góc độ của chủ nghĩa lý tưởng (Phần 1)

Chính sách đối ngoại của Ấn Độ với việc thực thi hiệp định Geneva tại Việt Nam (1954-1958) và với tranh chấp Biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc: nhìn từ góc độ của chủ nghĩa lý tưởng (Phần 1)

Chủ nghĩa lý tưởng là một trong những học thuyết quan hệ quốc tế có ảnh hưởng và dấu ấn trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ sau ngày độc lập. Trong lịch sử quan hệ đối ngoại của Ấn Độ với Việt Nam giai đoạn từ 1947 đến nay, chính sách đối ngoại của Ấn Độ với Việt Nam (1954 - 1958) và quan điểm của Ấn Độ với vấn đề Biển Đông của Việt Nam trong thời gian gần đây là những ví dụ minh chứng cho hướng tiếp cận của trường phái lý tưởng trong lĩnh vực đối ngoại của Ấn Độ. Bài viết tập trung vào 3 nội dung chính: nội dung, đặc điểm của chủ nghĩa lý tưởng trong quan hệ quốc tế; chính sách đối ngoại của Ấn Độ với việc thực thi Hiệp định Geneva tại Việt Nam (1954-1958) và Quan điểm của Ấn Độ đối với tranh chấp Biển Đông giữa Trung Quốc và Việt Nam.

05:07 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

ThS Phùng Thị Thảo*

Chủ nghĩa lý tưởng trong quan hệ quốc tế

Là một trong hai hướng tiếp cận truyền thống trong nghiên cứu quan hệ quốc tế, hướng tiếp cận của chủ nghĩa lý tưởng bắt nguồn từ ý tưởng chung về tiến bộ cách mạng và tinh thần của chủ nghĩa lý tưởng tự do vốn nằm trong các chính sách của nước Mỹ, đặc biệt là những chính sách được thực hiện trong thời kỳ giữa 2 cuộc chiến tranh thế giới. Trong suốt thời kỳ này (1919-1939), Tổng thống Mỹ Woodrow Wilson được coi là đại diện tiêu biểu nhất cho hướng tiếp cận của chủ nghĩa lý tưởng. Bên cạnh đó, Mahatma Gandhi, Bertrand Russell, Aldous Huxley, William Ladd, Richard Cobben, Margret Mead cũng là những nhà tư tưởng ủng hộ cho chủ nghĩa lý tưởng trong quan hệ quốc tế.

* Chủ trương của chủ nghĩa lý tưởng

Các nhà tư tưởng ủng hộ cho hướng tiếp cận của chủ nghĩa lý tưởng không đồng tình với quan điểm cho rằng quan hệ quốc tế nên được, hoặc phải được tuân theo mệnh lệnh của sức mạnh chính trị. Họ không tin rằng việc giành, giữ và sử dụng sức mạnh là bản chất của quan hệ quốc tế. Chính sách đối ngoại nên được định hình theo hướng hợp tác và theo các chuẩn mực đạo đức. Chủ nghĩa lý tưởng nhấn mạnh: phải coi các nguyên tắc đạo đức, các chuẩn mực đạo đức cao hơn việc theo đuổi quyền lực và phải coi các thể chế cao hơn các quyền lợi, đó sẽ phải là những điều định hình nên quan hệ giữa các quốc gia.

Các nhà chủ nghĩa lý tưởng còn khẳng định chiến tranh và tình trạng vô chính phủ trong quan hệ quốc tế không phải là không thể tránh được, tần suất của chiến tranh có thể được giảm thiểu nhờ việc củng cố, cải tổ các thể chế quốc tế. Họ cũng cho rằng chiến tranh là vấn đề mang tính toàn cầu, do vậy, đòi hỏi phải có sự tập trung nỗ lực hợp tác từ nhiều phía và một chủ không thể đơn phương giải quyết. Xã hội quốc tế phải được tổ chức lại để loại trừ các thể chế dễ gây ra chiến tranh và các nhà nước phải cải tổ lại hệ thống chính trị của họ để quyền tự quyết cùng với sự quản lý một cách dân chủ từ bên trong mỗi nhà nước có thể giúp làm dịu mối quan hệ giữa các nhà nước. Do vậy các nhà lý tưởng chủ nghĩa kêu gọi thành lập các thể chế dân chủ nội bộ như quan điểm của Tổng thống Wood Wilson. Bởi ông cho rằng dân chủ sẽ khiến thế giới được an toàn và tránh khỏi chiến tranh vì các nền dân chủ sẽ khó xảy ra chiến tranh với nhau [Ngô Phương Nghị, Nguyễn Thanh Tùng, Đào Ngọc Tuấn, 2015, tr.54-63].

Nhìn chung, các nhà tư tưởng ủng hộ hướng tiếp cận này nhấn mạnh ảnh hưởng của tư tưởng tới hành vi. Họ khuyến khích hợp tác toàn cầu thông qua các thể chế quốc tế, đề cao việc tuân thủ luật pháp quốc tế, giải giáp vũ trang và giải quyết các xung đột quốc tế bằng các biện pháp hòa giải ngoại giao, đàm phán thương lượng. Họ cũng khuyến khích sử dụng sức mạnh của tư tưởng thông qua giáo dục để đánh thức dư luận thế giới chống lại chiến tranh…

Tóm lại, trên phương diện đề xuất giải pháp cho các vấn đề quốc tế, những người theo trường phái này chủ trương: thành lập các tổ chức quốc tế để thay thế hệ thống thứ bậc, thay thế hệ thống vô chính phủ, thay thế hệ thống cân bằng lực lượng bởi các hệ thống này luôn có xu hướng gây chiến tranh. Các tổ chức quốc tế với mục đích này sẽ bao gồm các quốc gia, lãnh thổ độc lập; xây dựng các hệ thống luật pháp để kiểm soát chiến tranh. Họ kêu gọi sử dụng các biện pháp luật pháp xuyên quốc gia như các biện pháp trọng tài và phán xét để giải quyết tranh chấp quốc tế, ngăn cản các biện pháp dẫn đến chiến tranh; thực hiện giải trừ quân bị để qua đó loại trừ chiến tranh trong đời sống quốc tế [Đoàn Văn Thắng, 2003, tr.238-239].

Chính sách đối ngoại của Ấn Độ với Việt Nam giai đoạn 1954-1958: Nhìn từ góc độ của chủ nghĩa lý tưởng

* Thái độ trung lập của Ấn Độ với Việt Nam (giai đoạn 1946-1953)

Trong giai đoạn 1946-1954, sự ủng hộ của Ấn Độ dành cho Việt Nam Dân chủ cộng hòa đơn thuần chỉ nằm trong giới hạn lời nói. Và nhìn chung, Ấn Độ tỏ thái độ trung lập trước cuộc chiến tranh của Pháp tại Việt Nam. Trước thời điểm Ấn Độ giành được độc lập, Nehru đứng ra triệu tập Hội nghị châu Á (tháng 3-4/1947). Đáng lưu ý, Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa (The Democratic Republic of Vietnam – DRV) và Chính quyền bù nhìn Bảo Đại vốn nhận được sự bảo trợ của Pháp đều được mời tham dự hội nghị kể trên. Như vậy với động thái này, Nehru từ chối công nhận DRV đại diện cho toàn thể nhân dân Việt Nam. Tuy nhiên, bước sang giai đoạn tiếp theo Ấn Độ đã chủ động đóng vai trò hòa giải xung đột giữa Bắc và Nam Việt Nam, chủ trương giải quyết xung đột 2 miền Việt Nam bằng biện pháp hòa bình.

* Chủ động đóng vai trò hòa giải xung đột quốc tế, chủ trương giải quyết xung đột bằng biện pháp hòa bình (giai đoạn 1954 – 1958)

Trong giai đoạn từ 1954 – 1964, Việt Nam trải qua và chứng kiến nhiều biến động lịch sử trọng đại. Trước tiên, cuộc tổng tiến công chiến lược đông – xuân (1953-1954) với đỉnh cao là trận chiến quyết định mang tên chiến lược Điện Biên Phủ. Trận Điện Biên Phủ đã đánh bại ý chí duy trì Đông Dương là lãnh thổ thuộc Liên hiệp Pháp của Pháp và buộc nước này ra khỏi Đông Dương. Ngày 8/5/1954, hội nghị Geneva về vấn đề khôi phục hòa bình ở Đông Dương được nhóm họp. Trải qua 8 phiên họp toàn thể và 23 phiên họp hẹp, ngày 21/7/1954, các hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, Lào và Campuchia lần lượt được ký kết. Bản tuyên bố cuối cùng về việc lập lại hòa bình ở Đông Dương đã được đại diện các nước dự hội nghị chấp thuận cam kết chính thức. Bản tuyên bố cuối cùng của Hội nghị Geneva gồm 13 điều [Lê Mậu Hãn (cb.), 2008, tr.125]. Cùng với Tuyên bố chung, trước đó Hiệp định Geneva còn bao gồm cả 3 Hiệp định đỉnh chỉ chiến sự tại Đông Dương, trong đó có Việt Nam.

Để giám sát việc thực thi Hiệp định Geneva tại Việt Nam, Ấn Độ được bầu làm Chủ tịch của Ủy ban Đình chiến quốc tế. Điều này được qui định cụ thể tại Điều 34 trong Chương VI của Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, như sau: “Thành lập một Ban quốc tế phụ trách giám sát và kiểm tra sự áp dụng các điều khoản của Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam. Ban ấy gồm một số đại biểu bằng nhau của các nước sau đây: Ấn Độ, Ba Lan, Canada. Ban ấy do đại biểu Ấn Độ làm chủ tịch”[Kho lưu trữ Trung ương Đảng, 1954]. 

Nhiệm vụ, chức trách của Ủy ban đình chiến quốc tế được qui định tại điều 36 của Chương này: “Ban Quốc tế phụ trách việc giám sát việc 2 bên thi hành những điều khoản của Hiệp định. Nhằm mục đích đó, Ban Quốc tế làm những nhiệm vụ kiểm soát, quan sát, kiểm tra và điều tra có liên quan đến việc thi hành những điều khoản của Hiệp định đình chỉ chiến sự, và nhất là phải:

  • Kiểm soát những việc đi lại của các lực lượng vũ trang của hai bên, tiến hành trong phạm vi kế hoạch tập hợp.
  • Giám sát giới tuyến vùng tập hợp và vùng phi quân sự.
  • Kiểm soát những việc thả tù binh và thương nhân bị giam giữ”.

Đặc biệt, khi đề cập đến nguyên tắc vận hành của Ban Quốc tế, Điều 41 đã qui định rõ: “Những kiến nghị của Ban Quốc tế được thông qua theo đa số, trừ đối với những điều khoản ở Điều 42. Trường hợp số phiếu hai bên ngang nhau, thì phiếu của Chủ tịch Ủy ban là phiếu quyết định” [Kho lưu trữ Trung ương Đảng, 1954].

Trong giai đoạn 5 năm sau ngày Hiệp định Geneva về việc đình chiến được ký kết, từ vai trò là thành viên đàm phán quan trọng tại Hội nghị Geneva (mặc dù không phải chính thức) đến tư cách là tác nhân thúc đẩy các nguyên tắc được nhấn mạnh trong việc lập lại hòa bình, đồng thời giám sát các hiệp định ngừng bắn tại Đông Dương nói chung, tại Việt Nam nói riêng, về cơ bản Ấn Độ duy trì quan điểm ủng hộ Bắc Việt Nam hơn so với Nam Việt Nam. Với vai trò Chủ tịch của Ủy ban đình chiến tại Việt Nam (the International Commission for Supervisionn and Control in Vietnam – ICV), Ấn Độ phản đối những nỗ lực nhằm chống lại Hiệp định Geneva [Ramesh Thakur, 1979, p.961].

Trên thực tế, khi tham dự Hội nghị Geneva, Đoàn đại biểu của Quốc gia Việt Nam (do Nguyễn Quốc Định làm trưởng đoàn sau là Nguyễn Trung Vinh, cuối cùng là Trần Văn Đỗ) đã kịch liệt phản đối và lên án các Hiệp định được ký kết thông qua Hội nghị Geneva. Trước khi Hội nghị Geneva đi đến những vòng đàm phán cuối cùng, thực dân Pháp đã công nhận độc lập của Quốc gia Việt Nam, thậm chí còn cho rằng Quốc gia Việt Nam có vị trí ngang bằng với Pháp trong khối liên hợp Pháp. Tuy nhiên, trong Hội nghị Geneva, Đoàn đại biểu của Pháp (do Georges Bidault làm trưởng đoàn) đã lên tiếng phát ngôn cho Quốc gia Việt Nam mà không xin ý kiến của Ngoại trưởng Trần Văn Đỗ. Trần Văn Đỗ phản đối kịch liệt việc chia cắt Việt Nam thành 2 miền Nam – Bắc, đồng thời đề xuất Liên hợp quốc tìm kiếm một giải pháp khác. Tuy nhiên, những đề xuất của ông đã không được lắng nghe. Vì thế ngay từ thời điểm diễn ra các vòng đàm phán của Geneva cho đến khi Ủy ban chính thức bắt tay vào nhiệm vụ, Nam Việt Nam đã có thái độ không hài lòng, không ủng hộ đối với Ủy ban. Nhiều khi Nam Việt Nam còn tỏ thái độ thờ ơ, lạnh nhạt, thậm chí đối đầu với ICV tại Nam Việt Nam. Ngược lại, về phần mình, Bắc Việt Nam thường xuyên tuyên bố sẽ hoàn toàn hợp tác với ICV và quyết tâm đến cùng để thực hiện Hiệp định Geneva.

Thái độ trái ngược đó của Bắc Việt Nam và Nam Việt Nam được thể hiện sinh động qua cách đón tiếp Thủ tướng Nehru trong chuyến công du của ông tới 2 miền Bắc và Nam Việt Nam diễn ra 3 tháng sau khi Ấn Độ nắm giữ chức vụ Chủ tịch của ICV [D.R. SarDesai, 1968, p.76]. Tháng 10/1954, sau khi tới thăm Bắc Kinh – Trung Quốc, Jawaharlal Nehru đã ghé thăm Hà Nội – vốn vừa được Pháp chuyển giao quyền kiểm soát cho Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Từ Dinh Chủ tịch nước, Hồ Chí Minh đã tới gặp vị lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Ấn Độ - tình cờ là nhà lãnh đạo cấp cao nước ngoài đầu tiên đặt chân tới Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tới chào Thủ tướng Nehru, dành tặng riêng cho vị khách quý này cái ôm nồng ấm và thân thiện. Báo chí, truyền thông của Bắc Việt Nam ra sức ca ngợi, tán dương chuyến thăm của Thủ tướng Nehru, đồng thời tôn vinh ông là người chiến sĩ bảo vệ hòa bình của thế giới và nhân loại. Hồ Chí Minh đảm bảo với Nehru rằng Người sẽ hợp tác tối đa với Ủy ban đình chiến quốc tế để thực hiện Hiệp định Geneva, đồng thời cố gắng hết sức trong việc giải quyết những vấn đề tuân thủ theo nguyên tắc tôn trọng hòa bình, độc lập của các nước Đông Dương mà không cần đến sự can thiệp của nước người. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định rằng ông hoàn toàn tin tưởng vào 5 nguyên tắc đã được Thủ tướng Ấn Độ và Thủ tướng Trung Quốc đã ký kết vào tháng 4/1954. Quan trọng hơn, Chủ tịch Hồ Chí Minh mong mỏi những nguyên tắc đó sẽ được áp dụng trong việc xây dựng, duy trì và phát triển quan hệ của Việt Nam với Lào, Campuchia cũng như với các quốc gia khác.  

Trong khi đó, khi đặt chân tới Sài Gòn theo lời mời của Thủ tướng Ngô Đình Diệm, Nehru được chào đón bằng hàng loạt các đám đông có thái độ thù địch với vô số các áp phích có hình ảnh cùng những lời lẽ đầy kích động. Ngay tại sân bay – nơi Ngô Đình Diệm đón Thủ tướng Nehru – hàng tá những cuốn sách mỏng được phát đi với nội dung chống lại chính sách cùng tồn tại của Ấn Độ. Những cuốn sách đều có chữ ký của Tướng Hinh và chỉ huy quân đội của 3 giáo phái Cao Đài, Hòa Hảo và Bình Xuyên. Bên ngoài Dinh của Ngô Đình Diệm, thậm chí một thành viên trong đoàn biểu tình còn gào to khẩu hiệu: “Chào đón Thủ tướng Ấn Độ, đả đảo tinh thần cùng tồn tại hòa bình”[D.R. SarDesai, 1968, p.90]. Mặc dù nhận được sự tiếp đón chu đáo và trang trọng từ Chính quyền Miền Nam, Nehru vẫn phải chứng kiến cảnh biểu tình diễn ra khắp những nơi ông đặt chân đến. Những cuộc biểu tình như thế chắc chắn đã không có thể diễn ra nếu như không có sự khuyến khích của Chính quyền Nam Việt Nam. (Xem tiếp phần 2)


* Bộ môn Ấn Độ học, Khoa Đông phương học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. 

Nguồn:

Cùng chuyên mục