Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Chính sách đối ngoại của Ấn Độ với việc thực thi hiệp định Geneva tại Việt Nam (1954-1958) và với tranh chấp Biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc: nhìn từ góc độ của chủ nghĩa lý tưởng (Phần 2)

Chính sách đối ngoại của Ấn Độ với việc thực thi hiệp định Geneva tại Việt Nam (1954-1958) và với tranh chấp Biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc: nhìn từ góc độ của chủ nghĩa lý tưởng (Phần 2)

Chủ nghĩa lý tưởng là một trong những học thuyết quan hệ quốc tế có ảnh hưởng và dấu ấn trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ sau ngày độc lập. Trong lịch sử quan hệ đối ngoại của Ấn Độ với Việt Nam giai đoạn từ 1947 đến nay, chính sách đối ngoại của Ấn Độ với Việt Nam (1954 - 1958) và quan điểm của Ấn Độ với vấn đề Biển Đông của Việt Nam trong thời gian gần đây là những ví dụ minh chứng cho hướng tiếp cận của trường phái lý tưởng trong lĩnh vực đối ngoại của Ấn Độ. Bài viết tập trung vào 3 nội dung chính: nội dung, đặc điểm của chủ nghĩa lý tưởng trong quan hệ quốc tế; chính sách đối ngoại của Ấn Độ với việc thực thi Hiệp định Geneva tại Việt Nam (1954-1958) và Quan điểm của Ấn Độ đối với tranh chấp Biển Đông giữa Trung Quốc và Việt Nam.

05:02 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

(Tiếp theo phần 1)

ThS Phùng Thị Thảo*

Giữa năm 1955 có lẽ là thời điểm chứng kiến điểm khủng hoảng nhất trong lịch sử quan hệ giữa Ấn Độ và Nam Việt Nam. Cụ thể, vào ngày 16/7/1955, Ngô Đình Diệm thẳng thừng tuyên bố rằng Chính phủ của ông không công nhận Hiệp định Geneva trên tất cả các phương diện. Trên sóng phát thanh được truyền đi, Ngô Đình Diệm tuyên bố: “Nam Việt Nam không bị ràng buộc với bất kỳ những hiệp định vốn được ký kết nhằm chống lại nhân dân Việt Nam [Ramesh Thakur, 1979, p.962]. Tuy nhiên, Diệm cũng không phản đối nguyên tắc tổng tuyển cử tự do với tư cách là giải pháp hòa bình và dân chủ để đạt được mục tiêu thống nhất Việt Nam. Đồng thời, Diệm cũng bổ sung Chính quyền Nam Việt Nam không quan tâm đến việc cân nhắc đến bất kỳ đề xuất nào từ Chính quyền Bắc Việt Nam nếu như không có bằng chứng thuyết phục nào chỉ ra rằng Bắc Việt Nam đặt lợi ích tối cao của toàn thể nhân dân Việt Nam lên trên lợi ích của Chính quyền Cộng sản, nếu như Bắc Việt Nam không chấm dứt các hoạt động khủng bố, các biện pháp chuyên quyền, nếu Bắc Việt Nam không từ bỏ việc vi phạm các trách nhiệm, khi Bắc Việt Nam ngăn cản người dân miền Bắc di cư vào miền Nam.

Cũng trong thời gian này, Ngô Đình Diệm thường xuyên đưa ra những lời bình luận tiêu cực đối với Hiệp định Geneva cũng như các hoạt động của ICV. Theo Ngô Đình Diệm, thành tựu sẽ chẳng đạt được trong khi còn mất đi nhiều điều nếu Hiệp định Geneva tiếp tục có hiệu lực và Ủy ban đình chiến tiếp tục hoạt động tại Việt Nam. Để giải thích cho thái độ không chào đón Hiệp định Geneva của Chính quyền Nam Việt Nam, Ngô Đình Diệm cho rằng: “Với tư cách là đại diện của Việt Nam, nhưng cả đoàn đại biểu của Nam Việt Nam lẫn đoàn đại biểu của Bắc Việt Nam đều không chấp bút ký vào Hiệp định Geneva. Chính các tướng lĩnh Pháp mới là người đã ký các Hiệp định này, do vậy Nam Việt Nam không có trách nhiệm, nghĩa vụ phải thực hiện Hiệp định Geneva. Hơn nữa, quyền chỉ huy quân sự của Pháp đã được truyền giao vào tháng 7/1955, do đó không có thành viên nào của Hiệp định Geneva còn tồn tại ở Việt Nam” [D.R. SarDesai, 1968, p.90].

Điều đáng lưu ý, Chính quyền Nam Việt Nam đã truyển tải quan điểm đó tới Hiệp định Geneva và ICV một cách quá khiếm nhã. Vào ngày 20/7/1955 – kỷ niệm tròn 1 năm ký kết Hiệp định Geneva, cả trăm sinh viên cầm gậy guộc, dao, búa tụ tập bên ngoài khách sạn của ICV hò hét và tuyên bố đây là “Ngày quốc nhục”. Những người biểu tình từng nhóm từng nhóm lao vào tất cả các phòng của 2 khách sạn, phá phách, cắt đường dây điện thoại, và đe dọa các vị khách. 44 thành viên của ICV, trong đó bao gồm cả Chủ tịch đã mất tư trang, hành lý cá nhân. Một thành viên khác của Ấn Độ trong Ủy ban đình chiến quốc tế tại Lào tới thăm Sài Gòn cũng bị tấn công và bị thương. Xe hơi của phái đoàn đỗ bên ngoài khách sạn cũng bị đốt cháy. Trong khi đó, Chính quyền Miền Nam Việt Nam lại tỏ ra bàng quan và thờ ờ trước vụ việc. 60 nhân viên cảnh sát có mặt đã không can thiệp vào vụ việc cho tới khi tình trạng cướp bóc và đốt phá kéo dài hơn tiếng rưỡi đồng hồ. Không chỉ vậy, các vụ biểu tình tương tự cũng nổ ra ở nhiều địa điểm khác tại miền Nam như Qui Nhơn, Nha Trang. Tại Qui Nhơn, một đám đông chừng 50.000 người đã biểu tình trước trụ sở của ICV, một vài người còn ném đá vào vị Chủ tịch ICV người Ấn Độ [D.R. SarDesai, 1968, p.91].

Trong khi đó, Thủ tướng Diệm coi những vụ bạo động này là “bằng chứng rõ ràng cho thấy quyết tâm của nhân dân Việt Nam trong việc chống lại chủ nghĩa cộng sản” [D.R. SarDesai, 1968, p.91].  Diệm cũng đính chính lại những thông tin được báo chí tung ra và cho rằng số người xâm nhập và 2 khách sạn kia ít hơn và chỉ có vài hư hỏng nhẹ bị gây ra bởi bầu không khí căng thẳng. Thậm chí, vào ngày hôm sau, trong bài phỏng vấn với Chủ tịch ICV Desai, Diệm tìm mọi cách để đổ trách nhiệm gây ra vụ biểu tình lên các phần tử cực đoan là những sinh viên từ Bắc Việt Nam. Desai không chấp nhận lời giải thích của Ngô Đình Diệm. Phía Ấn Độ coi vụ bạo động lần này là chủ ý của Chính quyền Nam Miền Nam nhằm phá hoại Hiệp định Geneva.

Những vụ biểu tình, bạo động nhằm vào phái đoàn ICV nói chung, vào đoàn Ấn Độ nói riêng xuất phát từ việc Nehru trước đó liên tục nhấn mạnh rằng hòa bình chỉ có thể đảm bảo tại khu vực Đông Nam Á thông qua việc giám sát và thực hiện các Hiệp định, đặc biệt là các điều khoản liên quan đến việc tổ chức cuộc tổng tuyển cử trên toàn lãnh thổ Việt Nam và thống nhất 2 miền Nam và Bắc Việt Nam. Chính sách này và quan điểm này của Nehru, ngay sau đó, liên tục được đăng tải trong các thông cáo báo chí với Phạm Văn Đồng (10/4/1955) với Josef Cryankiewicz (7/6/1955) và Marshal Bulganin (23/6/1955). Trong chuyến thăm tới London (8-10/7/1955 – 10 ngày trước khi nổ ra các cuộc bạo động kể trên), Nehru đã thảo luận vấn đề Việt Nam với Thủ tướng Eden. Cả Eden và Nehru đều cho rằng các cuộc bầu cử tự do nên được đảm bảo và Hiệp định Geneva nên được tôn trọng một cách đầy đủ. Còn về việc Chính quyền Nam Việt Nam cho rằng họ đã không ký kết vào Hiệp định Geneva và do vậy không có trách nhiệm phải thực hiện và tôn trọng nó, Nehru nhấn mạnh:

“Sự thực là Chính quyền Nam Việt Nam đã không ký vào Hiệp định Geneva nhưng thực ra họ không có tư cách để ký vào đó. Trên thực tế, lúc đó Pháp nắm quyền kiểm soát Nam Việt Nam và do vậy Pháp đã ký các hiệp định thay cho Chính quyền Nam Việt Nam. Pháp đã ký không phải cho bản thân nước Pháp mà cho chính quyền kế nhiệm của nước Pháp. Chính quyền Nam Việt Nam với tư cách kế nhiệm của Chính quyền Pháp tại miền Nam Việt Nam do vậy họ phải có trách nhiệm thực hiện Hiệp định. Đây cũng là điều mọi Chính quyền kế nhiệm đều phải làm. Sẽ không có chuyện chính quyền kế nhiệm lại chối bỏ những hiệp định mà chính quyền tiền nhiệm đã đạt được. Quan điểm này hoàn toàn hợp pháp” [D.R. SarDesai, 1968, p.93].  

* Thái độ ủng hộ Hiệp định Geneva của Ấn Độ: Vai trò quyết định của yếu tố tư tưởng và quan hệ quốc tế.

Nhìn từ góc độ tư tưởng, thái độ ủng hộ của Chính phủ Ấn Độ đối với Bắc Việt Nam trong giai đoạn 1954 – 1958, cũng như thái độ ủng hộ và bảo vệ Hiệp định Geneva của Ấn Độ có liên quan đến Hiệp định Panchsheel  [Phùng Thị Thảo 2015, tr.25-42]. Được ký kết vào ngày 29/4/1954, năm nguyên tắc Panchsheel trong Hiệp định giữa Cộng hòa Ấn Độ và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về việc trao đổi thương mại và giao dịch giữa vùng Tây Tạng của Trung Quốc - Ấn Độ [Ministry of External Affairs, Government of India] theo chúng tôi, chính là linh hồn cho hệ tư tưởng trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ. Được kết tinh từ những giá trị tư tưởng tôn giáo và chính trị truyền thống của Ấn Độ như tinh thần yêu chuộng hòa bình trong Phật giáo, nguyên tắc bất bạo động trong tư tưởng của Mahatma Gandhi, 5 nguyên tắc Panchsheel còn được gọi chung là 5 nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình (5 principles of peaceful co-existence), bao gồm:

  • Cùng tôn trọng chủ quyền và thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của nhau
  • Không xâm chiếm lẫn nhau
  • Không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau
  • Cùng bình đẳng và cùng hưởng lợi
  • Cùng chung sống hòa bình

5 nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình kể trên được ký kết đầu tiên giữa Ấn Độ với quốc gia láng giềng Trung Quốc nhằm điều phối mối quan hệ thương mại giữa Ấn Độ với khu vực Tây Tạng nói riêng, mối quan hệ giữa Ấn Độ - Trung Quốc nói chung. Tuy nhiên, 5 nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình, ngay sau ngày được ký kết, đã nhanh chóng đã được hấp thụ và trở thành những nội dung cốt yếu của Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến sự tại Việt Nam. Cụ thể, với 6 nội dung chính kể trên của Hiệp định Geneva, tới 3 nội dung (1, 2 và 4) có nội dung tương tự với các nguyên tắc Panchsheel trong đó nhấn mạnh đến nguyên tắc tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ cũng như tránh xa tình trạng can thiệp quân sự đồng thời biến Đông Dương thành khu căn cứ của nước ngoài.

Tại Ấn Độ, Hiệp định Geneva được tán dương như biểu tượng chiến thắng của hòa bình tại châu Á thông qua nguyên tắc cùng tồn tại. Phía Ấn Độ cũng cho rằng đây chính là chiến lợi phẩm cho năng lực lãnh đạo châu Á và lập trường, quan điểm châu Á trước thực dân phương Tây do Mỹ hậu thuẫn. Hay nói cách khác, Hiệp định Geneva là Hiệp định về đình chiến tại Đông Dương [Parimal Kumar Das, 1972, p.115]. Nhưng trên thực tế, Hiệp định đã trở thành niềm tự hào, niềm kiêu hãnh của Ấn Độ. Vì giới lãnh đạo nước này, điển hình là Nehru cho rằng Hiệp định chính là những ý tưởng mang màu sắc của 5 nguyên tắc Panchsheel đã được nhấn mạnh trong Hiệp định giữa Ấn Độ và Trung Quốc về vấn đề Tây Tạng (4/1954). Đó là nguyên tắc độc lập, trung lập và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Thế nên, việc thực thi Hiệp định Geneva thiếu hiệu quả cũng đồng nghĩa với thất bại của nguyên tắc Panchsheel, thất bại của hệ tư tưởng trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ tại Đông Dương và rộng hơn sẽ là châu Á.

Chúng tôi muốn lưu ý một điều, bản thân Nehru là người đã ý thức rất rõ mối liên hệ lịch sử lâu đời giữa Ấn Độ với Đông Nam Á nói chung, với các quốc gia Đông Dương, trong đó có Việt Nam nói riêng. Và trong mối liên hệ lịch sử lâu đời ấy, chúng ta có thể tìm thấy những ví dụ tiêu biểu cho thấy tầm ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ, tôn giáo Ấn Độ (đặc biệt là Phật giáo) đối với khu vực Đông Dương, cũng như đối với Việt Nam. Hay nói cách khác Phật giáo với chủ trương chung sống và yêu chuộng hòa bình đã được truyền bá vào đây từ rất sớm và đã đóng vai trò nhất định đối với đời sống của người dân bản địa. Điều này đồng nghĩa với việc văn hóa Ấn Độ có vị trí và tầm ảnh hưởng không thể chối cãi trong quá khứ.

Sau ngày Ấn Độ giành được độc lập từ thực dân Anh, Ấn Độ dưới thời Nehru càng mong muốn khẳng định vị trí và tầm ảnh hưởng ấy đối với Đông Nam Á nói chung, với Đông Dương nói riêng thông qua những giá trị văn hóa, tư tưởng truyền thống của Ấn Độ. Tư tưởng cùng chung sống hòa bình là giá trị cốt lõi như thế. Do vậy, cũng dễ hiểu khi Ấn Độ cương quyết với mục tiêu thực thi Hiệp định Geneva. Điều trùng hợp nằm ở chỗ Bắc Việt Nam cũng tôn trọng và đề cao việc thực hiện Hiệp định Geneva nói chung, các nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình nói riêng như tuyên bố mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần đưa ra ở phần nội dung trên. Thế nên không có gì ngạc nhiên khi Ấn Độ có chiều hướng ủng hộ Bắc Việt Nam, đồng thời liên tục kêu gọi các bên (chủ yếu là Pháp và Nam Việt Nam) thực thi nghiêm túc nội dung Hiệp định.

Chính sách của Ấn Độ với vấn đề Biển Đông của Việt Nam: Nhìn từ góc độ của chủ nghĩa lý tưởng

Biển Đông là tên gọi riêng của Việt Nam để nói đến vùng biển có tên quốc tế South China Sea (theo tiếng Anh) hay Mer de Chine méridionale (theo tiếng Pháp). Có diện tích khoảng 3.447.000 km², Biển Đông là biển rìa lục địa và là một phần của Thái Bình Dương, trải rộng từ Singapore tới eo biển Đài Loan. Biển Đông là biển lớn thứ tư thế giới sau biển Philippines, biển San Hô[1] và biển Ả Rập. Do nắm giữ vị trí địa lý đặc biệt quan trọng, Biển Đông đã và đang trở thành tâm điểm tranh chấp chủ quyền giữa nhiều quốc gia châu Á. Trong đó, quần đảo Hoàng Sa  - một trong bốn nhóm quần đảo, bãi ngầm lớn trên Biển Đông đang là nơi tranh chấp chủ quyền giữa Việt Nam, Trung Quốc và Đài Loan. Cùng với Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa thuộc Biển Đông là nơi tranh chấp chủ quyền của 6 quốc gia và lãnh thổ: Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei. (Xem tiếp phần 3)


[1] Biển San Hô là biển ven lục địa ở ngoài bờ đông bắc Australia.


* Bộ môn Ấn Độ học, Khoa Đông phương học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. 

Nguồn:

Viết bình luận

Bình luận

Cùng chuyên mục