Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Chính sách "Kết nối Trung Á" của Ấn Độ - Tìm kiếm những gì đã mất

Chính sách "Kết nối Trung Á" của Ấn Độ - Tìm kiếm những gì đã mất

Để cạnh tranh ảnh hưởng ở Trung Á với các cường quốc như Mỹ, Nga, Trung Quốc và Liên minh châu Âu, chính phủ Ấn Độ bắt đầu đẩy mạnh chính sách "Kết nối Trung Á" bằng tất cả các biện pháp có thể.

05:10 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Phát biểu trong cuộc thảo luận ngày 17/9/2014 tại Niu Đêli với Đại sứ Ấn Độ Nirupama Rao tại Mỹ, Đại sứ Mỹ tại Ấn Độ Nancy Powell khẳng định Chính phủ Mỹ sẽ hợp tác với Ấn Độ nhằm thúc đẩy vai trò ngày càng tăng của Niu Đêli trên thế giới, đồng thời Oasinhtơn có thể hợp tác với Niu Đêli và các nước Trung Á nhằm biến khu vực này thành địa điểm đầu tư hấp dẫn.

Để thực hiện mong muốn đó, Mỹ và Ấn Độ phải tăng cường can dự hơn nữa vào khu vực, đặc biệt khi Niu Đêli hiện tụt hậu trong khu vực so với các cường quốc khác và gần đây mới tuyên bố "Kết nối Trung và Nam Á" là mục tiêu chính sách đối ngoại của Ấn Độ đối với khu vực. Trong khi đó, trước sự hiện diện đáng kể của Trung Quốc và Nga trong khu vực, tương lai không chắc chắn của Ápganixtan, tiềm năng của Trung Á được coi là một trung tâm quá cảnh, năng lượng và thương mại xuyên lục địa sẽ đem lại nhiều lợi ích cho Mỹ và Ấn Độ nếu hai nước hợp tác với nhau. Nhưng điều đó không có nghĩa Oasinhtơn và Niu Đêli sẵn sàng hy sinh các mối quan hệ hợp tác với các nước khác chỉ vì hai nước được coi là các nước đồng minh lớn, dân chủ và đối đầu với Nga và Trung Quốc. 

Tuyên bố của Đại sứ Mỹ Nancy Powell được đưa ra trước khi lực lượng liên quân chuẩn bị rút khỏi Ápganixtan năm 2014 theo kế hoạch và một năm sau khi Mỹ công bố Chiến lược Con đường Tơ lụa Mới. Chiến lược này của Mỹ nhằm tạo thuận lợi cho việc qua lại và kết nối trong khu vực Á-Âu thông qua các sáng kiến thương mại, năng lượng và quá cảnh đã được một số nước trong và ngoài khu vực theo đuổi hoặc đưa ra các kế hoạch nhằm đạt được ưu thế ở khu vực Trung Á ngày càng quá đông đúc. Thúc đẩy các mối liên kết giữa Trung và Nam Á là một bộ phận lớn của Sáng kiến Con đường Tơ lụa Mới mà Ấn Độ-nước đến sau đang nỗ lực cạnh tranh giành ưu thế tại Trung Á- dường như bắt buộc phải theo đuổi thông qua tiến trình triển khai chính sách "Kết nối Trung Á" như Niu Đêli đã đề ra. Ông Shri Ahamed, Quốc Vụ khanh phụ trách Các Vấn đề Đối ngoại của Ấn Độ loan báo, chính sách mới của Ấn Độ được dựa trên cơ sở can dự chính trị, kinh tế và nhân dân với các nước Trung Á, cả khu vực cá nhân lẫn tập thể. 

Ấn Độ coi trọng hợp tác với Mỹ chủ yếu nhằm thúc đẩy chính sách này. Tháng 6/2012, Ấn Độ và Mỹ đồng ý tham khảo ý kiến ba bên về Ápganixtan. Cũng trong tháng đó, Niu Đêli tổ chức một diễn đàn của các nhà đầu tư quốc tế quan tâm tới hoạt động đầu tư tại Ápganixtan. Ấn Độ cũng đã cam kết viện trợ hơn nữa cho chương trình tái thiết Ápganixtan. Về cấp độ chiến lược, chính sách "kết nối" của Ấn Độ tìm cách giải quyết mối lo ngại an ninh khu vực của Niu Đêli tập trung chủ yếu vào Ápganixtan và Pakixtan để tạo lợi thế cho Ấn Độ so với các nước khác và thúc đẩy sức mạnh kinh tế khắp khu vực, nâng cao vị thế của Ấn Độ như một cường quốc. Về mức độ chiến thuật, Ấn Độ triển khai các kế hoạch nhỏ và lớn tại khu vực về kinh tế, chính trị, giáo dục, thương mại, năng lượng, quá cảnh, và quân sự trên cả cơ sở song phương lẫn đa phương. Cụ thể, Ấn Độ đang tìm cách thiết lập 14 đường bay kết nối với tất cả các nước khu vực và tăng cường phát triển các ngành công nghiệp như: công nghệ thông tin, năng lượng, ngân hàng, và dược phẩm để tạo điều kiện giao lưu kinh tế. Niu Đêli cũng góp phần phát triển cơ sở hạ tầng năng lượng khắp khu vực và một hệ thống điện tử kết nối với một trung tâm công nghệ thông tin lớn tại Ấn Độ.

Bên cạnh đó, Ấn Độ cũng dự định thành lập một Đại học Tổng hợp Ấn Độ-Trung Á ở Cưrơgưxtan và một quân y viện tại Tátgikixtan; nỗ lực triển khai đường ống dẫn dầu Tuốcmênixtan-Ápganixtan-Pakixtan-Ấn Độ (TAPI) và chú trọng phát triển hơn nữa các nguồn tài nguyên dầu lửa và thủy điện ở Trung Á để đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng của đất nước và giảm bớt một phần nhập khẩu năng lượng từ các nước Trung Đông. Tại Cadắcxtan, các công ty Ấn Độ đang khai thác nhiều mỏ than và thăm dò các khu vực dầu lửa. Tại Tátgikixtan, các công ty Ấn Độ tham gia một dự án thủy điện. Các nguồn tài nguyên nước khổng lồ của Tátgikixtan và Cưrơgưxtan nằm trong kế hoạch "CASA-1000" của Ấn Độ nhằm sản xuất điện từ hai nước này để cung cấp cho Ápganixtan và Pakixtan. Tại Udơbêkixtan, Ấn Độ triển khai các dự án công nghiệp dược phẩm, công nghệ thông tin, xây dựng, năng lượng, và các ngành công nghiệp khai thác mỏ. 

Trên cơ sở chính sách “kết nối”, Niu Đêli đang thúc đẩy thương mại với Trung Á hiện mới ở mức 500 triệu USD. Trong khi đó, thương mại của Trung Quốc với khu vực đạt 29 tỷ USD. Thương mại giữa Nga và Trung Á đạt gần 17 tỷ euro, khiến Nga trở thành đối tác thương mại lớn thứ ba sau Trung Quốc và Liên minh châu Âu. Nga và Trung Quốc đã đầu tư đáng kể trên các lĩnh vực năng lượng, thương mại, truyền thông và đặc biệt xây dựng nhiều đường ống dẫn khí đốt và dầu lửa, các tuyến đường bộ và đường hàng không nối hai quốc gia với Trung Á. Mátxcơva và Bắc Kinh cũng là một phần của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải gồm tất cả 5 nước Trung Á nhằm tăng cường hợp tác an ninh và hợp tác kinh tế. Mátxcơva là nước lãnh đạo Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể và Liên minh thuế quan gồm Bêralút, Nga, và Cadắcxtan. Trước tình hình đó, gần đây Ấn Độ tổ chức Cuộc Đối thoại Ấn Độ-Trung Á lần đầu tiên nhằm thúc đẩy can dự lâu dài với Trung Á trên các lĩnh vực khác nhau, kể cả thương mại và an ninh. Trên lĩnh vực an ninh, Ấn Độ tìm cách tăng cường hợp tác với các nước khu vực như chống khủng bố, huấn luyện quân sự, nghiên cứu và phát triển. Ấn Độ đã cải tạo và nâng cấp căn cứ không quân Ayni tại Tátgikixtan và phối hợp với các nhà chức trách Cưrơgưxtan thành lập một trung tâm nghiên cứu sinh học trên một quả núi của Cưrơgưxtan.

Nhưng Ấn Độ cũng cần sự hỗ trợ của các nước khu vực để thúc đẩy sự phát triển của Ápganixtan thành sợi dây liên kết giữa Trung và Nam Á. Sự phát triển của Ápganixtan sẽ là một phần quan trọng trong chính sách "kết nối" của Ấn Độ. Ápganixtan sẽ mở ra cánh cửa cho Ấn Độ phối hợp hoạt động với các nước Trung Á hiệu quả hơn. Để thực hiện điều đó, kế hoạch của Ấn Độ đầu tư 100 triệu USD ở bến cảng Chabahar thuộc Iran là công cụ. Kế hoạch mở rộng bến cảng của Iran và kết nối với Ápganixtan sẽ làm sâu sắc thêm các mối quan hệ của Ấn Độ với đất nước Iran giàu năng lượng và giúp Niu Đêli thâm nhập các thị trường Trung Á mà không cần phải dựa vào Pakixtan; đồng thời nâng cao hơn nữa vị trí của Ấn Độ so với Bắc Kinh-hiện đang giúp Ixlamabát xây dựng một bến cảng tại Gwadar để kết nối Trung Quốc và Vùng Vịnh.

Ấn Độ đã chi 136 triệu USD để kết nối Chabahar với đường vành đai tại Ápganixtan-nơi Niu Đêli đã đầu tư 2 tỷ USD vào cơ sở hạ tầng trong thập kỷ qua và tìm cách khai thác các tài nguyên của khu vực Hajigak trị giá từ 1 đến 3 nghìn tỷ USD. Hiện nay Ấn Độ muốn gắn kết Trung Á với Nam Á qua Ápganixtan. Nhưng để thành công Ấn Độ phải đầu tư khối lượng lớn các nguồn lực kinh tế, chính trị, quân sự, ngoại giao và tiếp tục đẩy mạnh các dự án tham vọng với các đối tác và các đối thủ cạnh tranh khác nhau. Biến Pakixtan thành một đối tác khu vực và giúp phát triển Ápganixtan như một sợi dây liên kết khu vực không phải nhiệm vụ dễ dàng.

Bên cạnh đó, thuyết phục các nước khu vực nhằm thực hiện can dự chiến lược của Ấn Độ cũng là vấn đề khó khăn. Một số quốc gia Trung Á có thể nghi ngờ Ấn Độ đang thúc đẩy một chương trình dân chủ trong khu vực. Hơn nữa, hợp tác với Oasinhtơn có thể cũng là một thách thức đối với Ấn Độ, bởi vì Mỹ không muốn đưa Iran vào các sáng kiến thương mại và quá cảnh khu vực Á-Âu. Và Ấn Độ cũng khó có thể triển khai hoạt động trong một khu vực có bầu không khí đầu tư ảm đạm và thúc đẩy can dự đa phương ở các nước Trung Á-hiện có nhiều rắc rối gây nên bởi các đối thủ cạnh tranh trong khu vực và các bất đồng. Tuy nhiên, Ấn Độ cũng có một số thuận lợi khi thúc đẩy chính sách kết nối Trung và Nam Á sau khi Liên Xô sụp đổ, can dự quân sự của Mỹ trong khu vực sau ngày 11/9 và sự phát triển của Ấn Độ và Trung Quốc trên sân khấu toàn cầu. Hơn nữa, các biện pháp chính sách đa chiều của các nước Trung Á cũng sẽ tạo cơ sở thuận lợi cho Ấn Độ để bù lại khoảng thời gian bị mất trong một khu vực đang thay đổi nhanh chóng.

Theo Jamestown Foundation

(http://nghiencuubiendong.vn/)

Nguồn:

Viết bình luận

Bình luận

Cùng chuyên mục