Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Chính sách kinh tế Modinomics của Ấn Độ và sự tác động tới cục diện châu Á - Thái Bình Dương (Phần 1)

Chính sách kinh tế Modinomics của Ấn Độ và sự tác động tới cục diện châu Á - Thái Bình Dương (Phần 1)

Chính sách kinh tế Modinomics, sau hơn hai năm được triển khai, đã mang đến luồng sinh khí mới cho tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ. Sự trỗi dậy mạnh mẽ của Ấn Độ cùng với quyết tâm tăng cường can dự vào khu vực châu Á - Thái Bình Dương dưới thời Thủ tướng Narendra Modi có tác động mạnh mẽ tới quan hệ quốc tế, mang đến những chuyển động mới trong cục diện khu vực.

05:59 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Chính sách kinh tế Modinomics

Trong cuộc bầu cử năm 2014, Liên minh Dân chủ quốc gia (NDA) do Đảng Nhân dân Ấn Độ của ông N. Modi làm nòng cốt đã giành chiến thắng tuyệt đối, có quyền thành lập chính phủ mà không cần liên minh với các đảng khác. Sự tỏa sáng của “mô hình Gujarat” mà ông N. Modi trong vai trò là người lãnh đạo đã tạo ra một cơ sở vững chắc khơi dậy niềm tin của người dân Ấn Độ về một tương lai tốt đẹp hơn khi những chính sách mà ông đã áp dụng thành công ở bang Gujarat được triển khai trên toàn bộ đất nước này. Các quyết sách đem lại sự thịnh vượng và phồn vinh cho người dân Gujarat trở thành nền tảng cho chính sách kinh tế mới - chính sách Modinomics của ông N. Moditrong vai trò Thủ tướng Ấn Độ.

Được đánh giá có tầm quan trọng tương tự như với chính sách cải cách kinh tế của cố Thủ tướng Ấn Độ Na-ra-xim-ha Rao (Narasimha Rao) những năm 90 của thế kỷ trước, chính sách Modinomics của Thủ tướng Ấn Độ N. Modi được kỳ vọng sẽ mang đến một “bước ngoặt” quan trọng cho nền kinh tế và đất nước Ấn Độ. Trong cuốn “Modinomics - kinh tế toàn diện, quản trị toàn diện” được xuất bản ngay trước khi cuộc bầu cử thủ tướng diễn ra, tác giả Sameer Kochhar đã giải mã chính sách Modinomics dựa trên những thành công của “mô hình Gujarat”. Theo đó, chính sách Modinomics là sự kết hợp và cân bằng giữa những cải cách toàn diện về kinh tế và những cải cách sâu rộng về quản trị hay cách thức điều hành, quản lý nhà nước của Chính phủ Ấn Độ trong điều kiện và tình hình mới. Ấn Độ bắt đầu thực hiện những cải cách kinh tế từ năm 1991 và đã thúc đẩy nền kinh tế nước này tăng trưởng nhanh chóng.

Tuy nhiên, khác với giai đoạn trước đó khi cải cách chỉ chú trọng vào kinh tế mà chưa quan tâm thích đáng đến tầm quan trọng của cải cách quản trị, thì cải cách kinh tế và quản trị đã trở thành hai trụ cột trong chính sách mới của Thủ tướng N. Mô-đi. Bên cạnh đó, không chỉ bao hàm những cải cách toàn diện về kinh tế và quản trị, chính sách Modinomics còn đề cao tầm quan trọng của sự lãnh đạo, sáng kiến, tính kiên cường, niềm đam mê, cam kết và trên hết là tinh thần đổi mới được dẫn dắt bằng một tầm nhìn bứt phá. Khả năng lãnh đạo hiệu quả, sự quyết đoán của Thủ tướng N. Moditrong việc triển khai các chính sách thu hút đầu tư, tạo việc làm và thúc đẩy tăng trưởng đã mang đến thành công cho “mô hình Gujarat”. Giờ đây, chính sách Modinomics là “chìa khóa” giúp Thủ tướng N. Modi nhân rộng thành công “mô hình Gujarat” trên quy mô toàn đất nước trong thời kỳ mới.

Nhậm chức Thủ tướng Ấn Độ trong bối cảnh đất nước gặp nhiều khó khăn, tăng trưởng kinh tế suy giảm sâu, ông N. Modi đã áp dụng chính sách Modinomics, trong đó đặt ưu tiên hàng đầu là phục hồi nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng và tạo môi trường thân thiện, điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Chính phủ của Thủ tướng N. Modi đặc biệt coi trọng phát triển những lĩnh vực chủ chốt vì sự tăng trưởng toàn diện của Ấn Độ, trong đó bao gồm kết cấu hạ tầng, các mạng lưới quang học, ngư nghiệp và đẩy mạnh ngành công nghiệp chế tạo trong nước. Hệ thống kết cấu hạ tầng tại Ấn Độ còn tồn tại nhiều yếu kém, chưa theo kịp với sự phát triển nhanh chóng của nước này. Do đó, Thủ tướng N. Modi đặt trọng tâm vào việc xây dựng mới các đường cao tốc, sân bay, hệ thống kho vận và bến bãi. Nhằm thúc đẩy triển khai sáng kiến “Thương hiệu Ấn Độ” (Brand India) và phục hồi nền kinh tế, ông N. Modi đã công bố “Kế hoạch 5T”, theo đó nhân tài, thương mại, công nghệ, du lịch và truyền thống là những mặt trận chủ chốt mà Chính phủ của ông sẽ đẩy mạnh thực hiện những cải cách sâu rộng.

Bên cạnh đó, Chính phủ Ấn Độ cũng thực hiện cải cách toàn diện hệ thống pháp luật, nhất là các quy định liên quan đến đầu tư nước ngoài, hệ thống thuế khóa nhằm thúc đẩy thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và đẩy nhanh thực hiện các dự án đầu tư trọng yếu, mở rộng khả năng tiếp cận thị trường đối với các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp FDI trong các lĩnh vực công, như than và quốc phòng, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp chế tạo để tạo việc làm cho người lao động. Chính phủ của Thủ tướng Ấn Độ N. Modiđã đẩy mạnh thực hiện kế hoạch thay thế hệ thống thuế bang chồng chéo, phức tạp hiện hành đối với hàng hóa và dịch vụ bằng một hệ thống thuế đồng bộ trên quy mô quốc gia, tạo cơ sở cho sự hình thành một thị trường Ấn Độ thống nhất. Ngoài ra, ông N. Modi còn quyết tâm xây dựng một chính phủ trong sạch, minh bạch, tinh giản bộ máy, hoạt động hiệu quả hơn; đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động đầu tư của doanh nghiệp.

Các sáng kiến, chương trình phát triển là một bộ phận không thể thiếu trong việc triển khai chính sách Modinomics của Chính phủ Ấn Độ. Kể từ khi nhậm chức cho đến nay, Thủ tướng Ấn Độ N. Modiđã công bố và triển khai nhiều sáng kiến mới trải rộng trên nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế nhằm thúc đẩy sự phát triển toàn diện. Những sáng kiến, như “Sản xuất tại Ấn Độ”, “Ấn Độ kỹ thuật số”, “Kỹ năng Ấn Độ”, “Ấn Độ trong sạch”, “Thuế hàng hóa và dịch vụ” (GST) hay Luật Phá sản đã giúp đẩy mạnh thực hiện các dự án quan trọng, tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh và công bằng, thu hút đầu tư và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ.

Sau hơn hai năm, dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng N. Modi, những thành quả ấn tượng của chính sách Modinomics đã tạo nên bước phát triển bứt phá cho nền kinh tế Ấn Độ, mang lại một diện mạo và vị thế hoàn toàn mới cho nước này. Những chính sách kinh tế vĩ mô mà ông N. Modi đã áp dụng và thêm vào đó là sự quyết đoán, nghệ thuật lãnh đạo của ông đã vực dậy thành công nền kinh tế đang trong tình trạng đình trệ, thúc đẩy nền kinh tế nước này tiếp tục phát triển.

Trong khi nền kinh tế toàn cầu có xu hướng tăng trưởng chậm lại, Ấn Độ trở thành điểm sáng trong tăng trưởng kinh tế với tốc độ tăng GDP nhanh chóng từ 6,9% (năm 2013 - 2014) lên mức 7,2% (năm 2014 - 2015), 7,6% (năm 2015 - 2016), và dự báo sẽ đạt 7,9% trong năm 2016 - 2017(1). Tỷ lệ thâm hụt ngân sách giảm xuống còn 3,9% GDP (năm 2015 - 2016) và dự báo tiếp tục giảm xuống 3,5% trong năm 2017, chỉ số lạm phát được khống chế ở mức 5,39% (tháng 4-2016)(2). Nhờ những chính sách cải cách của Chính phủ trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài, FDI vào Ấn Độ đang ngày càng gia tăng mạnh mẽ trong khi FDI vào các nước trên toàn cầu lại tiếp tục suy giảm. Năm 2015, Ấn Độ đã vượt Trung Quốc, trở thành quốc gia thu hút vốn FDI lớn nhất trên thế giới với 63 tỷ USD(3), con số này tăng lên 75 tỷ USD vào năm 2016 và được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới.

Tác động đến cục diện châu Á - Thái Bình Dương

Với chính sách Modinomics, Ấn Độ đang trở thành một nhân tố có vai trò ngày càng quan trọng hơn ở khu vực, có tác động mạnh mẽ đến cục diện khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Thứ nhất, trên cục diện chính trị - an ninh. Quan hệ quốc tế ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương những năm đầu thế kỷ XXI đã có những thay đổi to lớn, với sự nổi lên của các trung tâm quyền lực mới và sự hình thành ngày càng rõ nét hơn cục diện đa cực ở khu vực. Ấn Độ, với thế và lực ngày càng tăng, trở thành một nhân tố có vai trò ngày càng quan trọng trong quan hệ quốc tế ở khu vực và trên thế giới. Chính sách đối ngoại “Hướng Đông” được triển khai từ những năm 90 của thế kỷ trước đã góp phần mở rộng, đa dạng hóa các mối quan hệ quốc tế của Ấn Độ với các quốc gia trong khu vực, nhất là với các nước lớn, đồng thời nâng cao vị thế và ảnh hưởng của nước này ở khu vực. Tuy nhiên, do việc triển khai chính sách có phần thụ động, Ấn Độ chưa tận dụng được hết những tiềm năng của mình, vai trò và ảnh hưởng chính trị của nước này ở khu vực vẫn còn khiêm tốn. Sau khi trở thành Thủ tướng Ấn Độ, ông N. Modi đã áp dụng chính sách Modinomics để khôi phục tăng trưởng và phát triển nền kinh tế, đồng thời chuyển hướng chính sách từ “Hướng Đông” sang “Hành động hướng Đông” nhằm tăng cường can dự kinh tế và chiến lược ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Nếu như trước đây, Ấn Độ thường chỉ đóng vai trò là “người quan sát” trong những vấn đề quốc tế ở những nơi nằm ngoài khu vực thuộc lợi ích cốt lõi của nước này, bao gồm Nam Á và Ấn Độ Dương, thì nay mọi chuyện đã thay đổi. Tiếp tục duy trì các mục tiêu từ chính sách “Hướng Đông”, Chính phủ của Thủ tướng Ấn Độ N. Moditriển khai chiến lược mới ở thế chủ động hơn, dành sự ưu tiên cao hơn và thực hiện với tốc độ nhanh hơn. Không chỉ thúc đẩy mối quan hệ đối tác với các nước Đông Nam Á, Ấn Độ ngày càng chú trọng tăng cường các mối quan hệ với các nước lớn ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, như Nhật Bản, Ô-xtrây-li-a và Mỹ nhằm thúc đẩy các lợi ích của nước này tại khu vực. Sự quyết tâm can dự sâu hơn của Ấn Độ vào khu vực còn được thể hiện ở lập trường của Ấn Độ về vấn đề tranh chấp trên Biển Đông. Trong một thời gian dài, Ấn Độ duy trì lập trường trung lập đối với các tranh chấp trên Biển Đông, giờ đây Ấn Độ đã thể hiện quan điểm và lập trường của mình rõ ràng hơn. Tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 27 (tháng 11-2015), Thủ tướng Ấn Độ N. Modi đã đề cập đến vấn đề tranh chấp Biển Đông và thể hiện mong muốn của nước này về việc sử dụng Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) để giải quyết tranh chấp giữa các bên.

Sự trỗi dậy mạnh mẽ trong thời gian gần đây của Ấn Độ đã góp phần mở ra một cục diện chính trị mới ở châu Á - Thái Bình Dương; Ấn Độ ngày càng có vị thế và tiếng nói hơn về các vấn đề quốc tế lớn tại khu vực. Với sức mạnh kinh tế, chính trị và quân sự ngày càng gia tăng, Chính quyền của ông N. Modi đã đẩy mạnh triển khai chính sách châu Á - Thái Bình Dương nhằm tăng cường ảnh hưởng và vị thế chiến lược ở khu vực trong giai đoạn mới. Thủ tướng Ấn Độ yêu cầu những nhà ngoại giao cấp cao phải “vứt bỏ những tư duy cũ” để “giúp Ấn Độ khẳng định vai trò lãnh đạo hơn là một lực lượng cân bằng trên quy mô toàn cầu”(4). Có thể nói, đây là bước chuyển mang tính quyết định nhất trong chính sách đối ngoại độc lập của Ấn Độ, phản ánh sự tự tin ngày càng tăng của nước này và có tác động to lớn đến trật tự quốc tế cũng như trật tự khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong tương lai. Ấn Độ ủng hộ một trật tự đa cực ở châu Á và thể hiện sự sẵn sàng gánh vác những trách nhiệm toàn cầu lớn hơn.

Ấn Độ chuyển hướng chính sách đối ngoại sang châu Á - Thái Bình Dương từ những năm 90 của thế kỷ trước, song sự gia tăng thực lực và mối quan tâm của nước này tại khu vực trong những năm gần đây thực sự mang đến một thay đổi quan trọng đối với cục diện an ninh khu vực. Kể từ năm 2002, Ấn Độ luôn tăng ngân sách cho chi tiêu quốc phòng hằng năm và hiện tại nước này là quốc gia lớn thứ sáu trên thế giới về ngân sách dành cho quốc phòng. Hơn nữa, Ấn Độ tiếp tục nỗ lực để trở thành thành viên của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), và việc nước này quan niệm khu vực châu Á - Thái Bình Dương là Ấn Độ - Thái Bình Dương cho thấy sự quyết tâm của Ấn Độ trong việc tăng cường can dự vào cục diện địa - chính trị ở khu vực này.

Bên cạnh đó, việc Ấn Độ triển khai chính sách “Hành động hướng Đông” khiến cục diện hợp tác, cạnh tranh và tập hợp lực lượng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương diễn ra ngày càng sôi động và quyết liệt hơn. Sự tăng cường can dự của Ấn Độ dưới thời Thủ tướng Ấn Độ N. Modi đối với châu Á - Thái Bình Dương đã làm thay đổi bức tranh tập hợp lực lượng ở khu vực. Cục diện vừa hợp tác, vừa cạnh tranh, tranh giành ảnh hưởng giữa các cường quốc ở khu vực vẫn sẽ là xu thế chủ đạo, song giờ đây được bổ sung thêm một nhân tố mới, đó là sự can dự tích cực hơn và ngày càng sâu sắc hơn của Ấn Độ vào khu vực.

Thứ hai, trên cục diện kinh tế. Không chỉ là khu vực có vai trò địa - chính trị quan trọng, châu Á - Thái Bình Dương còn là “đầu tàu”, động lực tăng trưởng của nền kinh tế thế giới, nơi tập trung các nền kinh tế năng động và phát triển nhanh nhất thế giới, với GDP của khu vực chiếm hơn 40% GDP toàn cầu. Khu vực này từ lâu đã chứng kiến sự hợp tác kinh tế sôi động giữa các quốc gia cả ở cấp độ song phương lẫn đa phương, đồng thời cũng là địa bàn diễn ra cuộc tranh giành ảnh hưởng quyết liệt về kinh tế giữa các nước lớn trong và ngoài khu vực.

(Xem tiếp phần 2) 

Theo Tạp chí Cộng sản

 

Nguồn:

Cùng chuyên mục