Chính sách kinh tế Modinomics của Ấn Độ và sự tác động tới cục diện châu Á - Thái Bình Dương (Phần 2)
Ấn Độ dưới thời Thủ tướng N. Modi tiếp tục đẩy mạnh và tăng cường mạnh mẽ can dự kinh tế ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tăng cường hợp tác với các quốc gia trong khu vực thông qua việc nâng cấp chính sách “Hướng Đông” thành “Hành động phía Đông”. Cam kết tăng cường can dự kinh tế của Ấn Độ ở khu vực góp phần làm sinh động, đa dạng thêm cục diện hợp tác kinh tế giữa các quốc gia ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vẫn sẽ là trọng tâm mà Ấn Độ đặt ưu tiên tăng cường các hoạt động hợp tác kinh tế khi nước này triển khai chính sách đối ngoại mới. Trong khi đó, hợp tác kinh tế giữa Ấn Độ với Mỹ, Nhật Bản, Nga và Australia được nâng lên tầm cao mới thông qua một loạt chuyến thăm cấp cao. Trong đó, mối quan hệ với Nhật Bản được Thủ tướng Ấn Độ N. Modi đặc biệt coi trọng trong chính sách kinh tế, đối ngoại bởi Ấn Độ và Nhật Bản có mối quan hệ đối tác chiến lược, với nhiều điểm tương đồng. Mặc dù còn tồn tại nhiều bất đồng và trở ngại trong quan hệ chính trị, quan hệ kinh tế giữa Ấn Độ và Trung Quốc tiếp tục được tăng cường khi Trung Quốc cam kết tăng cường đầu tư vào Ấn Độ và hợp tác kinh tế với nước này.
Việc Ấn Độ tăng cường can dự kinh tế ở châu Á - Thái Bình Dương cũng làm gia tăng sự cạnh tranh ảnh hưởng về kinh tế giữa các nước lớn tại khu vực, trong đó Đông Nam Á tiếp tục là địa bàn chiến lược cạnh tranh ảnh hưởng kinh tế giữa các nước lớn. Do sự cận kề về địa lý và sự tương đồng về văn hóa, Trung Quốc đã xây dựng được ảnh hưởng vững chắc không chỉ về chính trị mà cả kinh tế đối với nhiều quốc gia ở Đông Nam Á. Tuy nhiên, sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc, kèm theo đó là các hành động đơn phương, bất hợp pháp của Trung Quốc tại Biển Đông càng khiến cho Mỹ, Nhật Bản mở rộng ảnh hưởng, tăng cường hợp tác với các quốc gia Đông Nam Á trên nhiều lĩnh vực, trong đó có kinh tế.
Hợp tác Ấn Độ - ASEAN: Một tầm cao mới
Kể từ khi Ấn Độ chuyển hướng chính sách theo hướng tăng cường can dự vào khu vực châu Á - Thái Bình Dương, ASEAN luôn chiếm vai trò trọng tâm trong chính sách của nước này tại khu vực. Chính sách “Hành động hướng Đông” tiếp tục khẳng định vai trò trung tâm của ASEAN trong việc đẩy mạnh và tăng cường can dự của Ấn Độ đối với các quốc gia ở khu vực. Chỉ trong 6 tháng kể từ khi chính phủ mới được thành lập, Ngoại trưởng Ấn Độ Xu-sơ-ma Xgoa-ra (Sushma Swaraj) đã có ba chuyến thăm đến ba quốc gia Đông Nam Á là Mi-an-ma, Xin-ga-po và Việt Nam. Điều này thể hiện tầm quan trọng của ASEAN trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ, và nước này đang nỗ lực hành động để nâng cấp mối quan hệ đối tác với ASEAN lên một tầm cao hơn. Ấn Độ và ASEAN đã nâng cấp mối quan hệ lên quan hệ đối tác chiến lược vào năm 2012. Từ đó đến nay, Ấn Độ không ngừng làm sâu sắc thêm mối quan hệ đối tác an ninh với các quốc gia Đông Nam Á. Triển khai chính sách “Hành động hướng Đông”, Ấn Độ tái khẳng định cam kết tăng cường tham gia, hợp tác mạnh mẽ với ASEAN trên các lĩnh vực thương mại, kết nối khu vực, văn hóa và giao lưu nhân dân. Quan hệ kinh tế - thương mại giữa Ấn Độ và ASEAN đã đạt bước phát triển mới, với tổng giá trị trao đổi thương mại hai chiều khoảng 100 tỷ USD vào năm 2015, quan hệ đầu tư song phương ngày càng tăng mạnh. Ấn Độ cũng đã đưa ra nhiều sáng kiến, triển khai thực hiện nhiều dự án xuyên quốc gia nhằm tăng cường kết nối và sự gắn kết giữa Ấn Độ và các nước ASEAN bằng đường bộ, đường sắt và đường thủy. Hợp tác văn hóa và giao lưu nhân dân giữa Ấn Độ và các nước ASEAN ngày càng được tăng cường khi Ấn Độ thành lập phái bộ về ASEAN tại Thủ đô Giacarta (Indonesia) và một trung tâm ASEAN - Ấn Độ tại Thủ đô New Delhi (Ấn Độ).
Trong số các mối quan hệ đối tác với các quốc gia Đông Nam Á, mối quan hệ đối tác với Việt Nam được Ấn Độ đánh giá là có vai trò quan trọng chiến lược. Hai nước đã nâng cấp mối quan hệ lên thành đối tác chiến lược vào năm 2007 nhằm tăng cường hợp tác song phương trên các lĩnh vực chính trị, quốc phòng và an ninh, kinh tế, khoa học, văn hóa và xã hội. Chính quyền Thủ tướng Ấn Độ N. Modi chủ động đẩy mạnh hợp tác, củng cố mối quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam thông qua nhiều chuyến thăm cấp cao, đáng chú ý là các chuyến thăm chính thức Việt Nam của Ngoại trưởng Ấn Độ X. Xgoa-ra vào tháng 8-2014, của Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee vào tháng 9-2014. Trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee, hai bên đã ra thông cáo chung, trong đó tái khẳng định Ấn Độ coi Việt Nam là “một trụ cột quan trọng trong chính sách hướng Đông của nước này”, đồng thời Việt Nam ủng hộ chính sách này và vai trò ngày càng quan trọng của Ấn Độ tại các diễn đàn khu vực và thế giới. Như vậy, quan hệ giữa Ấn Độ với Việt Nam cũng như với các quốc gia Đông Nam Á dưới thời Thủ tướng Ấn Độ N. Modi tiếp tục được củng cố, tăng cường, ngày càng đi vào chiều sâu và thực chất hơn./.
--------------------------------------
(1) Arvind Panagariya (2016): Economic Progress During the First Two Years under Prime Minister Narendra Modi, http://niti.gov.in/writereaddata/files/document_publication/Two%20Years%20under%20PM%20Modi.pdf, truy cập ngày 6-2-2017
(2) Vĩnh Khánh (2016): Ấn Độ - ngôi sao sáng trong nền kinh tế thế giới, Báo Thế giới & Việt Nam, http://baoquocte.vn/an-do-ngoi-sao-sang-trong-nen-kinh-te-the-gioi-34839.html, truy cập ngày 16-2-2017
(3) Ankit Panda (2016): India takes over from China as top global FDI destination in 2015, The Diplomat, http://thediplomat.com/2016/04/india-takes-over-from-china-as-top-global-fdi-destination-in-2015/, truy cập ngày 16-2-2017
(4) Indian Press Information Bureau, Prime Minister’s Office, “PM to Heads of Indian Missions”, press release, February 7, 2015, http://pib.nic.in/newsite/PrintRelease.aspx?relid=115241
Theo Tạp chí Cộng sản
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục
Tư liệu Nghiên cứu Ấn Độ 04:00 12-12-2024
G20 và Cơ hội Mở Rộng Quan Hệ Ấn Độ - Mỹ Latinh
Tư liệu Nghiên cứu Ấn Độ 03:00 12-12-2024