Quảng bá văn hóa để phát triển quan hệ Việt Nam - Ấn Độ trong kỷ nguyên mới

Hội đồng Quan hệ Văn hóa Ấn Độ (ICCR) vừa tổ chức kỷ niệm 75 năm ngày thành lập trong bối cảnh Ấn Độ hướng tới kỷ nguyên mới mang tên Amrit Kaal (kỷ nguyên vàng son). Nhân dịp này, chúng tôi phỏng vấn Tiến sĩ Monica Sharma, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Swami Vivekananda (SVCC) tại Đại sứ quán Ấn Độ tại Hà Nội, thành viên của ICCR về phát triển kết nối văn hóa Ấn Độ tại Việt Nam trong kỷ nguyên mới.
Phóng viên (PV): Tại lễ kỷ niệm 75 năm thành lập Hội đồng Quan hệ Văn hóa Ấn Độ (ICCR) vào tháng 4-2025, Tiến sĩ Subrahmanyam Jaishankar, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ, đã nhấn mạnh: “Con đường phát triển của Ấn Độ trong kỷ nguyên Amrit Kaal dựa trên sự kết hợp song song giữa truyền thống và công nghệ”. Xin bà giải thích rõ hơn về kỷ nguyên Amrit Kaal của Ấn Độ.
Tiến sĩ Monica Sharma: Tôi rất vui được chia sẻ về những hoạt động của Trung tâm Văn hóa Swami Vivekananda (SVCC) trong việc quảng bá văn hóa Ấn Độ tại Việt Nam.
Amrit Kaal là khái niệm mang tầm nhìn chiến lược của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, hướng tới cột mốc kỷ niệm 100 năm độc lập của Ấn Độ vào năm 2047. Trong kỷ nguyên này, Ấn Độ đặt mục tiêu phát triển toàn diện, tập trung vào sự bền vững, khuyến khích và bảo vệ các giá trị nhân văn. Đó là sự hòa quyện giữa những giá trị truyền thống tốt đẹp và sự tiến bộ của công nghệ hiện đại, nhằm xây dựng tương lai thịnh vượng và hài hòa cho toàn dân. Chúng tôi dự định phát triển trao đổi văn hóa truyền thống và sử dụng các công nghệ mới như công cụ kỹ thuật số trong các hoạt động sắp tới của SVCC.

Chú thích ảnh: Bà Monica Sharma, Giám đốc SVCC
PV: SVCC sẽ triển khai những hoạt động cụ thể nào để quảng bá văn hóa Ấn Độ tại Việt Nam trong kỷ nguyên Amrit Kaal này, thưa bà?
Tiến sĩ Monica Sharma: SVCC vẫn duy trì các chương trình dài hạn và truyền thống như các khóa học tiếng Hindi, các chương trình học bổng ICCR và học bổng trong khuôn khổ chương trình hợp tác sông Mekong - sông Hằng. Ngoài ra, chúng tôi phối hợp chặt chẽ với Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam trong việc triển khai các chương trình kỷ niệm ngày quốc tế Yoga, các dự án trùng tu di tích Mỹ Sơn, tham gia tổ chức ngày Lễ Phật đản Vesak, và quảng bá du lịch Ấn Độ.
Trong kỷ nguyên mới, chúng tôi chú trọng hơn đến việc quảng bá các khía cạnh văn hóa đại chúng hiện đại. Chúng tôi mời các nhóm múa dân gian Việt Nam đến biểu diễn tại các lễ hội ở Ấn Độ, đồng thời đưa các đoàn nghệ thuật Ấn Độ sang Việt Nam giao lưu. Chúng tôi đang triển khai tuần lễ phim Ấn Độ tại các tỉnh thành phía Bắc của Việt Nam, với những tác phẩm điện ảnh đặc sắc của Bollywood.
Trong tương lai gần, chúng tôi mong muốn mở rộng hợp tác với các đối tác Việt Nam trong bốn lĩnh vực cụ thể: Văn chương Ấn Độ, sân khấu biểu diễn, nghệ thuật thủ công truyền thống và hợp tác học thuật.
PV: Bối cảnh hiện nay đặt ra những thuận lợi và thách thức như thế nào cho việc quảng bá những gì tinh túy nhất của nền văn hóa Ấn Độ vô cùng phong phú và đa dạng tới nền văn hóa Việt Nam năng động và giàu truyền thống?
Tiến sĩ Monica Sharma: Trong giai đoạn chúng ta cùng nỗ lực cho các mục tiêu một trăm năm lập quốc, sức hấp dẫn của văn hóa giúp chúng ta gắn kết với nhau hơn.
Người dân Việt Nam ngày càng yêu thích các hoạt động của chúng tôi. Sự kiện kỷ niệm Ngày Yoga đáng lẽ chỉ tổ chức trong một ngày nhưng được kéo dài trong cả tháng sáu, với rất nhiều người ở mọi lứa tuổi tham gia đồng diễn. Trong buổi biểu diễn của nhóm múa Ấn Độ ở chợ Bắc Hà, Lào Cai, người dân địa phương đến xem không còn một chỗ trống. Chúng tôi tham gia các ngày hội khoa học dành cho học sinh các trường phổ thông, mang văn hóa Ấn Độ đến với nhiều người trẻ hơn, gần gũi và thiết thực hơn.
Chúng tôi nhận được sự giúp đỡ, hướng dẫn vô cùng quý báu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam. Chúng tôi cũng trân trọng sự tư vấn và hỗ trợ nhiệt tình từ Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Hội Hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ thành phố Hà Nội, Đại học quốc gia Hà Nội, Học viện Múa Việt Nam, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam và nhiều đối tác khác đã đồng hành cùng chúng tôi trong trọng trách kết nối nhân dân hai nước bằng sức mạnh mềm của văn hóa quốc gia.
Trước những thách thức xuất phát từ nhiều diễn biến khó lường của tình hình thế giới, tôi có niềm tin sâu sắc rằng sự thấu hiểu văn hóa, tôn trọng lẫn nhau, là những cây cầu kết nối chúng ta bước vào kỷ nguyên mới đầy hứa hẹn trong mối quan hệ giữa Việt Nam và Ấn Độ.
PV: Trân trọng cảm ơn Tiến sĩ Monica Sharma!
Chú thích ảnh: Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Việt Nam-Ấn Độ, Thái Nguyên và SVCC Hà Nội đã tổ chức Lễ hội Văn hóa & STEM, tháng 3-2025.
Source:
QĐND- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục
.jpg)
Những rủi ro tiềm ẩn của Trí tuệ nhân tạo
Tư liệu Nghiên cứu Ấn Độ 10:00 31-01-2025

Tư liệu Nghiên cứu Ấn Độ 10:00 31-01-2025