Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Chính sách phát triển tôn giáo bản địa và tôn giáo ngoại lai của Chính phủ Ấn Độ (Phần 2)

Chính sách phát triển tôn giáo bản địa và tôn giáo ngoại lai của Chính phủ Ấn Độ (Phần 2)

Ấn Độ là một trong những cái nôi sớm nhất của nền văn minh nhân loại. Nền văn minh Ấn - Hằng, từ 3000 năm trước CN tồn tại và bồi đắp theo dòng lịch sử, to cao sừng sững như dãy núi Hymalaya hùng vĩ với ngọn Meru thần thánh được gọi là cột trụ trời, là cõi trời tỏa chiếu ánh hào quang lấp lánh, rực sáng cả vùng trời phương Đông. Cũng chính từ cột trụ trời ấy mà Ấn Độ huyền bí, nền văn hóa Ấn Độ huyền bí đi vào cõi tâm linh, và chính Ấn Độ chứ không phải nơi nào khác dẫn đưa các vùng đất phương Đông trở thành duy linh. Đó là kết tinh sâu thẳm mọi giá trị của văn hóa Ấn Độ, và chừng nào đó, của văn hóa phương Đông.

05:36 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

(Tiếp theo phần 1)

PGS, TS. Vũ Trọng Dung*

2. Chính sách phát triển tôn giáo (bản địa và ngoại lai) của Chính phủ Ấn Độ

Thực tế cho thấy, dân tộc, tôn giáo thường luôn chứa đựng sự nhạy cảm, phức tạp và đã có nhiều cuộc xung đột xảy ra ở nhiều nơi. Từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai đến nay, có hàng trăm cuộc xung đột, trong đó 70% cuộc xung đột liên quan đến sắc tộc, tôn giáo làm ảnh hưởng rất lớn đến sự ổn định chính trị, tác động không nhỏ đến nền kinh tế và cuộc sống thanh bình của người dân mà những ví dụ ở các nước nêu trên là minh chứng. Do vậy, giải quyết xung đột sắc tộc, tôn giáo là một vấn đề toàn cầu, cần phải có sự chung tay góp sức của cả nhân loại, của tất cả các quốc gia và tổ chức quốc tế trên thế giới. Để giải quyết mâu thuẫn, nhiều quốc gia đã có những giải pháp theo tình hình thực tế của mỗi nước. Tuy nhiên, đối thoại hòa bình để có những bước đi thích hợp đáp ứng những yêu cầu cơ bản của mỗi bên là vấn đề quan trọng. Các tôn giáo cần phải chủ động tăng cường đối thoại để hiểu nhau, tìm ra những điểm tương đồng và khắc phục dị biệt hay những cái nhìn méo mó về các tôn giáo khác. Đồng thời chính phủ các nước cũng phải tiến hành đối thoại hòa bình kịp thời ngay từ khi có dấu hiệu mâu thuẫn trong nội bộ dân tộc, tôn giáo hay liên quan đến chính quyền và ở một số quốc gia thông qua đối thoại đã thu được kết quả khá tốt hoặc có bước tiến triển, hạn chế sự phức tạp và phá vỡ được bế tắc, mang lại hòa bình cho mọi người.

Rõ ràng tôn giáo và luật pháp vẫn là hai cơ chế điều khiển xã hội mạnh mẽ nhất trên khắp thế giới, ngay cả trong thế kỷ XXI này. Những nỗ lực của nhiều cá nhân, quốc gia và các lý tưởng trong quá khứ nhằm kiềm chế tôn giáo đã chưa bao giờ đạt được thành công lâu dài. Dĩ nhiên, mối quan hệ tương hỗ giữa tôn giáo và luật pháp đang thay đổi, và phải thay đổi tùy theo thời thế. Có một lúc tôn giáo hoàn toàn điều khiển luật pháp, nhưng trong thời đại của chúng ta, chính luật pháp - quốc gia và quốc tế - quyết định phạm vi của tôn giáo và hoạt động tôn giáo hầu như ở khắp nơi trên thế giới. Bây giờ tôn giáo phải hoạt động dưới mô hình pháp quyền mà nhiều quốc gia trên thế giới đã chấp nhận thông qua những tài liệu về nhân quyền thế giới, và một số khác thì thông qua luật quốc nội về những quyền tự do dân sự.

Kinh nghiệm trong lịch sử đã nhắc nhở những người lãnh đạo đất nước Ấn Độ rằng, ở một nước có sự đa dạng về sắc tộc và tôn giáo, nhất quyết phải giải quyết tốt vấn đề sắc tộc và tôn giáo. Chính phủ Ấn Độ nhận thức rằng, đa dạng về tôn giáo và dân tộc là tình hình cơ bản của Ấn Độ, xử lý vấn đề tôn giáo phù hợp thì nhân dân các dân tộc sẽ đoàn kết, xã hội sẽ ổn định; xử lý không hợp lý thì xã hội sẽ xuất hiện những nhân tố bất ổn định. Ấn Độ cho rằng, chỉ có thể thông qua chính sách tôn giáo đúng đắn và tạo ra quan niệm giá trị chung để làm cho khuynh hướng ly tâm đi tới nhất trí. Đồng thời nhận thức được rằng, tôn giáo có mặt tích cực của nó, đối với một người nó có vai trò cảm hoá đạo đức; về mặt phát triển sự nghiệp phúc lợi và sự nghiệp giáo dục, giáo hội có thể đóng góp cho xã hội, nên Chính phủ đã coi trọng công tác tôn giáo, chú ý đến quan hệ tôn giáo, tăng cường hướng dẫn tôn giáo, thông qua việc chế định chính sách và để thực hiện công tác quản lý hoạt động tôn giáo. Chính phủ cũng đã xử lý tốt mối quan hệ giữa tôn giáo và chính trị, kiên trì tách biệt giữa chính trị và tôn giáo là nguyên tắc cơ bản để chế định chính sách tôn giáo ở Ấn Độ vì họ cho rằng một nước đa dạng về tôn giáo, một khi tôn giáo can dự vào chính trị thì mặt khoan dung, hoà bình trong đặc tính văn hoá của nó sẽ bị ức chế, sẽ ảnh hưởng tới cùng tồn tại hoà bình giữa các tôn giáo. Chính phủ đã dựa vào những nhận thức nói trên để định ra chính sách tôn giáo đa dạng ở Ấn Độ, lấy đó để làm quy phạm, chỉ đạo, quản lý hoạt động tôn giáo ở nước này.

Ấn Độ đã thức tỉnh trước một bình minh dân chủ mới, chủ nghĩa thế tục và sự tự do dân sự khoảng một năm sau khi các quốc gia trên thế giới bắt tay để ban hành Tuyên ngôn Toàn thế giới về quyền con người, nói rằng: “Tất cả mọi người sinh ra đều được bình đẳng về nhân phẩm và các quyền” và “Mọi người đều được hưởng tất cả những quyền và tự do nêu trong Bản tuyên ngôn này, không phân biệt chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, quan điểm chính trị hay các quan điểm khác, nguồn gốc quốc gia hay xã hội, tài sản, thành phần xuất thân hay các vị thế khác”[1].

Như đã công bố rất rõ ràng trong lời mở đầu của Hiến pháp 1976, Ấn Độ là một nước dân chủ, xã hội và cộng hòa thế tục. Trên thực tế, một nền dân chủ thực thụ đòi hỏi phải mang tính không thiên vị về tôn giáo để bảo đảm cơ hội bình đẳng cho mọi người chia sẻ những tài nguyên quốc gia - thiên nhiên và vật chất. Nơi nào người dân không được hưởng quyền con người cách bình đẳng, hoặc không thể tự do dự phần vào bộ máy hành chính của một đất nước mà không bị kỳ thị, nơi nào có sự phân biệt tôn giáo hoặc thiên vị một số nhóm công dân đặc biệt nào đó về nhiều vấn đề hiện tại và phân biệt cụ thể về cộng đồng tới mức hạn chế tự do tôn giáo, thì nơi đó nền dân chủ mà người ta tuyên bố chỉ là trò giả hình chính trị, và là sự phủ nhận rõ ràng niềm tin thể chế quân chủ như một “chính quyền của dân, do dân và vì dân. Chính sách “khoan dung tôn giáo” ở Ấn Độ phát biểu trong định nghĩa của dân tộc như một nhà nước thế tục, trong đó chính phủ kể từ khi độc lập đã chính thức tách biệt với bất kỳ mọi tôn giáo, cho phép tất cả các hình thức của tình trạng bằng niềm tin trước pháp luật. Trong thực tế nó đã được chứng minh rất khó để phân chia tôn giáo từ đời sống công cộng. (Xem tiếp phần 3)


[1] http://thuvienphapluat.vn/van-ban/Quyen-dan-su/Tuyen-ngon-quoc-te-nhan-quyen-1948/65774/noi-dung.aspx

* Giảng viên cao cấp, Học viện Chính trị Khu vực I

Nguồn:

Cùng chuyên mục