Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Chính sách phát triển tôn giáo bản địa và tôn giáo ngoại lai của Chính phủ Ấn Độ (Phần 4)

Chính sách phát triển tôn giáo bản địa và tôn giáo ngoại lai của Chính phủ Ấn Độ (Phần 4)

Ấn Độ là một trong những cái nôi sớm nhất của nền văn minh nhân loại. Nền văn minh Ấn - Hằng, từ 3000 năm trước CN tồn tại và bồi đắp theo dòng lịch sử, to cao sừng sững như dãy núi Hymalaya hùng vĩ với ngọn Meru thần thánh được gọi là cột trụ trời, là cõi trời tỏa chiếu ánh hào quang lấp lánh, rực sáng cả vùng trời phương Đông. Cũng chính từ cột trụ trời ấy mà Ấn Độ huyền bí, nền văn hóa Ấn Độ huyền bí đi vào cõi tâm linh, và chính Ấn Độ chứ không phải nơi nào khác dẫn đưa các vùng đất phương Đông trở thành duy linh. Đó là kết tinh sâu thẳm mọi giá trị của văn hóa Ấn Độ, và chừng nào đó, của văn hóa phương Đông.

05:30 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

(Tiếp theo phần 3)

PGS, TS. Vũ Trọng Dung*

Nhận thức được tầm quan trọng của tôn giáo và vấn đề xung đột tôn giáo, trong Hiến pháp của Ấn Độ ban hành “Đạo luật duy trì sự hoà hợp giữa các tôn giáo”. Đến nay, Chính phủ Ấn Độ vẫn không ngừng quán triệt tinh thần của Hiến pháp để các tôn giáo phát triển, xây dựng một chính sách hoà hợp giữa các tôn giáo trên cơ sở xây dựng một nhà nước thế tục, đa sắc tộc. Do tình hình thực tế tôn giáo ở quốc gia này nên Chính phủ Ấn Độ đã có chính sách tôn giáo phù hợp làm cho tôn giáo đoàn kết, hòa hợp, hạn chế xảy ra xung đột trong nhiều năm qua.

Trong chính sách phát triển tôn giáo ở Ấn Độ, chính sách phục hưng Phật giáo ngày càng được đẩy mạnh và hiện nay Phật giáo được xem là “sức mạnh mềm ngoại giao” của Ấn Độ. Khi đất nước Ấn Độ được độc lập, thoát khỏi sự đô hộ của người Anh, thì cố Thủ tướng Nehru là một trong những người có công lớn đã quan tâm đặc biệt đến Phật giáo; vì ngài nhận thấy rằng, nguồn cội của Phật giáo phát xuất từ Ấn Độ, từ đó giáo pháp của Đức Phật đã lan tỏa đến nhiều quốc gia mà đến nơi nào Phật giáo cũng đã phát triển rực rỡ tạo thành nét đẹp đặc thù của văn hóa nơi đó, cũng như xây dựng được nếp sống hiểu biết, an vui, hạnh phúc cho đại đa số quần chúng.

Vì vậy, năm 1956, cố Thủ tướng Nehru đã tổ chức Hội nghị Thế giới tại New Delhi quy tụ các vị đại biểu của các nước theo Phật giáo để kỷ niêm 2.500 năm Đức Phật nhập diệt. Với sự kiện trọng đại này, cùng với đại biểu của các quốc gia bạn, Hòa thượng Tố Liên đã đại diện cho Phật giáo Việt Nam sang Ấn Độ tham dự hội nghị và ngài trở về phổ biến tinh thần phục hồi Phật giáo Ấn Độ của cố Thủ tướng Nehru đề xướng. Và đây chính là lần đầu tiên người dân Ấn Độ mới biết Phật giáo, mới biết Đức Phật đã ra đời ở đất nước họ từ 2.500 năm qua, mới biết sự hiện hữu của một Đấng Toàn giác mà cả nhân loại phải kính ngưỡng. Và đây cũng là lần đầu tiên có một lễ quy y tập thể tổ chức tại Bồ Đề Đạo Tràng cho nửa triệu người Ấn thuộc thành phần cùng đinh được phước duyên sống theo lời dạy của Đức Phật.

Ý tưởng phục sinh Phật giáo Ấn Độ cũng từ đó được phát triển mạnh mẽ và rộng lớn, đã thúc đẩy Chính phủ Ấn Độ quyết định thành lập Đại học Phật giáo ở Nalanda. Hòa thượng Thích Minh Châu lúc đó đã được Tổng hội Phật giáo Việt Nam gởi sang học ở Nalanda. 17 năm sau, tốt nghiệp học vị tiến sĩ, ngài đã trở về Việt Nam và phát triển tinh thần giáo dục theo Nalanda để thành lập Đại học Vạn Hạnh.

Sự hồi sinh Phật giáo Ấn Độ càng trở nên mãnh liệt hơn khi Chính phủ Ấn Độ quyết định cấp đất cho các quốc gia theo Phật giáo đến xây dựng các ngôi chùa tiêu biểu cho Phật giáo của từng quốc gia tại Bồ Đề Đạo Tràng. Đại diện cho Phật giáo Việt Nam là chùa Việt Nam Phật Quốc tự do Hòa thượng Huyền Diệu xây dựng đầu tiên tại nơi này. Sau đó, các nước theo Phật giáo cũng tuần tự xây dựng các ngôi chùa chung quanh Bồ Đề Đạo Tràng.

Từ đó, khách hành hương khắp nơi trên thế giới mới tìm đến Bồ Đề Đạo Tràng và người Ấn mới nhận thấy, đây là một cơ hội tốt đẹp cho họ tổ chức các chuyến du lịch văn hóa và tâm linh nơi đất Ấn; đồng thời, họ cũng tạo ra các sản phẩm mang tinh thần Phật giáo dùng làm kỷ vật lưu niệm cho khách hành hương. Ngày nay, số lượng khách hành hương đến chiêm bái Bồ Đề Đạo Tràng và các thánh tích Phật giáo Ấn Độ ngày càng nhiều hơn. Hiện nay, người dân Ấn quy y theo đạo Phật tuy có gia tăng, nhưng cũng chỉ là một con số quá khiêm tốn so với hơn một tỷ dân Ấn Độ.

Với tinh thần phục hưng Phật giáo tại đất nước Ấn Độ ngày càng phát triển, chúng ta kỳ vọng trong tương lai, Phật giáo Ấn Độ sẽ tạo được nhiều điều kiện thuận lợi cho người dân Ấn tìm được lời dạy quý báu của Đức Phật để áp dụng trong cuộc sống của chính họ, giúp họ thăng hoa được đời sống tâm linh và phát triển được đời sống vật chất.

Tài liệu tham khảo:

1. Vũ Dương Ninh (2010), Giáo trình lịch sử văn minh thế giới, Nxb. Giáo dục, Hà Nội.

2. Lương Ninh (chủ biên) (2002), Lịch sử thế giới cổ đại, Nxb. Giáo dục, Hà Nội.

3. Will Durant, Lịch sử văn minh Ấn Độ, Nxb. Văn hoá-thông tin, Hà Nội.

4. A. L. Basham, The Wonder That Was India: A Survey of the Culture of the Indian Subcontinent Before the Coming of the Muslims, London: Sidgwick and Jackson, 1954.

  1. Max Weber, The Religion of India: The Sociology of Hinduism and Buddhism, Trans. Hans H. Gerth & Don Martindale, New Delhi, Munshiram Manoharlal, 2007.
  2. Padmanabh S. Jaini, The Jaina Path of Purification, Delhi: Motilal Banarsidass, 1990.
  3. Rajeswari Chatterjee, Lifescapes of India: Religions, Customs, and Laws of India, Nevada:  University of Nevada, 2003.
  4. Sinclair Stevenson, The Religious Quest of India: The Heart of Jainism, Bombay, 1915.

* Giảng viên cao cấp, Học viện Chính trị Khu vực I

Nguồn:

Cùng chuyên mục