Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Chính trị Ấn Độ và mối quan hệ chiến lược Mỹ - Ấn (Phần 2)

Chính trị Ấn Độ và mối quan hệ chiến lược Mỹ - Ấn (Phần 2)

Vào tháng 2 năm 2015, Đảng Aam Aadmi (AAP) đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Hội đồng Delhi trước Đảng Bharatiya Janata (BJP) của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã khiến một số nhà quan sát đặt câu hỏi về sự kiên nhẫn của các cử tri trước tốc độ cải cách kinh tế và chống tham nhũng của Ấn Độ. Dưới đây là phần trả lời phỏng vấn của Cựu Đại sứ Hoa Kỳ tại Ấn Độ, Tim Roemer về tình hình chính trị Ấn Độ hiện nay và quan hệ Ấn Độ với Hoa Kỳ.

05:39 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

(Tiếp theo phần 1)

Chính trị Ấn Độ và mối quan hệ chiến lược Mỹ - Ấn*

Tim Roemer**

Theo ngài trọng tâm chính quyền Obama đặt vào quan hệ với Ấn Độ như thế nào?

Rất rõ ràng, từ các hành động của Tổng thống Obama cho thấy, quan hệ Mỹ - Ấn là một mối quan hệ rất được quan tâm và rất đặc biệt. Ông đích thân gửi gắm mối quan tâm sâu sắc vào quan hệ đối tác này và đã thực hiện các chính sách trên nhiều cấp độ để phát triển tính chất chiến lược của mối quan hệ. Ví dụ như, mười năm trước đây, chúng ta sẽ thấy một dấu gạch nối trong mối quan hệ Ấn Độ -Pakistan, còn ngày nay chiều sâu của mối quan hệ song phương với Ấn Độ là không có giới hạn. Hai bên mở rộng hợp tác cả về các vấn đề tình báo nhạy cảm và một thỏa thuận chống khủng bố mới, cũng như các Sáng kiến Thương mại và Công nghệ Quốc phòng quan trọng (DTTI). Hoa Kỳ hiện là đối tác số một của Ấn Độ trong việc mua lại vũ khí phòng thủ và diễn tập quân sự, và điều này, cùng với các sáng kiến về kinh tế và giáo dục, đã phản ánh tình trạng của Ấn Độ như là yếu tố then chốt để tái cân bằng châu Á của Mỹ. Trong một khoảng thời gian ngắn tính từ thời kỳ Chiến tranh Lạnh, mối quan hệ giữa hai nền dân chủ lớn này đã được chuyển hóa cơ bản.

Khi tôi gặp Tổng thống Obama tại Nhà Trắng vào năm 2009 và nói về mối quan hệ của Mỹ với Ấn Độ, Tổng thống đặc biệt muốn dành nhiều thời gian cá nhân của mình để phát triển mối quan hệ này. Do đó, ông muốn tìm cách để Hoa Kỳ làm việc với Ấn Độ không chỉ mang tính chất song phương mà còn mang tính khu vực và toàn cầu. Đây là lý do tại sao ông ủng hộ tư cách thành viên của Ấn Độ trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và khuyến khích Ấn Độ đầu tư lớn hơn ở Afghanistan, kết quả là một cam kết 2,4 tỉ Đô la Mỹ từ Ấn Độ để hỗ trợ năng lượng, cơ sở hạ tầng và các dự án kinh tế trong phạm vi quốc gia đó.

Những nỗ lực của Hoa Kỳ và Ấn Độ trong việc thúc đẩy dân chủ là rất quan trọng trong khu vực. Ví dụ như, Sri Lanka đang nổi lên từ một cuộc nội chiến đau khổ kéo dài và đang tìm cách tiếp cận nhiều hơn với Ấn Độ và Hoa Kỳ để tìm kiếm sự hỗ trợ phát triển kinh tế, Bhutan cũng đang trong giai đoạn đầu cố gắng để thiết lập chế độ dân chủ vững chắc trong biên giới của mình, các phần tử ở Nepal đang đấu tranh để thúc đẩy một hệ thống mở hơn, Myanmar đang dần mở cửa với cộng đồng quốc tế, Bangladesh đang tìm kiếm sự hỗ trợ kinh tế và đầu tư phát triển. Một trong những vấn đề quan trọng mà chính quyền Obama xem xét, nghiên cứu là làm thế nào để Ấn Độ và Hoa Kỳ có thể làm việc với nhau để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và dân chủ trong toàn bộ khu vực. Trung Quốc sẽ cẩn thận dõi theo mối quan hệ này trong những năm tiếp theo.

Một số hoạch định chính sách của Mỹ có thể giúp thúc đẩy mối quan hệ Mỹ - Ấn tiến xa hơn nữa là gì?

Từ phía Mỹ, bước đầu tiên để khuyến khích phát triển tích cực sẽ là một hiệp ước thỏa thuận đầu tư song phương. Đây là một chặng đường dài hướng tới việc thiết lập một khuôn khổ pháp lý minh bạch, đáng tin cậy, và tin tưởng vào các mối quan hệ thương mại. Các bước bổ sung sẽ bao gồm: tiếp tục công việc hàng ngày trong Sáng kiến Thương mại và Công nghệ Quốc phòng quan trọng (DTTI) và tìm cách thích hợp để bán và chuyển giao thiết bị an ninh nhiều hơn cho Ấn Độ, từ đó giúp Ấn Độ tăng khả năng phòng thủ và bảo vệ lợi ích của mình trong khu vực. Chúng ta cần xác định con đường để tiếp tục phát huy khả năng tương tác và hợp tác hậu cần như là chìa khóa để cải thiện các nỗ lực chống cướp biển và tăng cường hợp tác chống khủng bố. Cụ thể, nếu Hoa Kỳ có thể đạt được một thỏa thuận với Ấn Độ về vấn đề an ninh mạng, điều này sẽ đặt ra một tiền lệ rất quan trọng cho các nước khác trên thế giới về loại hình hợp tác và quan hệ đối tác. Một nền tảng cơ bản của mối quan hệ Mỹ - Ấn là sự cống hiến chung của chúng ta đối với quyền con người, cải thiện sự tiếp cận giáo dục và nâng cao mức sống đưa người nghèo thoát khỏi đói nghèo. Tiến độ và chương trình trên các mặt trận này tiếp tục là ưu tiên cao nhất. Cuối cùng, việc đạt được một số tiến bộ cụ thể về thỏa thuận hạt nhân dân sự dẫn đến việc tập đoàn GE và Westinghouse thực sự tiến hành kinh doanh ở Ấn Độ sẽ là một bước đột phá quan trọng.

Những phát triển quan trọng nhất trong chính trường Ấn Độ năm tới mà chúng ta có thể mong đợi là gì?

Chắc chắn chúng ta sẽ thấy Thủ tướng Modi tập trung vào cam kết đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 7% - 8% của mình. Đây là một vấn đề mà ông không ngừng vận động, và nó có thể sẽ tiêu tốn nhiều thời gian của ông. Chúng ta cũng sẽ thấy ông ấy đang tìm cách để quảng bá một hình thức mới của liên bang và phát triển quan hệ với các bang nơi ông có thể khuyến khích họ làm việc với chính quyền trung ương để thực hiện các sáng kiến ​​lớn của ông. Ông có khả năng sẽ sử dụng và tận dụng ngân sách mới của mình để thực hiện điều này. Thủ tướng Modi cũng dự kiến, ​​sẽ rất chú trọng vào việc đảm bảo và gia tăng quyền lực của mình trong cơ quan lập pháp. Điều quan trọng là cần quan sát xem ông có thể làm thế nào tiếp tục cải thiện triển vọng được pháp luật thông qua cả ở Thượng viện và Hạ viện. Tập trung đáng kể sẽ được đặt vào Rajya Sabha (Thượng viện), nơi Đảng BJP không chiếm đa số. Tiến bộ của ông trên mặt trận này đặc biệt quan trọng đối với việc thông qua luật thu hồi đất, đầu tư hạ tầng, cải tạo lao động, và các vấn đề tăng trưởng kinh tế.

Sẽ rất thú vị để xem Thủ tướng Modi đạt đến điểm đích khi mà ông củng cố đủ sức mạnh để đẩy mạnh hơn nữa phần lớn các chương trình kinh tế của mình, hoặc có thể ngay cả đối với hành động về biến đổi khí hậu, môi trường, hoặc các vấn đề giáo dục lớn. Như mọi khi, chúng ta cũng phải tiếp tục dõi theo cẩn thận những ý kiến đóng góp của các cử tri Ấn Độ. Chúng ta sẽ đợi xem có thể một thời điểm nào đó trong hai hoặc ba năm tới, khi các cử tri bắt đầu mất kiên nhẫn nếu Thủ tướng Modi không cho thấy sự tiến bộ cụ thể nào trong các lời hứa của mình. Với những thách thức trong chính sách đối ngoại và sự biến động trong khu vực, việc xem xét chính xác nhóm chính sách đối ngoại mà Modi tham gia và thực hiện và phản ứng với cuộc khủng hoảng đầu tiên của mình như thế nào là việc rất quan trọng.

Cuối cùng, sẽ rất hấp dẫn khi theo dõi Đảng Quốc đại sẽ suy nghĩ lại, cải cách và xây dựng lại bản thân trong những năm tới như thế nào. Các nhà lãnh đạo và chính sách nào sẽ xuất hiện? Bất kỳ nền dân chủ nào cũng hoạt động tốt nhất khi có một đảng đối lập mạnh cạnh tranh, đưa ra những khuyến nghị và phản đối. Đảng Quốc đại lãnh đạo phát triển các ý tưởng và dự án mới như thế nào và nó có trải qua những thay đổi đáng kể hay không là những vấn đề rất đáng quan tâm. Các đảng khu vực luôn là một yếu tố trong chính trị Ấn Độ, do đó việc đánh giá ảnh hưởng và sự tiến bộ của họ cũng rất quan trọng. Liệu Đảng BJP, Đảng Quốc đại hay các đảng khu vực có thể phát triển một chính sách ủng hộ tăng trưởng và bảo vệ môi trường để tạo nhiều việc làm và làm không khí trở nên trong sạch hơn? Hai mươi năm trước, ít người dự đoán Barack Obama và Narendra Modi sẽ dẫn dắt các quốc gia của mình. Nhưng có một điều chắc chắn là: bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra trong các nền dân chủ.

* Nguồn: Văn phòng Nghiên cứu quốc gia về châu Á phỏng vấn Tim Roemer.

** Giám đốc cao cấp và Cố vấn chiến lược, thuộc Chiến lược Chính trị toàn cầu, APCO Worldwide. Ông từng là đại sứ Mỹ tại Ấn Độ từ năm 2009 đến năm 2011.

Người dịch: ThS Phùng Thanh Hà
Hiệu đính: TS Nguyễn Thị Phương Thảo 

Nguồn:

Viết bình luận

Bình luận

Cùng chuyên mục