Chuẩn tướng Ấn Độ: Việt Nam đã sẵn sàng để đáp ứng những thách thức của thời kỳ mới
Theo Chuẩn tướng Ấn Độ, ban lãnh đạo mới của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục thúc đẩy các chính sách kinh tế mở cửa cũng như các chính sách an ninh và đối ngoại đa phương đã được đề ra.
Trang VIF của Ấn Độ ngày 13/4/2021 đăng bài viết của Chuẩn tướng Ấn Độ Vinod Anand, nhà nghiên cứu cao cấp của VIF.
Theo đó, ban lãnh đạo mới của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục thúc đẩy các chính sách kinh tế mở cửa cũng như các chính sách an ninh và đối ngoại đa phương đã được đề ra. Việc thành lập chính phủ mới không có khả năng dẫn đến bất kỳ sự gián đoạn nào trong các mối quan hệ hiện có của Việt Nam với các chủ thể khu vực và toàn cầu.
Các nhiệm vụ và ưu tiên của Thủ tướng Chính phủ đã được nêu trong Nghị quyết Đại hội Đảng XIII, trong đó tập trung vào 6 nhiệm vụ trọng tâm và 3 đột phá chiến lược, bao gồm chuyển đổi số quốc gia, phát triển nền kinh tế dựa trên số hóa, phát triển khoa học và công nghệ, tạo ra môi trường thuận lợi hơn cho phát triển kinh doanh cũng như các mối quan tâm về sản xuất.
Đảm bảo quốc phòng, an ninh, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và trật tự, an toàn xã hội là nhiệm vụ hàng đầu của tân Thủ tướng Phạm Minh Chính khi đối mặt với tình hình bất ổn ở Biển Đông.
Bất chấp tác động tiêu cực của Covid-19, trong nhiệm kỳ của chính phủ tiền nhiệm do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đứng đầu, Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc trong việc củng cố nền kinh tế cũng như nâng cao vị thế và tầm vóc của Việt Nam trên trường quốc tế.
Nhiệm vụ thách thức nhất đối với tân Thủ tướng là đặt nền móng vững chắc trong 5 năm tới để Việt Nam có thể phát triển thành một quốc gia hiện đại với nền kinh tế phát triển toàn diện, sánh ngang với các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản và các nước phương Tây.
Việt Nam có thể đạt được thành quả này trong 2 đến 3 thập kỷ tới với sự hỗ trợ của các chính sách phát triển kinh tế và xã hội phù hợp với tầm nhìn của các nhà lãnh đạo chính trị.
Năm 2021 đánh dấu sự bắt đầu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025) và Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm (2021-2030). Nhiệm vụ của ban lãnh đạo mới của Việt Nam là thực hiện thành công kế hoạch và chiến lược với tầm nhìn xa và đổi mới.
Hơn nữa, ở cấp độ quốc tế, Việt Nam đảm nhận vị trí Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tháng 4/2021 và đây là lần thứ hai Việt Nam trở thành Chủ tịch luân phiên trong hai năm nhiệm kỳ 2020-2021 là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Điều này giúp Việt Nam có thể đóng góp sức mình vào việc thúc đẩy hòa bình, ổn định và an ninh ở cấp độ toàn cầu cũng như trong các vấn đề khu vực và hội nhập sâu hơn với thế giới.
Trong phạm vi quan hệ song phương với Ấn Độ, theo tác giả bài báo, ban lãnh đạo mới của Việt Nam dự kiến sẽ tiếp tục duy trì mối quan hệ truyền thống và bền chặt trên các lĩnh vực đa dạng với quốc gia Nam Á.
Mối quan hệ song phương được củng cố bởi quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện ký năm 2016 trên một số lĩnh vực từ chính trị, hợp tác kinh tế, mở rộng hợp tác thương mại, quốc phòng và an ninh, hợp tác năng lượng cũng như giao lưu nhân dân bên cạnh nhiều lĩnh vực khác.
Giờ đây, tân Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng với Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ có thể tạo thêm động lực cho quan hệ hợp tác song phương ngày càng phát triển. Cần mở rộng hơn nữa hợp tác quốc phòng và an ninh song phương giữa hai bên trong bối cảnh môi trường an ninh toàn cầu và khu vực đang thay đổi.
Ở cấp độ quốc tế, cả Ấn Độ và Việt Nam là Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nên hai bên có thể hợp tác hơn nữa và đóng góp vào hòa bình, an ninh và thịnh vượng trong khi giải quyết các vấn đề khu vực và toàn cầu.
Hơn nữa, Việt Nam và Ấn Độ đã và đang hợp tác trong các tổ chức khu vực như ASEAN để thực hiện các mục tiêu của các tổ chức đó.
Ấn Độ và Việt Nam cũng chia sẻ nhận thức tương tự về những gì đang diễn ra ở Biển Đông, nơi các hoạt động của Trung Quốc quân sự hóa các đảo và đá ngầm đã diễn ra và Ấn Độ sẽ tiếp tục ủng hộ, phối hợp với các cường quốc khác để đảm bảo quyền tự do hàng hải và các chuyến bay ở Biển Đông cũng như sự tuân thủ luật pháp quốc tế.
Nhìn chung, ban lãnh đạo mới của Việt Nam là sự pha trộn giữa cái cũ và cái mới và được kỳ vọng sẽ củng cố những tiến bộ đạt được trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội và an ninh khi nỗ lực thực hiện các mục tiêu, các kế hoạch và chiến lược 5 năm, 10 năm. Từ những thành tích đã đạt được, có thể nói rằng Việt Nam đã sẵn sàng để đáp ứng những thách thức của thời kỳ mới.
(theo TTXVN)
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục