Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Chướng ngại Pakistan trong tam giác quan hệ Mỹ - Trung - Ấn (Phần 3)

Chướng ngại Pakistan trong tam giác quan hệ Mỹ - Trung - Ấn (Phần 3)

Tại thời điểm vai trò của Pakistan trong cuộc chiến chống chủ nghĩa cực đoan và chủ nghĩa khủng bố bị đặt một dấu hỏi lớn, cả thế giới đang theo dõi quyết định của Bắc Kinh về quan hệ với Islamabad.

05:36 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

(Tiếp theo phần 2)

Chướng ngại Pakistan trong tam giác quan hệ Mỹ - Trung - Ấn 

Harsh V. Pant*

3. Trung Quốc tiếp tục là điểm nổi bật trong chính sách đối ngoại của Pakistan 

Trong bối cảnh Ấn Độ trỗi dậy như một cường quốc về kinh tế và chính trị có tầm quan trọng toàn cầu, mối quan hệ giữa Trung Quốc và Ấn Độ hiện được đánh giá đang ở thời điểm mấu chốt. Ấn Độ đang cố gắng tìm kiếm một chính sách phức hợp phù hợp để đối phó với người láng giềng quan trọng nhất của mình. Trong khi đó, các chiến lược gia Trung Quốc vẫn lo ngại về nỗ lực của Mỹ trong việc bao vây Trung Quốc, cũng như về tác động mạnh mẽ đối với an ninh Trung Quốc nếu Mỹ cuối cùng có thể khiến Ấn Độ gia nhập vào liên minh của mình. Dựa trên quan điểm này, Trung Quốc tiếp tục giữ cảnh giác đối với mạng lưới liên minh "từ Nhật Bản đến Ấn Độ", ngày càng bóp nghẹt các hoạt động của Trung Quốc.22 Trong khi Ấn Độ cố gắng vươn lên vị trí của một siêu cường toàn cầu bằng cách thực hiện hàng loạt chính sách đối ngoại đầy tham vọng, Trung Quốc có thể cản trở tham vọng của Ấn Độ một cách hiệu quả khi tiếp tục tăng cường hỗ trợ ngoại giao và quân sự cho Pakistan. Bất chấp sự không hài lòng của Ấn Độ, những biểu hiện rõ ràng trong thời gian qua của Trung Quốc cho thấy quốc gia này sẽ tiếp tục đi theo con đường đó. 

Chính phủ dân sự của Tổng thống Asif Ali Zardari đang chịu áp lực lớn từ Hoa Kỳ đòi hỏi phải hành động nhiều hơn để chống chủ nghĩa khủng bố bắt nguồn trên lãnh thổ Pakistan. Đứng trước áp lực này, nhiều ý kiến đã được đưa ra trong nội bộ Pakistan, kêu gọi chính phủ áp dụng một chính sách đối ngoại coi Trung Quốc chứ không phải Mỹ là đồng minh mạnh nhất và bên liên quan quan trọng nhất của Pakistan. Trung Quốc nổi lên như một cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới cùng với những nỗ lực xích lại gần đây giữa Ấn Độ và Hoa Kỳ để hình thành một mối quan hệ gần gũi hơn chính là những nguyên nhân làm cho đề nghị này trở nên thuyết phục hơn. Washington trong lịch sử đã bị cáo buộc sử dụng Pakistan trong những lúc cần thiết và sau đó bỏ rơi quốc gia này để theo đuổi chính sáchủng hộ mối quan hệ mạnh mẽ hơn với Ấn Độ để phục vụ cho các mục tiêu chiến lược lớn hơn khác. Pakistan vẫn còn tức giận về sự thờ ơ của Hoa Kỳ sau khi sử dụng quốc gia này làm kênh viện trợ cho phiến quân Afghanistan và sau đó quay lưng lại sau khi Liên Xô rút lui. Trong khi chỉ có khoảng 9% dân số Pakistan xem Hoa Kỳ như một đối tác, thì có tới khoảng 80 % coi Trung Quốc là bằng hữu.23 

Quyết định tạm hoãn một phần viện trợ cho quân đội Pakistan vào tháng 7 năm 2011 của chính quyền Obama đã khiến nhiều người ở Islamabad thể hiện thái độ mạnh mẽ hơn trong việc nhấn mạnh tầm quan trọng của Bắc Kinh đối với Pakistan. Phản ứng trước động thái này của Mỹ, đại sứ Islamabad ở Bắc Kinh, Masood Khan, đã nhanh chóng cho rằng “Trung Quốc sẽ đứng cạnh chúng ta trong thời điểm khó khăn như quốc gia này đã làm trong những năm qua.”24 Mặc dù Bắc Kinh không thể thay thế Washington trong vai trò viện trợ cho Pakistan, những căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Pakistan tạo cơ hội để cho Bắc Kinh củng cố mối quan hệ với Islamabad ngày càng sâu sắc hơn. Theo đó, Trung Quốc được coi như là một đồng minh đáng tin cậy hơn, luôn đến trợ giúp Pakistan khi Ấn Độ đang trong lúc trỗi dậy, thậm chí đến mức độ mà Trung Quốc thoải mái nhắm mắt làm ngơ đối với chiến lược sử dụng khủng bố như một công cụ của chính sách đối phó với Ấn Độ của Pakistan. Không có gì đáng ngạc nhiên khi Pakistan đã cho Trung Quốc tự do can thiệp vào các cuộc đối thoại hòa bình Ấn Độ-Pakistan.25 Pakistan dường như cũng đã cho phép các kỹ sư Trung Quốc kiểm tra phần còn lại của chiếc trực thăng tàng hình bị phá hủy trong các cuộc tấn công giết chết Osama bin Laden – bất chấp việc Hoa Kỳ yêu cầu trực tiếp rằng Trung Quốc không được phép làm như vậy.26 

4. Dự báo cho mối quan hệ “mọi hoàn cảnh”  

Với sự trỗi dậy của Ấn Độ trong hệ thống toàn cầu và những nỗ lực của Hoa Kỳ để gầy dựng một quan hệ đối tác mạnh mẽ với Ấn Độ, rõ ràng Pakistan ngày càng trở nên cần thiết đối với Trung Quốc. Khi căng thẳng gia tăng giữa Ấn Độ và Pakistan sau vụ tấn công khủng bố ở Mumbai tháng 11 năm 2008, Tổng tham mưu trưởng Liên quân Pakistan đã đến Trung Quốc để tìm kiếm sự hỗ trợ của nước này, và Pakistan đã có được điều đó. Chuyến thăm dẫn đến việc ký kết một thỏa thuận mới về hợp tác quân sự giữa hai quốc gia, với việc Bắc Kinh đồng ý đẩy nhanh việc cung cấp các tàu chiến frigate F-22 cho Hải quân Pakistan.  

Bắc Kinh biện minh việc bán vũ khí cho Pakistan cũng giống với việc Ấn Độ mua các hệ thống vũ khí tương tự từ Hoa Kỳ (Trung Quốc cũng mua các thiết bị quân sự từ Nga). Trung Quốc đã liên tục bảo vệ nguyện vọng của Pakistan trong việc có được các hệ thống vũ khí hỏa lực lớn, xem việc này là bình thường đối với một quốc gia độc lập đang tìm cách tăng cường an ninh quốc gia.27 Những năm trước các cuộc tấn công ở Mumbai, Trung Quốc đã chặn đứng biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc chống lại hai tổ chức nguy hiểm là Lashkar-e-Taiba (LeT) và Jamaat-ud-Dawa (Jud), các tổ chức lên kế hoạch và thực hiện các cuộc tấn công đó, bất chấp một sự đồng thuận toàn cầu về biện pháp trừng phạt.28 Chỉ khi căng thẳng nổi lên giữa Bắc Kinh và Islamabad liên quan đến việc những người ly khai Uighur Trung Quốc được cho phép ẩn náu và được đào tạo quân sự trên lãnh thổ Pakistan, Trung Quốc mới đồng ý với lệnh cấm JuD. Gần đây, Trung Quốc đã từ chối xem xét lại sự phản đối của mình trong khuôn khổ Liên Hiệp Quốc đối với việc lên án Maulana Masood Azhar của tổ chức Jaish-e-Mohammed và một số nhân vật nổi bật của LeT đặt tại Pakistan, mặc dù New Dehli đã trình bày thông tin chi tiết về các tổ chức này cho Beijing.29 

Ngoại trừ Trung Quốc, các cường quốc khác như Anh, Pháp, Đức, và Nga đều ủng hộ thỏa thuận hạt nhân Mỹ-Ấn Độ vì họ muốn bán nhiên liệu hạt nhân, lò phản ứng và thiết bị cho Ấn Độ. Về phần mình, Trung Quốc thể hiện rõ ràng sự không hài lòng của mình bằng cách yêu cầu Ấn Độ ký hiệp ước NPT và tháo dỡ các vũ khí hạt nhân của quốc gia này. Hãng tin Tân Hoa Xã của Trung Quốc nhận xét rằng các thỏa thuận hạt nhân Mỹ-Ấn Độ "sẽ thiết lập một tiền lệ xấu cho các nước khác."30 Theo nhiều cách khác nhau, thỏa thuận Mỹ-Ấn Độ sẽ là một bước đi giúp công nhận vai trò toàn cầu ngày càng lớn của Ấn Độ. Hiển nhiên, Trung Quốc không hài lòng cho lắm với kết quả này và tuyên bố sẽ sẵn sàng bán các lò phản  ứng hạt nhân cho Pakistan.31 Đó là một lời nhắn nhủ rõ ràng với Hoa Kỳ rằng nếu Washington quyết định cư xử thiên vị, Trung Quốc cũng có quyền làm tương tự.  

Không ngạc nhiên khi kế hoạch của Trung Quốc cung cấp hai lò phản ứng hạt nhân cho Pakistan bất chấp các quy tắc quốc tế đã tạo dư luận lớn. Chính quyền Trung Quốc đã xác nhận rằng Tập Đoàn Hạt Nhân Quốc Gia Trung Quốc đã ký một thỏa thuận với Pakistan về hai lò phản ứng hạt nhân mới tại Chashma - Chashma III và Chashma IV - ngoài hai lò đã đang hoạt động ở Pakistan. Đây sẽ là sự vi phạm rõ ràng các nguyên tắc của Nhóm Cung Ứng Hạt Nhân (Nuclear Suppliers Group - NSG) về việc cấm chuyển giao hạt nhân cho các nước không ký kết hiệp ước NPT hoặc không tuân thủ các biện pháp bảo vệ toàn diện theo chuẩn quốc tế đối với chương trình hạt nhân của họ. Trung Quốc cho rằng “có những lý do chính trị thuyết phục liên quan đến sự ổn định của khu vực Nam Á để biện minh cho việc xuất khẩu hạt nhân,” Pakistan theo đó lặp đi lặp lại rằng rằng hiệp ước hạt nhân Mỹ-Ấn Độ đã làm xáo trộn ổn định trong khu vực. 32 Quyết định cung cấp các lò phản ứng cho Pakistan – nước đã có lịch sử giao dịch với Bắc Triều Tiên, Iran và Libya - phản ánh sự tự tin ngày càng tăng về mặt ngoại giao của Trung Quốc và thể hiện rõ quan điểm của quốc gia này đối với Pakistan như một thế lực chiến lược Nam Á được coi trọng. 

Có những gợi ý gần đây bắt nguồn từ Bắc Kinh về việc Trung Quốc có khả năng thiết lập căn cứ quân sự ở nước ngoài để chống lại ảnh hưởng của Mỹ và gây áp lực lên Ấn Độ. Một số bộ phận tại New Delhi đã diễn giải rằng Trung Quốc muốn hiện diện quân sự lâu dài ở Pakistan. Dù về mặt chính trị chính phủ Pakistan không thể theo đuổi những rủi ro như thế và công khai cho phép Trung Quốc thiết lập một căn cứ quân sự nhưng New Delhi vẫn lo ngại rằng Islamabad có thể cho phép Bắc Kinh sử dụng các cơ sở quân sự Pakistan mà không cần tuyên bố công khai.33 Những lo ngại của Ấn Độ cũng tăng cao với việc Trung Quốc và Pakistan đang cùng phối hợp nỗ lực trong vấn đề liên quan đến vấn đề biên giới với Ấn Độ. Sự hiện diện của quân đội Trung Quốc tại khu vực Gilgit-Baltistan ở Kashmir do Pakistan chiếm đóng, với mục đích sửa chữa và nâng cấp đường cao tốc Karakoram, có hệ quả rất lớn đối với an ninh Ấn Độ.34 

Nói chung, chính sách của Trung Quốc đối với Pakistan được nhận định đúng đắn là “một bài học thực tế về việc làm thế nào để đạt được mục tiêu quốc gia dài hạn bằng các tính toán bình tĩnh, tính nhẫn nại, và kỹ năng ngoại giao”.35 Tuy nhiên, thật sự vẫn có những hạn chế trong mối quan hệ Trung Quốc-Pakistan. Mối quan hệ về cơ bản vẫn không cân xứng: Pakistan muốn nhiều hơn từ mối quan hệ với Trung Quốc hơn là khả năng Trung Quốc sẵn sàng cung cấp. Ngày nay, khi các vấn đề trong nước của Pakistan trở nên quá nghiêm trọng, Trung Quốc càng thận trọng hơn trong việc dính líu. Tháng 9 năm 2011, Tập Đoàn Trung Quốc Kingho Group, một trong những công ty khai thác than tư nhân lớn nhất của Trung Quốc, đã rút khỏi một thỏa thuận được xem là đầu tư nước ngoài lớn nhất của Pakistan, với lý do lo ngại cho sự an toàn của nhân viên.36 Hơn nữa, Trung Quốc càng tiến gần hơn với Pakistan, Ấn Độ sẽ di chuyển nhanh hơn nữa vào quỹ đạo của Mỹ.  

Trước những lo ngại về khả năng gây mất ổn định của các chiến binh Pakistan đối với người Hồi giáo thiểu số ở Tân Cương của Trung Quốc, Bắc Kinh cũng đã cứng rắn hơn đối với Pakistan. Dòng chảy của vũ khí và khủng bố từ bên kia biên giới ở Pakistan vẫn còn khiến cho chính quyền Trung Quốc đau đầu, và việc Islamabad không có khả năng và/hoặc thất bại trong việc ngăn chặn chủ nghĩa cực đoan khiến Trung Quốc càng khó mà tin tưởng hoàn toàn vào Pakistan. Nếu Pakistan muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ Trung Quốc, Pakistan cần phải chứng minh sự tiến bộ trong việc giải quyết vấn đề này. Khi căng thẳng gia tăng giữa Trung Quốc và Pakistan do bạo lực diễn ra tại thị trấn biên giới Kashgar ở Tân Cương tháng 8 năm 2011, Tổng thống Zardari đã đến nói chuyện trực tiếp với lãnh đạo địa phương và các doanh nhân ở Tân Cương, nhận thức được rằng nếu ông không thể hàn gắn với lãnh đạo địa phương, mối quan hệ giữa Trung Quốc và Pakistan có thể gặp nguy hiểm thực sự. 

Trung Quốc, ít nhất là trên phương diện công khai, đã tiếp tục nhấn mạnh rằng mối quan hệ với Pakistan quan trọng hơn nhiều so với những sự cố bạo lực riêng lẻ. Rõ ràng là quan hệ của Trung Quốc với Pakistan chưa thể bắt kịp ảnh hưởng của Hoa Kỳ ở đất nước này trong ngắn và trung hạn. Thậm chí ngay cả khi Trung Quốc muốn mình có ảnh hưởng như Hoa Kỳ thì vẫn còn thiếu căn cứ. Nhưngviệc Trung Quốc ve vãn Pakistan cho phép Trung Quốc có không gian quan trọng để thực hiện những động thái ngoại giao đối với Ấn Độ và Mỹ, và Trung Quốc sẽ tiếp tục sử dụng mối quan hệ này để theo đuổi các mục tiêu chiến lược lớn hơn của mình. Pakistan, trong thời gian tới, vẫn sẽ không thể là một lợi ích chung gắn kết Trung Quốc với Ấn Độ hoặc Mỹ./.

* Giáo sư Khoa Quan hệ quốc tế, King's College London

Chú thích:

23 Ziad Haider, ‘‘The China Factor in Pakistan,’’ Far Eastern Economic Review, October 2, 2009. 
24 Ahmad Jamal Nizami, ‘‘China to Stand by Pakistan in its Hour of Need: Envoy,’’ The Nation, July 14, 2011, http://www.nation.com.pk/pakistan-news-newspaper-dailyenglish-online/Politics/14-Jul- 2011/China-to-stand-by-Pakistan-in-its-hour-of-need-Envoy. 
25 ‘‘Pak Now Hands China a ‘Blank Cheque,’ India Says No Way,’’ Indian Express, February 23, 2010, http://www.indianexpress.com/news/pak-now-hands-china-a-blankcheque-india/583511/. 
26 Anna Fifield, ‘‘Pakistan Lets China see U.S. Helicopter,’’ Financial Times, August 14, 2011, http://www.ft.com/intl/cms/s/0/09700746-c681-11e0-bb50-00144feabdc0.html#axzz1ZwYY8g6p.
27 Saibal Dasgupta, ‘‘Arms Sale to Pak Justified as India Buys from U.S.: Chinese Official,’’Times of India, December 22, 2009, http://articles.timesofindia.indiatimes.com/2009-12- 22/china/28107355_1_frigates-ships-chinese-media. 
28 Gordon G. Chang, ‘‘India’s China Problem,’’ Forbes, August 14, 2009, http://www.forbes.com/2009/08/13/india-china-relations-population-opinions-columnistsgordonchang.html. 
29 Pranab Dhal Samanta, ‘‘India Hits China Wall in Anti-Terror Talks,’’ Indian Express, September 5, 2011, http://www.indianexpress.com/news/india-hits-china-wall-inantiterror-talks/841686/. 
30 ‘‘Chinese media sees red,’’ Press Trust of India, March 3, 2006, http://www.expressindia.com/news/fullstory.php?newsid63803.
31 Farhan Bokhari, ‘‘Pakistan in Talks to Buy Chinese Reactors,’’ Financial Times, January 2, 2006, http://www.ft.com/intl/cms/s/0/0edd06ac-7bbe-11da-ab8e-0000779e2340.html#axzz1ZwYY8g6p. 
32 Mark Hibbs, ‘‘Pakistan Deal Signals China’s Growing Nuclear Assertiveness,’’ Carnegie Endowment for International Peace, April 27, 2010, http://carnegieendowment.org/2010/04/27/pakistan-dealsignals-china-s-growing-nuclear-assertiveness/4su. 
33 Saibal Dasgupta, ‘‘China Mulls Setting Up Military Base in Pakistan,’’ Times of India, January 28, 2010, http://articles.timesofindia.indiatimes.com/2010-01-28/china/28120878_1_karokoramhighway-military-bases-north-west-frontier-province.

Nguồn:

Cùng chuyên mục