Chuyến thăm của Putin cải thiện mối quan hệ Nga - Ấn Độ
“Nga có quan điểm riêng và ưu tiên trong chính sách đối ngoại với Ấn Độ, do Ấn Độ là đối tác chiến lược đặc biệt ưu tiên của Nga. Chúng tôi dự định sẽ xây dựng mối quan hệ hợp tác song phương thực chất trong nhiều lĩnh vực. Chúng tôi coi Ấn Độ là một trung tâm độc lập, mạnh mẽ của thế giới đa cực”.
Những lời phát biểu này của Tổng thống Nga Vladimir Putin tại cuộc họp của Bộ Ngoại giao Nga là điều mà người Ấn Độ muốn nghe. Nhưng trước đó, Tổng thống Nga đề cập tới mối quan hệ với Trung Quốc đã “đạt đến mức cao nhất trong lịch sử” và hiện là “hình mẫu cho sự hợp tác hiệu quả giữa các quốc gia trong thế kỷ 21”.
Mặc dù rất thận trọng trong các chuyến công du nước ngoài trong đại dịch, Putin đã chọn Ấn Độ là điểm đến đầu tiên cho chuyến thăm nước ngoài độc lập kể từ tháng 1 năm 2020. Ngày 6 tháng 12 năm 2021, Tổng thống Nga sẽ đến New Delhi, và ngày này sẽ trở thành ngày Siêu Thứ Hai trong quan hệ Nga-Ấn vì một loạt các cam kết cấp cao dự kiến sẽ được tổ chức và ký kết trong ngày. Điều bất thường là ngoài cuộc hội đàm giữa Putin-Modi, sẽ có cuộc đối thoại ‘2 + 2’ đầu tiên giữa các Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại giao và một cuộc họp riêng của Ủy ban liên chính phủ.
Thời cơ đã đến
Sẽ rất thú vị nếu nói rằng, Nga dành sự chú ý đặc biệt đối với Ấn Độ trong danh sách các ưu tiên chính sách đối ngoại. Tuy nhiên, đằng sau những biểu tượng và sự phô trương tạo ra bầu không khí của hội nghị thượng đỉnh được chờ đợi từ lâu, có một số lý do sâu xa trong chuyến đi của Putin đến Ấn Độ.
Đầu tiên, đó là việc cung cấp hệ thống tên lửa đất đối không S-400, điều này biểu thị mối quan hệ hợp tác quân sự tiên tiến giữa hai nước và hơn thế nữa. Khi giao các hệ thống này cho Ấn Độ, Putin có thể bằng một mũi tên bắn trúng hai đích. Một là chứng tỏ cho Mỹ và cử tri của Nga thấy Nga đã thành công vượt qua các lệnh trừng phạt và bất chấp áp lực bên ngoài, đã cố gắng giữ vững mối quan hệ với các đối tác quan trọng. Mặc dù việc chuyển giao S-400 mới bắt đầu gần đây, nhưng Nga đã sẵn sàng đề xuất với Ấn Độ thế hệ tiếp theo của những hệ thống này ngay sau khi được đưa vào biên chế trong lực lượng vũ trang Nga.
Hai là, một loạt các thỏa thuận khác trong lĩnh vực quốc phòng và năng lượng đã ở giai đoạn kéo dài và hiện đang chờ đợi sự bắt tay giữa Modi-Putin để tiếp tục triển khai. Ba là, Putin không thể hoãn chuyến đi Ấn Độ một lần nữa vì dư luận Ấn Độ xấu đi về Nga bắt đầu ảnh hưởng đến mối quan hệ. Việc hội nghị thượng đỉnh không được tổ chức vào năm 2020 trùng hợp với một loạt tranh cãi bao gồm những nhận xét thẳng thắn của Ngoại trưởng Nga về quan hệ Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và Ấn Độ - Mỹ, và sự bất mãn của New Delhi với việc bị loại khỏi đàm phán về Afghanistan “troika mở rộng”, và chuyến thăm Pakistan của Ngoại trưởng Nga Lavrov.
Cuối năm 2020 và nửa đầu năm 2021 có lẽ không phải là giai đoạn tốt nhất cho quan hệ Ấn-Nga. Tuy nhiên, những khó khăn đến dồn dập cùng lúc. Cuộc điện đàm giữa Putin và Modi hồi tháng 4/2021 nổi lên như một điểm uốn dẫn đến sự gia tăng đột biến trong các cuộc tiếp xúc song phương. Viện trợ y tế của Nga cho Ấn Độ trong bối cảnh làn sóng COVID-19 mới và nguồn cung cấp vắc-xin Sputnik-V đã tạo nền tảng tích cực cho sự hợp tác trong tương lai. Tông màu của các cuộc đàm phán trong chuyến thăm của Ngoại trưởng Ấn Độ, Tiến sĩ S. Jaishankar tới Moscow vào tháng 7/2021 cho thấy rằng, các mâu thuẫn đã được giải quyết. Tình hình ngày càng xấu đi ở Afghanistan, đặc biệt là việc Taliban tiếp quản Kabul, cũng buộc Ấn Độ và Nga phải liên kết với nhau. Và một lần nữa, các cuộc điện đàm ở cấp cao nhất đã mở đường cho việc tăng cường đối thoại về cuộc khủng hoảng Afghanistan.
Những dịch chuyển và thay đổi trong vấn đề Afghanistan
Trong thập kỷ qua, Moscow đã nhìn khu vực này qua lăng kính của cuộc đối đầu với phương Tây, chủ yếu là với Mỹ. Khi mối quan hệ với Washington trở nên xấu đi, sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Afghanistan là một vấn đề gây khó chịu đối với Nga. Về cơ bản, việc Mỹ rút quân khỏi khu vực là giải pháp lý tưởng của Moscow khi cơ sở an ninh ngày càng cảm thấy bị Washington bao vây cả từ sườn phía Tây và phía Nam của biên giới Nga.
Trớ trêu thay, việc Mỹ rút khỏi Afghanistan lại gây ra những mối đe dọa an ninh mới đối với các nước Cộng hòa Trung Á và mở rộng sang cả Nga. Moscow đã bắt buộc phải thực hiện các cam kết của mình với tư cách là một phần của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) và bảo đảm lãnh thổ của mình tránh khỏi khả năng xuất khẩu khủng bố và dòng người di cư Afghanistan qua các quốc gia này. Hơn thế nữa, việc Taliban kiên định giành quyền lực đã trở thành nguồn cảm hứng cho các nhóm cực đoan trên khắp khu vực, kể cả trên đất Nga. Trong khi Bộ Ngoại giao Nga luôn ngăn chặn Nhà nước Hồi giáo tự xưng để phòng ngừa các mối đe dọa an ninh tức thời xuất phát từ Afghanistan, thì hệ tư tưởng thánh chiến của Taliban cũng đã thu hút những tín đồ ở các thành phố của Nga, dẫn đến sự xuất hiện của các cơ sở khủng bố. Điều này khiến Moscow đứng trước tình thế khó xử giữa các nỗ lực ngoại giao nhằm hợp pháp hóa chính quyền Taliban trên toàn cầu và duy trì lệnh cấm hệ tư tưởng của họ trong lãnh thổ Nga (hiện tại Taliban vẫn còn bị coi là lực lượng ngoài vòng pháp luật ở Nga).
Tham vọng kinh tế địa lý của Nga trong khu vực thường bị bỏ qua. Trong khi đó, Taliban chứng tỏ được kỹ năng giao dịch của họ trong mắt chính phủ Nga. Moscow đã bắt đầu tỏ ra sốt sắng khi tham gia vào các dự án thương mại ở Afghanistan. Đặc biệt, công ty đường sắt Nga RZD đã tăng cường tương tác với các đối tác của Uzbekistan về việc triển khai tuyến đường sắt xuyên Afghanistan từ Mazari-Sharif đến Peshawar qua Kabul. Dự án đã nhận được sự ủng hộ trong các cuộc đàm phán gần đây giữa các quan chức cấp cao của Pakistan và Uzbekistan, và các đại diện của nội các Taliban, trong đó tất cả các bên nhất trí tiếp tục thực hiện dự án.
Tất cả những điều này khiến đối thoại Nga-Ấn về Afghanistan đi đến đâu? Trên lý thuyết, có vẻ như trục Trung Quốc-Pakistan-Nga được thảo luận nhiều sẽ thành hiện thực khi những nước này có thể quản lý được các vấn đề về Afghanisatan do họ có các liên kết chặt chẽ ư với Taliban. Trên thực tế, sự phấn khích của Moscow trước việc Taliban giành được quyền lực nhanh chóng chuyển thành một cách tiếp cận thực dụng hơn. Trong khi nói chung ủng hộ chế độ của Taliban và ghi công cho những nỗ lực của họ trong việc ổn định tình hình, các quan chức Nga vẫn tiếp tục nhấn mạnh vào việc chính phủ mới có cho phép nhóm dân tộc thiểu số tham chính hay không và bày tỏ lo ngại về mối đe dọa khủng bố vượt khỏi tầm kiểm soát.
Trong các cam kết ngoại giao, Nga đã không bỏ hết trứng vào giỏ Bắc Kinh-Islamabad và luôn kín tiếng trong các cuộc thảo luận về cuộc khủng hoảng Afghanistan dưới nhiều hình thức khác nhau. Khá ngạc nhiên là chỉ khi Ấn Độ tham gia, cơ chế tham vấn cấp cao đặc biệt về Afghanistan mới được thành lập. Điều này gợi nhớ đến nhóm làm việc chung đã tồn tại vào đầu những năm 2000. Ấn Độ cũng là quốc gia duy nhất được Thư ký Hội đồng An ninh Nga Nikolay Patrushev đến thăm hai lần trong thời gian ngắn.
Trước khi Taliban lên nắm quyền ở Kabul, Nga đã tỏ ra khá hài lòng với sự hiện diện của Trung Quốc trong khu vực. Tuy nhiên, điều này có thể lại xảy ra, khi Mỹ tạm thời ra khỏi khu vực và Trung Quốc đang tăng cường hiện diện quân sự ở đó, làm giảm phạm vi ảnh hưởng của Nga. Moscow và New Delhi có thể chia sẻ quan điểm tập trung hơn trong việc ngăn chặn hình thành vị thế bá quyền mới.
Những lời hứa chắc chắn và những khát vọng lớn
Ngoài một số thay đổi sắc thái trong cách tiếp cận đối với việc giải quyết khủng hoảng Afghanistan, Nga đã thực hiện một bước ngoặt trong chính sách Ấn Độ Dương - khu vực mà Ấn Độ được cho là đối tác trung tâm của Nga. Moscow đang tìm cách tăng cường sự hiện diện trong khu vực Ấn Độ Dương thông qua việc tiến hành một loạt các cuộc tập trận hải quân và thiết lập một cơ sở hỗ trợ hậu cần ở Sudan. Việc ký kết Thỏa thuận trao đổi hậu cần đối ứng (RELOS) đã quá hạn lâu với Ấn Độ, được dự đoán sẽ thực hiện trong cuộc gặp giữa Putin và Modi, cũng có thể phục vụ mục đích này. Ở cấp độ ngoại giao, Hiệp hội Vành đai Ấn Độ Dương (IORA), Nga đã được cấp tư cách đối tác đối thoại. Đáng chú ý, trong bài phát biểu tại cuộc tranh luận cấp cao của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc (UNSC) về an ninh hàng hải do Thủ tướng Modi chủ trì, Tổng thống Nga nhấn mạnh mối quan tâm trong việc “xây dựng hợp tác hiệu quả” với IORA và Ủy ban Ấn Độ Dương (IOC). Rõ ràng, Ấn Độ và Nga vẫn chưa phát huy hết tiềm năng hợp tác.
Moscow và New Delhi duy trì mối quan hệ chính trị của họ dựa trên những động lực như Afghanistan và các cuộc đàm phán hòa giải giữa Washington và Bắc Kinh, các lĩnh vực khác trong đối thoại song phương cũng đáng được chú ý. Câu hỏi lớn nhất là liệu có thực sự đã có một sự thay đổi đáng kể hay như cựu Đại sứ Ấn Độ tại Nga DB Venkatesh Varma đã nói, đó là “một cuộc cách mạng thầm lặng” trong quan hệ giữa Ấn Độ và Nga hay không.
Dựa vào một số thỏa thuận lớn, chủ yếu là trong lĩnh vực quốc phòng, hai quốc gia dường như hài lòng với những tiến bộ đạt được trong hai năm qua. Nhưng sự hợp tác song phương về tổng thể vẫn tiếp tục dựa trên những mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau trong khi bản chất vốn có vẫn chưa có gì thay đổi. Hai chính quyền vẫn giữ tình hữu nghị nhưng hai đất nước cùng với nhóm doanh nghiệp và người dân vẫn chưa có kết nối sâu sắc. Mối quan hệ chính trị luôn được đặt lên hàng đầu trong chương trình nghị sự, nhưng cũng cần tìm cách kết nối nhân dân hai nước. Cho đến nay vẫn chưa có biện pháp triệt để nào để giải quyết vấn đề này, ngoài một số mỹ từ trong các tuyên bố chung.
Putin thăm Ấn Độ là một tín hiệu đầy hứa hẹn, nhưng chính sách Ấn Độ của Nga cần phương pháp toàn diện để giúp mối quan hệ hồi phục hoàn toàn sau những thăng trầm trước đây.
Tác giả: Aleksei Zakharov, Nghiên cứu viên tại Viện Nghiên cứu Phương Đông, Viện Hàn lâm Khoa học Nga, cựu Nghiên cứu viên tại Quỹ Nghiên cứu Người quan sát (ORF), New Delhi.
Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ
Nguồn: https://www.orfonline.org/expert-speak/will-putins-visit-cure-troubles-in-india-russia-relations/
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục
Tư liệu Nghiên cứu Ấn Độ 04:00 12-12-2024
G20 và Cơ hội Mở Rộng Quan Hệ Ấn Độ - Mỹ Latinh
Tư liệu Nghiên cứu Ấn Độ 03:00 12-12-2024