Công nghệ cho sự phát triển: Cuộc Cách mạng Xanh ở Ấn Độ (Phần 2)
Cuộc “Cách mạng Xanh” vào những năm 1960 dựa trên nền tảng công nghệ đã làm tăng sản lượng lương thực của Ấn Độ nhờ tạo ra các giống cây trồng mới năng suất cao, sử dụng rộng rãi phân bón và máy móc, cải cách ruộng đất và hệ thống thuỷ nông. Bài viết này cho rằng, chính công nghệ đã thúc đẩy sự phát triển của nông nghiệp, dẫn tới cuộc “Cách mạng Xanh” trong nông nghiệp ở Ấn Độ. Romer cho rằng, chính giáo dục, các nghiên cứu và phát triển cũng là yếu tố quan trọng để công nghệ được áp dụng một cách thành công. Ngày nay, hơn 50% dân số Ấn Độ làm trong lĩnh vực nông nghiệp, mặc dù nông nghiệp chỉ chiếm 17% GDP. Điều này đã chỉ ra rằng, cuộc Cách mạng Xanh trong nông nghiệp không tạo ra thay đổi về cơ cấu ngành trong kinh tế Ấn Độ như một số người ảo tưởng. Mặc dù có những mặt tiêu cực, nhưng cuộc Cách mạng Xanh trong nông nghiệp đã giúp tăng sản lượng thu hoạch.
Alyssa Panning*
Kishore G. Kulkarni**
Trong bài viết “Thay đổi công nghệ sinh học”, Romer định nghĩa công nghệ như sự cải tiến trong việc hướng dẫn pha trộn các chất thô với nhau, hay nói cách khác, công nghệ như là trái tim của sự phát triển kinh tế (1990: S72). Mặc dù ông Romer luôn luôn viết về sự thay đổi công nghệ trong công nghiệp, nhưng thuyết công nghệ đó có thể được áp dụng trong nông nghiệp. Để mở rộng sự tương đồng, pha trộn các chất liệu thô với nhau có thể bao gồm việc kết hợp trồng giống cây trồng tốt và sử dụng loại phân bón mới. Theo Romer, đặc điểm nổi bật quan trọng nhất của công nghệ là sự không cạnh tranh của nó, một khi chi phí thiết lập một hướng dẫn mới được tạo ra, hướng dẫn đó được sử dụng mãi mãi mà không phải trả thêm bất cứ chi phí phát sinh nào (Romer, 1990: S72). Một khi Ấn Độ áp dụng công nghệ mới thì, về mặt lý thuyết, bất cứ ai cũng được hưởng lợi từ công nghệ này. Thuyết này cũng đúng khi được áp dụng vào trong nông nghiệp. Một khi loại giống mới sản lượng cao được đưa ra, loại giống đó có thể được sử dụng mãi mãi. Kiến thức về công nghệ có thể được sử dụng mãi mãi, lan rộng từ người này sang người khác.
Romer phát triển học thuyết rằng, công nghệ được tạo ra nhờ động lực từ các điều kiện thị trường và môi trường chính trị. Quan điểm này khác với quan điểm cổ điển của Solow bởi Solow cho rằng, công nghệ là ngoại sinh, và công nghệ ở các nước đều giống nhau, bởi ngay khi công nghệ được tạo ra, nó sẽ khuếch đại ngay lập tức. Romer tỏ ra lạc quan về thuyết cổ điển, bởi nó định nghĩa phát triển như sự tương tác giữa công nghệ và các yếu tố đầu vào như vốn hạ tầng trang thiết bị, lao động, nguồn nhân lực (1996: 203). Romer cho rằng, đó là bước quan trọng, vì công nghệ khác với các yếu tố đầu vào khác. Tuy nhiên, Romer cũng có nhiều quan điểm không đồng tình với các nhà cổ điển học bởi công nghệ với họ là một định nghĩa mơ hồ, không tương xứng với bất cứ gì trên thế giới. Trong thuyết cổ điển, công nghệ chỉ được xem như các đường giới hạn như đường giới hạn khả năng sản xuất (Romer, 1996: 202-203).
Romer cũng không đồng tình với mô hình cổ điển bởi mô hình cổ điển xem công nghệ như một mặt hàng công cộng. Lý do là trình độ công nghệ ở các nước khác nhau là khác nhau (Mankiw et al., 1995:318). Cần phải quan tâm tới vấn đề chính trị và thị trường cho sự phát triển của công nghệ mới. Công nghệ có thể cũng được cấp bằng sáng chế, có nghĩa rằng, công nghệ không phải được sử dụng tự do cho tất cả các nước, vì thế nó được coi như là mặt hàng riêng của từng nước. Thay vì phân chia thành hai loại hàng công cộng và hàng riêng, nên phân chia thành hàng mặt hàng ở dạng ý tưởng và mặt hàng thực tế. Thuyết phát triển mới nhấn mạnh rằng, ý tưởng cũng là một loại mặt hàng, và có thể được giao dịch và định giá giống như các mặt hàng khác (Romer, 1996: 204). Thuyết này có thể được áp dụng vào tiến bộ công nghệ trong nông nghiệp bởi phương thức tạo ra một mùa vụ bội thu cũng là một phần quan trọng trong phát triển nông nghiệp.
Theo Romer, tốc độ phát triển công nghệ phụ thuộc vào giáo dục và các nghiên cứu. “Tốc độ đổi mới công nghệ phụ thuộc vào nguồn vốn nhân lực có trình độ” (1990: 337). Có rất nhiều cách để nâng cao trình độ công nghệ ở các nước đang phát triển, trong đó quan trọng nhất là sự đầu tư vào giáo dục ở khu vực nông thôn, đặc biệt là đầu tư về lĩnh vực khoa học. Điều đó sẽ cải thiện cơ sở hạ tầng cần thiết cho các phát minh, phát triển và mở rộng công nghệ nông nghiệp hiệu quả hơn (Hayami and Rutton, 1990: 907). Có nghĩa là ở khu vực nông thôn, người dân có hiểu biết về công nghệ, và biết rằng, họ có thể truyền đạt những công nghệ đó cho các thành viên trong gia đình và các con trong gia đình.
Nguyen phát triển thuyết của Romer và cho rằng, giáo dục, đặc biệt là giáo dục ở bậc phổ thông và đại học có vai trò quan trọng trong việc tăng năng suất nông nghiệp. Số lượng sinh viên tốt nghiệp từ trường đại học nông nghiệp trên 10.000 nam nông dân tỷ lệ thuận với sản lượng ngành nông nghiệp (1979: 569). Tuy nhiên, Nguyen cũng cho rằng, thay vì giáo dục kỹ thuật, có thể tăng số lượng các nhà nghiên cứu và các nhà khoa học làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu và thí nghiệm phát triển nông nghiệp. Điều đó cũng tạo ra hệ quả tốt về phát triển kiến thức kỹ thuật (1979:569). Nguyen kết luận rằng, giáo dục và các nghiên cứu cơ bản hỗ trợ đáng kể cho sự phát triển nông nghiệp.
Romer cho rằng, các chính sách phát triển của chính phủ cũng ảnh hưởng tới đổi mới công nghệ. Ông dự đoán rằng, nền kinh tế có vốn lao động lớn hơn sẽ tăng trưởng mạnh hơn bởi vì nền kinh tế đó sẽ có sự giao thoa về mặt kỹ thuật. Điều đó có nghĩa là thương mại tự do toàn cầu sẽ thúc đẩy sự phát triển (Romer, 1990: S99). Quyết định tham gia khối thương mại tự do toàn cầu sẽ có ảnh hưởng tốt tới nước có đông dân số như Trung Quốc và Ấn Độ. Mô hình gợi ý rằng, các nước buôn bán thương mại với nhau sẽ có nguồn vốn nhân lực lớn hơn, có nghĩa là sẽ dễ dàng nâng cao trình độ công nghệ (Romer, 1990:S98). Mô hình này được áp dụng ở giai đoạn đầu của Cách mạng Xanh tại Ấn Độ. Ấn Độ có thể sử dụng công nghệ mới nhờ vào việc tham gia khối thương mại tự do toàn cầu. Cách mạng công nghệ xanh có sức lan tỏa trên khắp Ấn Độ, và tăng sản lượng của toàn nước. Trong lịch sử đã có rất nhiều trường hợp các nước phát triển đổi mới công nghệ, và nước khác bắt chước công nghệ để giảm thiểu chi phí phát triển ban đầu. Nước bắt chước công nghệ có thể phát triển công nghệ đó nhanh hơn cả các nước phát minh ra công nghệ đó (Islam, 2004: 182). Điều đó đã được minh chứng ở Ấn Độ, bởi hiện tại, Ấn Độ có tốc độ phát triển nhanh hơn các nước đã phát triển.
Kiểm nghiệm giả thuyết của Romer tại Ấn Độ
Hỗ trợ cho giả thuyết của Romer:
Một số học giả cũng đồng ý với thuyết của Romer trong bối cảnh ở Ấn Độ, công nghệ và Cách mạng Xanh đã thúc đẩy sản xuất nông nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dài hạn. Khi thu nhập của người nông dân tăng lên, họ có thể thuê thêm lao động hỗ trợ họ, và như thế là đã tạo công ăn việc làm cho những người thất nghiệp. Tăng thu nhập cũng đồng nghĩa với việc tăng thêm nhu cầu cho các mặt hàng khác, và như thế đã tạo đà cho sự phát triển của các ngành nghề khác. Thực tế phép màu kinh tế tại các nước châu Á được tạo ra nhờ vào sự nâng cao thu nhập trong lĩnh vực nông nghiệp. Chính thu nhập tăng cao đã góp phần mở rộng thị trường trong nước cho các ngành khác phát triển như dịch vụ và công nghiệp (Khush, 1999: 650). Theo ông Khush, chính công nghệ cùng với Cách mạng Xanh đã thúc đẩy phát triển kinh tế tại các nước châu Á.
Sản lượng lúa mì tăng ngay lập tức khi Công nghệ Xanh xuất hiện. Ở Punjab, từ 1965 tới 1973, sản xuất lúa mì tăng 7% mỗi năm. Sản xuất lúa gạo tăng mỗi năm 18% trong thời gian trên. Sản xuất nông nghiệp nói chung tăng 6% mỗi năm (Murgai, 1999:1). Ấn Độ có thể giảm nhập khẩu lương thực kể từ khi có cuộc Cách mạng Xanh (Gereffi and Fonda, 1992: 48). So với giai đoạn trước khi có cuộc Cách mạng Xanh (1961-1965), sản lượng thóc gạo giai đoạn sau Cách mạng Xanh tăng 19,1% (1967-1973). Một số vùng ở Ấn Độ còn có tốc độ tăng trưởng mạnh hơn như Punjab 87,2%, Haryana 64,9% (Dhanagare, 1997: AN - 137). Theo Perrin và Fulginiti, tăng sản lượng rõ ràng là động lực quan trọng của tăng thu nhập thực tế trong suốt thế kỷ qua, và rõ ràng là tăng năng suất là do đổi mới công nghệ chứ không phải là do nâng cao hiệu quả sử dụng của công nghệ có sẵn (2001:455).
Bằng chứng trong lĩnh vực nông nghiệp Ấn Độ đã minh chứng cho thuyết của Romer: giáo dục và các nghiên cứu khoa học rất quan trọng cho phát triển công nghệ. Nhiều người vùng nông thôn đã rất quan tâm đến cơ hội thay đổi công nghệ trong suốt thời gian cách mạng công nghiệp xanh tại Ấn Độ. Khi Chính phủ giành nhiều đầu tư hơn cho lĩnh vực giáo dục và nghiên cứu phát triển nông nghiệp nông thôn, sản lượng lương thực tăng nhanh. Đầu tư vốn cho giáo dục và nghiên cứu phát triển có hiệu quả nhanh hơn đầu tư vào bảo tồn, phát triển cộng đồng hay đường xá (Fan et al., 2000:1050). Nông nghiệp được mở rộng và ngày càng có hiệu quả. Chính phủ cũng có nhiều chính sách tốt hơn về tín dụng nông nghiệp, thúc đẩy phát triển công nghệ mới, bình ổn giá lương thực và thu nhập của người nông dân (Rao và Deshpande, 1986: A-102). (Xem tiếp phần 3)
* Alyssa Panning, Học viện Nghiên cứu quốc tế Josef Korbel, 2201 South Gaylord St. Denver, CO 80208, Email: alyssa.panning@gmail.com
** Tiến sĩ Kishore G.Kulkarni, chuyên gia biên tập và kinh tế, Thời báo kinh tế và thương mại Ấn Độ, CB 77, P.O Box 173362, giảng viên Đại học quận Denver, Denver, CO, 80217-3362, Email: kulkarnk@mscd.edu
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục