Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

COVID-19 & các nước đang phát triển tại phía Nam địa cầu: Từ ứng phó khủng hoảng đến phát triển bền vững

COVID-19 & các nước đang phát triển tại phía Nam địa cầu: Từ ứng phó khủng hoảng đến phát triển bền vững

Thế giới đang thực hiện nhiều biện pháp để ứng phó với Covid-19. Đại dịch hiện đang gây ra những tác động sâu sắc, gây ra nghèo đói, bất bình đẳng và bộc lộ nhiều vấn đề trong quản trị quốc gia. Ngay cả khi thế giới cần có hợp tác toàn cầu, nhiều quốc gia giàu có đã đóng cửa với thế giới để ưu tiên nguồn lực cho công dân của họ.

05:27 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Triển vọng đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc vào năm 2030 ngày càng khó khăn.

Khi các khu vực trên thế giới bắt đầu mở cửa trở lại, điều quan trọng là phải thống kê, đặc biệt là tham chiếu đến các nước đang phát triển phía nam địa cầu (Global South). Di sản của 18 tháng vừa qua là gì, bối cảnh bình thường mới sẽ ra sao, và có thể làm gì để mọi thứ tốt đẹp hơn?

Đây là trọng tâm của Hội nghị phát triển WIDER năm 2021 với chủ đề “COVID-19 và phát triển - Hiệu ứng và thực tế mới cho các nước đang phát triển phía Nam địa cầu”. Sự kiện ảo kéo dài ba ngày, với hơn 1200 người tham gia từ 107 quốc gia, quy tụ các chuyên gia chính sách, các nhà phát triển và các nhà nghiên cứu từ nhiều lĩnh vực.

Những tác động lâu dài hơn của đại dịch

Hai bài phát biểu chính tại hội nghị đã nêu bật các khía cạnh về tác động của đại dịch. Nhận xét của giáo sư Oriana Bandiera, trường Kinh tế và Chính trị Luân Đôn, nhấn mạnh gánh nặng của đại dịch gây ra đói nghèo, xóa sạch thành quả đã tích lũy trong nhiều thập kỷ xóa đói giảm nghèo trên toàn cầu. Nhưng cũng có thể, ở nhiều nước đang phát triển phía nam địa cầu, tình trạng nghèo đói đã không giảm ngay cả trước đại dịch. Vì vậy, đó không phải là sự đảo ngược xu hướng, mà là một tình huống vốn đã tồi tệ đang trở nên tồi tệ hơn.

Bên cạnh những cú sốc khiến tỷ lệ đói nghèo tăng vọt, các biện pháp giãn cách xã hội, chẳng hạn như phong tỏa, đóng cửa trường học, gây nhiều tác động bất lợi đối với nguồn nhân lực và vật chất. Những tác động này, gây bất lợi cho phụ nữ nghèo và phụ nữ trẻ, có thể làm gia tăng thêm bất bình đẳng.

Giáo sư Staffan Lindberg, giám đốc Viện Đa dạng về Dân chủ (V-Dem), Đại học Gothenburg, Thụy Điển, đã mang đến một lăng kính chính trị, chia sẻ nghiên cứu mới về các xu hướng dân chủ và chuyên quyền trên thế giới. Đặc biệt đáng quan tâm là những cách thức mà đại dịch đã tác động vào xu hướng chuyên quyền hóa đang diễn ra, mang lại cho các nhà lãnh đạo những cơ hội mới để trấn áp phe đối lập và mở rộng sự kiểm soát.

Những xu hướng như vậy làm dấy lên lo ngại không chỉ đối với các quyền dân sự và chính trị mà còn đối với sự phát triển kinh tế xã hội, với một số bằng chứng cho thấy, các chế độ chuyên quyền có mối liên hệ nhân quả với sự sụt giảm về kinh tế và y tế sức khỏe, sự tăng lên trong tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh, và nguy cơ xung đột bạo lực.

Các mối liên hệ như vậy đã được xem xét thêm trong các cuộc thảo luận của nhóm bàn về dân chủ và xung đột, dựa trên nghiên cứu mới với những kết quả khảo sát của tổ chức nghiên cứu Afrobarometer và nhiều nguồn khác.

Chúng ta có thể “xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn” không?

Đây là câu hỏi thảo luận trong ngày thứ 3 của hội nghị. Các chuyên gia từ chương trình RISE đã chia sẻ các chính sách quan trọng từ hệ thống giáo dục để phục hồi các cơ hội đã mất; các chuyên gia trong chương trình đối tác chính sách kinh tế (PEP) đã dẫn dắt một phiên thảo luận về những bài học từ chính sách thích ứng và phục hồi toàn diện để ứng phó khủng hoảng; và các chuyên gia của Viện Đại học Liên hợp quốc về Nghiên cứu Hội nhập Khu vực So sánh (UNU-CRIS) đã triệu tập phiên thảo luận về tương lai của quản trị y tế toàn cầu.

Trong các hội thảo do mạng lưới nghiên cứu toàn cầu hóa và tổ chức trong vấn đề chính sách đối với phụ nữ làm việc trong khu vực không chính thức (WIEGO) có trụ sở tại Manchester, Anh, chúng tôi đã thảo luận về sự thay đổi bản chất của công việc không chính thức. Ước tính rằng, hơn một nửa dân số có việc làm trên thế giới đang làm việc trong khu vực phi chính thức, tỷ lệ này tại các quốc gia đang phát triển phía nam địa cầu còn cao hơn, đặc biệt là cao tới hơn 85% ở châu Phi.

Đại dịch đã làm gia tăng sự ghi nhận những người lao động thiết yếu trong khu vực phi chính thức, nhưng điều này không đi kèm với sự bảo vệ hoặc giá trị gia tăng. Tiến sĩ Marty Chen đã tranh luận cần tiến tới một thỏa thuận mới cho những người lao động phi chính thức. Việc thừa nhận giá trị của lao động phi chính thức trong nền kinh tế trong thời kỳ khủng hoảng có thể cung cấp một số động lực cho những thay đổi cần thiết.

Trong tất cả những giải pháp đã bàn, dữ liệu chính xác và kịp thời là quan trọng, nhưng đại dịch đã cản trở việc thu thập dữ liệu, làm trì hoãn hoặc hủy bỏ các cuộc khảo sát, làm trầm trọng thêm sự yếu kém hiện tồn tại trong dữ liệu ở nhiều quốc gia đang phát triển phía nam địa cầu.

Một số phiên họp đã chỉ ra những nguồn dữ liệu đa dạng (về bất bình đẳng, thu ngân sách của các chính phủ và chuyển đổi kinh tế) và hội đồng chính sách đã xem xét các khoảng trống về dữ liệu và một số cách mà đại dịch buộc chúng ta phải đổi mới.

Giá trị của các quan điểm

Điều làm cho các cuộc thảo luận của hội nghị này trở nên có giá trị là sự hiện diện và tham gia của những chuyên gia không chỉ hiểu rõ về lĩnh vực phát triển mà còn cả những thách thức hiện nay ở các nước đang phát triển phía nam bán cầu. Các diễn giả đến từ 56 quốc gia, và những người tham gia từ 107 quốc gia đảm bảo rằng, các cuộc thảo luận này rất đa dạng trong góc nhìn.

Tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc thảo luận toàn cầu giữa các nhà nghiên cứu và các học giả là một phần trong công việc cốt lõi của chúng tôi tại UNU-WIDER. Hội nghị lần này khác với các hội nghị trước do tổ chức trực tuyến để thích nghi với tình hình “bình thường mới”.

Hội nghị cũng thu hút các học giả trẻ, đặc biệt, nhiều người trong số họ mất cơ hội trình bày nghiên cứu trong thời gian đại dịch. Các định dạng mới, chẳng hạn như các cuộc hội thoại bên ánh lửa và quán cà phê trực tuyến, đã trở thành cơ hội để tương tác với số lượng người tham gia kỷ lục, nhiều hơn số lượng người có thể tham gia trực tiếp.

Có rất nhiều điều mới mẻ về hội nghị này nhưng cũng có rất nhiều điều quen thuộc. Sức mạnh hút mạnh mẽ của hội nghị phát triển WIDER đã thể hiện đầy đủ trong các phiên hội thảo. Kiến thức được chia sẻ và các kết nối được xây dựng và củng cố, một lần nữa, đóng góp vững chắc cho nghiên cứu và chính sách về phát triển.

Tác giả: Rachel M. Gisselquist, nghiên cứu viên cao cấp của Viện Nghiên cứu Kinh tế Phát triển Thế giới thuộc Đại học Liên hợp quốc (UNU-WIDER).

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Nguồn: https://indepthnews.net/index.php/sustainability/health-well-being/4785-covid-19-the-global-south-from-crisis-response-to-sustainable-development

Bấm vào đây để đọc bản tiếng Anh của bài viết này/Click here to read the English version of this article

Nguồn:

Cùng chuyên mục