Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

CoWIN – giải pháp công nghệ thông tin để phổ cập tiêm chủng tại Ấn Độ

CoWIN – giải pháp công nghệ thông tin để phổ cập tiêm chủng tại Ấn Độ

Ấn Độ triển khai tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 từ đầu năm 2021 với mục tiêu tiêm chủng một cách có hiệu quả cho khoảng 1,39 tỷ người dân. Để mở đường cho kế hoạch tiêm chủng toàn dân và lấy người dân làm trung tâm, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã tuyên bố khai trương hệ thống quản lý tiêm chủng kỹ thuật số có tên CoWIN, là một giải pháp công nghệ thông tin dựa trên đám mây để lập kế hoạch, thực hiện, giám sát và đánh giá tiêm chủng Covid-19 toàn Ấn Độ.

05:33 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Nền tảng này do Bộ Y tế và Phúc lợi Gia đình Ấn Độ quản lý, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đăng ký, đặt lịch tiêm chủng và lấy chứng nhận đã tiêm. Tính đến ngày 17/6/2021, đã có 48,5 triệu người Ấn Độ được tiêm chủng đủ hai lần và 215 triệu người Ấn Độ đã được tiêm chủng một lần phòng Covid-19. Tổng số lượt tiêm phòng Covid-19 của Ấn Độ tới giữa tháng 6/2021 là 264 triệu.

 

Nền tảng quản trị tiêm vắc-xin cho người dân Ấn Độ

Ấn Độ có 1,10 tỷ người dùng mạng di động trong nước, khoảng 600 triệu người sử dụng điện thoại thông minh và 622 triệu người có kết nối Internet. Tính trung bình, cứ hai người Ấn Độ thì có một người sử dụng điện thoại thông minh và kết nối Internet. Từ đó, Ấn Độ có ý tưởng tạo ra một nền tảng số lấy con người làm trung tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đăng ký qua số điện thoại di động, sau đó, cung cấp OTP để xác minh. Nền tảng này còn cho phép lên lịch một cuộc hẹn tại nơi gần nhất dựa trên mã pin, giúp người dùng có thể tiêm phòng ở gần nhà và không cần di chuyển xa. Cuối cùng, trung tâm tiêm chủng xác nhận và có thể tải xuống các thông tin chi tiết. Sau khi tiêm chủng, chứng nhận kỹ thuật số có thể được tải xuống trong vòng vài phút, chứa thông tin chi tiết về liều lượng, nơi tiêm, bác sĩ và thậm chí cả ngày tiêm chủng mũi tiếp theo, loại bỏ sự bất cân xứng về thông tin.

Nền tảng được thiết kế để hỗ trợ tất cả các quản trị viên ở nhiều cấp khác nhau thông qua phân bổ tự động cho những người đăng ký, xác minh và tạo chứng chỉ kỹ thuật số. Ngoài ra, hệ thống còn làm cho quá trình tiêm chủng minh bạch, đảm bảo có sự phân phối vắc-xin công bằng giữa mọi công dân để bảo đảm nguyên tắc bình đẳng về cơ hội. Nền tảng này cung cấp giải pháp đầu cuối cho hệ thống y tế công cộng ngay từ cấp quốc gia cho đến cấp cơ sở tiêm chủng. Trong việc quản lý người dùng, hệ thống cho phép phân lớp người dùng, bao gồm quản trị viên, người giám sát và người tiêm chủng. Trong việc quản lý vắc-xin còn trong kho và giám sát nhiệt độ, nền tảng này tạo điều kiện thuận lợi cho việc theo dõi và giám sát theo thời gian thực về việc sử dụng vắc-xin, giảm thiếu lãng phí ở tất cả các cấp, bao gồm quốc gia, tiểu bang, quận và huyện. Liên quan đến đăng ký người được tiêm vắc-xin, có hai thành phần: tải lên hàng loạt để đăng ký theo nhóm và đăng ký cá nhân.

Nhiệm vụ chính là lập kế hoạch và đặt lịch tiêm chủng và thực hiện toàn bộ quy trình tiêm vắc-xin: Đăng ký tiêm, tiêm chủng, và các tác dụng phụ sau khi tiêm chủng (AEFI). Nền tảng này cung cấp dữ liệu nhân khẩu học về tổng số địa điểm đăng ký, số lượng đăng ký và quan trọng nhất là số liều vắc-xin đã được sử dụng.

 

Các nền tảng quản lý tiêm chủng trên thế giới

Trong khi Ấn Độ đi đầu trong việc tận dụng công nghệ trong việc quản lý vắc-xin, các quốc gia khác cũng có một số hệ thống quản lý vắc-xin.

Thành phố Dubai thuộc các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất cũng có ứng dụng tương tự; được gọi là SEHA. Nó cũng cung cấp cho người dùng khả năng đặt lịch hẹn.

Vắc-xin Guard là sản phẩm của sự hợp tác giữa Tổ chức Y tế Thế giới và Estonia nhằm xây dựng chứng chỉ tiêm chủng quốc tế. Giống như CoWIN, nhân viên y tế được yêu cầu tạo mã QR dùng làm chứng chỉ kỹ thuật số cho công dân.

Giống như nhiều quốc gia khác, Israel có hệ thống y tế công cộng bắt buộc tích hợp với mạng kỹ thuật số. Tổ chức chịu trách nhiệm chăm sóc sức khỏe có nhiệm vụ duy trì hồ sơ kỹ thuật số của tất cả bệnh nhân. Bất kỳ thực thể được ủy quyền nào sau đó đều có quyền truy cập vào dữ liệu.

Tại Thụy Điển, Svevac đóng vai trò đăng ký tiêm chủng cho các cơ quan chức năng, hệ thống chăm sóc sức khỏe và những bệnh nhân cần nhận thông tin về vắc xin.

 

Các vấn đề và thách thức

Vấn đề đáng lo ngại nhất là quy mô của chương trình tiêm chủng của Ấn Độ. Câu hỏi chính đặt ra ở đây là Chính phủ Ấn Độ có kế hoạch tiêm vắc-xin cho toàn dân từ tháng 12/2021 nhưng đến tháng 6/2021 mới chỉ có 15,2% dân số được tiêm mũi đầu tiên và 3,5% được tiêm chủng đầy đủ hai mũi. Dự kiến, với sự ra đời ​​của các loại vắc-xin mới, Ấn Độ phải liên tục tổ chức lại nền tảng để bổ sung các loại vắc-xin mới nhất. Khi bổ sung các loại vắc-xin mới, các vấn đề về việc sử dụng liều thứ hai cũng xuất hiện.

Một vấn đề quan trọng khác là sự khoảng cách kỹ thuật số. Tình trạng mù kỹ thuật số ở người dân nông thôn ngăn cản họ đăng ký và đặt chỗ trên CoWIN. Gần đây, thậm chí Tòa án Tối cao Ấn Độ đã yêu cầu Chính phủ Ấn Độ “thức tỉnh để nhận ra vấn đề”, nhấn mạnh có “khoảng cách kỹ thuật số” đang gây ra sự tiếp cận bất bình đẳng đối với vắc-xin ngừa Covid-19 ở Ấn Độ. Ngoài ra còn có một số rủi ro an ninh mạng liên quan đến nền tảng này. Nhiều người gặp phải vấn đề trong việc đặt chỗ do thiếu vắc-xin. Nhìn thấy sự lo lắng của họ, tội phạm mạng đã bắt đầu thu hút họ bằng những lời mời giả mạo.

Một số người nhận liều vắc-xin đầu tiên khẳng định rằng họ chưa nhận được tin nhắn SMS xác nhận đã tiêm vắc-xin. Tương tự, đã có những phàn nàn khác về các trục trặc kỹ thuật, chẳng hạn như ngày tháng không nhất quán, gây ra sự khác biệt trong hồ sơ. Việc trùng lặp tài khoản cũng là một vấn đề đáng lo ngại. Một số người tạo tài khoản khác bằng số điện thoại di động và/hoặc giấy tờ tùy thân khác vì một người có thể sử dụng nhiều loại giấy tờ tùy thân để đăng ký. Vì vậy, một số người được tiêm mũi đầu tiên trên một tài khoản và mũi thứ hai trên tài khoản khác. Nhưng cổng thông tin không công nhận đó là liều thứ hai và do đó, những người như vậy nhận được hai giấy chứng nhận đã tiêm mũi thứ nhất. Thiếu các quy định về bảo vệ thông tin nhạy cảm là một vấn đề mà nhiều người dân đang quan tâm. Có nhiều vấn đề liên quan đến kiểm soát thông tin và thu thập dữ liệu cá nhân.

 

Một số biện pháp gần đây

Chính phủ Ấn Độ đã nhận thức được những nguy cơ này và gần đây đã thực hiện các bước để giải quyết một số lo ngại nói trên. Biện pháp được kích hoạt gần đây nhất là Đăng ký tại chỗ. Chính phủ Ấn Độ đã thông báo rằng, bất kỳ ai trên 18 tuổi có thể trực tiếp đến trung tâm tiêm chủng gần nhất, đăng ký tại chỗ và tiêm ngay. Số điện thoại miễn phí đã được đưa vào hoạt động. Người dân có thể gọi đến số đường dây trợ giúp 1075 và đặt chỗ tiêm vắc-xin ngừa Covid-19. Cổng CoWIN hiện có sẵn bằng nhiều ngôn ngữ địa phương. Điều này giải quyết những lời phê bình về khả năng không thể tiếp cận của những người không nói tiếng Anh.

Theo hướng dẫn mới, có những hạn chế về số lượng lệnh trên Giao diện lập trình ứng dụng (API) đối với bên thứ ba. Nguyên tắc nêu rõ rằng “dữ liệu về tình trạng sẵn có của cuộc hẹn được lưu vào bộ nhớ đệm trong thời gian lên tới 30 phút”. “Hơn nữa, các API phải tuân theo giới hạn tốc độ là 100 lệnh gọi API mỗi 5 phút cho mỗi IP.” Ngoài ra, Chính phủ Ấn Độcông bố một bản cập nhật mới cho phép người nộp đơn sửa bất kỳ sai sót nào về tên, năm sinh và giới tính được in trên giấy chứng nhận tiêm chủng CoWIN. Hơn nữa, giấy chứng nhận tiêm vắc-xin từ CoWIN giờ đây sẽ được liên kết với hộ chiếu cho những người có kế hoạch đi nước ngoài du lịch, học tập, làm việc, đặc biệt là nhóm người Ấn Độ tham dự Thế vận hội Tokyo.

 

Dự định trong tương lai

Cần xem Chính phủ Ấn Độ có kế hoạch tiêm chủng đủ hai mũi cho khoảng 1,5 tỷ người như thế nào, làm thế nào để củng cố các chức năng hiện có để đăng ký tại chỗ và các trung tâm dịch vụ tiêm chủng có thể được tăng cường, thông tin có thể được phổ biến đến mọi người dân Ấn Độ, và làm thế nào dữ liệu từ CoWIN có thể giúp Ấn Độ đạt được Sứ mệnh Y tế Kỹ thuật số Quốc gia. Cần phải thảo luận về tiềm năng của Ấn Độ trong việc trợ giúp và hỗ trợ các quốc gia khác bằng bí quyết kỹ thuật của Ấn Độ, chẳng hạn như CoWIN và MOSIP (Nền tảng nhận dạng nguồn mở mô-đun). Với nền tảng và công nghệ mới này, giờ đây Ấn Độ có cơ hội làm việc hướng tới chương trình Ấn Độ mới trên nền tảng số (#NewIndia), do Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đưa ra cho Ấn Độ tầm nhìn năm 2047. Dữ liệu tiêm chủng CoWIN và dữ liệu Aarogya Setu đặt nền tảng cho một Ấn Độ Kỹ thuật số mới. Như chúng ta đã biết, do đại dịch, Tổng điều tra năm 2021 đã bị hoãn lại. Chúng ta cần thảo luận về cách Ấn Độ có thể sử dụng dữ liệu này cho Sứ mệnh Y tế Kỹ thuật số Quốc gia, vì sức khỏe tốt và sự thịnh vượng của mọi người Ấn Độ.

Tác giả: Arjun Kumar, Ritika Gupta, Chhavi Kapoor, Kashish Babbar và Rohit Mehta, nghiên cứu viên, Viện nghiên cứu Chính sách và Tác động IMPRI, New Delhi, Ấn Độ. (Bài báo dựa trên bài trình bày của nhóm IMPRI trong hội thảo trên web về Tăng cường ứng dụng CoWIN hướng tới Tiêm chủng phổ cập do Trung tâm CNTT-TT cho Phát triển (CICTD), Viện Nghiên cứu Chính sách và Tác động IMPRI, New Delhi và The Dialogue tổ chức.)

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Nguồn: Cloud-based CoWIN Platform & India’s Journey towards Universal Vaccination - IDN-InDepthNews | Analysis That Matters

Bấm vào đây để đọc bản tiếng Anh của bài viết này/Click here to read the English version of this article

Nguồn:

Viết bình luận

Bình luận

Cùng chuyên mục