Cuộc chiến ở Ukraine: chỉ dẫn từ lý thuyết quan hệ quốc tế
Thế giới là vô cùng phức tạp, và tất cả chúng ta cần phải dựa vào những niềm tin hoặc lý thuyết khác nhau về “cách thức thế giới vận hành” để tìm cách lý giải tất cả. Bởi vì tất cả các lý thuyết đều là sự đơn giản hóa, nên không một cách tiếp cận chính trị quốc tế nào có thể giải thích được mọi thứ đang diễn ra tại bất kỳ thời điểm nào, và dự đoán chính xác những gì sẽ xảy ra trong vài tuần hay vài tháng tới, hoặc đưa ra một kế hoạch hành động chính xác để đảm bảo thành công.
Mặc dù vậy, kho lý thuyết của chúng ta vẫn có thể giúp hiểu được thảm kịch ở Ukraine đã xảy ra như thế nào, giải thích một số điều đang xảy ra trong hiện tại, và cảnh báo chúng ta về các cơ hội cũng như những cạm bẫy tiềm ẩn, đồng thời đề xuất các phương châm hành động nào đó trong tương lai. Bởi vì ngay cả những lý thuyết khoa học xã hội tốt nhất đều chỉ là sự phác thảo và luôn có những ngoại lệ đối với những quy luật thậm chí đã được thiết lập tốt, các nhà phân tích khôn ngoan sẽ xem xét nhiều hơn một lý thuyết để hiểu rõ hơn và giữ một sự hoài nghi nhất định về bất kỳ điều gì chúng có thể nói cho chúng ta biết.
Với những điều nói trên, một số lý thuyết quan hệ quốc tế nổi tiếng nhìn nhận như thế nào về các sự kiện bi thảm xảy ra ở Ukraine? Lý thuyết nào đã được chứng minh (ít nhất là một phần), lý thuyết nào được chứng minh là có khiếm khuyết, và lý thuyết nào có thể làm nổi bật các vấn đề chính khi cuộc khủng hoảng tiếp tục diễn ra? Dưới đây là một đánh giá bước đầu và chưa toàn diện về những gì các học giả phải nói về mớ hỗn độn này.
- Chủ nghĩa hiện thực và Chủ nghĩa tự do
Tôi không phải là người quan sát khách quan ở đây, nhưng đối với tôi mà nói, rõ ràng là những sự kiện khiến con người ta bất an này đã tái khẳng định sự phù hợp lâu dài của quan điểm hiện thực chủ nghĩa đối với chính trị quốc tế. Ở bình diện chung nhất, tất cả các lý thuyết hiện thực đều mô tả một thế giới không có tổ chức hay thể chế nào có thể bảo vệ các quốc gia khỏi nhau, và là nơi mà các quốc gia phải lo lắng về việc liệu một kẻ xâm lược nguy hiểm có thể đe dọa họ vào một thời điểm nào đó trong tương lai hay không.
Tình hình này buộc các quốc gia - đặc biệt là các cường quốc - phải lo lắng nhiều về an ninh của họ và tranh đoạt quyền lực. Thật không may, những nỗi sợ hãi này đôi khi khiến các quốc gia thực hiện những điều khủng khiếp. Đối với những người theo chủ nghĩa hiện thực, cuộc tấn công Ukraine của Nga (càng không bàn đến cuộc xâm lược Iraq của Mỹ năm 2003) nhắc nhở chúng ta rằng, các cường quốc đôi khi hành động theo những cách tồi tệ và ngu ngốc khi họ tin rằng lợi ích an ninh cốt lõi của họ đang bị đe dọa. Bài học này không biện minh cho hành vi như thế là chính đáng, nhưng những người theo chủ nghĩa hiện thực nhận thức được rằng, chỉ lên án bằng đạo đức sẽ không ngăn cản được hành vi đó. Thật khó có thể tưởng tượng được một minh chứng thuyết phục hơn về sự liên quan của quyền lực cứng - đặc biệt là sức mạnh quân sự. Ngay cả nước Đức thời hậu hiện đại dường như cũng đã nhận được thông điệp này.
Điều đáng tiếc là, chiến tranh cũng minh họa cho một khái niệm hiện thực cổ điển khác: khái niệm về “tình thế tiến thoái lưỡng nan về an ninh”. Tình trạng tiến thoái lưỡng nan nảy sinh bởi vì một quốc gia thực hiện các hành động để bản thân an toàn hơn thường khiến quốc gia khác cảm thấy không an toàn. Quốc gia A cảm thấy không an toàn và tìm kiếm bất kỳ đồng minh nào hoặc mua thêm một số vũ khí; quốc gia B hoảng sợ trước những bước đi này và đáp trả tương tự, sự nghi ngờ ngày càng sâu sắc, cuối cùng và cả hai nước đều trở nên nghèo hơn và mất an ninh hơn so với trước đây. Điều hoàn toàn hợp lý khi các quốc gia ở Đông Âu muốn gia nhập NATO (hoặc càng gần gũi càng tốt), vì sự lo lắng lâu dài của họ về Nga. Nhưng cũng dễ hiểu tại sao các nhà lãnh đạo Nga - chứ không chỉ Putin - coi sự tiến triển này là đáng báo động. Bây giờ bi kịch là canh bạc đã không thành công - chí ít là đối với Ukraine và có thể là Georgia.
Nhìn nhận những sự kiện này qua lăng kính của chủ nghĩa hiện thực không có nghĩa là tán thành những hành động bất hợp pháp của Nga; nó chỉ đơn giản là nhìn nhận hành vi đó như một khía cạnh đáng buồn nhưng lặp đi lặp lại của các vấn đề của con người. Các nhà hiện thực chủ nghĩa kể từ Thucydides cho đến E.H. Carr, Hans J. Morgenthau, Reinhold Niebuhr, Kenneth Waltz, Robert Gilpin và John Mearsheimer đều đã lên án bản chất bi thảm của chính trị thế giới, đồng thời cảnh báo rằng, chúng ta không thể xem nhẹ những nguy cơ mà chủ nghĩa hiện thực nêu bật, bao gồm cả những rủi ro nảy sinh khi bạn đe dọa điều mà một quốc gia khác coi là lợi ích quan trọng. Không phải ngẫu nhiên mà những người theo chủ nghĩa hiện thực từ lâu đã luôn nhấn mạnh đến sự nguy hiểm của sự kiêu ngạo và sự nguy hiểm của một chính sách đối ngoại quá lý tưởng, bất kể là trong bối cảnh chiến tranh Việt Nam, cuộc xâm lược Iraq năm 2003, hay theo đuổi việc mở rộng NATO một cách ngây thơ. Đáng buồn thay, trong mỗi trường hợp đó, cảnh báo của họ đều bị bỏ qua, và chỉ được chứng minh là đúng đắn bởi các sự kiện tiếp theo sau đó.
Phản ứng nhanh chóng đối với cuộc tấn công của Nga cũng phù hợp với sự hiểu biết hiện thực về chính trị liên minh. Các giá trị được chia sẻ có thể làm cho các liên minh trở nên gắn kết và bền vững hơn, nhưng các cam kết nghiêm túc về phòng thủ tập thể chủ yếu xuất phát từ nhận thức về mối đe dọa chung. Ngược lại, mức độ của mối đe dọa quyết định bởi sức mạnh, khoảng cách và kẻ thù với khả năng tấn công và ý đồ xâm lược. Những yếu tố này, ở một mức độ lớn, giúp giải thích lý do tại sao Liên Xô phải đối mặt với các liên minh cân bằng lớn mạnh ở châu Âu và châu Á trong Chiến tranh Lạnh: Nó có một nền kinh tế công nghiệp lớn, đế chế của nó tiếp giáp với nhiều quốc gia, lực lượng quân sự rất lớn và chủ yếu phục vụ các hành động tấn công, và nó dường như có tham vọng xét lại cao độ. Ngày nay, các hành động của Nga đã làm gia tăng đáng kể nhận thức về mối đe dọa ở phương Tây, và kết quả là hành vi cân bằng mà ít người có thể ngờ tới chỉ cách đây vài tuần.
Ngược lại, các lý thuyết tự do chủ yếu nghiên cứu về các khía cạnh chính trong chính sách đối ngoại của phương Tây trong những thập kỷ gần đây đã thể hiện tốt. Với tư cách là một triết lý chính trị, chủ nghĩa tự do là nền tảng đáng ngưỡng mộ để tổ chức xã hội, và tôi vô cùng biết ơn khi được sống trong một xã hội mà những giá trị đó giữ vị trí chủ đạo. Và cũng rất vui mừng khi chứng kiến các xã hội phương Tây tái khám phá các đức tính của chủ nghĩa tự do sau khi điều chỉnh các xung lực độc đoán của chính họ. Nhưng với tư cách là một phương pháp tiếp cận chính trị thế giới và chỉ dẫn chính sách đối ngoại, những thiếu sót của chủ nghĩa tự do một lần nữa lại được phơi bày.
Như trong quá khứ, luật pháp quốc tế và các thể chế quốc tế đã bị chứng minh là một rào cản yếu đối với hành vi của các cường quốc hung hãn. Sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế không ngăn được Matxcơva tiến hành hành động quân sự, bất chấp những chi phí đáng kể mà nó sẽ phải đối mặt. Quyền lực mềm không thể ngăn cản xe tăng của Nga và cuộc bỏ phiếu 141-5 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (với 35 phiếu trắng) lên án cuộc xâm lược cũng sẽ không có nhiều tác động.
Việc Putin chịu trách nhiệm trực tiếp về cuộc chiến này là điều không thể nghi ngờ, và hành động của ông ấy đáng bị lên án. Nhưng những người theo chủ nghĩa tự do đã liên tục bác bỏ các kháng nghị và cảnh báo lặp đi lặp lại của Nga, và tiếp tục thúc đẩy một chương trình xét lại ở châu Âu mà không quan tâm đến hậu quả thì không phải là điều không thể bị chỉ trích. Động cơ của họ có thể hoàn toàn thiện ý, nhưng hiển nhiên là các chính sách mà họ áp dụng đã tạo ra điều ngược lại với những gì họ dự định, mong đợi và hứa hẹn. Và nay họ khó có thể nói rằng họ đã không được cảnh báo nhiều lần trong quá khứ.
Các lý thuyết tự do nhấn mạnh vai trò của các thể chế phần nào thể hiện tốt hơn bằng cách giúp chúng ta hiểu được phản ứng nhanh chóng và thống nhất đáng kể của phương Tây. Phản ứng nhanh chóng một phần là do Mỹ và các đồng minh NATO chia sẻ một loạt các giá trị chính trị hiện đang bị thách thức theo một cách đặc biệt sống động và tàn khốc. Quan trọng hơn, nếu các thể chế như NATO không tồn tại, đồng thời có các phản ứng phải được tổ chức từ đầu, thì khó có thể tưởng tượng nó có thể phản ứng nhanh chóng hoặc hiệu quả đến mức như thế. Các thể chế quốc tế không thể giải quyết các xung đột lợi ích cơ bản hoặc ngăn cản các cường quốc hành động theo ý muốn của họ, nhưng chúng có thể tạo điều kiện cho các phản ứng tập thể hiệu quả hơn khi các quốc gia có các lợi ích cơ bản như nhau.
Chủ nghĩa hiện thực có thể là sự chỉ dẫn tổng thể tốt nhất cho tình huống nghiệt ngã mà chúng ta đang phải đối mặt, nhưng nó hầu như không nói cho chúng ta biết toàn bộ câu chuyện. Ví dụ, những người theo chủ nghĩa hiện thực xem nhẹ vai trò của các quy phạm như những ràng buộc mạnh mẽ đối với hành vi của các cường quốc, nhưng các quy phạm đó đã phát huy vai trò trong việc giải thích phản ứng toàn cầu đối với cuộc xâm lược của Nga. Putin đang chà đạp lên hầu hết các quy phạm liên quan đến việc sử dụng vũ lực (chẳng hạn như những quy định trong Hiến chương Liên Hợp Quốc), và đó là một phần lý do mà các quốc gia, tập đoàn và cá nhân ở phần lớn thế giới phê phán hành động của Nga hành động thô bạo và đưa ra phản ứng mạnh mẽ. Không gì có thể ngăn một quốc gia vi phạm các chuẩn mực toàn cầu, nhưng những vi phạm rõ ràng và công khai sẽ luôn ảnh hưởng đến cách các nước khác đánh giá ý định của quốc gia đó. Nếu các lực lượng của Nga hành động với mức độ tàn bạo hơn nữa trong những tuần và tháng tới, các nỗ lực hiện tại nhằm cô lập và tẩy chay chắc chắn sẽ được tăng cường.
- Sự ngộ nhận và tính toán sai lầm
Cũng không thể hiểu được những sự kiện này nếu không xem xét vai trò của sự ngộ nhận và tính toán sai lầm. Các lý thuyết hiện thực ít hữu ích hơn ở đây, vì chúng có xu hướng miêu tả các quốc gia như những tác nhân ít nhiều lý trí, họ tính toán lợi ích một cách lạnh lùng và tìm kiếm các cơ hội để cải thiện vị trí tương đối của họ. Ngay cả khi giả định đó hầu hết là đúng, các chính phủ và cá nhân lãnh đạo vẫn đang hành động với thông tin không hoàn hảo và có thể dễ dàng đánh giá sai năng lực của chính họ cũng như khả năng và phản ứng của người khác. Ngay cả khi thông tin dồi dào, nhận thức và quyết định vẫn có thể bị sai lệch vì nguyên do tâm lý, văn hóa hoặc quan liêu. Trong một thế giới đầy bất trắc với những con người không hoàn hảo, có rất nhiều cách để hành động sai lầm.
Đặc biệt, rất nhiều nghiên cứu về ngộ nhận - đặc biệt là tác phẩm nổi tiếng của Robert Jervis - nói cho chúng ta nhiều điều về cuộc chiến này. Giờ đây nhìn lại, dường như rõ ràng là Putin đã tính toán sai lầm trên nhiều khía cạnh: Ông ta phóng đại thái độ thù địch của phương Tây đối với Nga, đánh giá thấp quyết tâm của người Ukraine, phóng đại quá mức khả năng của quân đội Nga trong việc mang lại chiến thắng nhanh chóng và không tốn kém, và hiểu sai cách phương Tây có thể đáp trả. Sự kết hợp của nỗi sợ hãi và sự tự tin thái quá ở đây dường như là một điển hình. Một điều rõ ràng khi nói rằng các quốc gia không bắt đầu chiến tranh trừ khi họ tự thuyết phục rằng họ có thể đạt được mục tiêu của mình một cách nhanh chóng và với chi phí tương đối thấp. Không ai bắt đầu một cuộc chiến mà họ tin rằng sẽ kéo dài, đẫm máu, tốn kém và có khả năng kết thúc bằng thất bại. Hơn nữa, bởi vì con người không thoải mái khi phải đối mặt với sự đánh đổi, nên có xu hướng mạnh mẽ khi coi chiến tranh là khả thi khi đã quyết định điều đó là cần thiết. Như Jervis đã từng viết, “khi người ra quyết định thấy chính sách của mình là cần thiết, anh ta có khả năng tin rằng, chính sách đó có thể thành công, ngay cả khi một kết luận như vậy đòi hỏi sự bóp méo thông tin về những gì người khác sẽ làm”. Xu hướng này có thể gia tăng nếu những tiếng nói bất đồng bị loại khỏi quá trình ra quyết định, xu hướng này có thể càng phức tạp hơn, bởi vì mọi người trong vòng quyết định đều có chung một thế giới quan thiếu sót hoặc bởi vì cấp dưới không muốn nói với cấp trên rằng họ có thể sai.
Lý thuyết triển vọng cho rằng con người sẵn sàng chấp nhận rủi ro để tránh tổn thất hơn là đạt được lợi nhuận, điều này có thể có tác dụng ở đây. Nếu Putin tin rằng Ukraine đang dần liên kết với Hoa Kỳ và NATO - và có nhiều lý do để ông ấy nghĩ như vậy - thì việc ngăn chặn điều mà ông ta coi là một tổn thất không thể cứu vãn có thể đáng để đặt cược. Tương tự, thiên kiến quy chụp (attribution bias) — xu hướng coi hành vi của chúng ta là phản ứng với hoàn cảnh, nhưng quy hành vi của người khác về khuynh hướng mang tính bản chất cơ bản của họ — có lẽ cũng có liên quan: Nhiều người ở phương Tây hiện tại giải thích hành vi của người Nga là phản ánh tính cách bất cần của Putin và không phải là một phản ứng đối với các hành động trước đó của phương Tây. Về phần mình, ông Putin dường như cho rằng, các hành động của Mỹ và NATO xuất phát từ sự kiêu ngạo bẩm sinh và mong muốn bắt nguồn từ sâu xa là giữ cho nước Nga trở nên yếu ớt và dễ bị tổn thương, và người Ukraine đang kháng cự bởi vì họ đang bị lừa dối hoặc đang bị ảnh hưởng bởi các phần tử "phát xít".
- Chấm dứt chiến tranh và vấn đề cam kết
Lý thuyết quan hệ quốc tế hiện đại cũng nhấn mạnh vai trò phổ biến của các vấn đề cam kết. Trong một thế giới vô chính phủ, các quốc gia có thể đưa ra lời hứa với nhau nhưng không thể chắc chắn rằng chúng sẽ được thực hiện. Ví dụ, NATO có thể đã đề nghị loại bỏ tư cách thành viên Ukraine vĩnh viễn (mặc dù điều đó chưa bao giờ xảy ra trong những tuần trước chiến tranh), nhưng Putin có thể không tin NATO ngay cả khi Washington và Brussels đã đưa ra cam kết đó bằng văn bản. Các hiệp ước có ý nghĩa quan trọng, nhưng cuối cùng chúng chỉ là những mảnh giấy.
Hơn nữa, các nghiên cứu học thuật về chấm dứt chiến tranh cho thấy rằng các vấn đề về cam kết sẽ trở nên nghiêm trọng ngay cả khi các bên tham chiến đã điều chỉnh lại kỳ vọng của họ và tìm cách kết thúc giao tranh. Nếu ngày mai Putin đề nghị rút khỏi Ukraine và thề trên một đống Kinh thánh Chính thống giáo của Nga rằng ông sẽ không bao giờ quan tâm đến Ukraine nữa thì rất ít người ở Ukraine, châu Âu hoặc Mỹ sẽ tin tưởng lời đảm báo đó. Và không giống như một số cuộc nội chiến, nơi đôi khi có thể đảm bảo các dàn xếp hòa bình bởi những người bên ngoài có quan tâm, trong trường hợp này, không có thế lực bên ngoài nào có thể đe dọa trừng phạt những kẻ vi phạm bất kỳ thỏa thuận nào có thể đạt được trong tương lai. Không có đầu hàng vô điều kiện, bất kỳ thỏa thuận nào nhằm chấm dứt chiến tranh đều phải khiến tất cả các bên đủ tin tưởng rằng họ sẽ không bí mật hy vọng thay đổi hoặc từ bỏ nó ngay khi hoàn cảnh thuận lợi hơn. Và ngay cả khi một bên đầu hàng hoàn toàn, việc áp đặt “hòa bình của kẻ chiến thắng” có thể gieo mầm cho chủ nghĩa xét lại trong tương lai. Đáng buồn thay, hiện tại chúng ta dường như còn khoảng cách rất dài so với bất kỳ hình thức dàn xếp thương lượng nào.
Ngoài ra, các nghiên cứu khác về vấn đề này — chẳng hạn như tác phẩm kinh điển "Các cuộc chiến đều phải chấm dứt" (Every War Must End) của Fred Iklé và "Cái giá của hòa bình: Trách nhiệm của người lãnh đạo và chính trị trong nước của sự chấm dứt chiến tranh" (Peace at What Price?: Leader Culpability and the Domestic Politics of War Termination) của Sarah Croco — nêu bật những trở ngại trong nước khiến chiến tranh khó kết thúc. Lòng yêu nước, sự tuyên truyền, chi phí ẩn và lòng căm thù kẻ thù ngày càng gia tăng kết hợp lại khiến thái độ cứng rắn và khiến chiến tranh tiếp tục kéo dài sau khi một quốc gia lý trí có thể kêu gọi chấm dứt. Một yếu tố quan trọng trong vấn đề này là cái mà Iklé gọi là “sự phản quốc của phái diều hâu”: Những người ủng hộ việc chấm dứt chiến tranh thường bị coi là không yêu nước hoặc tệ hơn, nhưng những người cứng rắn kéo dài chiến tranh một cách không cần thiết cuối cùng có thể gây ra nhiều thiệt hại hơn cho quốc gia. Tôi tự hỏi liệu có bản dịch tiếng Nga của những tác phẩm này ở Moscow hay không. Đối với Ukraine, một hàm ý đáng lo ngại là một nhà lãnh đạo bắt đầu một cuộc chiến bất thành có thể không muốn hoặc không thể thừa nhận họ đã sai và kết thúc cuộc chiến. Nếu đúng như vậy, thì sự kết thúc của cuộc chiến chỉ đến khi các nhà lãnh đạo mới xuất hiện, những người không bị ràng buộc bởi quyết định ban đầu về chiến tranh.
Nhưng có một vấn đề khác: Đối mặt với thất bại và sự thay đổi chế độ khiến những nhà chuyên quyền có thể bị cám dỗ “chơi canh bạc phục sinh”. Các nhà lãnh đạo dân chủ chủ trì các vấn đề về chính sách đối ngoại có thể bị buộc rời khỏi văn phòng trong kỳ bầu cử tiếp theo, nhưng họ hiếm khi phải đối mặt với án tù hoặc tệ hơn vì những sai lầm hoặc tội ác của mình. Ngược lại, những nhà chuyên quyền không có lựa chọn rút lui dễ dàng, đặc biệt là trong một thế giới mà họ có lý do để lo sợ bị truy tố vì tội ác chiến tranh sau cuộc chiến. Do đó, nếu họ đang thua, họ có động cơ để chiến đấu hoặc leo thang ngay cả khi đối mặt với tỷ lệ thất bại áp đảo, với hy vọng về một phép màu sẽ đảo ngược vận may và giúp họ tránh được việc bị trục xuất, bỏ tù hoặc chết. Đôi khi kiểu đánh bạc này mang lại hiệu quả (ví dụ như Bashar al-Assad), đôi khi không (ví dụ như Adolf Hitler, Muammar al-Qaddafi), nhưng động cơ để tiếp tục gia tăng đặt cược với hy vọng một phép màu có thể kết thúc một cuộc chiến thậm chí khó hơn nó có thể.
Những kiến giải này nhắc nhở chúng ta phải đặc biệt cẩn trọng về những gì chúng ta mong muốn. Mong muốn trừng phạt và thậm chí sỉ nhục Putin là điều dễ hiểu, và thật hấp dẫn khi coi việc lật đổ ông là một giải pháp nhanh chóng và dễ dàng cho toàn bộ mớ hỗn độn khủng khiếp. Nhưng việc đẩy nhà lãnh đạo chuyên quyền của một quốc gia có vũ trang hạt nhân vào góc tường sẽ cực kỳ nguy hiểm, bất kể những hành động trước đó của ông ta có tệ hại đến mức nào. Chỉ vì xuất phát từ lý do này, những người ở phương Tây đang kêu gọi ám sát Putin hoặc những người đã nói công khai rằng những người Nga bình thường phải chịu trách nhiệm nếu họ không vùng lên và lật đổ Putin là những người vô trách nhiệm một cách nguy hiểm. Lời khuyên của Talleyrand rất đáng được ghi nhớ: "Điều quan trọng nhất là đừng quá sốt sắng."
- Trừng phạt kinh tế
Bất cứ ai đang cố gắng tìm hiểu xem điều này diễn ra như thế nào cũng nên nghiên cứu tài liệu về các biện pháp trừng phạt kinh tế. Mặt khác, các lệnh trừng phạt tài chính được áp đặt vào tuần trước là một lời nhắc nhở về khả năng phi thường của Mỹ trong việc “vũ khí hóa sự phụ thuộc lẫn nhau”, đặc biệt khi nước này hành động cùng với các cường quốc kinh tế quan trọng khác. Mặt khác, rất nhiều nghiên cứu học thuật nghiêm túc cho thấy các biện pháp trừng phạt kinh tế hiếm khi buộc các quốc gia phải nhanh chóng thay đổi hướng đi. Thất bại trong chiến dịch "gây áp lực tối đa" của chính quyền Trump đối với Iran là một ví dụ rõ ràng. Giới tinh hoa cầm quyền thường được cách ly khỏi hậu quả tức thì của các lệnh trừng phạt, và Putin biết các lệnh trừng phạt sẽ được áp đặt, và tin tưởng rõ ràng rằng, các lợi ích địa chính trị đang bị đe dọa là xứng đáng với chi phí dự kiến. Ông có thể đã ngạc nhiên và không hài lòng trước tốc độ và phạm vi của áp lực kinh tế, nhưng không ai có thể mong đợi Moscow sẽ sớm thay đổi phương hướng.
Những ví dụ này chỉ mới chạm vào những gì mà ngành quan hệ quốc tế đương đại có thể đóng góp vào sự hiểu biết của chúng ta về những sự kiện này. Tôi đã không đề cập đến lượng lớn các nghiên cứu về răn đe và cưỡng chế, hay bất kỳ tác phẩm quan trọng nào về động lực của sự leo thang theo chiều ngang và chiều dọc, hoặc những hiểu biết sâu sắc khi đánh giá đến các yếu tố văn hóa (bao gồm các khái niệm về nam tính và đặc biệt là “sự sùng bái cá nhân" nam tính" của riêng Putin).
Điểm mấu chốt là các nghiên cứu học thuật về quan hệ quốc tế nói lên rất nhiều điều về tình hình mà chúng ta đang đối mặt. Nhưng thật không may, không ai ở vị trí quyền lực có khả năng quan tâm nhiều đến nó, ngay cả khi các học giả uyên bác nêu lên suy nghĩ của họ trong phạm vi công cộng. Thời gian là mặt hàng khan hiếm nhất trong chính trị - đặc biệt là trong thời kỳ khủng hoảng - và Jake Sullivan, Antony Blinken, và nhiều cấp dưới của họ sẽ không bắt đầu tìm đọc lướt qua các tạp chí như An ninh Quốc tế hoặc Giải quyết Xung đột để tìm kiếm những ý tưởng tốt.
Chiến tranh cũng có logic riêng của nó, và nó giải phóng các lực lượng chính trị có xu hướng át đi tiếng nói thay thế, ngay cả trong những xã hội mà quyền tự do ngôn luận và tranh luận cởi mở vẫn còn nguyên vẹn. Bởi vì sự kiện rất quan trọng, nên thời chiến là lúc các quan chức nhà nước, giới truyền thông và người dân nên làm việc chăm chỉ nhất để chống lại những định kiến, suy nghĩ chín chắn và cẩn thận, tránh những lời sáo rỗng cường điệu và đơn giản, và trên hết là giữ thái độ cởi mở về khả năng họ có thể sai lầm, và cần áp dụng phương án hành động khác. Tuy nhiên, một khi viên đạn đã rời khỏi nóng súng, những gì thường xảy ra là tầm nhìn bị thu hẹp, nhanh chóng sa vào lối suy nghĩ nhị nguyên, gạt ra ngoài lề hoặc đàn áp những tiếng nói bất đồng, từ bỏ sự khác biệt tinh tế, và cố gắng tập trung vào chiến thắng bằng mọi giá. Quá trình này dường như đang diễn ra thuận lợi bên trong nước Nga của Putin, nhưng ở phương Tây cũng thấy rõ một hình thức ôn hòa hơn. Tóm lại, đây là một bí quyết để làm cho một tình huống trở nên tồi tệ hơn.
Tác giả GS Stephen M. Walt: Trung tâm Khoa học và Các vấn đề Quốc tế Robert và Renée Belfer, Đại học Harvard.
Nguồn: The Foreign Policy, ngày 8/3/2022, https://foreignpolicy.com/2022/03/08/an-international-relations-theory-guide-to-ukraines-war/?tpcc=recirc_trending062921
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục