Đã đến lúc Ấn Độ và Nhật Bản suy nghĩ lại về chính sách hạt nhân của họ
Không sớm thì muộn, Delhi sẽ phải phản ứng trước những thay đổi mạnh mẽ của môi trường toàn cầu do sự trỗi dậy và trở nên quyết liệt của Trung Quốc. Với các đối tác, Ấn Độ và Nhật Bản có thể hình thành khả năng răn đe đáng tin cậy
Báo cáo tuần trước về quá trình chuyển đổi hạt nhân ở châu Á của Ashley Tellis thuộc Tổ chức Carnegie vì Hòa bình Quốc tế và cuộc tranh luận ở Nhật Bản về các lựa chọn nguyên tử đã làm nổi bật những thách thức an ninh chung đối với Delhi và Tokyo. Căn nguyên của thách thức hạt nhân chung đó là sự phát triển không ngừng về sức mạnh quân sự của Trung Quốc và sự hiện đại hóa nhanh chóng kho vũ khí hạt nhân của Bắc Kinh. Cho đến nay, Ấn Độ và Nhật Bản có thể đã có những lý do chính đáng để có quan điểm thoải mái về vũ khí hạt nhân của Trung Quốc. Cả hai đều tin rằng, kho vũ khí hạt nhân khiêm tốn của Trung Quốc không đặt ra thách thức tồn tại đối với một trong hai nước. Nhưng ba yếu tố buộc họ phải suy nghĩ lại về tính toán đầy tự mãn này.
Thứ nhất, Trung Quốc đang hiện đại hóa và mở rộng kho vũ khí hạt nhân như một phần của quá trình chuyển đổi quân sự nói chung. Một số ước tính nói rằng, kho vũ khí của Trung Quốc có thể tăng lên 1.000 đầu đạn vào năm 2030 từ khoảng 350 đầu đạn hiện nay. Thứ hai, Trung Quốc đã thực hiện một cách tiếp cận cứng rắn hơn đối với các tranh chấp lãnh thổ của mình, bao gồm cả với Ấn Độ và Nhật Bản. Các chiến thuật lát cắt salami và ngoại giao cưỡng bức của Trung Quốc đã trở nên rõ ràng ở biển Hoa Đông chung giữa Bắc Kinh với Nhật Bản và biên giới rộng lớn trên dãy Himalaya với Ấn Độ. Thứ ba, cuộc khủng hoảng Ukraine đã cho thấy rằng, nếu một cường quốc vũ khí hạt nhân xâm lược và chiếm đoạt lãnh thổ của một nước láng giềng, phần còn lại của thế giới sẽ miễn cưỡng đối đầu trực tiếp với hành động xâm lược vì lo ngại sự leo thang lên cấp độ hạt nhân. Nga đã làm rõ điều này với mối đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân nếu Mỹ và NATO quyết định tham chiến.
Mặc dù Tokyo đã ý thức đầy đủ tác động của hành động gây hấn của Nga sở hữu vũ khí hạt nhân đối với Ukraine, thì diễn ngôn chiến lược của Delhi vẫn chưa đi sâu vào những thách thức đang nổi lên trong việc ngăn chặn một Trung Quốc hạt nhân. Một yếu tố có vẻ hiển nhiên - Ấn Độ là cường quốc vũ khí hạt nhân còn Nhật Bản thì không. Nhưng điều đó chỉ là một phần bức tranh. Trong khi Nhật Bản không có vũ khí hạt nhân, nước này dựa vào chiếc ô hạt nhân của Mỹ để đảm bảo an ninh cho mình.
Nhưng năng lực răn đe Trung Quốc của Ấn Độ và Nhật Bản đang bị xói mòn dần do các vấn đề với tư thế răn đe tối thiểu của Ấn Độ và chiếc ô hạt nhân của Mỹ đối với Nhật Bản. Các câu chuyện hạt nhân truyền thống ở Ấn Độ và Nhật Bản là một phần của vấn đề. Nhưng Trung Quốc đang phá vỡ quy tắc đạo đức hạt nhân ở cả Tokyo và Delhi. Ấn Độ và Nhật Bản từ lâu đã thể hiện mình là những nước đi đầu trong việc giải trừ vũ khí hạt nhân. Lập trường của Ấn Độ và Nhật Bản đều đầy rẫy tâm lý mâu thuẫn sâu sắc. Bất chấp lời kêu gọi giải trừ hạt nhân hoàn toàn, Ấn Độ chưa bao giờ đồng ý từ bỏ vũ khí hạt nhân của mình. Nhật Bản, nạn nhân của vụ tấn công bom hạt nhân đầu tiên trên thế giới, thậm chí còn có tuyên bố đạo đức cao hơn Ấn Độ khi là nước đấu tranh cho việc bãi bỏ vũ khí hạt nhân trên toàn cầu. Nhưng câu chuyện của Nhật Bản bị che lấp bởi một thực tế - sự phụ thuộc của Tokyo vào chiếc ô hạt nhân của Mỹ. Ngày nay, cả Delhi và Tokyo đều không sẵn sàng ký Hiệp ước năm 2017 về cấm vũ khí hạt nhân.
Vấn đề thực sự không phải là khoảng cách giữa luận điệu giải trừ quân bị và tầm quan trọng của vũ khí hạt nhân đối với an ninh của Ấn Độ và Nhật Bản. Đó là vấn đề do kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc ngày càng mở rộng và sự phức tạp ngày càng tăng từ đó. Bị kẹt trong cuộc đối đầu với Mỹ, Trung Quốc quyết tâm nâng tầm hạt nhân.
Khi Trung Quốc thu hẹp khoảng cách kinh tế và quân sự với Mỹ, sự tin cậy về khả năng răn đe mà Mỹ mở rộng đối với Nhật Bản ngày càng trở nên u ám. Sự không chắc chắn này đang làm biến đổi cuộc tranh luận về an ninh của Nhật Bản. Đối với Ấn Độ, câu hỏi đặt ra là liệu sự kiềm chế hạt nhân và chính sách răn đe tối thiểu của nước này có đủ để ngăn chặn sự bắt nạt của Trung Quốc hay không. Trong báo cáo của mình “Phá vỡ Sự bất đối xứng: Quá trình chuyển đổi hạt nhân ở Nam Á”, Tellis đã nghiên cứu những thách thức đang nổi lên đối với tư thế của Ấn Độ từ quá trình hiện đại hóa hạt nhân của Trung Quốc.
Tại Nhật Bản, cựu thủ tướng Shinzo Abe, người đã bị ám sát hồi đầu tháng 7, đã từng kêu gọi một cái nhìn mới về chính sách hạt nhân của Nhật Bản. Ông Abe hoàn toàn không yêu cầu Nhật Bản tự chế tạo vũ khí hạt nhân. Ông ấy gợi ý rằng, Tokyo phải xem xét việc “chia sẻ vũ khí hạt nhân” với Mỹ. Mô hình là châu Âu, nơi một số quốc gia bao gồm Bỉ, Ý, Đức, Ý và Hà Lan có thỏa thuận tham gia vào việc triển khai và sử dụng vũ khí hạt nhân của Mỹ. Ông Kishida, tuy nhiên, đã nhanh chóng từ chối đề nghị này.
Trong bài phát biểu của mình tại hội nghị NPT vào cuối tháng 7, Kishida dự kiến sẽ khẳng định cam kết lâu dài của Nhật Bản đối với việc giải trừ hạt nhân. Ông Kishida được bầu vào Hạ viện của Quốc hội Nhật Bản từ Hiroshima, nơi chứng kiến việc sử dụng vũ khí hạt nhân lần đầu tiên vào ngày 6 tháng 8 năm 1945. Đối với ông Kishida, việc bãi bỏ hạt nhân là một niềm tin cá nhân sâu sắc. Tuần tới, ông sẽ trở thành thủ tướng đầu tiên phát biểu tại một hội nghị đánh giá NPT. Ông cũng sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh G-7 tiếp theo tại Hiroshima. Trong khi bác bỏ các giải pháp hạt nhân cho vấn đề răn đe Trung Quốc của Nhật Bản, ông Kishida tập trung vào việc nâng cao chi tiêu quốc phòng, phát triển các loại vũ khí thông thường tinh vi, tăng cường liên minh với Mỹ và mở rộng vòng tròn các đối tác quân sự châu Á cũng như châu Âu.
Không giống như Nhật Bản, Ấn Độ không có ràng buộc nào đối với chương trình vũ khí hạt nhân của mình ngoại trừ những ràng buộc mà nước này đã áp đặt lên chính mình. Khái niệm về “sự răn đe tối thiểu” là một trong những ý tưởng đó. Sau các vụ thử hạt nhân năm 1998, Ấn Độ nhanh chóng công bố chính sách răn đe tối thiểu và học thuyết không sử dụng vũ khí hạt nhân lần đầu. Tellis chỉ ra sự kiềm chế phi thường của Ấn Độ và sự miễn cưỡng trong việc xây dựng kho vũ khí hạt nhân lớn hơn bao giờ hết kể từ năm 1998.
Vấn đề lớn nhất đặt ra là, liệu chủ nghĩa bảo thủ này về tư thế hạt nhân của Ấn Độ có thể được duy trì hay không khi đối mặt với sự hiện đại hóa quân sự, mở rộng hạt nhân và sự quyết đoán chiến lược của Trung Quốc. Theo báo cáo của Tellis rất chi tiết và mang tính kỹ thuật, nên tạo cơ sở cho một cuộc tranh luận mới của Ấn Độ về các chính sách vũ khí hạt nhân của họ.
Tellis cũng kêu gọi Mỹ xem xét lại thái độ của mình đối với chương trình vũ khí hạt nhân của Ấn Độ. Trong quá khứ, Mỹ nhất quyết hạn chế chương trình vũ khí hạt nhân của Ấn Độ. Ngày nay, một biện pháp răn đe hạt nhân mạnh mẽ của Ấn Độ chống lại Trung Quốc là rất quan trọng đối với sự ổn định địa chính trị của châu Á và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và vì lợi ích của Mỹ.
Tellis gợi ý rằng, Mỹ nên chuẩn bị tốt để tạo điều kiện cho Ấn Độ phát triển các đầu đạn hạt nhân phức tạp hơn cũng như cải thiện khả năng sống sót của lực lượng răn đe Ấn Độ chống lại kho vũ khí hạt nhân ngày càng mở rộng của Trung Quốc. Ông gợi ý rằng Mỹ nên đưa ra một thỏa thuận mà theo đó Pháp sẽ giúp Ấn Độ đẩy nhanh việc phát triển lực lượng răn đe dưới nước của Ấn Độ dựa trên tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo (SSBN) cũng như tàu ngầm tấn công hạt nhân (SSN).
Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục