Đặc trưng và ảnh hưởng mang tính toàn cầu của chủ nghĩa dân tộc Ấn Độ (Phần 1)
Ấn Độ là một cường quốc khu vực, họ tạo lập quốc gia và dựng nước bằng chủ nghĩa dân tộc, trong quá trình diễn biến phát triển lâu dài đã hình thành nên ba trường phái đại diện cho lợi ích thượng tầng của Ấn Độ gồm: chủ nghĩa dân tộc thế tục, chủ nghĩa phục hưng dân tộc Ấn Độ giáo, đại diện cho lợi ích của giai cấp tư sản dân tộc và phong trào Hồi giáo, đại diện cho lợi ích của người Hồi giáo. Ba trường phái này lần lượt có đặc trưng mang tính chính trị, đặc trưng mang tính chủ đề và đặc trưng mang tính không hài hòa tương đối lớn. Sự mâu thuẫn và đấu tranh lẫn nhau giữa các trường phái này không chỉ mang đến tính không xác định cho sự trỗi dậy và phát triển của Ấn Độ, mà còn gây ảnh hưởng phức tạp và sâu sắc đến tiến trình toàn cầu hóa kinh tế và đa cực hóa thế giới.
Đặc trưng và ảnh hưởng mang tính toàn cầu của chủ nghĩa dân tộc Ấn Độ
Zheng Shan*
1. Ấn Độ tạo lập và xây dựng đất nước bằng chủ nghĩa dân tộc
Ấn Độ là một quốc gia đa dân tộc, có hơn 500 dân tộc lớn nhỏ, trường phái tư tưởng chủ nghĩa dân tộc tương đối mạnh mẽ. Nguyên nhân do Ấn Độ chịu sự xâm lược từ nước ngoài trong một thời gian dài, đặc biệt là sự thống trị thực dân của nước Anh kéo dài 174 năm, các tập đoàn xã hội đều tham gia đấu tranh chính trị phản đối sự thống trị của thực dân, từ đó khiến Ấn Độ trở thành một quốc gia lập quốc bằng chủ nghĩa dân tộc.
Sau khi giành được độc lập năm 1947, Đảng Quốc Đại đã kết hợp chủ nghĩa dân tộc và chính trị dân chủ phương Tây để thực thi chính thể dân chủ, trong thực tế là một nền chính trị đảng phái. J. Nehru tuyên bố rằng, Ấn Độ không lập quốc bằng tôn giáo, mà lập quốc bằng chủ nghĩa dân tộc thế tục. Ông nói rằng: “Theo tôi, thứ thực tế rõ ràng chính là nhân tố kinh tế. Nếu chúng ta nhấn mạnh, đồng thời chuyển hướng chú ý của công chúng đến điểm này, tự nhiên sẽ phát hiện ra rằng, sự khác biệt về tôn giáo không hề còn quan trọng, một sợi dây chung liên hợp các tập đoàn khác nhau lại”[1]. Việc thúc đẩy chính sách chủ nghĩa xã hội dân tộc ở Ấn Độ trên nền tảng kinh tế có bối cảnh là: Sau khi Chiến tranh Thế giới thứ hai kết thúc, các quốc gia thuộc địa và bán thuộc địa ở châu Á, châu Phi và Mỹ Latin đã giành được độc lập dân tộc và giải phóng dân tộc, trở thành các quốc gia dân tộc chủ nghĩa . Độc lập dân tộc và giải phóng dân tộc ở những quốc gia này giành được thành công dưới ngọn cờ dân tộc chủ nghĩa. Từ cuối thập niên 40 đến đầu thập niên 60 của thế kỷ XX, có gần 100 quốc gia đã giành được độc lập và giải phóng dân tộc. Ấn Độ chính là một trong số đó. Ấn Độ đối mặt với một vấn đề quan trọng chính là quốc gia này sẽ phát triển theo hướng nào. Trong bối cảnh thế giới phân chia thành hai phe tư bản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa, do một thời gian dài chịu sự bóc lột và áp bức của chủ nghĩa thực dân, Ấn Độ căm thù đến tận xương tủy chính sách thực dân chủ nghĩa của chủ nghĩa đế quốc; cảm thấy ngưỡng mộ đối với thành tựu to lớn mà Liên Xô và Trung Quốc giành được trên con đường xã hội chủ nghĩa, nhưng vẫn hoài nghi về hệ thống tư tưởng cộng sản chủ nghĩa và đảng cộng sản chấp chính. Ấn Độ tuyên bố, muốn đi theo “Con đường thứ ba”, tức con đường chủ nghĩa xã hội dân tộc. Cái gọi là chủ nghĩa xã hội dân tộc, về mặt bản chất là chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa xã hội chỉ là cái mác thời thượng, đó chính là việc hấp thu một số cách làm của thể chế kinh tế kế hoạch của Liên Xô, xây dựng chủ nghĩa tư bản nhà nước, không những giữ lại đặc trưng của nền thuộc địa, mà cũng nhấn mạnh đến sự xâm lược kinh tế của chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa thực dân, mô phỏng các chính sách kinh tế “quốc hữu hóa”, “tập thể hóa” của Liên Xô, nhưng về bản chất là biện pháp kinh tế dân tộc chủ nghĩa cấp tiến. Trên thực tế, đây là một kiểu trường phái tư tưởng “chủ nghĩa phục hưng dân tộc”. Trường phái tư tưởng này vừa có màu sắc chủ nghĩa xã hội dân chủ của giai cấp tư sản, vừa mang màu sắc chủ nghĩa xã hội không tưởng, chủ nghĩa vô chính phủ, chủ nghĩa tự do, chủ nghĩa xã hội chính trị dân chủ và tôn giáo. Nền tảng lý luận của nó tuyệt đối không phải là chủ nghĩa xã hội khoa học, nhưng thể chế chính trị này lại lấy việc thực hiện “chính nghĩa xã hội”, “bình đẳng cơ hội”, “xóa bỏ nghèo đói”, “đập tan bóc lột” làm mục tiêu, tuy vậy, nó mang một ý nghĩa tiến bộ nhất định. Giá trị cơ bản của chủ nghĩa dân tộc nằm ở chỗ bảo vệ sự độc lập của quốc gia dân tộc và truyền thống dân tộc, hình thành nên con đường phát triển mang đặc sắc quốc gia. Nhưng do chịu ảnh hưởng của môi trường quốc tế là sự tranh bá giữa Mỹ và Liên Xô, nên cương lĩnh chính sách rất khó được quán triệt triệt để. Do tính cục hạn của bản thân chính đảng dân tộc chủ nghĩa, cộng thêm nền tảng giai cấp yếu đuối, các mâu thuẫn xã hội dần nổi lên rõ rệt, nền chính trị trong nước không ổn định, hệ thống chính sách của Ấn Độ bị nghi ngờ trên các phương diện. Năm 1991, sau khi Liên Xô giải thể, Ấn Độ nhanh chóng cởi bỏ chiếc áo choàng “chủ nghĩa xã hội”, giữ lại hồn cốt chủ nghĩa dân tộc. Từ sau thập niên 90 của thế kỷ XX, trào lưu xã hội chủ nghĩa dân tộc nhanh chóng xuống dốc, khẩu hiệu “chủ nghĩa xã hội” ở một số quốc gia đã hoàn toàn im hơi lặng tiếng. Ấn Độ thời đại Nehru từng nhấn mạnh đến “chủ nghĩa xã hội”, nhưng sau khi Liên Xô giải thể thì không còn nhắc đến khẩu hiệu này nữa, mà lại đề xướng chủ nghĩa phục hưng dân tộc một cách mạnh mẽ.
Ấn Độ lập quốc bằng chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa dân tộc có tác dụng chỉ đạo rất lớn đối với kinh tế nước này. Thể chế kinh tế hiện nay của Ấn Độ là một kiểu thể chế hỗn hợp giữa kinh tế kế hoạch và kinh tế thị trường, kinh tế công và tư. Kinh tế công chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực như công nghiệp cơ bản, công nghiệp nặng, ngành giao thông vận tải, công nghiệp quốc phòng, thiết chế công và tài chính, đặc điểm chung của những ngành này là đầu tư lớn và thời gian xoay vòng vốn dài, đóng vai trò thống trị và trụ cột trong đời sống kinh tế đất nước. Kinh tế tư nhân có sự phát triển tương đối lớn, đã có gần 100 tập đoàn tài chính với số vốn vượt qua 1 tỉ rupee. Trong thời gian Indira Gandhi và Rajiv Gandhi giữ chức Thủ tướng, Ấn Độ đã tiến hành điều chỉnh và cải cách nền kinh tế, chuyển sang nền kinh tế phát triển dựa vào cơ chế thị trường. Năm 1991, sau khi Indira Gandhi bị ám sát, Ấn Độ bước vào thời kỳ bất ổn, cải cách kinh tế đình trệ. Đảng Nhân dân Ấn Độ sau khi lên cầm quyền có khuynh hướng đầu tư vào công nghiệp nặng và công nghiệp quân sự. Năm 1998, Ấn Độ đã tiêu tốn một lượng vốn lớn liên tục tiến hành 5 vụ thử hạt nhân. Sau khi Đảng Quốc đại quay trở lại chấp chính, kinh tế Ấn Độ mỗi năm đều tăng trưởng với tốc độ 6%. Công nghiệp dệt là ngành công nghiệp có lịch sử lâu đời và chiếm lượng lớn nhân công của Ấn Độ. Nước này đứng vị trí thứ ba về sản lượng sợi bông và là nhà xuất khẩu sợi dệt lớn nhất thế giới, ngành công nghiệp phần mềm cũng có ảnh hưởng to lớn trên thế giới, những máy tính khổng lồ của Ấn Độ cũng đã đạt đến trình độ tiên tiến trên thế giới khiến nước này trở thành cường quốc kỹ thuật thông tin, đây chính là nền tảng kinh tế của việc lập quốc bằng chủ nghĩa dân tộc.
Chủ nghĩa dân tộc là một kiểu ý thức hệ và cũng là một phong trào xã hội. Sau khi Ấn Độ giành độc lập, nước này thi hành chế độ liên bang, chính quyền nhà nước áp dụng nguyên tắc phân chia các bang theo lãnh thổ, chủng tộc và ngôn ngữ, thực hiện chính sách vỗ về đối với người Hồi giáo, cho phép người Hồi giáo giữ luật riêng của họ. Tuy các mâu thuẫn xã hội ở Ấn Độ tương đối gay gắt, nhưng tự trị địa phương vẫn có thể quy phạm đấu tranh chính trị vào trong một phạm vi nhất định để giữ được sự thống nhất quốc gia. Nền chính trị dân chủ của Ấn Độ được xây dựng trên nền tảng thực dân Anh, nhưng giai cấp tư sản Anh mang đến Ấn Độ thứ chế độ dân chủ “sẽ không mang lại tự do cho quần chúng nhân dân, và sẽ không thể cải thiện một cách cơ bản tình trạng xã hội của họ”[2]. Trong quá trình Ấn Độ đi lên xã hội hiện đại từ xã hội truyền thống, những mâu thuẫn mang tính kết cấu xã hội như tôn giáo, chủng tộc, chủng tính, dân tộc, giàu nghèo,… vẫn sẽ khiến xã hội đầy rẫy sự đấu tranh chính trị đan xen phức tạp. Nhưng chế độ bầu cử phổ thông dưới chế độ chính trị dân chủ Ấn Độ đã mở rộng sự tham gia về chính trị, tính đa nguyên, tính phân tán và tính truyền thống của xã hội Ấn Độ lại dung hòa vào trong giá trị quan chủ nghĩa dân tộc, hình thành nên ý thức chung về chủ nghĩa dân tộc Ấn Độ. Đây là vì các đảng phải tranh thủ cử tri để đạt được quyền lực chính trị, ở một mức độ rất lớn, chế độ dân chủ nghị viện lại biểu hiện thành nền chính trị đầu phiếu, các chính đảng vì để có được nhiều ghế trong nghị viện và địa vị chấp chính, nên đa phần đều hiệu triệu dưới danh nghĩa chủ nghĩa dân tộc, chủ trương tăng cường văn hóa truyền thống Ấn Độ giáo, bảo vệ sự phát triển công nghiệp dân tộc, mở rộng đối ngoại, tăng dự toán quốc phòng nhằm mưu cầu kiếm tìm địa vị cường quốc thế giới. Sự kết hợp giữa chủ nghĩa dân tộc và nền chính trị đảng phái này chính là một nét đặc trưng lớn của nền văn minh chính trị hiện đại Ấn Độ, chủ nghĩa dân tộc trở thành nền tảng tư tưởng lập quốc của Ấn Độ. (Xem tiếp phần 2)
[1] Sikata Banerjee, Political, Secularization and the Future of Secular Democracy in India, Asian Survey No.10,1998.
[2]Tuyển tập Mác – Ăngghe (tập 2), NXB Sự thật Hà Nội, 1981, tr.567. (Những kết quả tương lai của sự thống trị của Anh ở Ấn Độ)
* Giáo sư, Thiếu tướng Viện nghiên cứu Tây Tạng và Nam Á, Học viện Lục quân Côn Minh, Trung Quốc.
(Nguồn: Tạp chí Hòa bình và Phát triển, số 118/2010)
Người dịch: ThS Đỗ Khương Mạnh Linh
Hiệu đính: PGS, TS Lê Văn Toan
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục