Đặc trưng và ảnh hưởng mang tính toàn cầu của chủ nghĩa dân tộc Ấn Độ (Phần 3)
Ấn Độ là một cường quốc khu vực, họ tạo lập quốc gia và dựng nước bằng chủ nghĩa dân tộc, trong quá trình diễn biến phát triển lâu dài đã hình thành nên ba trường phái đại diện cho lợi ích thượng tầng của Ấn Độ gồm: chủ nghĩa dân tộc thế tục, chủ nghĩa phục hưng dân tộc Ấn Độ giáo, đại diện cho lợi ích của giai cấp tư sản dân tộc và phong trào Hồi giáo, đại diện cho lợi ích của người Hồi giáo. Ba trường phái này lần lượt có đặc trưng mang tính chính trị, đặc trưng mang tính chủ đề và đặc trưng mang tính không hài hòa tương đối lớn. Sự mâu thuẫn và đấu tranh lẫn nhau giữa các trường phái này không chỉ mang đến tính không xác định cho sự trỗi dậy và phát triển của Ấn Độ, mà còn gây ảnh hưởng phức tạp và sâu sắc đến tiến trình toàn cầu hóa kinh tế và đa cực hóa thế giới.
Đặc trưng và ảnh hưởng mang tính toàn cầu của chủ nghĩa dân tộc Ấn Độ
Zheng Shan*
Trường phái tư tưởng chủ nghĩa phục hưng dân tộc Ấn Độ giáo đã trở thành ý thức chủ lưu của xã hội Ấn Độ. Giai cấp tư sản dân tộc Ấn Độ đạt đến con số 250 triệu người, là lực lượng trung kiên thúc đẩy công cuộc hiện đại hóa. Do số lượng người tín ngưỡng Ấn giáo chiếm đa số trong nước, tính dân tộc của chủ nghĩa dân tộc này đã kích thích các giáo phái khác biểu đạt lợi ích và nguyện vọng của bản thân bằng con đường bạo lực, từ đó tạo nên tính bất ổn của xã hội. Hiện tượng này được học giả Mỹ Samuel Huntington cho là “hiển nhiên là sự phản ứng được tạo ra từ tình trạng căng thẳng và tha hóa do hiện đại hóa tạo nên”[1]. Chủ nghĩa thế tục đã điều hòa sự phản ứng này trong quá trình hiện đại hóa, văn hóa thế tục tương đối nhấn mạnh vào màu sắc lợi ích quốc gia, biến chủ nghĩa dân tộc bị tha hóa đó phát triển theo hướng chủ nghĩa dân tộc kinh tế và văn hóa khoa học kỹ thuật. Sự tồn tại chung giữa văn hóa thế tục và văn hóa tôn giáo khiến sức mạnh xung đột tạo ra từ sự biến động các mâu thuẫn bị phân tán, bảo đảm sự ổn định cơ bản về kết cấu xã hội và tính bền vững của đời sống xã hội về quan niệm giá trị văn hóa; còn chủ nghĩa phục hưng dân tộc Ấn Độ giáo lại nhấn mạnh đến nhân tố Ấn Độ giáo trong chủ nghĩa dân tộc, hướng “ý thức cường quốc” của Ấn Độ đến chỗ cực đoan. Để theo đuổi “địa vị cường quốc”, chủ nghĩa này nhấn mạnh việc theo đuổi “địa vị trung tâm” ở Nam Á và Ấn Độ Dương là bước đầu tiên của chiến lược cường quốc, mưu cầu “địa vị trung tâm” ở Nam Á là bước thứ hai của chiến lược cường quốc, mưu cầu “địa vị trung tâm” thế giới là mục tiêu cuối cùng của chiến lược này. Việc giành một ghế ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là mục tiêu hiện thực của chiến lược cường quốc của nước này. Đây là ý nguyện của đại đa số tín đồ Ấn Độ giáo, nó là đặc trưng mang tính chủ thể điển hình.
Đặc trưng mang tính không hài hòa của phong trào Hồi giáo Ấn Độ
Ở Ấn Độ, đối với vấn đề xây dựng quốc gia như thế nào và xây dựng ra sao luôn tồn tại sự khác biệt giữa tín đồ Ấn Độ giáo và Hồi giáo, chủ nghĩa dân tộc Hồi giáo của người Hồi giáo mang đặc trưng không hài hòa này. Tính không hài hòa này hoàn toàn được tạo nên từ sự gây chia rẽ dưới thời thực dân Anh. Năm 1906, “Liên đoàn Hồi giáo toàn Ấn” được thành lập ở Dhaka yêu cầu thành lập một nhà nước riêng với chủ thể là người Hồi giáo; nhưng tổ chức “Hindu Mahasabha” được thành lập vào năm 1923 lại yêu cầu người Hồi giáo cải đạo và thành lập quốc gia Ấn Độ giáo. Do sự khiêu khích và xúi giục của người Anh, các nơi trong nước đã xảy ra sự kiện giết chóc lẫn nhau giữa tín đồ Ấn Độ giáo và Hồi giáo. Đặc biệt, trong khoảng thời gian từ năm 1946 đến năm 1947, sự thù hằn tôn giáo đã khiến lượng lớn người bỏ mạng, chỉ riêng ở Calcutta đã có 5000 người mất mạng, 2 vạn người bị thương, 10 vạn người mất nhà. Đối mặt với tình hình phức tạp căng thẳng đó, chính phủ Anh không thể đối phó. Ngày 15/8/1947, hai nước Ấn Độ và Pakistan tuyên bố độc lập. Do “phương án Mountbatten” chỉ đơn giản phân chia Ấn Độ thuộc Anh thành hai quốc gia Ấn Độ và Pakistan, vì thế, dưới khẩu hiệu “quay về với tổ quốc” đã xảy ra sự xung đột giữa các tín đồ và giáo phái sống hòa lẫn với nhau.
Chủ nghĩa dân tộc Hồi giáo có tính quốc tế. Ở Ấn Độ, tín đồ Hồi giáo chỉ chiếm thiểu số, đa phần người Hồi giáo sống ở đáy xã hội, thường chịu sự bài trừ của tầng lớp chủ lưu trong xã hội và sự kỳ thị về ý thức. Tính đa nguyên, tính phân tán và tính truyền thống trong xã hội Ấn Độ lại dung hòa trong quan niệm giá trị chủ lưu của Ấn Độ giáo, từ đó hình thành nên ý thức chung về chủ nghĩa dân tộc Ấn Độ. J. Nehru từng nói rằng: “Ấn Độ giáo chỉ là một tôn giáo hoặc một chế độ xã hội; nó là cốt lõi của nền văn minh Ấn Độ”[2]. Trong văn hóa chủ lưu của nước này không phải nhìn nhận văn hóa Hồi giáo bằng quan niệm văn minh bình đẳng, mà đánh giá nền văn minh Hồi giáo bằng quan điểm hiện đại hóa. Nhìn từ quan niệm văn minh, bất kỳ hình thái văn minh nào đều không có sự phân biệt, các hình thái văn minh đều được tôn trọng; nhưng nhìn nhận các nền văn minh dưới con mắt quan niệm hiện đại hóa lại có sự phân biệt tiên tiến và lạc hậu. Giai cấp tư sản Ấn Độ chịu ảnh hưởng bởi “thuyết xung đột các nền văn minh”, họ xem nền văn minh Hồi giáo là hình thái văn hóa lạc hậu, thậm chí xem chủ nghĩa dân tộc Hồi giáo là nền tảng của tư tưởng chủ nghĩa khủng bố. Vì thế, người Hồi giáo rất khó hòa nhập vào xã hội chủ lưu Ấn Độ, dẫn đến sự bất mãn về chính sách bên trong và bên ngoài của Ấn Độ về mặt giá trị quan. Ví dụ: Họ đồng tình với Pakistan, phản đối chủ nghĩa bá quyền và chính trị cường quyền của Mỹ, không đồng ý việc chính phủ thân Mỹ, không tán thành quan hệ Ấn Độ - Israel… Đó đều là đặc trưng điển hình của tính không hài hòa của chủ nghĩa dân tộc Hồi giáo Ấn Độ.
3. Ảnh hưởng của chủ nghĩa dân tộc Ấn Độ đối với toàn cầu hóa và đa cực hóa
Chủ nghĩa dân tộc của Ấn Độ là ý thức hệ được tinh thần hóa và tôn giáo hóa cao độ. Bất luận là chủ nghĩa dân tộc thế tục hay chủ nghĩa dân tộc tôn giáo, nền tảng triết học của nó đều thấm nhuần tinh thần tôn giáo trầm tư suy ngẫm, lại thể hiện đặc trưng thế tục tư duy biện luận và tìm kiếm mạnh mẽ. Đặc biệt là triết học Brahman của Ấn Độ xem “Brahman” trở thành vị thần thống trị vũ trụ bao la, là nền tảng khởi đầu của vạn vật, là bản thể của tinh thần tối cao, và Ấn Độ nằm ở trung tâm của thế giới. Brahman có bốn khuôn mặt nhìn về bốn hướng, có bốn cánh tay lần lượt cầm hoa sen, kinh Veda, tràng hạt và chìa khóa, đây là vị thần sáng tạo của Ấn Độ giáo. Để xây dựng nhà nước Liên bang Đại Ấn Độ, trong quốc ca Ấn Độ nổi bật tinh thần “mãi mãi không đối địch với thiên hạ”; trên quốc huy của nhà nước nổi bật biểu trưng “chỉ có chân lý là tất thắng”; màu cam trên nền cờ đại diện cho sức mạnh, màu trắng đại tượng trưng cho sự thuần khiết, màu xanh đại diện cho lòng tin; hình pháp luân tượng trưng cho bánh xe thần thánh, bánh xe chân lý và bánh xe hướng về phía trước. Những tư tưởng lập quốc và sự kết hợp của ba hình thái chủ nghĩa dân tộc không chỉ thể hiện hạt nhân tư duy của “thuyết Ấn Độ là trung tâm”, mà còn là trụ cột tinh thần và động lực của sự trỗi dậy Ấn Độ. Điều này quyết định việc chủ nghĩa dân tộc Ấn Độ tất nhiên có sự ảnh hưởng phức tạp và tinh tế đối với sự toàn cầu hóa và đa cực hóa của thế giới.
Hiện nay, toàn cầu hóa về kinh tế thể hiện rõ xu thế phát triển mạnh mẽ. Toàn cầu hóa kinh tế là một xu thế nhất thể hóa về kinh tế các nước trên thế giới trên các phương diện sản xuất, trao đổi, phân phối và tiêu dùng, đặc trưng cơ bản nhất của nó là sự di chuyển và phân phối về hàng hóa, kỹ thuật, thông tin và tư bản trên phạm vi toàn cầu, hình thành nên cục diện dựa dẫm, đan xen và ức chế lẫn nhau của nền kinh tế toàn cầu. Thế lực chủ nghĩa dân tộc của Ấn Độ có sự ảnh hưởng hai mặt tích cực và tiêu cực đối với toàn cầu hóa về kinh tế. Về phương diện tích cực, từ thập niên 90 của thế kỷ XX, các trường phái chủ nghĩa dân tộc Ấn Độ đều có ý thúc đẩy chính phủ tích cực thực hiện sự cải cách về kinh tế, biến thập niên đầu tiên của thế kỷ XXI trở thành “thập niên Ấn Độ”, tốc độ tăng trưởng kinh tế trong mười năm bình quân đạt từ 7%-8%, đồng thời trong 20 năm đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 9%. Chủ nghĩa dân tộc là cỗ máy phục dịch và trợ lực giúp kinh tế Ấn Độ cất cánh. Từ khi nước này thúc đẩy cải cách kinh tế cho đến nay, nền kinh tế cơ bản giữ được con số tăng trưởng tương đối cao, trở thành một trong mười thị trường mới nổi trên thế giới. Nhìn từ tương lai phát triển kinh tế trung, dài hạn, Ấn Độ có tiềm lực tăng trưởng tương đối lớn. Đến năm 2020, Ấn Độ có hy vọng trở thành cường quốc kinh tế thứ tư trên thế giới[3]. Sự quật khởi của Ấn Độ có lợi cho việc phá vỡ trật tự kinh tế chính trị thế giới cũ, thúc đẩy toàn cầu hóa kinh tế. Nhưng chủ nghĩa dân tộc Ấn Độ với nền tảng là “Thuyết Ấn Độ là trung tâm” là một kiểu ý thức hệ kiêu ngạo, một khi Ấn Độ trỗi dậy nhanh chóng, tạo nên ảnh hưởng đối với quyền lợi phát triển bình đẳng của các quốc gia xung quanh và các dân tộc nhược tiểu. “Liên minh Hợp tác khu vực Nam Á” thiếu sức sống có liên quan đến thái độ của Ấn Độ, tác dụng chủ đạo của nó áp chế sự phát triển và hợp tác của khu vực Nam Á. Đây là tình hình thực tế của chủ nghĩa dân tộc Ấn Độ gây trở ngại cho sự toàn cầu hóa về kinh tế và hợp tác kinh tế khu vực.
Sức mạnh của chủ nghĩa dân tộc Ấn Độ mang lại ảnh hưởng phức tạp và tinh tế đối với sự đa cực hóa thế giới. Nước Mỹ định vị Ấn Độ là “cỗ máy cân bằng chiến lược của châu Á”, nhằm khắc chế sự phát triển của Trung Quốc và các quốc gia châu Á khác. Ảnh hưởng tiêu cực của điều này chủ yếu gây bất lợi cho sự câng bằng sức mạnh khu vực, bất lợi cho việc giải quyết các vấn đề lịch sử của mối quan hệ Ấn Độ và Pakistan, không có lợi cho sự khống chế quân sự và không phổ biến vũ khí hạt nhân, tạo ảnh hưởng phức tạp đối với an ninh quốc tế. Nhưng Ấn Độ với tư cách là một cường quốc khu vực, sự phát triển của chủ nghĩa dân tộc nước này tất nhiên xung đột với lợi ích bá quyền toàn cầu của Mỹ. Giữa hai nước Mỹ và Ấn về chế độ xã hội tuy có sự tương đồng, nhưng lợi ích quốc gia lại đối lập. Mỹ muốn xây dựng một hệ thống “bá quyền” thế giới với dưới sự lãnh đạo của nước này, Ấn Độ tuy muốn trở thành “trung tâm thế giới”, nhưng lại không đủ thực lực, hiện tại vẫn chủ trương hệ thống “đa cực”, đồng thời muốn làm một cực trong số đó. Vì thế, quan hệ Ấn Mỹ không được hài hòa, nói chung luôn “ở trong trạng thái phập phù bất định, có lúc hữu hảo, có lúc đối địch, đa phần các tình huống thường rơi vào tình trạng xa rời”, “ngoại trừ tuân thủ thể chế chính trị dân chủ ra, hai nước này gần như không có điểm chung”[4]. Sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc Ấn Độ có lợi cho việc khống chế chủ nghĩa bá quyền và chính trị cường quyền Mỹ, có lợi cho việc cân bằng các cường quốc trong quan hệ quốc tế, có lợi cho sự phát triển đa cực hóa. Nhưng nó gây bất lợi cho sự cân bằng sức mạnh khu vực, nó mưu cầu ưu thế địa chính trị và sức mạnh quân sự, chèn ép các nước và dân tộc nhỏ tham gia tái xây dựng trật tự thế giới, mang lại ảnh hưởng bất lợi ở một mức độ nhất định đối với tiến trình đa cực hóa thế giới. Ấn Độ cùng với Mỹ tiến hành kế hoạch “hợp tác hạt nhân” với ý đồ thông qua đó để khống chế Trung Quốc nhằm thực hiện “giấc mơ cường quốc”, đây cũng là kết quả tất yếu của sự bành trướng chủ nghĩa dân tộc.
[1] Samuel Phillips Huntington, The Clash of Civilizations and the Remaking of World Order, 1996.
[2]J. Nehru, Phát hiện Ấn Độ, 1958, tr.64-65 (bản tiếng Trung).
[3] Sự phát triển của Ấn Độ và chiến lược đối ngoại của nó[M]. NXB Khoa học xã hội Trung Quốc, tr. 11.
[4] Sự phát triển của Ấn Độ và chiến lược đối ngoại của nó[M]. NXB Khoa học xã hội Trung Quốc, tr. 347
* Giáo sư, Thiếu tướng Viện nghiên cứu Tây Tạng và Nam Á, Học viện Lục quân Côn Minh, Trung Quốc.
Người dịch: ThS Đỗ Khương Mạnh Linh
Hiệu đính: PGS, TS Lê Văn Toan
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục