Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam: Nghiên cứu kết nối đường bộ Ấn Độ - Việt Nam

Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam: Nghiên cứu kết nối đường bộ Ấn Độ - Việt Nam

Trước mắt, đã có nghiên cứu kết nối đường bộ từ Ấn Độ - Myanma – Thái Lan, sau đó sẽ đến Lào – Campuchia – Việt Nam.

05:07 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Dệt may, chế biến thực phẩm, dược phẩm, công nghệ thông tin, vật liệu xây dựng, năng lượng tái tạo… là những lĩnh vực tiềm năng mà các doanh nghiệp hai nước Việt Nam và Ấn Độ có thể đẩy mạnh đầu tư hơn nữa trong thời gian tới.

Đó là thông tin tại Diễn đàn đầu tư Ấn Độ - Việt Nam do Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại Tp.Hồ Chí Minh phối hợp với Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Tư nhân, Trung tâm Xúc tiến thương mại đầu tư Tp.Hồ Chí Minh (ITPC) và Tập đoàn VinaCapital tổ chức ngày 22/1/2021 ở Tp. Hồ Chí Minh.

Nhiều tiềm năng hợp tác

Theo ông Don Lâm, Phó Trưởng Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Tư nhân, Tổng Giám đốc Tập đoàn VinaCapital, mặc dù chịu nhiều tác động của đại dịch COVID-19, khu vực tư nhân của Việt Nam vẫn tiếp tục tăng trưởng.

Năm 2020, cả nước có gần 135.000 doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký hơn 2.200 ngàn tỷ đồng (94 tỷ USD), tăng 29% về vốn đăng ký so với năm trước.

Hiện các doanh nhân đang lãnh đạo các doanh nghiệp lớn và nhỏ đã sẵn sàng cho giai đoạn phục hồi và phát triển kinh tế của Việt Nam. Lĩnh vực tiềm năng mà các doanh nghiệp Việt Nam đang quan tâm chính là việc giao thương với Ấn Độ.

Năm 2016, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ Ấn Độ mới chỉ đạt hơn 2,7 tỷ USD. Chỉ 3 năm sau đã đạt hơn 4,5 tỷ USD (tăng hơn 65%).

Các mặt hàng Việt Nam nhập khẩu chủ yếu từ Ấn Độ là sắt thép các loại, máy móc thiết bị, dược phẩm, hàng thủy sản, linh kiện phụ tùng ô tô...

Trong khoảng thời gian đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Ấn Độ đã tăng gần ba lần, từ 2,6 tỷ USD đến xấp xỉ 6,7 tỷ USD.

Các mặt hàng chủ yếu Việt Nam xuất khẩu sang Ấn Độ bao gồm: điện thoại các loại và linh kiện; máy tính và linh kiện; máy móc thiết bị, kim loại thường, hóa chất...

“Tuy nhiên, mối quan hệ chiến lược giữa hai nước không chỉ dừng lại ở xuất nhập khẩu. Các công ty Ấn Độ coi Việt Nam là điểm đến hấp dẫn để đầu tư trên các lĩnh vực dầu khí, thép, khoáng sản, chè, đường, đào tạo công nghệ thông tin, cũng như là điểm trung chuyển hàng hóa trong khu vực Đông Nam Á”, ông Don Lâm nhìn nhận.

Ông Pranay Verma, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam cho biết, đầu tư của Việt Nam vào Ấn Độ hiện đạt khoảng 30 triệu USD, tập trung vào các lĩnh vực như dược phẩm, công nghệ thông tin, vật liệu xây dựng, hóa chất…

Trong khi đó, Ấn Độ đầu tư vào Việt Nam đạt 900 triệu USD, nếu tính các nước thứ 3 thông qua Ấn Độ đầu tư vào Việt Nam là 1,9 tỷ USD.

Theo ông Pranay Verma, trong thời gian tới, hai nước có thể đẩy mạnh hợp tác hơn nữa ở các lĩnh vực tiềm năng.

Chẳng hạn như, Việt Nam có thế mạnh nổi trội như chế biến thực phẩm nông nghiệp để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu; Công nghệ thông tin cũng là lĩnh vực 2 quốc gia có thể liên kết lâu dài.

Bên cạnh đó, Việt Nam có kinh nghiệm tốt về thúc đẩy du lịch – đây là lĩnh vực chiến lược thúc đẩy kinh tế. Ấn Độ sẵn sàng mở ta nhiều phương án để doanh nghiệp Việt Nam tham gia đầu tư.

Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu cũng cho rằng, với dân số hơn 1,4 tỷ dân, Ấn Độ là một trong những thị trường đầy tiềm năng để doanh nghiệp Việt Nam khai tác, mở rộng thị trường, nhất là lĩnh vực dệt may, chế biến thực phẩm...

Đặc biệt, với cơ chế hợp tác ngày càng đa dạng, phong phú, doanh nghiệp Việt cũng có thể đẩy mạnh hợp tác, học hỏi kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực thế mạnh của Ấn Độ như tài chính, công nghệ thông tin, đào tạo nhân lực chất lượng cao…

Nỗ lực xóa bỏ rào cản

Việt Nam và Ấn Độ chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1972, kể từ đó đến nay mối quan hệ này đã được hai nước Việt Nam - Ấn Độ nâng cấp quan hệ từ Đối tác chiến lược lên Đối tác chiến lược toàn diện vào tháng 9/2016.

Ấn Độ hiện là một trong 10 đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam, và Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Ấn Độ trong ASEAN.

Mặc dù quan hệ thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Ấn Độ liên tục tăng trưởng trong nhiều năm qua, tăng từ mức 200 triệu USD năm 2000 lên hơn 12 tỷ USD trong năm tài khóa 2019-2020, song thực tế vẫn chưa tương xứng với tiềm năng hai nước.

Ngoài sự khác biệt về văn hóa, nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân chủ yếu là do doanh nghiệp hai bên vẫn còn rất ít thông tin về thị trường của nhau, cũng như thông tin về các doanh nghiệp hai bên rất hạn chế. Một phần lý do của vấn đề này là do ít hoạt động xúc tiến thương mại.

Do vậy, sự kiện như diễn đàn đầu tư ngày hôm nay chính là sự khởi đầu, giúp mối quan hệ đầu tư và thương mại giữa hai nước được tăng cường cũng như thúc đẩy cơ hội cho các doanh nghiệp ở cả hai nước.

Ông Pranay Verma, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam cho rằng, nguyên nhân là do thiếu kết nối trực tiếp, giao thương giữa người với người. Hai bên cần phải mở rộng, tăng cường quan hệ thương mại để phát huy hết tiềm năng.

“Trước đây Việt Nam - Ấn Độ có chuyến bay trực tiếp từ năm 2019, nhưng đến năm 2020 tạm dừng đến nay do dịch bệnh COVID-19. Thời gian tới chúng tôi sẽ mở rộng và đẩy mạnh kết nối đường bộ. Trước mắt, chúng tôi đã có nghiên cứu kết nối đường bộ từ Ấn Độ - Myanma – Thái Lan, sau đó sẽ đến Lào – Campuchia – Việt Nam. Nếu thành công, việc kết nối giao thương của Việt Nam - Ấn Độ sẽ ngày thêm thuận lợi”, ông Pranay Verma chia sẻ.

Tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho rằng, để thúc đẩy phục hồi kinh tế và tăng tốc phát triển sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát hoàn toàn, ngay từ bây giờ các doanh nghiệp Việt Nam và Ấn Độ cần nắm bắt cơ hội hợp tác trong sản xuất kinh doanh, đa dạng hóa nguồn cung để thúc đẩy xuất nhập khẩu, cùng nhau tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

“Việt Nam hoan nghênh và chào đón các doanh nghiệp Ấn Độ đầu tư vào Việt Nam, trong các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo; công nghiệp phụ trợ ô tô, công nghệ thông tin và truyền thông; năng lượng tái tạo; nông nghiệp công nghệ cao; đổi mới sáng tạo... Đây là những lĩnh vực phù hợp với thế mạnh của các doanh nghiệp Ấn Độ và định hướng thu hút hợp tác đầu tư nước ngoài của Việt Nam trong thời gian tới.”, Thứ trưởng Trần Duy Đông nói.

Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề nghị trong năm 2021, hai bên sẽ tăng cường tổ chức các hoạt động xúc tiến, kết nối đầu tư nhằm trao đổi với nhiều hình thức đa dạng (trực tiếp và trực tuyến) để nhận diện cơ hội và thực hiện các giải pháp nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa hợp tác đầu tư hai chiều.

Đồng thời, tạo cơ hội để doanh nghiệp các bên kết nối, tìm kiếm lẫn nhau, cụ thể hóa thành các chương trình, dự án đầu tư.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cam kết sẽ cùng các Bộ, ngành và các địa phương của Việt Nam đồng hành với doanh nghiệp Ấn Độ, để cùng nhau hợp tác phát triển bền vững, hướng đến sự thành công và hiệu quả của hai bên, góp phần củng cố và thúc đẩy mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Ấn Độ lên tầm cao mới.

Nguồn: https://bnews.vn/dai-su-an-do-tai-viet-nam-nghien-cuu-ket-noi-duong-bo-an-do-viet-nam/184590.html

Nguồn:

Cùng chuyên mục