Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Dân chủ ở Myanmar và tình thế lưỡng nan của Ấn Độ

Dân chủ ở Myanmar và tình thế lưỡng nan của Ấn Độ

Chính sách của New Delhi đối với cuộc đấu tranh dân chủ ở nước láng giềng nên là gì? Liệu chúng ta có thể giữ im lặng khi các cấu trúc đang dần đối mặt với sự tuyệt diệt?

05:14 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Một vấn đề đáng quan tâm đối với Ấn Độ kể từ khi độc lập là tương lai của Myanmar, một quốc gia có chung đường biên giới trên đất liền và trên biển với Ấn Độ. Ba năm trước khi độc lập, đại sứ-nhà sử học của Ấn Độ Sardar KM Panikkar đã nhấn mạnh tầm quan trọng chiến lược của Myanmar bằng những lời sau: “Việc bảo vệ Myanmar, trên thực tế, là bảo vệ Ấn Độ và đó là mối quan tâm hàng đầu của Ấn Độ, không kém gì Myanmar, để đảm bảo rằng đường biên giới của nó vẫn bất khả xâm phạm. Trên thực tế, không có trách nhiệm nào được coi là quá nặng nề đối với Ấn Độ khi đặt vấn đề bảo vệ Myanmar”.

Trong những năm đầu độc lập, Jawaharlal Nehru đóng một vai trò quan trọng trong việc ủng hộ Myanmar về mặt chính trị và quân sự. Trên thực tế, giống như Indonesia, Myanmar và giới lãnh đạo nước này rất gần gũi với New Delhi. GS Werner Levi, nhà khoa học chính trị nổi tiếng, thậm chí còn nhận xét rằng, Myanmar là vệ tinh của Ấn Độ.

Hai bức ảnh chụp sẽ cho thấy Nehru gần gũi như thế nào với các nhà lãnh đạo của Myanmar. Tháng 1 năm 1948, đó là một mùa đông cực kỳ lạnh giá. Tướng Aung San ghé New Delhi trên đường đến London để hoàn tất các điều khoản của việc chuyển giao quyền lực. Nhìn thấy ông mặc bộ quần áo bông, Nehru nói với Aung San rằng, London sẽ cực kỳ lạnh và ông nên có bộ quần áo sợi len. Ông lấy chiếc áo khoác sợi len trong tủ quần áo và khoác lên người Aung San. Ông cũng sắp xếp hai bộ đồ len cho Aung San. Aung San Suu Kyi, trình bày bài tưởng niệm Jawaharlal Nehru ở New Delhi vào tháng 11 năm 1994, hồi tưởng lại sự việc này để kể lại tình bạn thân thiết giữa cha bà và Nehru cũng như cách mà những người theo chủ nghĩa dân tộc Myanmar luôn tìm đến ông để được hướng dẫn và hỗ trợ.

Ngay sau khi giành được độc lập, Myanmar rơi vào cuộc nội chiến. Sau vụ ám sát Aung San, các cuộc nổi dậy vũ trang do những người cộng sản Kachins và Karens lãnh đạo bùng nổ. Ngay cả an ninh của Rangoon cũng bị đe dọa bởi lực lượng kháng chiến. Mối quan tâm của Ấn Độ tự nhiên trở nên rõ nét hơn với sự xuất hiện của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào năm 1949, nước có chung biên giới với cả Ấn Độ và Myanmar. Nehru thuyết phục các nước thuộc Khối thịnh vượng chung cung cấp viện trợ quân sự và kinh tế cho Myanmar. Sự trợ giúp của Ấn Độ bao gồm cả hỗ trợ quân sự và kinh tế, đồng thời củng cố chế độ U Nu. Điều này nhằm mục đích tạo ra một vùng đệm thân thiện, không liên kết và phi cộng sản giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Đồng thời cũng là để ngăn chặn tình trạng mất ổn định ở đông bắc Ấn Độ, nơi có các thành phố Nagas, Mizos và Meities nằm giữa biên giới Ấn Độ- Myanmar.

Lập trường nguyên tắc của Ấn Độ được duy trì trong nhiều năm. Nhưng trong thời kỳ Rajiv Gandhi, với J N Dixit làm ngoại trưởng, New Delhi bắt đầu xích lại gần hơn với chế độ quân sự. Sự thay đổi này được quyết định bởi những cân nhắc chiến lược. Lực lượng nổi dậy ở Đông Bắc — cụ thể là Nagas và Mizos — được Trung Quốc hỗ trợ vũ khí và sử dụng lãnh thổ của Myanmar để đến Trung Quốc. Các đồng minh quân sự cảm thấy rằng nếu chúng ta nhận được sự hỗ trợ của quân đội Myanmar, chúng ta sẽ có thể ngăn chặn mối đe dọa do quân nổi dậy gây ra. Đã có vài lần Quân đội Ấn Độ đã tiến vào lãnh thổ Myanmar trong cuộc truy quét nhằm chống lại quân nổi dậy. Kết quả là sự phản bội của các lực lượng dân chủ ở Myanmar. Trong phát biểu tại Lễ tưởng niệm Jawaharlal Nehru, Suu Kyi cảm thấy đau khổ hơn là tức giận, và bày tỏ sự đau khổ của mình về việc Ấn Độ đã để họ thất vọng. “Tôi rất buồn khi cảm thấy rằng, chúng tôi đã rời xa Ấn Độ, hay đúng hơn là Ấn Độ đã rời xa chúng tôi trong những ngày rất khó khăn của chúng tôi, nhưng tôi luôn có niềm tin vào tình hữu nghị lâu dài giữa các dân tộc của chúng ta”. Bà nhấn mạnh "tình hữu nghị giữa các dân tộc", không phải tình bạn giữa các chính phủ bởi vì, bà nói thêm, "các chính phủ đến và đi, và đó là ý nghĩa về dân chủ". Một người bạn tốt của tôi, người đã nghỉ hưu làm thư ký Bộ Ngoại giao, có mặt trong cuộc họp. Ông ta nói với tôi rằng, ông cảm thấy xấu hổ khi Suu Kyi bày tỏ cảm xúc sâu thẳm của mình về thái độ đã thay đổi của Ấn Độ.

Myanmar hiện đang ngồi trên đỉnh ngọn núi lửa. Theo một báo cáo gần đây của Nhóm Khủng hoảng quốc tế, Myanmar “đang tiến tới sự sụp đổ nhà nước”. Báo cáo cho biết thêm, quân đội đã mất cả "niềm tin và sự tự tin". Tình trạng hỗn loạn chính trị, xã hội và kinh tế ngày càng trở nên tồi tệ và trừ khi cộng đồng quốc tế can thiệp một cách mạnh mẽ, người tị nạn sẽ bắt đầu đổ sang các nước láng giềng. Các báo cáo truyền thông cho thấy, có mọi khả năng phe nổi dậy dân tộc thiểu số, vì lý do chiến thuật, có thể hợp lực với các lực lượng dân chủ.

Quân đội Myanmar đang đưa ra những tuyên bố phóng đại rằng, họ đang củng cố quyền lực và các cuộc biểu tình đang bùng phát. Vào ngày 7 tháng 3, ngày Lực lượng vũ trang, quân đội Myanmar đã tổ chức một cuộc diễu binh lớn với vũ khí. Ở những nơi khác, họ nhắm thường dân không vũ trang, khiến 158 người thiệt mạng, trong đó có 14 trẻ em. Tất cả các quốc gia láng giềng - Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh, Thái Lan và Lào - cũng như Pakistan, Nga đã cử đại diện của họ đến dự cuộc diễu hành.

Trong các tuyên bố chính thức, Ấn Độ đã tuyên bố sẽ hành động để khôi phục nền dân chủ ở Myanmar. Nhưng điều đó nghe có vẻ trống rỗng trong bối cảnh Ấn Độ tham gia vào cuộc diễu binh quân sự vào ngày 6 tháng 3, điều này ngụ ý về tính hợp pháp cho giới quân sự Myanmar. Việc cần thiết trong lúc này là New Delhi phải vận động sự ủng hộ của quốc tế cho việc khôi phục nền dân chủ, nêu vấn đề này tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Đại hội đồng Liên hợp quốc và Hội đồng Nhân quyền; thực hiện lệnh cấm vận vũ khí đối với quân đội Myanmar; áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với các lợi ích kinh doanh thuộc sở hữu của quân đội Myanmar, và cử các phái đoàn đặc biệt đến các quốc gia khác nhau để giải thích bản chất thực sự của chế độ quân sự. Những đề xuất này khó có thể tìm được sự ủng hộ của giới cầm quyền ở New Delhi. Hơn nữa, chế độ quân sự hiện tại có thể trông cậy vào sự hỗ trợ mạnh mẽ của Trung Quốc.

Trong khi ủng hộ chính sách cấp tiến của các nhà hoạt động đối với Myanmar, tất cả các bộ phận dư luận - truyền thông, công đoàn, tổ chức nhân quyền và đảng phái chính trị - nên tập hợp lại và bày tỏ tình đoàn kết với bà Suu Kyi và những người không có tiếng nói của Myanmar. Bài phát biểu gây xúc động của bà ấy mà tôi đã đề cập trước đó, đã đặt ra câu hỏi cơ bản: Chính sách của Ấn Độ đối với các cuộc đấu tranh dân chủ ở các nước láng giềng nên là gì? Liệu chúng ta có thể im lặng khi các thể chế dân chủ đang dần đối mặt với sự diệt vong? Chúng ta không thể áp dụng chính sách yếm thế và chủ nghĩa cơ hội như Trung Quốc, Pakistan, Sri Lanka và một số nước thành viên ASEAN đang theo đuổi hiện nay.

Các lực lượng ủng hộ dân chủ ở các khu vực khác nhau trên thế giới đôi khi gặp phải sự đảo ngược. Nhưng logic của lịch sử và nguyên do chính đáng chắc chắn sẽ mang lại một sự thay đổi tốt hơn. Chẳng phải các chế độ độc tài ở Philippines và Indonesia đã sụp đổ trước sức mạnh tổng hợp của nhân dân sao? Ấn Độ không nên bàng quan không hành động, khi các chế độ  Marcos và Suharto bị ném vào thùng rác của lịch sử, chính phủ các nước ASEAN sẽ đối mặt với vận mệnh đó.

Trong Bài thuyết trình dịp Tưởng niệm Joyce vài năm trước, bà Suu Kyi đã nói rằng: “Giấc mơ về một xã hội được cai trị bởi lòng nhân ái, lý trí và công lý là một giấc mơ cổ xưa như chính nền văn minh nhân loại. Liệu nó có phải là một giấc mơ không thể thực hiện? Karl Popper, giải thích về sự lạc quan luôn tồn tại của mình trong một thế giới đầy khó khăn như của chúng ta, nói rằng, bóng tối luôn ở đó, nhưng ánh sáng là điều mới mẻ. Bởi vì mới mẻ, nên nó phải được chăm sóc bằng tình yêu và sự ân cần”.

V Suryanarayan: Giáo sư cao cấp, Trung tâm Nghiên cứu Nam và Đông Nam Á, Đại học Madras

Bài viết là quan điểm riêng của tác giả, không đại diện cho quan điểm của website.

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Nguồn: https://www.newindianexpress.com/opinions/2021/may/18/democracy-in-myanmar-and-indias-dilemma-2303852.html

Bấm vào đây để đọc bản tiếng Anh của bài viết này/Click here to read the English version of this article

Nguồn:

Viết bình luận

Bình luận

Cùng chuyên mục