Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Dân số Ấn Độ sẽ vượt qua Trung Quốc vào khoảng năm 2024

Dân số Ấn Độ sẽ vượt qua Trung Quốc vào khoảng năm 2024

Dân số của Ấn Độ có thể vượt qua của Trung Quốc vào khoảng năm 2024, muộn hơn hai năm so với ước tính trước đó, và dự kiến sẽ đạt mức 1,5 tỷ vào năm 2030, theo dự báo của Liên hợp quốc.

05:33 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Báo cáo Triển vọng dân số thế giới: Bản sửa đổi năm 2017, được xuất bản bởi Ủy ban Kinh tế và Xã hội của Liên hợp quốc cho biết, hiện dân số Trung Quốc là 1,41 tỷ người và Ấn Độ với 1,34 tỷ người vẫn là hai nước đông dân nhất thế giới, chiếm 19% và 18% dân số thế giới.

Báo cáo cho biết: “Trong vòng 7 năm tới hoặc vào khoảng năm 2024, dân số Ấn Độ dự kiến sẽ vượt qua Trung Quốc”.

Báo cáo Triển vọng dân số thế giới: Bản sửa đổi năm 2017 là ước tính và dự báo dân số chính thức lần thứ 25 của Liên hợp quốc.

Trong bản dự báo lần thứ 24 được công bố vào năm 2015, người ta dự đoán rằng, dân số của Ấn Độ sẽ vượt qua Trung Quốc vào năm 2022.

Ứớc tính mới được công bố này cho biết, vào năm 2024, Ấn Độ và Trung Quốc dự kiến sẽ có khoảng 1,44 tỷ dân mỗi nước. Sau đó, dân số Ấn Độ dự kiến sẽ tiếp tục phát triển trong nhiều thập kỷ, đạt khoảng 1,5 tỷ người vào năm 2030 và đạt 1,66 tỷ người vào năm 2050, trong khi dân số của Trung Quốc dự kiến sẽ vẫn ổn định cho đến năm 2030, sau đó có thể bắt đầu giảm dần.

Dân số Ấn Độ cuối cùng có thể sẽ suy giảm vào sau năm 2050 xuống còn 1,51 tỷ người vào năm 2100 nhưng vẫn sẽ là nước có số dân đông nhất trên thế giới.

Tại Ấn Độ, tuổi thọ người dân sẽ đạt mức 71 tuổi trong giai đoạn 2025-2030, tăng lên 74,2 tuổi trong giai đoạn 2045-2050. Tỉ lệ tử vong trẻ em dưới 5 tuổi sẽ giảm từ 32,3 trường hợp tử vong cho mỗi 1000 trẻ ở tuổi dưới 5 trong giai đoạn 2025-2030 và giảm xuống mức 18,6/1000 vào năm 2045-2050.

Báo cáo cho biết, dân số thế giới hiện tại là 7,6 tỷ người, dự kiến sẽ đạt 8,6 tỷ trong năm 2030, 9,8 tỷ năm 2050 và 11,2 tỷ năm 2100.

“Với khoảng 83 triệu người được bổ sung vào dân số thế giới mỗi năm, xu hướng tăng về quy mô dân số dự kiến sẽ tiếp tục, thậm chí giả định rằng mức sinh sẽ tiếp tục giảm”.

Dự kiến trong giai đoạn 2017-2050, 10 quốc gia dự kiến sẽ chiếm hơn một nửa số dân tăng lên trên thế giới gồm: Ấn Độ, Nigeria, Congo, Pakistan, Ethiopia, Tanzania, Hoa Kỳ, Uganda, Indonesia và Ai Cập.

Trong 10 quốc gia lớn nhất thế giới, Nigeria đang phát triển nhanh nhất. Do đó, dân số Nigeria, hiện xếp hạng thứ 7 trên thế giới, dự kiến sẽ vượt Mỹ và trở thành nước có dân số lớn thứ ba trên thế giới ngay trước năm 2050.

Hơn nữa, sự bất đối xứng về kinh tế và nhân khẩu học giữa các quốc gia có thể vẫn là động lực chính cho làn sóng di cư quốc tế trong tương lai gần. Trong khoảng từ năm 2015 đến năm 2050, các nước đón số người nhập cư quốc tế cao nhất (hơn 100.000 hàng năm) được dự báo là Mỹ, Đức, Canada, Anh, Úc và Nga.

Các nước dự kiến sẽ là nguồn của hàng ngàn người di cư hàng năm gồm Ấn Độ, Bangladesh, Trung Quốc, Pakistan và Indonesia.

Báo cáo cho biết, trong năm 2010-2015, khoảng 46% dân số thế giới sống ở các quốc gia có mức sinh trung bình, trong đó phụ nữ có trung bình từ 2,1 đến 5 ca sinh trong suốt cuộc đời.

Các quốc gia có mức sinh cao nằm ở nhiều khu vực, trong đó Ấn Độ, Indonesia, Pakistan, Bangladesh, Mexico và Philippines là lớn nhất.

Trong năm 2045 - 2050, người ta hy vọng rằng, có ít hơn 1/3 dân số thế giới sẽ sống ở những nước có khả năng sinh sản trong phạm vi này. Vào thời điểm đó, phần lớn dân số thế giới sẽ sống ở những nước có mức sinh thấp tương đối ít, trong đó phụ nữ sinh trung bình dưới 2,1 con.

Báo cáo nhấn mạnh rằng, giảm tỉ lệ sinh không chỉ khiến tốc độ tăng trưởng dân số chậm lại mà còn khiến dân số già đi. So với năm 2017, số người từ 60 tuổi trở lên dự kiến sẽ tăng gấp đôi vào năm 2050 và tăng gấp ba lần vào năm 2100, tăng từ 962 triệu trên toàn cầu trong năm 2017 lên 2,1 tỷ năm 2050 và 3,1 tỷ năm 2100.

Báo cáo viết rằng: “Sự già hóa dân số được dự báo sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến xã hội, tăng thêm những áp lực về chính sách tài chính và chính trị mà hệ thống chăm sóc sức khoẻ, hưu trí tuổi già và hệ thống bảo trợ xã hội của nhiều quốc gia có thể sẽ phải đối mặt trong những thập kỷ tới”.

Trong những năm gần đây, thế giới đã có những cải thiện đáng kể về tuổi thọ. Trên toàn cầu, tuổi thọ đã tăng từ 65 tuổi đối với nam giới và 69 tuổi đối với phụ nữ trong giai đoạn 2000-2005 lên 69 tuổi đối với nam giới và 73 năm đối với nữ giới trong giai đoạn 2010-2015.

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ dịch

Nguồn: http://economictimes.indiatimes.com/news/politics-and-nation/indias-population-to-surpass-that-of-chinas-around-2024-un/articleshow/59257232.cms

Nguồn:

Cùng chuyên mục