Đẩy lùi "rác văn hóa" và tác hại tiêu cực của TikTok
Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ ra 6 sai phạm và quyết định thanh tra toàn diện TikTok trong tháng 5-2023 là chỉ dấu cho thấy những tác động tiêu cực của mạng xã hội này đến đời sống là rất lớn.
Trò chuyện với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, TS Mạch Lê Thu, Viện Thông tin khoa học, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng: Vấn đề mấu chốt là TikTok cần hợp tác và nỗ lực chặn lọc, giảm thiểu thông tin xấu độc.
Phóng viên (PV): Trong các mạng xã hội, vì sao TikTok lại có nhiều sai phạm ở khía cạnh nội dung, thưa bà?
TS Mạch Lê Thu: TikTok có đầy đủ các ưu thế trên 5 phương diện mà nền tảng xã hội cung cấp cho người dùng, là: Khẳng định bản sắc, kết nối với xã hội, chứng tỏ khả năng sáng tạo, thể hiện cảm xúc và khả năng chia sẻ. Đa số người dùng TikTok là người trẻ, khó khẳng định hay thể hiện bản thân trong học tập, công việc, nhưng TikTok cho họ bệ đỡ để khẳng định bản sắc, thể hiện bản thân trong cộng đồng mạng, kết nối với nhiều người. TikTok có sẵn các “bản mẫu” định dạng video, có nhạc, có hiệu ứng hình ảnh và âm thanh bắt mắt, người dùng không cần phải có khả năng sáng tạo chuyên nghiệp nhưng vẫn có clip đẹp như được sản xuất bởi người chuyên nghiệp. Vì dễ làm video clip nên hơn 80% người dùng TikTok có tạo ra video và đăng lên, không “tàu ngầm” chỉ tạo tài khoản để xem.
TikTok là nền tảng cho phép tạo video ngắn, ban đầu không quá 60 giây, hiện nay không quá 10 phút. Tuy nhiên, video ngắn vẫn được các thuật toán đề xuất người sử dụng nhiều hơn. Trong khoảng thời gian ngắn như vậy, để thu hút sự chú ý, nội dung video phải khác thường, độc đáo. Những người dùng TikTok chuyên nghiệp cho mục tiêu kinh doanh (TikToker) sẽ bất chấp tất cả để thu hút người xem, bao gồm: Hình ảnh khỏa thân, phân biệt đối xử, quấy rối, ngôn ngữ lệch chuẩn và hành vi bất thường. Tiktok luôn hiện xu hướng (trend) cho bất cứ người dùng nào. Khi mà muốn kiếm tiền, được nhiều người theo dõi thì phải theo trend, tạo trend. Do vậy, không lạ gì khi các thông tin xấu độc trên TikTok tràn ngập.
PV: Bà có thể cho biết những thông tin xấu độc trên TikTok gây tác hại như thế nào đối với người sử dụng?
TS Mạch Lê Thu: Văn hóa Việt Nam coi trọng tính lâu bền nhưng giới trẻ bị hấp dẫn bởi những cảm xúc chỉ kéo dài chốc lát, sẽ không khuyến khích người trẻ đào sâu suy nghĩ, dẫn đến không phát triển năng lực sáng tạo, tư duy. Thuật toán cho phép hiển thị những nội dung tương tự nhau, sẽ hình thành thế giới quan thiên kiến, người dùng không tiếp cận với góc nhìn và tiếng nói đa dạng mà chỉ tiếp xúc với nội dung cùng tư tưởng như nhau, tầm nhìn hẹp và mất cân bằng.
Mặt khác, TikTok dễ gây nghiện vì tâm lý người dùng nghĩ rằng video ngắn xem không mất thời gian. Nhưng nếu xem hàng chục, hàng trăm video liên tiếp thì mất hàng giờ, lãng phí thời gian mà nhiều người không để ý.
Tính thiếu chính xác, phi khoa học của các video cũng là một vấn đề nhức nhối. Chẳng hạn, một nghiên cứu trong 500 video trên TikTok đưa ra lời khuyên về sức khỏe tinh thần có 83,7% lời khuyên là sai. Có thể thấy ở rất nhiều lĩnh vực, vô vàn video hướng dẫn, khuyên bảo, định hướng không phải là chuyên gia, nhà khoa học đăng tải, nếu không biết chọn lọc, cứ nhắm mắt làm theo, người dùng sẽ rước họa vào thân.
PV: Nhiều năm nghiên cứu truyền thông và mạng xã hội, bà thấy việc chỉ ra 6 sai phạm và quyết định thanh tra toàn diện TikTok trong tháng 5-2023 của Bộ Thông tin và Truyền thông có ý nghĩa thế nào?
TS Mạch Lê Thu: Với hơn 1,5 tỷ người dùng đang hoạt động, TikTok đang nhanh chóng trở thành một nền tảng truyền thông xã hội hàng đầu. Hơn 57% người dùng TikTok là nữ, và 28% người dùng TikTok dưới 18 tuổi. Từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện vào mùa xuân năm 2020, do phải cách ly nên nhiều người tìm cách kết nối trên nền tảng số, tỷ lệ sử dụng mạng xã hội, đặc biệt là TikTok đã tăng đáng kể. Ở Việt Nam, có gần 50 triệu người, gần nửa dân số dùng TikTok, xếp thứ 6 trong số các quốc gia có đông người sử dụng mạng xã hội này nhất.
Với những tác hại của TikTok, tôi hoàn toàn ủng hộ nỗ lực của các cơ quan quản lý trong việc kiểm soát để lành mạnh hóa nội dung trên các nền tảng mạng xã hội, trong đó có TikTok, vì lợi ích lâu dài của người sử dụng, nhất là giới trẻ.
Truyền thông xã hội vẫn thường hoạt động theo quy ước chung của cộng đồng người sử dụng, người sử dụng tự điều chỉnh bằng cách “gắn cờ”, báo cáo vi phạm, chặn hoặc hủy kết bạn, hủy kết nối.
Mạng xã hội nào cũng có bộ quy tắc quy định hành vi cộng đồng người sử dụng. Tại Việt Nam, TikTok đã gỡ bỏ hàng triệu nội dung bị gắn cờ báo cáo vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng, nhưng nếu cộng đồng có đa số là những người trẻ, thậm chí là trẻ nhỏ, chưa đủ năng lực tự quyết hành vi, sẽ không đủ chín chắn để quyết định nội dung nào phải bị gắn cờ, báo cáo và gỡ bỏ.
Vì vậy, cơ quan quản lý phải vào cuộc để làm lành mạnh hóa nền tảng, vì lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, của hàng triệu cá nhân, các tổ chức làm ăn chân chính đã đầu tư thời gian, tiền bạc, nhân sự vào việc tạo ra những tài khoản, những kênh có nội dung bổ ích trên mạng xã hội, ngăn chặn tình trạng nội dung xấu đến với người xem, nội dung lành mạnh lại khó lan tỏa do không cạnh tranh được với nội dung xấu.
PV: Bà có thể cho biết kinh nghiệm quốc tế trong việc hạn chế nội dung xấu độc, phản văn hóa của TikTok ra sao? Đồng thời, bà có hiến kế gì để góp phần chung tay hạn chế nội dung xấu độc của TikTok?
TS Mạch Lê Thu: Ấn Độ và Afghanistan cấm hoàn toàn TikTok. Ở một số quốc gia, người làm trong LLVT, công chức nhà nước hoặc cán bộ ở một số bộ, ngành trọng yếu không được cài TikTok hoặc không cài trên thiết bị do cơ quan cung cấp. Những nước này gồm có Mỹ, Australia, Bỉ, Canada, Đan Mạch, Pháp, New Zealand, Na Uy, Anh, Thụy Điển... và danh sách sẽ còn dài thêm. Lý do bắt nguồn từ tâm lý e ngại sẽ khai thác dữ liệu cá nhân người sử dụng cho mục đích kinh tế, chính trị, thao túng tâm lý. Ngay cả khi người sử dụng không đăng tải gì trên mạng xã hội, mà chỉ cần cho phép ứng dụng truy cập vào âm thanh, vào album hình ảnh của các thiết bị thì người dùng đã bị giám sát về địa điểm, thời gian sử dụng thiết bị, thao tác trên thiết bị.
Biện pháp cấm sử dụng cũng có thể là một lựa chọn, nhưng nếu không sử dụng app này thì còn nhiều app khác cũng đăng các video ngắn như Reels hay YouTube và còn nhiều app tương tự đã và sẽ ra đời. Như vậy, lời khuyên là hết sức thận trọng trong việc cài các ứng dụng vào thiết bị nối mạng của cá nhân. Khi đã cài rồi, chủ động đăng tải thông tin lành mạnh, chủ động báo cáo và chặn các thông tin phản cảm.
Về vấn đề thanh lọc nội dung, mấu chốt hiện nay là TikTok cần phải tăng cường hợp tác với các cơ quan chức năng; nghiên cứu các thuật toán để chặn các thông tin xấu độc; tăng cường hậu kiểm; liên kết với các cá nhân, tổ chức nghiên cứu để sản phẩm thích ứng với văn hóa bản địa Việt Nam.
PV: Được biết, bà có con ở tuổi vị thành niên, bà đã làm gì để con mình không nghiện TikTok? Lời khuyên của bà dành cho các bậc phụ huynh và bạn trẻ?
TS Mạch Lê Thu: Tôi vừa xóa app TikTok và các app trò chơi khỏi điện thoại của con. Nhưng tôi biết, giới trẻ có quyền tự chủ nhiều hơn trong việc sử dụng các sản phẩm công nghệ thông tin và truyền thông. Không TikTok thì có những app hẹn hò, app đọc truyện, app chơi game, có thể cả các game bạo lực. Gia đình và nhà trường cần liên tục nhắc nhở để trẻ em có ý thức cảnh giác hơn trong việc dùng các ứng dụng. Cân bằng giữa cuộc đời thực và cuộc đời trên mạng cũng là một giải pháp, cần tạo sân chơi thể chất, các hoạt động ngoại tuyến (offline) để thu hút giới trẻ vào những hoạt động kiến tạo cuộc sống có ý nghĩa.
PV: Trân trọng cảm ơn bà!
Nguồn: https://www.qdnd.vn/van-hoa/doi-song/day-lui-rac-van-hoa-va-tac-hai-tieu-cuc-cua-tiktok-724795
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục
Một thập kỷ Chính sách Hành động phía Đông của Ấn Độ
10 năm CIS 03:00 15-10-2024
Brunei và Chính sách Hành động phía Đông của Ấn Độ
10 năm CIS 09:00 20-09-2024
Ấn Độ và vai trò lãnh đạo về nhiên liệu bền vững
10 năm CIS 09:00 19-09-2024
Đảng Nhân dân Ấn Độ - BJP của Ấn Độ: Một giới thiệu ngắn gọn
10 năm CIS 08:00 12-09-2024
Hướng đến mối quan hệ chặt chẽ hơn giữa Ấn Độ và Malaysia
10 năm CIS 04:00 10-09-2024