Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Di sản văn hóa thế giới: Quần thể di tích đền thờ Khajuraho

Di sản văn hóa thế giới: Quần thể di tích đền thờ Khajuraho

Quần thể di tích đền thờ Khajuraho nằm ở thành phố Chhatarpur, thuộc bang Madhya Pradesh, Ấn Độ được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới vào năm 1986. Những cụm tháp cổ xưa ở đây thể hiện rất rõ nét phồn thực trong văn hóa Hindu giáo.

05:56 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Trải dài trong diện tích khoảng 20km vuông, quần thể di tích đền thờ Khajuraho từng là một đô thị phồn hoa, kinh đô của đế chế Chandela hùng mạnh. Triều đại này đã khởi công xây dựng tập hợp kiến trúc đầy tính nghệ thuật này vào khoảng những năm 950 tới năm 1050. Tuy nhiên thời gian đã làm cho những ngôi đền ở Khajuraho chìm trong quên lãng và bị bao phủ bởi rừng rậm trước khi được những nhà thám hiểm người Anh phát hiện lần đầu vào năm 1838. 

Những nghiên cứu khảo cổ học cho thấy quá trình xây dựng khu đền thờ đã kéo dài trong gần 2 thế kỷ. Ban đầu nơi đây bao gồm 85 ngôi đền lớn nhỏ được tạo tác bằng đá sa thạch với độ chi tiết và tỉ mỉ đáng kinh ngạc trong các họa tiết điêu khắc. Ngày nay, khu di tích Khajuraho chỉ còn 22 ngôi đền giữ được nguyên trạng.

Trong thời kỳ Trung cổ ở Ấn Độ cách đây khoảng 1000 năm về trước, các kiến trúc sư của vương triều Chandela chưa có được công nghệ xây dựng dựa trên việc sử dụng chất liệu vữa. Chính vì vậy mà đá sa thạch là nguyên liệu chính để tạo nên các ngôi đền. Những phiến đá được tạo hình lồi lõm và xếp vào với nhau dựa trên nguyên tắc lỗ mộng ăn nhập vào khớp mộng. Nhờ đó mà mặc dù không cần có sự ráp nối của những lớp vữa, các phiến đá này vẫn có thể liên kết với nhau một cách chắc chắn bởi lực hấp dẫn.

Song hành cùng với kiến trúc độc đáo và sáng tạo, những bức tượng, hình được chạm khắc bên trong những ngôi đền thuộc quần thể Khajuraho cũng là những kiệt tác nghệ thuật vô cùng quý giá. Ngoài những chủ đề về đời sống sinh hoạt của đế chế Chandela và thần thoại Hindu giáo, cụm tượng này còn mô tả cảnh nam nữ hoan ái với nhiều tư thế sống động. Tuy nhiên tất cả đều mang tính biểu cảm mạnh mẽ và được khắc họa một cách rất mềm mại, không mang tới cảm giác thô tục, mà ngược lại còn cho thấy nét đẹp phồn thực và dung hòa của văn hóa Hindu đương thời.

Một số nhà nghiên cứu cho rằng các thiết kế đền đài này chịu ảnh hưởng bởi phương pháp Tantra - đề cao sự cân bằng âm dương giữa nam giới và nữ giới, được phổ biến ở Ấn Độ vào thời kỳ các vương triều Chandela.

Tôn giáo Hindu coi trọng hoạt động kết đôi và cho đó là một phần không thể thiếu của cuộc sống. Có thể thấy được cảm thức nghệ thuật đầy thông thái qua các bức điêu khắc ở quần thể di tích Khajuraho. Tương tự như những hoạt động khác của con người như chiến tranh, cầu nguyện, các cuộc ân ái cũng được những người nghệ sĩ bộc lộ một cách diễm lệ để người tới thăm đền có thể chiêm ngưỡng và chiêm nghiệm về quy luật này.

Với sự độc đáo trong kiến trúc và một lịch sử tồn tại lâu dài, quần thể đền Khajuraho đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới vì “những giá trị sáng tạo nghệ thuật độc nhất vô nhị”. Hàng năm có hàng ngàn du khách từ khắp nơi trên thế giới đổ về đây để thăm quan và chiêm ngưỡng tác phẩm kiến trúc này.

Khách du lịch quốc tế có thể quá cảnh tại Sân bay quốc tế tại thủ đô New Delhi, sau đó đặt một chuyến bay tiếp theo tới Sân bay Khajuraho. Từ sân bay, du khách chỉ cần đi thêm 2km là đã có thể tới được quần thể di tích lâu đời này.

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

 

Nguồn: Khajuraho Temples - The World Heritage Site in India (tourmyindia.com)

Nguồn:

Cùng chuyên mục