Đôi nét về vai trò của Ấn Độ trong cấu trúc an ninh khu vực Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương
Với nguồn tài nguyên phong phú, nhất là các nguồn năng lượng quý, hiếm; lại dung chứa nhiều quốc gia mới nổi (Trung Quốc, Ấn Độ, Australia, Indonesia,…), trong một vài thập kỷ tới, khu vực Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương sẽ trở thành nơi hội tụ quan trọng nhất thế giới. Trong đó, Ấn Độ là một trong những quốc gia đang nổi lên với tiềm lực kinh tế, quân sự ngày càng lớn, có vai trò không nhỏ đối với cấu trúc an ninh khu vực.
Đôi nét về vai trò của Ấn Độ trong cấu trúc an ninh khu vực Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương
Thiếu tướng, PGS, TS Nguyễn Hồng Quân*
Thực lực và ảnh hưởng của Ấn Độ
Theo các nhà quan sát, những năm gần đây, thực lực của Ấn Độ đang ngày càng lớn. Đây là tiền đề quan trọng để New Delhi bảo vệ lợi ích chủ chốt của mình cũng như đóng vai trò quan trọng trong khu vực Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương (TBD-AĐD). Ngay sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, Ấn Độ đã linh hoạt điều chỉnh chính sách phát triển đất nước theo hướng thực dụng hơn, lấy lợi ích quốc gia làm cơ sở để phát triển quan hệ với các nước lớn và nổi lên như một hiện tượng đáng chú ý của khu vực trong thập kỷ đầu của thế kỷ XXI. Về chính trị - đối ngoại, Ấn Độ đẩy mạnh chiến lược ngoại giao đa dạng hóa, nhất là tăng cường quan hệ với các nước lớn, nhằm không ngừng nâng cao vị thế của mình trên trường quốc tế. Về kinh tế, Ấn Độ có khả năng duy trì tốc độ tăng trưởng cao ngay cả khi thế giới lâm vào cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Theo dự báo của nhiều chuyên gia kinh tế, trong thập niên tới, tăng trưởng kinh tế bình quân của nước này có thể đạt từ 5,5% đến 6,5%/năm và đến năm 2040, Ấn Độ có thể trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới. Về khoa học kỹ thuật, với tốc độ phát triển cao của nhiều ngành công nghiệp, Ấn Độ có thể là một trong những nước đi đầu về công nghệ trong làn sóng toàn cầu hóa những năm tiếp theo. Về quân sự - quốc phòng, Ấn Độ có những bước tiến quan trọng về công nghệ chế tạo tên lửa, máy bay chiến đấu và tàu ngầm, từng bước vươn lên thành cường quốc hải quân đích thực của khu vực.
Lợi ích cốt lõi của Ấn Độ tại khu vực
Trong bối cảnh hiện nay, TBD-AĐD được đánh giá là khu vực có vai trò quan trọng về kinh tế, chính trị và địa chiến lược đối với các khu vực khác và toàn cầu. Trong điều kiện đó, Ấn Độ sẽ hưởng nhiều lợi ích từ khu vực. Thứ nhất, về kinh tế, Ấn Độ sẽ có nhiều cơ hội để hội nhập kinh tế sâu, rộng hơn thông qua các hiệp định tự do thương mại, hiệp định hợp tác kinh tế với các nước, nhất là với các đối tác chiến lược. Đây cũng là cơ sở để Ấn Độ thúc đẩy kim ngạch thương mại hai chiều với các đối tác, thông qua việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài[1]. Thứ hai, về không gian chiến lược của Ấn Độ không ngừng được mở rộng. Hiện tại, Ấn Độ tăng cường triển khai đối ngoại hải quân với các nước khu vực TBD-AĐD và coi sự hiện diện Hải quân của họ ở khu vực này là nhân tố gìn giữ hòa bình và ổn định, tạo thuận lợi để Ấn Độ xây dựng, ký kết các thỏa thuận quốc phòng, mở rộng quan hệ quân sự với các nước trong khu vực, nhằm tăng lợi thế cho mình trong cuộc cạnh tranh ảnh hưởng với Trung Quốc. Thứ ba, tham gia vào khu vực này, Ấn Độ có thể bảo đảman toàn hàng hải cho hàng hóa thương mại của mình khi đi qua khu vực TBD-AĐD. Thứ tư, Ấn Độ thúc đẩy an ninh và hợp tác phát triển kinh tế mạnh mẽ với các nước Đông Á. Với xu hướng trở thành nước có nền kinh tế lớn, nắm bắt được công nghệ tiên tiến, cải thiện và tăng cường sức mạnh quân sự,… Ấn Độ được dự báo sẽ trở thành nhân tố quan trọng trong cuộc cạnh tranh ảnh hưởng giữa các nước ở khu vực trong vài thập kỷ tới, cũng như thể hiện vai trò lớn hơn của mình đối với việc định hình một cấu trúc an ninh bền vững ở khu vực TBD-AĐD.
Quan hệ của Ấn Độ với một số đối tác an ninh chủ chốt
Trong những năm qua, Ấn Độ hết sức chú trọng xây dựng quan hệ với một số đối tác an ninh chủ chốt và coi đó là cơ sở nền tảng để thể hiện vai trò của mình trong cấu trúc an ninh khu vực. Trong đó, quan hệ với các nước láng giềng, các nước lớn và các nước bạn bè truyền thống được Ấn Độ đặc biệt coi trọng. Đối với Trung Quốc, Ấn Độ chủ trương phát triển quan hệ “đối tác chiến lược vì hòa bình và thịnh vượng”, chú trọng hợp tác kinh tế, giữ ổn định khu vực. Tuy nhiên, việc tranh chấp biên giới giữa hai nước đang là vấn đề đặt ra mà hai bên cần tiếp tục giải quyết. Bên cạnh đó, sự cạnh tranh trên tuyến đường biển từ Thái Bình Dương sang Ấn Độ Dương cũng tác động không nhỏ tới quan hệ hai nước; trong đó, việc Ấn Độ hạ thủy tàu sân bay Vikrant và chuẩn bị chạy thử tàu ngầm hạt nhân đầu tiên,... đã cho thấy tham vọng làm chủ Ấn Độ Dương và tăng cường hiện diện sức mạnh tại Thái Bình Dương của nước này, nhằm cạnh tranh với một số nước lớn trong khu vực.
Ấn Độ coi trọng quan hệ với các nước Đông Nam Á (ĐNA) thông qua chính sách “Hướng Đông” để từng bước hòa nhập vào cấu trúc an ninh ở ĐNA[2]. Tại Hội nghị thượng đỉnh Ấn Độ - ASEAN (lần đầu tiên năm 2002), Ấn Độ chủ trương mở rộng quan hệ với các nước ĐNA và đưa ra chính sách mở rộng hợp tác sang cả lĩnh vực an ninh, bao gồm các hoạt động chung để bảo vệ các tuyến đường biển và chống khủng bố. Ba năm sau (năm 2005), Ấn Độ trở thành thành viên sáng lập Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) và đã thể hiện rõ vai trò của mình trong khu vực. Từ năm 2010, Ấn Độ tham gia Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+) và từng bước khẳng định trách nhiệm đối với an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương; đồng thời, nhấn mạnh yêu cầu phải cùng nhau giải quyết an ninh các tuyến đường giao thông trên biển và nạn cướp biển, nhất là ở Biển Đông.
Quan hệ Ấn Độ - Mỹ cũng là một nhân tố quan trọng, chi phối tới vị thế, vai trò của Ấn Độ trong cấu trúc an ninh khu vực. Trong vòng một thập kỷ qua, quan hệ Ấn - Mỹ đã trở thành mối quan hệ đối tác chiến lược toàn cầu. Trong quan hệ này, Ấn Độ coi Mỹ là đối tác lâu dài; là nguồn cung cấp công nghệ, đầu tư nguồn lực chủ yếu cho nước này tăng trưởng; đồng thời, là một trong những điểm đến quan trọng nhất của hàng hóa và dịch vụ Ấn Độ. Tháng 9-2013, hai bên đã đề ra phương hướng hợp tác trong tương lai, làm sâu sắc hơn mối quan hệ song phương trên nhiều lĩnh vực (thương mại, đầu tư, quốc phòng và chống khủng bố); xem xét các biện pháp và ký kết các thỏa thuận nhằm đưa mối quan hệ mua - bán trở thành quan hệ hợp tác cùng thiết kế và sản xuất, nhất là trong nghiên cứu, phát triển tên lửa, điện hạt nhân và hợp tác bảo vệ sân bay, cảng biển. Có thể nói, đây là quan hệ quan trọng giúp Ấn Độ củng cố sức mạnh cả về chính trị, kinh tế và quân sự. Về phía Mỹ, họ không chỉ khuyến khích Ấn Độ “Hướng Đông”, mà còn tích cực ủng hộ chủ trương hình thành khu vực TBD-AĐD. Đến nay, Ấn Độ và Mỹ đã xây dựng 25 cơ chế đối thoại; giá trị buôn bán trong lĩnh vực quốc phòng song phương (từ năm 2008 đến nay) đạt hơn 9 tỷ USD. Ngoài ra, hai nước còn tích cực tổ chức các cuộc tập trận quân sự; coi trọng hợp tác trong lĩnh vực an ninh biển; đồng thời, tích cực tham gia vào Nhóm “Tiếp xúc chống cướp biển ngoài khơi Xô-ma-li” (gồm 60 quốc gia). Tuy nhiên, quan hệ hai nước vẫn là vừa hợp tác, vừa cạnh tranh. Việc chuyển trọng tâm chiến lược của Mỹ sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ tạo thuận lợi cho Ấn Độ, nhưng phạm vi hoạt động và hiệu quả triển khai chính sách này trên thực tế còn nhiều hạn chế, chưa khả thi và thiếu vững chắc; trong khi đó, sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc sẽ tác động không nhỏ đến việc mở rộng ảnh hưởng địa - chính trị của Ấn Độ đối với khu vực.
Trong quan hệ với Nhật Bản, Ấn Độ coi đó là một trong những “đối tác cốt lõi” trong khu vực và thế giới, nhằm hướng tới xây dựng chiến lược chung với Nhật Bản trong cả ba lĩnh vực: an ninh quốc phòng, hạt nhân và thương mại. Trong thời gian qua, hai nước đã thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ “Đối tác chiến lược toàn cầu”, thông qua việc tăng cường hợp tác song phương trong nhiều lĩnh vực, như: đối thoại cấp cao quốc phòng, ngoại giao hai nước; hợp tác hàng hải và về sử dụng năng lượng hạt nhân vào mục đích hòa bình; tăng cường các cuộc tập trận chung giữa Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản và Hải quân Ấn Độ,… Điểm đáng chú ý là, hai nước khẳng định tự do hàng hải và thương mại ở Biển Đông trên cơ sở các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), đề cao các diễn đàn quốc tế, nhất là EAS, ARF và ADMM+, nhằm duy trì hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực. Không chỉ cùng hợp tác, cùng phát triển, Nhật Bản còn duy trì các khoản viện trợ phát triển chính thức (ODA), nhằm thúc đẩy các nỗ lực của Ấn Độ trong phát triển kinh tế, văn hóa, y tế và giáo dục,... Như vậy có thể thấy, những nhân tố gây mất ổn định an ninh - chính trị khu vực thời gian gần đây là lý do chính để hai quốc gia châu Á này bắt tay nhau ngày càng chặt hơn.
Theo đánh giá của các nhà quan sát quốc tế, mặc dù phải đối mặt với không ít thách thức, song Ấn Độ đang tìm mọi nỗ lực để vượt qua, nhằm nâng cao tầm quan trọng và ảnh hưởng của mình đối với cấu trúc an ninh khu vực. Với những nỗ lực đó, Ấn Độ sẽ giữ vai trò ngày càng lớn hơn trong việc đảm bảo an ninh, an toàn và sự phát triển thịnh vượng ở khu vực TBD-AĐD.
* Phó Viện trưởng Viện Chiến lược quốc phòng
[1] Năm 2013, Ấn Độ đã trở thành nhà đầu tư lớn thứ 6 ở ĐNA, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Ấn Độ và các nước ASEAN chiếm khoảng 10% tổng lượng hàng hóa xuất, nhập khẩu/năm của nước này.
[2] Ấn Độ trở thành đối tác, đối thoại trên từng lĩnh vực của ASEAN (năm 1992); đối tác, đối thoại đầy đủ của ASEAN (năm 1995) và là thành viên Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) năm 1996.
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục