Đối với Ấn Độ, thỏa thuận hậu cần quân sự cần thiết như... masala
Nếu ví von ẩm thực Ấn Độ không thể thiếu masala (gia vị), thì đối ngoại Ấn Độ cũng không thể thiếu các thỏa thuận hậu cần quân sự...
Trong bài viết đăng trên trang The Diplomat ngày 9/9/2021, TS. Rajeswari Pillai Rajagopalan, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu an ninh chiến lược và công nghệ thuộc Quỹ Nghiên cứu Nhà quan sát (ORF) nhận định, hoạt động ngày càng gia tăng của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đã thúc đẩy Ấn Độ theo đuổi các thỏa thuận hậu cần quân sự với nhiều đối tác.
Danh sách ngày càng dài
Ấn Độ và Nga dự kiến sẽ ký một hiệp định hậu cần quân sự song phương trong chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu vài tháng tới. Hiệp định này được gọi là Thỏa thuận trao đổi hậu cần tương hỗ (RELOS), tương tự như Thỏa thuận trao đổi hậu cần (LEMOA) mà Ấn Độ đã ký với Mỹ.
Bộ trưởng Sergei Shoigu sẽ có mặt tại Ấn Độ để đồng chủ trì cuộc họp của Ủy ban liên chính phủ liên quan đến một loạt hợp tác kỹ thuật quân sự giữa Ấn Độ và Nga. Trong chuyến thăm, hai nước cũng sẽ ký Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa hải quân hai nước.
Ban đầu RELOS dự kiến được ký kết trong chuyến thăm của Thủ tướng Narendra Modi tới Nga nhân dịp tham dự Diễn đàn Kinh tế phương Đông ở Vladivostok vào năm 2019, song thỏa thuận hậu cần song phương này đã nhiều lần bị trì hoãn. Việc ký kết RELOS sẽ giúp Ấn Độ tiếp cận các cơ sở quân sự của Nga ở khu vực Bắc Cực. |
Giống như tất cả các thỏa thuận dịch vụ hậu cần, RELOS cũng là một thỏa thuận có đi có lại mà theo đó hai quốc gia có thể sử dụng các cơ sở hậu cần quân sự khi đến thăm các cảng, căn cứ và cơ sở quân sự của nhau.
Ấn Độ phải mất một thập niên để tranh luận về ưu và nhược điểm của việc ký một thỏa thuận như vậy với Mỹ, nhưng kể từ khi ký kết LEMOA năm 2016, New Delhi đã trở nên thoải mái hơn trong việc ký kết các thỏa thuận tương tự với các quốc gia khác.
Theo TS. Rajeswari Pillai Rajagopalan, Ấn Độ hiện đã có các thỏa thuận hậu cần quân sự với Australia, Nhật Bản và Mỹ - các quốc gia thuộc nhóm Bộ tứ (Quad) - cũng như với Pháp, Singapore và Hàn Quốc. Ấn Độ hiện đang trong quá trình hoàn tất một thỏa thuận như vậy với Vương quốc Anh.
Bước đi chiến lược
Những thỏa thuận này là bước đi chiến lược có toan tính nhất định, giúp mở rộng phạm vi quân sự của New Delhi, đặc biệt là phạm vi tiếp cận hàng hải và ảnh hưởng ở các khu vực khác nhau có tầm quan trọng chiến lược.
Trên thực tế, các thỏa thuận như vậy giúp tiết kiệm rất nhiều thời gian và giảm chi phí tổng thể của các hoạt động quân sự, phối hợp tác chiến mà quân đội Ấn Độ phải thực hiện với mỗi chuyến thăm. Chẳng hạn khi quân đội tham gia hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa hay các cuộc tập trận quân sự song phương.
Các thỏa thuận hậu cần quân sự là các thỏa thuận hành chính giữa các đối tác chiến lược nhằm tạo điều kiện tiếp tế nhiên liệu, lương thực và phụ tùng thay thế, cũng như cập cảng và bảo dưỡng tàu chiến, máy bay quân sự của nhau trong các chuyến thăm, thậm chí là cuộc tập trận chung, trên cơ sở có đi có lại, và về cơ bản giúp đơn giản hóa quá trình mở rộng hỗ trợ hậu cần cho nhau. |
Là lực lượng triển khai nhiều hoạt động nhất trong số ba binh chủng, hải quân Ấn Độ được hưởng lợi nhiều nhất từ các hiệp định hậu cần này. Các thỏa thuận đã củng cố khả năng xoay chuyển hoạt động và tăng cường khả năng tương tác giữa các lực lượng hải quân đối tác trên biển cả.
Ví dụ, vào khoảng thời gian Australia đang thảo luận chi tiết của một thỏa thuận hậu cần với Ấn Độ, một nguồn tin ngoại giao đã nêu bật những điểm bất lợi nếu không có thỏa thuận. Chẳng hạn, “một cuộc tập trận tiếp nhiên liệu giữa hải quân hai nước trước đây trở thành một cuộc tập trận ngớ ngẩn bởi vì chúng ta thực sự không thể tiếp nhiên liệu do hai bên thiếu thỏa thuận hậu cần”.
Trong vài năm gần đây, hải quân Ấn Độ đã áp dụng hình thức triển khai đa nhiệm vụ với 12-15 tàu chiến hoạt động độc lập thường xuyên ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Mục đích là giám sát các điểm nóng chiến lược quan trọng giáp Ấn Độ Dương, đảm bảo giao thương an toàn, nâng cao nhận thức về khu vực hàng hải, cung cấp hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa, chống lại các mối đe dọa an ninh phi truyền thống...
Theo nhà phân tích hàng hải Anil Jai Singh, với những hoạt động như thế của hải quân Ấn Độ, "không thể cho mỗi con tàu đi kèm với một tàu hỗ trợ hậu cần, do đó những hỗ trợ hậu cần và bảo trì sẵn có tại các cảng thân thiện là điều cần thiết để triển khai thành công các hoạt động như vậy”.
Mở rộng ảnh hưởng
Mỗi hiệp định hậu cần quân sự mà Ấn Độ đã ký với các đối tác cùng chí hướng đều sẽ giúp mở rộng phạm vi và ảnh hưởng của Ấn Độ ở Ấn Độ Dương và xa hơn nữa.
Ví dụ, thỏa thuận LEMOA giúp Ấn Độ có các cơ sở tiếp nhiên liệu và có quyền tiếp cận các cơ sở quân sự của Mỹ ở Djibouti, Diego Garcia, Guam và Vịnh Subic. Đã có những ví dụ điển hình về sự hợp tác thực tế giữa Ấn Độ và Mỹ trong khuôn khổ thỏa thuận LEMOA.
Tương tự, thỏa thuận của Ấn Độ với Pháp đã mở rộng phạm vi tiếp cận của New Delhi sang khu vực Tây Nam Ấn Độ Dương, nơi Pháp có sự hiện diện quân sự và do đó có thể tiếp cận đảo Reunion nằm gần Madagascar và Djibouti.
Thỏa thuận của Ấn Độ với Australia mở rộng phạm vi tiếp cận của Ấn Độ sang khu vực Nam Ấn Độ Dương cũng như Tây Thái Bình Dương. Đây là những yếu tố quan trọng, đặc biệt là sau khi Trung Quốc thiết lập căn cứ quân sự đầu tiên ở Djibouti vào năm 2017.
Ngoài ra, khi Ấn Độ tiếp tục vươn lên, nước này ngày càng có nhiều yêu cầu về việc vươn ra các vùng biển xa hơn và không chỉ giới hạn trong các vùng biển xung quanh Ấn Độ. Điều này trên thực tế đã cho phép Ấn Độ triển khai một số hoạt động ở khu vực Ấn Độ Dương và khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương rộng lớn hơn.
Theo TS. Rajeswari Pillai Rajagopalan, New Delhi đã né tránh ký kết các thỏa thuận hậu cần quân sự trong hơn một thập niên, tuy nhiên Trung Quốc đã thúc đẩy Ấn Độ xích lại gần các đối tác cùng chí hướng trên khắp Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, bao gồm cả thông qua các thỏa thuận hậu cần.
Nguồn: https://baoquocte.vn/doi-voi-an-do-thoa-thuan-hau-can-quan-su-can-thiet-nhu-masala-158189.html
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục