Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Đông dân nhất thế giới - liệu sẽ có một “điều kỳ diệu” khác mang tên Ấn Độ?

Đông dân nhất thế giới - liệu sẽ có một “điều kỳ diệu” khác mang tên Ấn Độ?

09:00 07-09-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Ngày 11/7/2022, Liên hợp quốc công bố bản báo cáo “Triển vọng dân số thế giới 2022”[1] trong đó nêu ra rằng, dân số toàn cầu sẽ vượt 8 tỷ người vào ngày 15 tháng 11 năm 2022, đạt đỉnh 10,4 tỷ người vào năm 2080 và ổn định ở mức đó cho đến năm 2100. Báo cáo trên cũng chỉ ra rằng, đến năm 2023, Ấn Độ sẽ vượt qua Trung Quốc để trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới.

Vì vậy, vào thời điểm căng thẳng địa chính trị và tái cơ cấu chuỗi công nghiệp hiện nay, việc Ấn Độ  trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới - vượt qua Trung Quốc - có ý nghĩa gì đối với Ấn Độ? Nó có nghĩa là Ấn Độ sẽ trở thành công xưởng tiếp theo của thế giới?

1. Dân số: Lợi tức hay cái bẫy?

Từ dữ liệu của dân số trong độ tuổi lao động, Ấn Độ rõ ràng đang ở trong giai đoạn vàng về nhân khẩu học.

Theo thống kê của Liên hợp quốc, vào năm 2021, dân số Ấn Độ sẽ vượt qua mức 1,4 tỷ người. Theo ước tính thì tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động từ 15-64 tuổi trong dân số Ấn Độ là 67%, độ tuổi trung bình là 28 và hơn 12 triệu thanh niên tham gia lực lượng lao động mỗi năm. Đến năm 2050, Ấn Độ sẽ bổ sung thêm 183 triệu người vào lực lượng lao động ở nhóm tuổi này[2].

Điều này có nghĩa là 22% lực lượng lao động toàn cầu mới trong 30 năm tới sẽ đến từ Ấn Độ.

Tuy nhiên, dân số trong độ tuổi lao động theo quy mô dữ liệu chỉ đo lường mức lợi thế về nhân khẩu học tiềm năng và không nhất thiết đại diện cho khả năng tăng trưởng kinh tế thực tế. Bản chất của tăng trưởng kinh tế là tăng năng suất và thu nhập bình quân đầu người. Lợi thế nhân khẩu học có thể chuyển thành tăng trưởng kinh tế thực tế hay không cũng phụ thuộc vào việc có toàn dụng lao động chất lượng cao hay không.

Tuy nhiên, thị trường lao động của Ấn Độ có một số vấn đề khó giải quyết trong ngắn hạn.

Thứ nhất, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động thấp và chênh lệch giới lớn.

Theo số liệu của CEIC và Ngân hàng Thế giới[3], vào năm 2020, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của Ấn Độ là 44,9% (đã giảm xuống 40% vào năm 2022), trong đó tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của nam giới là 76% và tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của nữ giới là 20%. Đặc biệt, cần lưu ý rằng, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động thấp ở phụ nữ ở Ấn Độ không hoàn toàn là do thiếu việc làm mà là do các yếu tố xã hội và văn hóa có tác động lớn hơn đến việc làm của phụ nữ.

Theo "Báo cáo tình trạng lao động ở Ấn Độ"[4] năm 2021, từ năm 2017 đến năm 2021, dân số trong độ tuổi lao động của Ấn Độ tăng 115,5 triệu người, nhưng lực lượng lao động chỉ tăng 7,7 triệu người. Cho nên lực lượng lao động thực tế giảm 11,3 triệu. Vì vậy, bất chấp dân số trong độ tuổi lao động của Ấn Độ là 938 triệu người, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động thực tế làm giảm đáng kể lợi thế nhân khẩu học của Ấn Độ.

Thứ hai, tỷ lệ thất nghiệp cao và mức độ sẵn sàng làm việc của thanh niên thấp.

Theo thống kê của Kinh tế Thương mại, vào tháng 5 năm 2022, tỷ lệ thất nghiệp của Ấn Độ là 7,8%. Dữ liệu mới nhất từ ​​Trung tâm Giám sát Kinh tế Ấn Độ (CMIE) cho thấy[5] vào năm 2022, hơn một nửa trong số 900 triệu người Ấn Độ trong độ tuổi lao động hợp pháp không muốn làm việc, trong khi chỉ có 9% lực lượng lao động nữ đủ điều kiện làm việc sẵn sàng làm việc hoặc tìm kiếm việc làm. Kết quả là, phụ nữ chiếm 49% dân số Ấn Độ, nhưng chỉ đóng góp 18% sản lượng kinh tế của đất nước, bằng một nửa mức trung bình toàn cầu. Chính phủ Ấn Độ đã cố gắng giải quyết vấn đề lao động nữ, bao gồm cả việc công bố kế hoạch nâng độ tuổi kết hôn tối thiểu của phụ nữ lên 21 tuổi[6].

Thứ ba, trình độ học vấn thấp và thiếu đào tạo kỹ năng nghề.

Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới, năm 2018, tỷ lệ biết chữ của người lớn từ 15 tuổi trở lên ở Ấn Độ chỉ đạt khoảng 74,4%[7]. Một báo cáo khác của Quỹ Dân số Liên hợp quốc cho thấy, trong giai đoạn 2019-2020, chỉ có 15% lực lượng lao động Ấn Độ được đào tạo nghề[8]. Báo cáo khảo sát lực lượng lao động thường xuyên do "Văn phòng khảo sát quốc gia" của Ấn Độ công bố cũng đưa ra con số rằng: Từ năm 2017 đến 2018, trong số những người từ 15-29 tuổi được đào tạo kỹ thuật chính thức, chỉ có 3% lực lượng lao động có kỹ năng chính thức. Tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục cao và đầu tư không đủ cho giáo dục cơ bản và dạy nghề sẽ ảnh hưởng đến tiềm năng tăng trưởng kinh tế về lâu dài.

2. Những cải cách “thực dụng nhưng mâu thuẫn” của chính phủ Modi

Theo báo cáo năm 2020 của Viện toàn cầu McKinsey[9], Ấn Độ cần tạo ra ít nhất 90 triệu việc làm phi nông nghiệp mới vào năm 2030 để đáp ứng dân số trẻ đang bùng nổ, điều này sẽ yêu cầu GDP hàng năm tăng 8% ~ 8,5%.

Vì vậy, có một nhận thức chúng rằng bất kể ai cầm quyền ở Ấn Độ, thách thức lớn nhất là tạo ra một số lượng lớn việc làm chính thức và lâu dài. Để giải quyết vấn đề việc làm, việc phát triển công nghiệp sản xuất được ưu tiên hàng đầu. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã dành ưu tiên hàng đầu cho vấn đề việc làm kể từ khi ông lên nắm quyền, đưa ra sáng kiến "Sản xuất tại Ấn Độ". Mục đích của ông là bắt đầu một vòng công nghiệp hóa mới, cung cấp một số lượng lớn cơ hội việc làm cho những người lao động chuyển dịch từ lĩnh vực nông nghiệp, hỗ trợ sự bùng nổ của nhu cầu trong nước từ đó có thể hỗ trợ quá trình công nghiệp hoá, và hình thành nên vòng tuần hoàn kinh tế.

Các cải cách của Modi là đúng hướng, chẳng hạn như bãi bỏ tiền giấy cũ, thống nhất hệ thống thuế, đưa ra Bộ luật phá sản, đưa ra sáng kiến ​​Ấn Độ kỹ thuật số, v.v. Nhưng thực tế việc kích thích tạo việc làm trong lĩnh vực sản xuất lại tồn tại những hạn chế nhất định.

Theo quan điểm người viết thì cải cách tiền tệ và cải cách thuế của chính quyền Modi là hai cải cách đáng được ghi vào lịch sử.

Vào ngày 8/11/2016, Thủ tướng Modi bất ngờ tuyên bố, hai tờ tiền mệnh giá lớn nhất là 500 rupee và 1.000 rupee sẽ bị bãi bỏ nhằm chống tham nhũng, cắt đứt kênh lưu thông của các tổ chức khủng bố và lưu hành tiền giả[10]. Các đồng tiền giấy 500 rupee và 2000 rupee mới sẽ được phát hành.

Vào tháng 7 năm 2017, Ấn Độ chính thức triển khai Thuế hàng hóa và dịch vụ (GST). Đây là cuộc cải cách thuế lớn nhất của Ấn Độ kể từ khi giành được độc lập vào năm 1947. Nội dung chính của loại thuế mới là thay thế các loại thuế gián thu khác nhau do chính quyền trung ương và chính quyền địa phương các bang đánh trước đây bằng một loại thuế hàng hóa và dịch vụ thống nhất trên toàn quốc. Chúng ta biết rằng, Ấn Độ là một thực thể về mặt chính trị, nhưng giữa các bang có sự khác biệt rất lớn về kinh tế, văn hóa, v.v. Ưu điểm lớn nhất của hệ thống thuế thống nhất là giúp làm suy yếu quyền lực tài khóa ở cấp bang, thay đổi hoàn toàn mô hình thuế và tài khóa phân tán ở Ấn Độ, giảm các rào cản thương mại giữa các bang khác nhau, giảm chi phí giao dịch, thiết lập thị trường nội địa thống nhất hơn, và nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Ấn Độ.

Tuy nhiên, vấn đề với cải cách của chính quyền Modi là không nhất quán và mâu thuẫn. Dùng chương trình cải cách kinh tế làm một trong những cam kết chính trị chính, chính phủ của Modi một mặt thể hiện khuynh hướng tự do. Ví dụ, không ngừng tối ưu hóa môi trường kinh doanh, theo đuổi thị trường mở, đầu tư nước ngoài, tăng trưởng khu vực tư nhân và chuyển đổi cơ cấu; mặt khác, quá trình thực hiện chính sách kinh tế lại quá tính toán về mặt chính trị. Ví dụ, trong khi theo đuổi tối ưu hóa môi trường kinh doanh và thu hút, tận dụng vốn nước ngoài, nhưng lại chủ trương “tự lực cánh sinh”, chủ trương bảo hộ mậu dịch và áp đặt thuế quan.

3. Thách thức của “ngôi vương” về dân số

Việc "lên ngôi" quốc gia đông dân nhất thế giới, đối với Ấn Độ tồn tại cả rủi ro lẫn cơ hội. Lợi tức nhân khẩu vẫn là một cái bẫy dân số. Điều mấu chốt nằm ở việc liệu Ấn Độ có thể duy trì sự cải thiện năng suất và tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người hay không. Chỉ số trực quan nhất là liệu có thể duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế từ trung bình đến cao hay không, mà điều này đòi hỏi Ấn Độ phải nhanh chóng phát triển ngành kinh tế sản xuất, và nâng cao ngành công nghiệp dịch vụ.

Hơn nữa, Ấn Độ phải đối mặt với nhiều vấn đề như môi trường đa ngôn ngữ, chất lượng lao động thấp, thu nhập bình quân đầu người trì trệ, chênh lệch giàu nghèo ngày càng gia tăng, cơ sở hạ tầng yếu kém, cơ cấu công nghiệp đặc thù, sự cản trở của chế độ đẳng cấp v.v.

Nhưng nhìn lại lịch sử trỗi dậy của Trung Quốc, xuất phát điểm cũng không khá hơn Ấn Độ. Năm 1949, hơn 80% trong tổng số hơn 500 triệu dân của Trung Quốc là mù chữ[11]. Cuối năm 1978, dân số Trung Quốc gần 1 tỷ người, số người mù chữ gần 240 triệu người, tỷ lệ mù chữ lên tới 25%. Mặc dù tỷ trọng các ngành công nghiệp thứ nhất, thứ hai, thứ ba trong cơ cấu công nghiệp phù hợp với quy luật phát triển kinh tế, nhưng công nghiệp nặng phát triển trước, công nghiệp chế tạo không phát triển.

Trung Quốc có diện tích gấp 3 lần Ấn Độ, không có chế độ đẳng cấp, nhưng có nền kinh tế phát triển rất không đồng đều và tồn tại sự khác biệt về văn hóa. Tình trạng nghèo đói và chênh lệch thu nhập vẫn còn phổ biến.

Nhưng sự khác biệt lớn nhất giữa Trung Quốc và Ấn Độ là sự khác biệt về thời gian. Năm 2001, Trung Quốc gia nhập WTO. Sự chuyển dịch của chuỗi công nghiệp toàn cầu sang Trung Quốc vừa là xu hướng chung vừa là kỳ vọng chung của thế giới. Nếu Ấn Độ muốn phát triển ngành sản xuất, ngoài việc cần khắc phục các vấn đề trong nước và thực hiện nhiều biện pháp cải cách thể chế, nước này còn phải đối mặt với Trung Quốc, một quốc gia khổng lồ đã có một chuỗi công nghiệp hoàn chỉnh.

Ngoài ra, còn có những hạn chế bổ sung đối với quá trình chuyển đổi xanh do cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu mang lại. Trong tương lai, khả năng cao là Ấn Độ sẽ trở thành quốc gia có mức tiêu thụ năng lượng nhanh nhất thế giới. Dù đúng hay không, Trung Quốc đã lặp lại con đường cũ của các nước phát triển là gây ô nhiễm trước rồi đó là phát triển xanh sạch, nhưng đối mặt với những hạn chế về giảm phát thải carbon toàn cầu hiện tại, Ấn Độ đã mất cơ hội phát triển trên quy mô lớn với ô nhiễm cao và tiêu thụ nhiều năng lượng. Điều này tốt cho Ấn Độ và thế giới về lâu dài, nhưng không nghi ngờ gì nữa, nó đặt ra những yêu cầu cao hơn đối với Ấn Độ.

Liệu Ấn Độ có thể lặp lại "sự kỳ diệu" như Trung Quốc hay tạo ra điều "kỳ diệu" của riêng mình thì chỉ có thời gian mới có câu trả lời. Nhưng có một điều chắc chắn là, dân số Ấn Độ đã đạt mức 1,4 tỷ người, đến năm 2050, dân số Ấn Độ có thể đạt 1,668 tỷ người[12]. Chỉ tính riêng số người, ảnh hưởng kinh tế và chính trị của Ấn Độ đối với thế giới chắc chắn sẽ tăng lên.

Tài liệu tham khảo
[1] https://www.un.org/development/desa/pd/events/world-population-day-11-july-2022-launch-wpp-2022
[2] https://www.iasparliament.com/current-affairs/un-population-report-on-india
[3] https://www.ceicdata.com/en/indicator/india/labour-force-participation-rate
[4] https://cse.azimpremjiuniversity.edu.in/wp-content/uploads/2021/08/SWI2021_August_WEB.pdf
[5] https://inshorts.com/en/news/more-than-half-of-indias-900-million-workforce-stop-looking-for-jobs-report-1650898955675
[6] https://www.livemint.com/news/india/increasing-legal-age-of-marriage-to-21-is-it-a-boon-or-a-bane-for-indian-women-international-women-s-day-11646540444993.html
[7] https://data.worldbank.org/indicator/SE.ADT.LITR.ZS?end=2018&locations=IN&start=1986&view=chart
[8] https://science.thewire.in/health/population-day-india-demographic-dividend/
[9]https://www.mckinsey.com/~/media/McKinsey/Featured%20Insights/India/Indias%20turning%20point%20An%20economic%20agenda%20to%20spur%20growth%20and%20jobs/MGI-Indias-turning-point-Executive-summary-August-2020-vFinal.pdf
[10] https://economictimes.indiatimes.com/news/politics-and-nation/in-an-attempt-to-curb-black-money-pm-narendra-modi-declares-rs-500-1000-notes-to-be-void-from-midnight/articleshow/55315932.cms
[11] Jowett, A. J. (1989). Patterns of literacy in the People's Republic of China. GeoJournal, 18(4), 417-427.
[12] https://indianexpress.com/article/india/india-to-be-most-populous-country-in-2023-8021711/

Cùng chuyên mục