Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Động lực mới cho chính sách “Hành động phía Đông” của Ấn Độ

Động lực mới cho chính sách “Hành động phía Đông” của Ấn Độ

Ấn Độ nổi lên là nền kinh tế phát triển nhanh nhất và có khả năng duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong nhiều năm. Sự thay đổi môi trường địa chính trị khu vực đã tạo ra nhiều cơ hội để Ấn Độ mở rộng quan hệ hợp tác với ASEAN.

05:07 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Động lực mới cho chính sách “Hành động phía Đông” của Ấn Độ

Ashok Sajjanhar[1]

Quan hệ Ấn Độ-ASEAN

Quan hệ Đối tác chiến lược Ấn Độ-ASEAN đã có đà phát triển mới kể từ khi Thủ tướng Modi tuyên bố chuyển “Chính sách Hướng Đông” thành “Hành động phía Đông” tại hội nghị EAS lần thứ 9 ở Myanmar hồi năm ngoái. Chính sách này thể hiện mục đích rõ ràng của Ấn Độ trong việc mở rộng quy mô liên kết với các nước ASEAN trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Ấn Độ và ASEAN hiện có 30 cơ chế đối thoại, trong đó có một Hội nghị Thượng đỉnh và 7 hội nghị cấp Bộ trưởng như Ngoại giao, Thương mại, Du lịch, Nông nghiệp, Môi trường, Năng lượng tái tạo và Viễn thông.

Hội nghị Thượng đỉnh mới nhất tại Kuala Lumpur (Malaysia) ngày 21/11/2015 đã nhấn mạnh cam kết của Ấn Độ và các quốc gia ASEAN trong hợp tác chống khủng bố, buôn người, buôn bán ma túy, tội phạm mạng và chống cướp biển dọc eo biển Malacca. Tuy nhiên, trụ cột trong quan hệ đối tác Ấn Độ-ASEAN là kinh tế. ASEAN hiện là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Ấn Độ, trong khi Ấn Độ là đối tác thương mại lớn thứ 6 của ASEAN. Thương mại song phương giữa Ấn Độ và ASEAN đạt 76,52 tỷ USD trong năm tài khóa 2014-2015, trong đó xuất khẩu của Ấn Độ sang các quốc gia ASEAN đạt 31,8 tỷ USD, còn nhập khẩu của Ấn Độ từ ASEAN là 44,7 tỷ USD.

Trong giai đoạn 2007-2015, Ấn Độ đầu tư vào ASEAN 38,6 tỷ USD, trong khi ASEAN đầu tư vào Ấn Độ khoảng 32,4 tỷ USD. Quan hệ hợp tác và quá trình hội nhập kinh tế giữa Ấn Độ và ASEAN sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa khi Hiệp định Thương mại về dịch vụ và đầu tư Ấn Độ-ASEAN chính thức có hiệu lực vào năm tới. Ấn Độ đang tập trung tăng cường kết nối với ASEAN bằng nhiều hình thức, từ kết nối vật lý, kỹ thuật số và kết nối thông qua giao lưu nhân dân. Tại Hội nghị Thượng đỉnh Ấn Độ-ASEAN lần này, Ấn Độ cam kết cung cấp gói tín dụng ưu đãi trị giá 1 tỷ USD để hỗ trợ các dự án kết nối vật chất và kỹ thuật số trong các nước ASEAN nhằm thúc đẩy kết nối và hội nhập kinh tế trong khu vực.

Quan hệ Ấn Độ-Malaysia

Quan hệ kinh tế và thương mại là trụ cột của quan hệ song phương Ấn Độ-Malaysia. Hiện trong số các quốc gia ASEAN, Malaysia là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Ấn Độ, còn Ấn Độ là đối tác thương mại lớn nhất của Malaysia trong số các nước phía Nam, trừ Trung Quốc. Cả hai nước triển khai thực hiện Thỏa thuận Hợp tác kinh tế toàn diện (CECA) năm 2011, bao gồm các lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ, đầu tư…. Diễn đàn Giám đốc điều hành (CEO) Ấn Độ-Malaysia được thành lập hồi tháng 10/2010 nhằm tăng cường quan hệ đối tác và hợp tác ở cấp độ doanh nghiệp. Kim ngạch thương mại song phương giữa Ấn Độ và Malaysia trong năm 2014 đạt 13,84 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu của Malaysia là 9,77 tỷ USD, kim ngạch xuất khẩu của Ấn Độ là 4,07 tỷ USD.

Về đầu tư, Malaysia là một nhà đầu tư quan trọng ở Ấn Độ. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Malaysia vào Ấn Độ chủ yếu tập trung cho các dự án đường cao tốc, viễn thông, dầu khí, nhà máy điện, du lịch và nguồn nhân lực. Đáng chú ý trong số này là các khoản đầu tư của Maxis Communications Aircel, Axiata ở IDEA, Khazanah trong IDFC và Bệnh viện Apollo, AirAsia trong lĩnh vực hàng không dân dụng và một số lĩnh vực khác. Sự hiện diện của các công ty xây dựng Malaysia lớn nhất ở nước ngoài là tại Ấn Độ.

Theo số liệu của Malaysia, đầu tư của Ấn Độ vào Malaysia giai đoạn từ năm 1980-2014 là 2,31 tỷ USD. Hiện nay, có hơn 115 công ty Ấn Độ, trong đó có 61 công ty liên doanh, 7 công ty trong lĩnh vực công và 60 công ty công nghệ thông tin đang hoạt động tại Malaysia. Lĩnh vực hoạt động chủ yếu của các công ty này là sản xuất hàng dệt, sợi, thuốc và dược phẩm, ô tô, hóa chất, các sản phẩm cao su, dịch vụ trong lĩnh vực công nghệ thông tin, giáo dục, công nghệ sinh học và y tế. Các công ty lớn của Ấn Độ đang hoạt động tại Malaysia như Ircon, Reliance, Kirloskar, Bajaj, TCS, Mahindra, L & T và Wipro. Trong khi quan hệ hợp tác kinh tế và thương mại đã tăng lên, tiềm năng hợp tác về an ninh và quốc phòng giữa Ấn Độ và Malaysia là rất lớn, bên cạnh các lĩnh vực hợp tác khác như y tế và giáo dục.

Quan hệ Ấn Độ-Singapore

Mối quan hệ song phương Ấn Độ-Singapore đã được thúc đẩy mạnh mẽ về quy mô và mức độ. Trong chuyến thăm của ông Modi từ ngày 23-25/11/2015, Ấn Độ và Singapore sẽ ký thỏa thuận nâng cấp quan hệ song phương lên tầm đối tác chiến lược. Singapore cũng ủng hộ Ấn Độ tham gia các cơ chế và khuôn khổ của ASEAN. Sức mạnh của cộng đồng Ấn kiều gồm 350.000 người trong tổng dân số 5,5 triệu người của Singapore, cùng với kim ngạch thương mại song phương khoảng 17 tỷ USD, đã tạo động lực cho việc thúc đẩy quan hệ Ấn Độ-Singapore. Kể từ đầu những năm 1990, các công ty Singapore đã tích cực đầu tư vào Ấn Độ. Singapore đã nổi lên như nhà cung cấp FDI lớn thứ hai tại Ấn Độ với khoảng 35,9 tỷ USD (từ 4/2000-6/2015), chiếm 13,9% tổng FDI vào Ấn Độ. Trong khi đó, các khoản đầu tư của Ấn Độ tại Singapore là khoảng 37 tỷ USD. Ấn Độ và Singapore đã ký CECA vào tháng 6/2015. Thương mại và đầu tư song phương lớn, cùng sự hiện diện của một cộng đồng Ấn kiều có trình độ chuyên sâu về lĩnh vực phát triển đô thị và kỹ năng, đã khiến Singapore trở thành một đối tác có giá trị đối với Ấn Độ. Singapore ủng hộ Ấn Độ ứng cử vào ghế Thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) và trong tất cả các thể chế mà ASEAN đứng đầu.

Tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác quốc phòng, mở rộng thương mại và đầu tư, đẩy mạnh kết nối, phát triển thành phố thông minh, đào tạo kỹ năng là những lĩnh vực hợp tác tiềm năng giữa Ấn Độ và Singapore. Bên cạnh đó, cũng cần khai thác tiềm năng hợp tác trong các lĩnh vực an ninh mạng, văn hóa, đào tạo quản lý đô thị… Trong chuyến thăm Singapore, ông Modi sẽ có bài thuyết trình quan trọng về tầm nhìn của chính sách "Hành động phía Đông” trước các nhà hoạch định chính sách, học giả, nhà nghiên cứu và giới ngoại giao ở Singapore. Dự kiến, ông Modi cũng sẽ thảo luận với các lãnh đạo nước chủ nhà về một Hiệp định kinh tế Ấn Độ-Singapore.

Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đang chậm lại, Ấn Độ nổi lên là nền kinh tế phát triển nhanh nhất và có khả năng duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong nhiều năm tiếp theo. Sự thay đổi môi trường địa chính trị khu vực đã tạo ra nhiều cơ hội để Ấn Độ mở rộng quan hệ hợp tác với ASEAN. Ngược lại, Singapore, Malaysia và các nước ASEAN cũng đang tìm kiếm cơ hội để tăng cường liên kết kinh tế và thương mại với Ấn Độ. Chuyến thăm của ông Modi tới Malaysia và Singapore sẽ tạo động lực mới thúc đẩy quan hệ của Ấn Độ với các nước này cũng như với ASEAN, góp phần đáng kể vào sự tăng trưởng kinh tế và thịnh vượng của khu vực.

(Theo indiawrites.org; nghiencuubiendong.org)


[1] Cựu Đại sứ Ấn Độ tại Kazakhstan, Thụy Điển và Latvia

Nguồn:

Cùng chuyên mục