Dữ liệu cho phát triển: vai trò của G20 trong thúc đẩy chương trình nghị sự 2030
Ngày càng có nhiều ý kiến đồng ý rằng dữ liệu phát triển chất lượng cao là cần thiết cho việc hoạch định chính sách có ý nghĩa, phân bổ nguồn lực hiệu quả và cung cấp dịch vụ công hiệu quả.
Dữ liệu ngày càng trở nên quan trọng đối với chính sách và hành động có hiểu biết trong mọi lĩnh vực phát triển, bao gồm giáo dục, trao quyền cho phụ nữ, phát triển cơ sở hạ tầng, y tế công cộng và ứng phó với khí hậu. Các quyết định dựa trên dữ liệu có thể giúp đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs).
Vào ngày 13 tháng 12 năm 2022, Ban Thư ký G20 của Ấn Độ, phối hợp với Bộ Ngoại giao, Tổ chức Nghiên cứu Quan sát viên (ORF), Văn phòng Đặc phái viên của Tổng thư ký Liên hợp quốc về Công nghệ và Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển, đã tổ chức một sự kiện bên lề về “Dữ liệu cho Phát triển: Vai trò của G20 trong việc thúc đẩy Chương trình nghị sự 2030.” Sự kiện này đóng vai trò là sự kiện khởi động cho các cuộc thảo luận tiếp theo về dữ liệu để phát triển trong G20 trong nhiệm kỳ Ấn Độ làm chủ tịch.
Hơn 600 người từ nhiều lĩnh vực đã tham dự sự kiện này, bao gồm chính phủ, các tổ chức liên chính phủ, học viện, các tổ chứ xã hội và doanh nghiệp. Trong đó có hơn 300 sinh viên từ các trường đại học Ấn Độ như IIT Bombay, St. Xavier's College, Đại học quốc tế Symbiosis, và Jai Hind College, cùng nhiều trường khác.
G20, một nhóm bao gồm cả các quốc gia phát triển và đang phát triển, có lợi thế là cho phép chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, đổi mới và công nghệ giữa các quốc gia thành viên. Ấn Độ đã sử dụng dữ liệu để cải thiện quản trị và giải quyết vấn đề chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng, an ninh lương thực, sự tham gia của phụ nữ, giáo dục, thanh toán kỹ thuật số và tài chính kỹ thuật số trên toàn quốc.
Trong cuộc họp của các nhà lãnh đạo G20 tại Bali vào tháng trước, Thủ tướng Narendra Modi tuyên bố rằng “dữ liệu cho phát triển sẽ là trọng tâm chính” trong nhiệm kỳ chủ tịch G20 của Ấn Độ. Rajeev Chandrasekhar, Bộ trưởng Bộ Điện tử và Công nghệ thông tin của chính phủ Ấn Độ, Bộ trưởng Bộ Phát triển Kỹ năng và Doanh nhân của Ấn Độ, nhấn mạnh tầm quan trọng của các biện pháp can thiệp dựa trên dữ liệu đối với phúc lợi xã hội và tăng trưởng toàn diện. Do có sự cam kết mạnh và được quan tâm rộng rãi, sự kiện khởi động này là một phần trong nỗ lực lớn dưới thời Ấn Độ làm chủ tịch G20 nhằm công nhận vai trò trung tâm của dữ liệu trong nhiều lĩnh vực.
Amitabh Kant, G20 Sherpa của Ấn Độ, gợi ý rằng các chính phủ nên chia sẻ dữ liệu ở dạng chi tiết để cung cấp thông tin cho các quyết định chính sách tốt hơn và tạo điều kiện phân tích chính xác tác động của các chính sách. Việc chia sẻ dữ liệu như vậy đặc biệt quan trọng trong bối cảnh hợp tác quốc tế, vì nó sẽ cho phép các chính phủ đánh giá tác động của các chính sách đối với các quốc gia và khu vực một cách chính xác hơn và điều chỉnh cách tiếp cận của họ cho phù hợp. Nữ hoàng Máxima của Hà Lan và Rajeev Chandrasekhar đã nhắc lại vai trò quan trọng của dữ liệu trong phát triển xã hội vì dữ liệu giúp cung cấp thông tin về chính sách và quá trình ra quyết định, đồng thời có thể được sử dụng để đánh giá hiệu quả của các phương pháp tiếp cận nhằm giải quyết các thách thức xã hội. Bằng cách thu thập và phân tích dữ liệu, chính phủ, tổ chức phi chính phủ và các tổ chức khác có thể hiểu rõ hơn nguyên nhân gốc rễ của các vấn đề xã hội, xác định các giải pháp tiềm năng và theo dõi tiến trình theo thời gian.
Chính quyền Ấn Độ (UIDAI) nhấn mạnh tác động của các công nghệ mới như India Stack, một tập hợp các công nghệ kỹ thuật số và cơ sở hạ tầng được phát triển ở Ấn Độ, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc cung cấp các dịch vụ tài chính và chính phủ cho người dân. Nó bao gồm nhiều dịch vụ và công cụ, chẳng hạn như hệ thống nhận dạng duy nhất (Aadhaar), hệ thống khóa kỹ thuật số để lưu trữ và chia sẻ tài liệu cá nhân cũng như nền tảng thanh toán điện tử (UPI).
Sự kiện này có hai phiên họp toàn thể tập trung vào chủ đề “Làm trẻ hóa các hệ thống kế thừa: Từ dữ liệu đến trí tuệ giá trị công” và “Mô hình cho tương lai: Tận dụng IoT, Dữ liệu lớn và AI cho SDGs”. Các phiên họp toàn thể đã nêu bật một số nguyên tắc cốt lõi bao gồm:
1. Cung cấp khối lượng dữ liệu lớn hơn một cách công khai và dễ tiếp cận đối với các nhà nghiên cứu, công ty khởi nghiệp và nhà cung cấp giải pháp để hỗ trợ hoạch định chính sách hiệu quả hơn.
2. Hợp tác để tìm hiểu thông tin từ dữ liệu.
3. Cung cấp dữ liệu chất lượng cao, đơn giản và dễ hiểu theo thời gian thực thay vì dạng tổng hợp.
4. Tiếp tục đầu tư vào các công nghệ mới nổi và các công cụ chuyên dụng có thể phân tích các bộ dữ liệu theo những cách sáng tạo và mới lạ.
5. Khuyến khích tinh thần cạnh tranh mang tính xây dựng giữa các bên liên quan trong việc tạo dữ liệu và sử dụng hệ sinh thái để nâng cao kết quả liên quan đến dữ liệu cho phát triển.
6. Suy nghĩ lớn, mở rộng dữ liệu cho các sáng kiến phát triển và chuyển từ các thí điểm sang các giải pháp quy mô dân số.
7. Nuôi dưỡng văn hóa thử nghiệm và đổi mới công nghệ.
Những người thảo luận nhấn mạnh sự cần thiết của việc hoạch định các khuôn khổ để tạo ra các kho lưu trữ mở để chia sẻ các bộ dữ liệu quốc gia, làm hài hòa các tiêu chuẩn dữ liệu, và nâng cao tính di động của dữ liệu cũng như khả năng tương tác của các hệ thống. Họ cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường các cơ chế chia sẻ dữ liệu xuyên quốc gia và cách G20 phù hợp để thiết lập các khuôn khổ cho mục đích này. Cuối cùng, các quy định về dữ liệu nên nhằm mục đích phục vụ lợi ích lớn nhất cho tối đa người dân và khuyến khích sự tương hỗ để các quốc gia chia sẻ và hưởng lợi từ dữ liệu.
Phiên thảo luận đầu tiên tập trung vào vai trò của chính phủ và các tổ chức quốc tế trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển dữ liệu. Ấn Độ đã tham gia một cách nhất quán và mạnh mẽ vào việc tham vấn các bên liên quan trong việc thiết kế và triển khai các hệ thống công nghệ, bao gồm Aadhaar, UPI, tài chính toàn diện và tiêm chủng COVID-19. G20 có thể tạo điều kiện hợp tác giữa các nước phát triển và đang phát triển để đảm bảo rằng không ai bị bỏ lại phía sau trong cuộc cách mạng kỹ thuật số. Hợp tác là chìa khóa cho nỗ lực này. Các chính phủ phải tham khảo ý kiến của khu vực tư nhân và thế hệ thanh niên để tạo điều kiện thuận lợi cho sự hợp tác đó.
G20 nên đi tới thống nhất về việc hiểu thế nào là dữ liệu nhạy cảm và không nhạy cảm. Các quốc gia G20 sẽ được hưởng lợi rất nhiều nếu trong nhiệm kỳ Ấn Độ làm chủ tịch có thển khởi xướng tiến trình phân loại dữ liệu. Sử dụng dữ liệu để phát triển sẽ giúp lập bản đồ các nhóm dễ bị tổn thương và cũng theo dõi tiến trình của họ theo thời gian.
Phiên thảo luận thứ hai nhấn mạnh vai trò của các tổ chức xã hội, giới học thuật, các tổ chức từ thiện, khu vực tư nhân và doanh nhân trong việc xúc tác dữ liệu cho sự phát triển. Con người, quy trình và tài chính là cần thiết để sử dụng dữ liệu một cách hiệu quả, làm chìa khóa cho cơ sở hạ tầng công kỹ thuật số. Tuy nhiên, những điều này cần có thời gian và các quốc gia phải đối mặt với những thách thức đặc biệt về vấn đề này vì số liệu thường ưu tiên sử dụng cho mục đích bầu cử. Ở đây, các tổ chức từ thiện có thể đóng vai trò trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng công cộng kỹ thuật số. Dữ liệu rất phong phú, nhưng điều cần thiết là làm cho nó có thể khai thác được. Các tổ chức từ thiện có thể thu thập và số hóa siêu dữ liệu, dữ liệu vĩ mô và dữ liệu vi mô ở cấp cơ sở, đặc biệt là dữ liệu vi mô. Sáng kiến “dữ liệu tốt” có thể giúp các cộng đồng và cơ quan chính phủ hiểu chính sách nào đang hoạt động có hiệu quả và chính sách nào không, cung cấp ví dụ về trao quyền dữ liệu trong thực tế.
Dữ liệu và bản đồ được tổ chức tốt có thể hỗ trợ hoạch định chính sách và giúp đưa ra quyết định sáng suốt về các vấn đề cấp bách như biến đổi khí hậu. Thách thức là thể chế hóa cách tiếp cận này, làm cho khoa học dữ liệu trở nên liên ngành. Chất lượng dữ liệu rất quan trọng và có thể là công cụ mạnh mẽ để trao quyền cho cộng đồng. G20 có thể xem xét thành lập liên minh hoặc quan hệ đối tác với các quốc gia sử dụng máy bay không người lái cho mục đích dân sự và học hỏi lẫn nhau. Điều quan trọng là dữ liệu phục vụ mọi cộng đồng và không loại trừ bất kỳ cộng đồng nào.
Sự kiện kết thúc với phần phát biểu bế mạc của Đại sứ Amandeep Gill. Ông nhấn mạnh thêm rằng, dữ liệu có thể trở thành một công cụ mạnh mẽ để vận động chính sách và thay đổi xã hội, vì nó có thể minh họa mức độ và tác động của các vấn đề xã hội, đồng thời nâng cao nhận thức về nhu cầu hành động. Bằng cách làm nổi bật thực tế của các vấn đề xã hội thông qua dữ liệu, các tổ chức và cá nhân có thể làm việc để huy động hỗ trợ cho sự thay đổi và ủng hộ các chính sách và chương trình giải quyết các vấn đề này.
Tác giả: Sauradeep Bag, Cộng tác viên, ORF
Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục