Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Dữ liệu ngoại giao thủy văn giữa Trung Quốc và Ấn Độ

Dữ liệu ngoại giao thủy văn giữa Trung Quốc và Ấn Độ

Sau khi cuốn sách “Nước: Chiến trường mới của Châu Á” của tác giả Brahma Chellaney được xuất bản vào năm 2011, các bài báo trên phương tiện truyền thông và diễn ngôn công khai đã tràn lan những lo ngại về tác động có hại của việc Trung Quốc có thể nắn dòng hệ thống sông Yarlung Tsangpo-Brahmaputra.

10:46 25-02-2025 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Quan điểm tuyên truyền rằng, Trung Quốc có thể gây khô hạn cho khu vực Đông Bắc Ấn Độ thông qua việc xây dựng đập và chuyển hướng dòng nước, đồng thời giữ lại trầm tích quan trọng cho sự hình thành đồng bằng ngập nước ở hạ lưu được đề cập là Giả thuyết Brahma. Khi Trung Quốc có quyền bá chủ thủy văn thượng nguồn, trên các diễn đàn chính trị nguồn nước, hệ thống sông Brahmaputra vẫn bị bao phủ bởi một khoảng trống quan trọng - thiếu dữ liệu cứng. Diễn ngôn thiếu dữ liệu như vậy do đó đã dẫn đến những lời đồn vô căn cứ, biến suy đoán thành diễn ngôn phổ biến, qua đó làm trầm trọng thêm bối cảnh thủy chính trị vốn đã mong manh của lưu vực.

Gần đây, chính phủ Trung Quốc đã phê duyệt việc xây dựng một đập lớn tại vùng Great Bend (khúc uốn cong lớn) của sông Yarlung Tsangpo ở Tây Tạng. Đây là nhánh dài nhất của sông Brahmaputra ở Ấn Độ. Nhiều người coi Yarlung-Tsangpo là nhánh chính của hệ thống Brahmaputra.

Dự án thủy điện này được hình dung là sẽ sử dụng một trong những bất động sản sinh lợi nhiều nhất thế giới cho mục đích phát triển thủy điện. Nơi đây có độ dốc lớn 2.000 mét trong đoạn sông dài 50 km chảy về phía tiểu bang Arunachal Pradesh cực phía đông của Ấn Độ, nơi nó được gọi là Siang. Siang là một trong ba thượng nguồn chính của sông Brahmaputra ở Ấn Độ. Đập thủy điện trở thành mối lo ngại đáng kể. Những lo ngại này càng được thúc đẩy bởi những lời lẽ vô căn cứ cho rằng, con đập có thể làm thay đổi lưu lượng và dòng chảy của Brahmaputra, giữ lại phù sa giàu chất dinh dưỡng và gây ra những tác động sâu rộng ở hạ lưu tại Ấn Độ và Bangladesh.

Trong khi còn khan hiếm dữ liệu thủy văn xuyên biên giới về các con sông ở dãy Himalaya và căng thẳng địa chính trị chi phối diễn ngôn công khai, những lời lẽ như vậy làm trầm trọng thêm căng thẳng và làm sai lệch các ưu tiên xuyên biên giới. Bài viết này nhằm mục đích tách biệt những nội dung vô căn cứ với những dữ liệu thực tế và tập trung lại các cuộc thảo luận vào các sự kiện khoa học và các ưu tiên cho hành động trong tương lai.

Tách địa chính trị khỏi thủy chính trị

Việc coi siêu đập của Trung Quốc tại Great Bend là “vũ khí địa chính trị” trong bối cảnh căng thẳng biên giới với Ấn Độ là sai lầm. Dự án này là điều tất yếu và chắc chắn không liên quan đến chương trình nghị sự địa chính trị. Vùng “Great Bend” đã được quy hoạch để phát triển thủy điện từ năm 2003. Mặc dù có tiềm năng to lớn, nhưng mới chỉ khai thác 0,3% tiềm năng phát triển thủy điện của lưu vực Yarlung Zangbo (theo con số ước tính từ một bài báo năm 2017). Bây giờ, hãy so sánh với việc khai thác 24,6% tiềm năng của sông Dương Tử, 34,2% của sông Hoàng Hà và 58% của sông Châu Giang, và có vẻ như rõ ràng là cuối cùng sẽ có ánh mắt để ý tới đoạn sông Yarlung Zangbo này ở huyện Medog ở Tây Tạng. Huyện này chỉ mới được kết nối bằng đường cao tốc vào năm 2013. Vị trí xa xôi của vùng này, cũng như những thách thức kỹ thuật trong việc khai thác độ dốc thủy lực đáng kinh ngạc của con sông đã làm chậm trễ dự án. Hiện tại, Trung Quốc hướng tới mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2060, thủy điện đã trở nên thiết yếu — không chỉ là nguồn năng lượng tái tạo mà còn là nguồn ổn định lưới điện, cân bằng các nguồn năng lượng không liên tục như gió và mặt trời. Gió và mặt trời tạo ra điện không liên tục, nhưng thủy điện có thể nhanh chóng điều chỉnh sản lượng để cân bằng cung và cầu, lấp đầy khoảng trống khi tổng sản lượng năng lượng tái tạo thấp hoặc giảm sản lượng trong thời gian thặng dư trong sản xuất năng lượng. Khả năng này đảm bảo lưới điện ổn định và đáng tin cậy, một yêu cầu quan trọng trong quá trình chuyển đổi sang tương lai năng lượng sạch.

Diễn ngôn so với thực tế

Có thể giải thích Giả thuyết Brahma khi nhìn bản đồ và sự phân bố địa lý của chiều dài con sông. Trải dài 2.880 km từ đầu nguồn của nó ở Sông băng Angsi ở Tây Tạng đến nơi hạ lưu ở Vịnh Bengal, hệ thống sông này chảy qua cao nguyên Tây Tạng với tên gọi Yarlung Tsangpo dài 1.625 km. Khi đi vào Ấn Độ, nó chảy trong 918 km — đầu tiên là Siang, sau đó là Dihang, trước khi trở thành sông Brahmaputra hùng vĩ. Ở Bangladesh, hành trình cuối cùng dài 337 km của con sông, nó có tên là Jamuna, hợp nhất với sông Hằng gần Goalando, trước khi hoàn thành quá trình đổ ra biển. Do đó, khi nhìn vào bản đồ Brahmaputra theo cách thông thường, cùng với thực tế là 56% chiều dài của nó nằm ở Tây Tạng với tên gọi Yarlung Tsangpo, tạo ra ấn tượng rằng độ dài ở ranh giới Tây Tạng của con sông đóng góp đáng kể vào lưu lượng tổng thể của nó — cho thấy rằng Trung Quốc có thể “khóa van nước”. Tuy nhiên, một số nghiên cứu gần đây cho thấy số liệu mới bổ sung vào bức tranh toàn cảnh về hệ thống sông.

Lưu lượng xả của sông Yarlung Tsangpo, được đo tại Nuxia ở Tây Tạng, là 31,2 tỷ mét khối (BCM) hàng năm, tăng lên ước tính 135,9 BCM khi chảy qua Great Bend và thoát khỏi Trung Quốc. Đoạn sông giàu mưa này là nơi Trung Quốc có kế hoạch khai thác thủy điện. Tuy nhiên, khi so sánh với lưu lượng xả hàng năm khoảng 526 BCM tại Pandu ở Guwahati, Ấn Độ và 606 BCM tại Bahadurabad ở Bangladesh, dữ liệu bắt đầu trở nên rõ ràng. Sự gia tăng đột biến này không phải do băng tan mà do sức mạnh tuyệt đối của gió mùa ở phía nam của đỉnh núi Himalaya, kéo dài chủ yếu đến Quận Medog qua hành lang độ ẩm dọc theo Hẻm núi lớn Yarlung Tsangpo. Trong khi lượng mưa trung bình (1978-2008) ở thượng nguồn Nuxia là 416 mm hàng năm, một số vùng của Arunachal Pradesh và Assam có thể có lượng mưa trên 4.500 mm. Lượng mưa này cung cấp nước cho các nhánh sông lớn như Dibang, Lohit và Subansiri và cung cấp nước cho nhiều con suối rải rác khắp vùng đất này.

Những lo ngại về việc Trung Quốc giữ lại phù sa sau các con đập cũng bị thổi phồng không kém. Đo tại Nuxia, sông Brahmaputra mang theo 30 triệu tấn phù sa hàng năm, nhưng khi nó chảy đến Bahadurabad ở Bangladesh, lượng phù sa hàng năm này tăng lên 735 triệu tấn - phần lớn bắt nguồn từ lưu vực trong Ấn Độ. Ngay cả khi Trung Quốc xây dựng nhiều đập thượng nguồn, tác động của chúng đối với phù sa cũng sẽ rất nhỏ. Một lần nữa, lượng mưa gió mùa lại thúc đẩy chế độ phù sa của Brahmaputra. Vì vậy, nói một cách đơn giản, Trung Quốc không thể “khóa van nước” hay “giữ lại phù sa”. Hơn nữa, một bài viết gần đây của Wang Lei (Vương Lôi), Đại biện lâm thời của Đại sứ quán Trung Quốc tại Ấn Độ, xác nhận rằng, nước sẽ không được sử dụng cho mục đích tiêu dùng, do đó chỉ ra rằng sẽ không có bất kỳ sự chuyển giao nào giữa các lưu vực.

Phác thảo các trọng tâm ưu tiên

Rủi ro chính mà dự án này gây ra không phải là việc chuyển hướng dòng nước mà là vỡ đập, đặc biệt là khi đối mặt với các sự kiện khí hậu và địa chấn cực đoan. Syntaxis phía đông dãy Himalaya là một trong những khu vực có hoạt động địa chấn mạnh nhất trên thế giới, khiến các dự án cơ sở hạ tầng có quy mô này vốn dễ bị tổn thương. Ấn Độ đã trải qu nhiều sự vụ bi thảm sau những thảm họa gần đây như thảm họa Chamoli năm 2021 và vụ vỡ đập Chungthang năm 2023. Do biến đổi khí hậu thúc đẩy các đợt tan chảy chưa từng có của sông băng, tuyết lở và lũ lụt bùng phát hồ băng (GLOF), khả năng xảy ra các mối nguy hiểm liên hoàn tăng lên. Một lời nhắc nhở rõ ràng về những rủi ro này xuất hiện vào tháng 3 năm 2021, khi một vụ sụp sông băng lớn ở lưu vực sông Sedongpu đã gây ra một trận lũ lụt đầy mảnh băng vỡ ở Grand Canyon của Yarlung Tsangpo, làm mực nước dâng cao 10 mét. Những sự kiện cực đoan như vậy có khả năng làm mất ổn định các đập lớn, dẫn đến lũ lụt thảm khốc ở hạ lưu.

Do đó, mối quan ngại của Ấn Độ về đập của Trung Quốc tại Great Bend nên tập trung vào vấn đề an toàn đập và chia sẻ dữ liệu thay vì lời lẽ gây hoang mang về kiểm soát nước. Việc thu hút Trung Quốc thông qua cả Cơ chế cấp chuyên gia (ELM) và ngoại giao cấp cao là điều cần thiết để đảm bảo tính minh bạch và quá trình chuẩn bị chu đáo. Việc ưu tiên trước mắt là gia hạn và cải thiện Biên bản ghi nhớ (MoU) về chia sẻ dữ liệu thủy văn, đặc biệt là dữ liệu thời gian thực từ đoạn Yarlung Tsangpo giữa Nuxia, ở Tây Tạng và Tuting, ở Arunachal Pradesh. Dữ liệu về đoạn sông này hiện là điểm mù đối với Ấn Độ, nơi đây có lượng mưa lớn cũng như các sự kiện mưa cực đoan. Ngoài ra, Trung Quốc phải chia sẻ thiết kế đập, kế hoạch dự phòng và các giao thức khẩn cấp, và Trung Quốc cần thừa nhận rằng Ấn Độ là bên sẽ phải chịu rủi ro lớn trong trường hợp xảy ra sự cố.

Ngoài những lo ngại trước mắt như vậy, Ấn Độ nên sử dụng coi đây là cơ hội để thúc đẩy việc ký thỏa thuận khung toàn diện với Trung Quốc về sông Brahmaputra. Thỏa thuận nên bao gồm các điều khoản về chia sẻ nước, giám sát chung, giải quyết tranh chấp và ra quyết định hợp tác. Chuyển từ phản ứng bị động sang sự tham gia chủ động sẽ là chìa khóa cho sự ổn định lâu dài của khu vực. Ngoại giao thủy văn hợp lý chỉ có thể được kích hoạt nếu dữ liệu cứng được đưa vào diễn ngôn rộng hơn ở các cấp thảo luận cao nhất.

Chú thích ảnh: đập Yarlung hạ lưu dựa trên bản đồ hiện có của Thủy văn Trung Quốc (Hydrochina). Bản đồ do Sayanangshu Modak (ORF Kolkata) và Nilanjan Ghosh tạo ra.

Tác giả: Sayanangshu Modak, Nghiên cứu viên của ORF tại Kolkata. Ông chuyên phân tích chủ đề quản lý nước xuyên biên giới, ngoại giao thủy văn và quản lý rủi ro lũ lụt.

Source:

ORF

Viết bình luận

Bình luận

Cùng chuyên mục