Gautam Adani và Chủ nghĩa tư bản Ấn Độ mới
Gautam Adani là một doanh nhân, có nguồn gốc từ bang Gujarat, Ấn Độ, nhưng ông lại giống với các ông trùm Đông Nam Á trong quá khứ, những người đã tạo dựng sự độc quyền thông qua sự bảo trợ chính trị.
Mọi việc đã từng rất hanh thông đối với ông Gautam Adani. Năm 2022, ông trở thành người giàu thứ hai thế giới. Đầu năm nay, tờ India Today vinh danh ông là người đàn ông của năm với một bộ hồ sơ bóng bẩy, đi kèm là danh hiệu “vua tăng trưởng”. Hồi tháng 1 năm nay, Tập đoàn Adani dự kiến sẽ thực hiện đợt chào bán cổ phiếu tiếp theo với hy vọng thu được 2,4 tỷ USD. Doanh nhân Adani và tập đoàn của ông dường như "san bằng tất cả".
Hiện tại ông Adani vẫn là nhân vật của năm, nhưng là vì một lý do khác. Một tuần trước đợt chào bán tiếp theo, công ty đầu tư Hindenburg Research, có trụ sở tại New York, đã công bố một báo cáo cáo buộc rằng, Tập đoàn Adani đã thổi phồng giá cổ phiếu và định giá thị trường bằng cách “đi đường vòng” (round trip), tức dựng lên các công ty ma được cho là có liên kết với Adani, và đăng ký thuế tại các thiên đường né thuế để đầu tư vào cổ phiếu của mình. Báo cáo cho biết, ông Adani đang thực hiện “vụ lừa đảo lớn nhất trong lịch sử kinh doanh”.
Tỷ phú Adani phủ nhận mọi cáo buộc và thuê một công ty luật hàng đầu ở New York để đại diện cho tập đoàn chống lại các cáo buộc tiềm năng ở Mỹ. Nhưng ngay cả như vậy, trên các thị trường đại chúng, tập đoàn vẫn đang "rơi". Sau báo cáo của Hindenburg, công ty xếp hạng tín dụng Moody’s Investors Service đã dự đoán triển vọng tiêu cực đối với 4 cổ phiếu của Tập đoàn Adani. Morgan Stanley Capital International cũng cắt giảm tỷ trọng đối với cổ phiếu của tập đoàn, theo đó làm tăng áp lực giảm giá cổ phiếu. Chỉ số S&P Dow Jones đã loại bỏ các cổ phiếu Adani khỏi nhóm cổ phiếu bền vững, quỹ tài sản quốc gia của Na Uy đã bán cổ phần của mình trong tập đoàn, trong khi Credit Suisse và Citigroup cho biết, họ sẽ không còn chấp nhận chứng khoán của Adani làm tài sản thế chấp.
Dù phản ứng của thị trường đang đánh chiếm trên trang nhất của các tờ báo, nhưng phản ứng chính trị cũng không kém phần thu hút. Một nhân vật cấp cao của Tập đoàn Adani đã mô tả báo cáo của Hindenburg là một cuộc tấn công vào chính đất nước Ấn Độ. Trong khi đó, Đảng Quốc Đại đối lập đã yêu cầu câu trả lời từ Thủ tướng Narendra Modi; Lãnh đạo đảng này là ông Rahul Gandhi cũng có nhận xét về mối quan hệ giữa Modi với Adani, nhưng những nhận xét này sau đó đã bị xóa khỏi hồ sơ chính thức.
Mối quan hệ giữa Adani và Modi rất bền chặt và sâu sắc. Khu vực tư nhân của nền kinh tế Ấn Độ vốn phát triển mạnh mẽ, nhưng sự phát triển của Tập đoàn Adani là đặc biệt ngoạn mục, trùng hợp với thời điểm Modi lên nắm quyền. Khác với các tập đoàn của Nhật Bản hay Hàn Quốc, vốn là những nhóm độc quyền (oligopoly) thường cạnh tranh với nhau, sự thăng tiến của Adani giống với sự lớn mạnh của các ông trùm tư bản ở Đông Nam Á, những người hưởng lợi từ thế độc quyền mà họ tự tạo ra với sự hỗ trợ của các nhà lãnh đạo chính trị mạnh, chẳng hạn như cựu Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos, cựu Tổng thống Indonesia Suharto, hay cựu Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad, tất cả đều nắm quyền từ cuối những năm 1970 đến giữa những năm 1990.
Tập đoàn Adani đã phát triển vượt bậc trong thời gian Modi cầm quyền. Bản thân ông Adani đã tích cực ủng hộ chính trị gia này từ năm 2002, khi các cuộc bạo loạn chết người ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh ở bang Gujarat, nơi Modi giữ chức thủ hiến từ năm 2001 đến 2014. Bang này được biết đến nhờ phát triển kinh tế, nhưng sau khi xảy ra bạo lực cộng đồng, giới đầu tư bắt đầu quay lưng. Adani đã cứu Modi bằng cách tập hợp các lãnh đạo doanh nghiệp Gujarati lại và cùng đầu tư giúp phục hồi nền kinh tế bang. Modi không quên những kẻ dám chỉ trích mình, nhưng ông cũng nhớ rõ những ai đã sát cánh bên mình.
Trong thời kỳ Modi làm thủ hiến Gujarat, Adani đã đầu tư vào một số dự án hấp dẫn ở bang này, bao gồm cảng tư nhân lớn nhất Ấn Độ ở Mundra. Tính đến đầu năm 2019, Adani đã kiểm soát 1/4 công suất các cảng của Ấn Độ và giành được quyền quản lý sáu sân bay thuộc sở hữu của chính phủ. Bên cạnh đó, ông còn tiếp quản 74% cổ phần của Sân bay quốc tế Chhatrapati Shivaji Maharaj, sân bay đông khách thứ hai của Ấn Độ. Năm 2021, Tập đoàn Adani công bố một dự án năng lượng xanh đầy tham vọng. Dù những người ủng hộ Modi thường coi Adani là người đã tạo ra “mô hình Gujarat” – với doanh nghiệp tư nhân đóng vai trò chủ đạo trong phát triển kinh tế – tăng trưởng kinh tế của bang này thực ra đến từ khu vực tư nhân vốn đã phát triển suốt hàng thế kỷ qua.
Sự nhạy bén trong kinh doanh đã bén rễ trong văn hóa Gujarat. Bang này có đường bờ biển lớn nhất Ấn Độ và các thương nhân Gujarat từ lâu đã giong thuyền ra khơi, đi giao thương khắp Ấn Độ Dương và xa hơn nữa. Các đại thương nhân Gujarat điển hình không muốn khiến chính phủ bất an, nhưng họ cũng không muốn nhà nước can thiệp vào công việc kinh doanh. Hình ảnh các thương gia khôn ngoan, người biết hướng dẫn nhà nước, đã được thể hiện qua nhóm Mahajan (đại thương nhân), những người từng là chủ nợ, thương nhân, và chủ ngân hàng. Khi tám doanh nhân nổi tiếng, trong đó có năm người từ Gujarat, cùng nhau viết Kế hoạch Bombay cho nền kinh tế Ấn Độ vào năm 1944, họ coi đó là một nhiệm vụ nhằm bảo vệ lợi ích của mình, bằng cách bảo vệ doanh nghiệp khỏi cạnh tranh nước ngoài và để nhà nước xây dựng cơ sở hạ tầng.
Chủ nghĩa tư bản Ấn Độ ngày nay khác với chủ nghĩa tư bản Ấn Độ trong quá khứ. Trong những thập niên sau khi giành được độc lập, thời điểm Ấn Độ tự do hóa nền kinh tế và các công ty cần sự cho phép của chính phủ để huy động vốn hoặc mở rộng kinh doanh, các doanh nghiệp Ấn Độ đã cạnh tranh với nhau trong lúc học cách làm việc thành thạo với bộ máy hành chính vô cùng phức tạp. Khi ấy, có những giới hạn nghiêm ngặt đặt ra cho các doanh nghiệp tư nhân: chẳng hạn như về việc họ có thể sa thải nhân viên hay không, hoặc họ có thể đầu tư vào những lĩnh vực nào. Tuy nhiên, vào năm 1991, Thủ tướng Ấn Độ khi đó là Narasimha Rao và Bộ trưởng Tài chính Manmohan Singh đã tiến hành các cải cách kinh tế cho phép các doanh nghiệp Ấn Độ phát huy sức mạnh của mình.
Nếu mô hình Gujarat cũ giúp cho các doanh nghiệp thành công bằng cách giữ họ tránh xa “xúc tu” của chính phủ, thì phiên bản mới mà Modi và Adani áp dụng đã xóa mờ ranh giới giữa khu vực nhà nước và khu vực tư nhân. Theo một báo cáo, Tập đoàn Adani đã trả từ 1 đến 32 rupee cho mỗi mét vuông đất để phát triển Cảng Mundra và đặc khu kinh tế, thấp hơn rất nhiều so với khoản tiền các công ty khác trả cho các giao dịch tương tự. Bốn năm sau khi Modi trở thành thủ tướng vào năm 2014, Ấn Độ đã thay đổi các quy tắc để cho phép các công ty không có kinh nghiệm tham gia đấu thầu các dự án sân bay và Adani đã giành được sáu hợp đồng. Khi Ấn Độ công bố kế hoạch thực hiện cải cách nông nghiệp theo định hướng thị trường – mà sau đó đã bị bãi bỏ – Adani đã đầu tư vào các kho chứa ngũ cốc.
Mô hình này nghe có vẻ giống như chủ nghĩa tư bản thân hữu ở Đông Á, khi một chính trị gia dành sự ưu ái cho các nhà tài phiệt để hỗ trợ công ty của họ – như sogo shosha của Nhật Bản hay chaebol của Hàn Quốc. Nhưng có một khác biệt quan trọng. Sogo shosha của Nhật Bản là các tập đoàn thương mại cùng hợp tác với nhau để tận dụng lợi thế nhờ quy mô. Còn chaebol của Hàn Quốc là các tập đoàn đã góp phần xây dựng quốc gia thời hậu chiến, cơ bản là những công ty đầu tư mạo hiểm ở một đất nước đang thiếu vốn. Trong cả hai trường hợp, các tập đoàn được hưởng lợi từ sự bảo vệ và bảo trợ của nhà nước, nhưng họ vẫn cạnh tranh với nhau trong nhiều lĩnh vực. Trong khi sự trỗi dậy của Tập đoàn Adani lại tạo ra tình trạng gần như độc quyền trong một số ngành nhất định.
Tập đoàn Adani dường như đang đi theo con đường chủ nghĩa tư bản rất phổ biến dưới thời Marcos, Suharto, và Mahathir. Trong những trường hợp này, nhà lãnh đạo cầm quyền có quan hệ cực kỳ chặt chẽ với một số doanh nghiệp. Marcos có liên hệ với vua chuối Antonio Floirendo và vua dừa Eduardo “Danding” Cojuangco. Suharto có Liem Sioe Liong, Mohamad “Bob” Hasan, và nhiều ông trùm khác, những người đã thiết lập quan hệ kinh doanh với các con của ông, biến sự hợp tác giữa họ thành đôi bên cùng có lợi. Còn Mahathir có Tajudin Ramli. Những doanh nhân này đã làm ăn rất phát đạt và quay lại ủng hộ “triều đại” chính trị của những người bảo trợ họ. Nhờ gần gũi với các chính phủ cầm quyền thời bấy giờ, những ông trùm tư bản Đông Nam Á này thường nhận được các hợp đồng tạo ra sự độc quyền thông qua bảo trợ.
Không có quan hệ kinh doanh trực tiếp nào được xác nhận giữa Modi và Adani, và (tất nhiên) Tập đoàn Adani cũng có hoạt động tại các bang dưới quyền kiểm soát của phe đối lập. Nhưng họ rất thân thiết với nhau. Năm 2014, khi Modi rời Gujarat đến New Delhi để tuyên thệ nhậm chức thủ tướng, ông đã bay trên chuyên cơ riêng của Adani. Adani đã đi cùng thủ tướng trong một vài chuyến công du nước ngoài. Khi con trai của Adani kết hôn ở Goa vào năm 2013, Modi được cho là đã tham dự ngày lễ. Trong khi đó, phe đối lập chính trị cáo buộc rằng, chính phủ Ấn Độ đã gây áp lực lên các nước láng giềng, gồm Sri Lanka và Bangladesh, buộc họ đưa ra các thỏa thuận năng lượng có lợi cho Tập đoàn Adani. (Tập đoàn từ chối đàm phán lại thỏa thuận mua bán điện với Bangladesh).
Lời biện hộ của Adani trước những cáo buộc của Hindenburg là ông không làm gì sai theo luật pháp Ấn Độ – dù suốt một thập niên qua, các kiểm toán viên của chính phủ Ấn Độ liên tục đưa ra những bình luận bất lợi đối với Tập đoàn Adani. Bản thân Modi gần như hoàn toàn im lặng trước các cáo buộc chống lại Tập đoàn Adani và các bộ trưởng dưới quyền chỉ nói rằng, các cơ quan quản lý đang xem xét vấn đề. Ngoài một vài trường hợp ngoại lệ, truyền thông Ấn Độ đã không lên tiếng về hành vi của Adani, một phần còn vì các công ty của ông đã kiện những người chỉ trích họ. Tuy nhiên, kể từ khi báo cáo của Hindenburg được công bố, các cơ quan quản lý thị trường Ấn Độ đã bắt đầu điều tra các công ty nước ngoài được cho là có liên quan đến Adani.
Trong khi tìm cách tái thiết Ấn Độ, Modi cũng đang tìm cách tái tạo chủ nghĩa tư bản Ấn Độ. Một kết quả rõ ràng trong những năm cầm quyền của ông là sự thay đổi của các chủ doanh nghiệp: Thay vì là những con người đáng tin cậy, những người có thể giúp hướng dẫn công việc quản lý của nhà nước, các doanh nhân đã trở thành đồng minh đáng sợ, thường vui vẻ thực hiện mọi yêu cầu của các chính trị gia, và giành được các hợp đồng béo bở nhờ vun đắp quan hệ với những người phù hợp. Thay đổi này sẽ dẫn đến một xã hội tài phiệt (plutocratic), khác xa với kiểu chủ nghĩa tư bản công ích mà bậc tiền nhân lập quốc Mahatma Gandhi ủng hộ. Ấn Độ giờ đây đang xa rời những lý tưởng đó hơn bao giờ hết.
Nguồn:
CIS- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục
Tư liệu Nghiên cứu Ấn Độ 04:00 12-12-2024
G20 và Cơ hội Mở Rộng Quan Hệ Ấn Độ - Mỹ Latinh
Tư liệu Nghiên cứu Ấn Độ 03:00 12-12-2024