Hành động cân bằng của Ấn Độ giữa Nga và Mỹ trong bối cảnh căng thẳng gia tăng
Việc Ấn Độ bỏ phiếu trắng gần đây tại UNSC cho thấy nước này sẽ tiếp tục duy trì quan hệ thuận lợi với cả hai nước trong khi ưu tiên lợi ích của mình
Ấn Độ đã bỏ phiếu trắng trong cuộc bỏ phiếu thủ tục tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (UNSC) trước cuộc họp thảo luận về tình hình căng thẳng hiện nay xung quanh Ukraine do quân đội Nga tăng cường tập kết ở biên giới nước láng giềng phía Tây. Nga và Trung Quốc đã bỏ phiếu chống, trong khi Ấn Độ, Gabon, Kenya bỏ phiếu trắng, Nga ca ngợi hành động này vì không khuất phục trước “việc Mỹ vung tay trước cuộc bỏ phiếu”.
Cuộc bỏ phiếu này đã lại gây nên phỏng đoán về khả năng của Ấn Độ trong việc cân bằng mối quan hệ đối tác chiến lược và đáng tin cậy về mặt lịch sử với Nga trong khi thúc đẩy mối quan hệ ngày càng phát triển với Mỹ. Lá phiếu của Ấn Độ tuy đi ngược lại rạn vẽ xuất hiện gần đây về quan hệ Ấn-Nga, nhưng phần lớn được hiểu là một động thái thân Nga.
Tuy nhiên, Ấn Độ đã cố gắng cân bằng cuộc bỏ phiếu bằng một tuyên bố khác thường phá vỡ sự im lặng của họ về căng thẳng ở châu Âu bằng cách kêu gọi một giải pháp hòa bình, lưu ý đến lợi ích của tất cả các bên liên quan. Phản ứng chính thức của Mỹ sau khi Ấn Độ bỏ phiếu trắng, nói rằng mối quan hệ của Mỹ với Ấn Độ không bị ảnh hưởng bởi những căng thẳng đang diễn ra với Nga, điều này dường như cho thấy Ấn Độ cho đến nay đang điều hướng thành công giữa hai cường quốc.
Trong khi đó, một số tương tác ngoại giao giữa Mỹ và Nga trong vài tuần qua về căng thẳng xung quanh Ukraine đã rơi vào bế tắc rõ ràng, Washington đã từ chối các yêu cầu an ninh của Nga. Phương Tây do Mỹ đứng đầu cũng đã đưa ra thông tin rằng Nga đang lên kế hoạch ngụy tạo một cái cớ để xâm lược Ukraine, chẳng hạn như thông qua một video tuyên truyền bằng hình ảnh mô tả một cuộc tấn công của Ukraine vào Nga. Mỹ đã đe dọa trừng phạt kinh tế chưa từng có đối với Nga, nghiêm ngặt hơn nhiều so với hàng trăm lệnh trừng phạt được áp đặt trước đây nếu Moscow xâm lược Ukraine.
Nga đã kịch liệt phủ nhận mọi đồn đoán về một cuộc xâm lược sắp xảy ra. Tuy nhiên, cùng lúc đó, Nga nhấn mạnh rằng họ đang hết kiên nhẫn và nếu phương Tây không nhanh chóng giải quyết những lo ngại của họ, điều này có thể dẫn đến những hậu quả "quân sự-kỹ thuật" mà không cần nêu cụ thể tính chất của chúng.
Những lo ngại về một cuộc xâm lược Ukraine đang rình rập ngay trước mắt, những đợt tập kết quân sự quy mô lớn, những mối đe dọa gây ra những đòn phản công gay gắt cho nhau và việc liên tục thất bại trong các cuộc đàm phán để tìm ra bước đột phá, điều này có nghĩa là tình hình vẫn căng thẳng. Ngay cả những chuyên gia dày dạn kinh nghiệm nhất cũng không thể dự đoán được mọi thứ có thể phát triển như thế nào.
Ấn Độ có quan hệ tốt với cả Nga và Mỹ, và việc đứng về phía một trong những nước này có thể phải trả giá bằng mối quan hệ với nước còn lại. Tuy nhiên, điều đó đã không xảy ra cho đến nay vì Ấn Độ dường như đã có một cách tiếp cận trung lập. Ấn Độ đã nhiều lần nhấn mạnh rằng họ coi mối quan hệ của mình với Nga và Mỹ là độc lập với nhau và sẽ không để một trong hai bên chi phối chính sách đối ngoại của mình.
Nga được cho là đối tác đáng tin cậy nhất của Ấn Độ trong hơn 5 thập kỷ đã qua, nhưng trong những năm gần đây, bị thúc đẩy bởi mối quan hệ xấu đi với Mỹ, Moscow đã tăng cường quan hệ đối tác với Trung Quốc. Điều này đã làm dấy lên nghi ngờ giữa các nhà hoạch định chính sách ở Delhi về hiệu quả của Nga trong việc cân bằng Trung Quốc.
Kể từ đầu thế kỷ này, Ấn Độ đã luôn cải thiện quan hệ với Mỹ, hiện đang đẩy nhanh hợp tác nhiều mặt với Mỹ, chủ yếu là để cân bằng một Trung Quốc.
Những phương trình địa chính trị đang thay đổi này cũng tạo ra suy đoán về xu thế quan hệ Ấn-Nga, cũng như đặt câu hỏi về khả năng cân bằng mối quan hệ của Ấn Độ với các cường quốc đối thủ.
Bất chấp những căng thẳng ngày càng gia tăng giữa phương Tây và Nga, Ấn Độ đã tổ chức cuộc họp thượng đỉnh song phương thường niên Ấn-Nga vào tháng 12 năm 2021. Ấn Độ và Nga cũng tổ chức cuộc đối thoại cấp Bộ trưởng 2 + 2 đầu tiên vào tháng 12, những điều này cho thấy rằng, Nga đối với Ấn Độ cũng quan trọng như các đối tác QUAD mà nước này đã có cơ chế này.
Bất chấp khả năng bị Mỹ trừng phạt thông qua CAATSA, Ấn Độ không chỉ quyết định tiếp tục thỏa thuận đối với hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 mà nước này đã ký vào năm 2018, mà còn hoàn tất một thỏa thuận mới trị giá 50 tỷ rupee để sản xuất 7,5 vạn khẩu súng trường tấn công của Nga AK 203.
Tương tự, Ấn Độ đã và đang hợp tác chặt chẽ với Mỹ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, điều mà Nga đã lên tiếng chỉ trích là chiến lược do Mỹ dẫn đầu nhằm phá hoại mối quan hệ chiến lược lâu đời của Ấn Độ với Nga. Bất chấp sự phản đối kiên quyết của Nga, Ấn Độ vẫn tiếp tục theo đuổi chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của mình thông qua các cam kết thường xuyên trong và ngoài QUAD, nó cho thấy rằng nước này chủ yếu hành động vì lợi ích của mình.
Mặc dù con số thương mại giữa Ấn-Nga thấp hơn so với Ấn-Mỹ, quan hệ đối tác quốc phòng và năng lượng của Ấn Độ với Nga có tầm quan trọng hàng đầu. Hơn nữa, Nga là đối tác chiến lược trải qua nhiều khảo nghiệm nhất của Ấn Độ, hai bên đã hợp tác về các vấn đề chính trị, an ninh và các vấn đề chiến lược khác trong một thời gian rất dài và hiện vẫn đang tiếp tục.
Mỹ là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ; Ấn Độ có quan hệ đối tác quốc phòng mạnh mẽ với Mỹ thông qua các thỏa thuận thể chế như Biên bản ghi nhớ trao đổi hậu cần (LEMOA), Thỏa thuận an ninh và tương thích thông tin liên lạc (COMCASA), Phụ lục an ninh công nghiệp (ISA), Thỏa thuận hợp tác và trao đổi cơ bản (BECA), Quốc phòng Sáng kiến Thương mại Công nghệ (DTTI) và cũng đã trao tư cách đối tác Quốc phòng lớn với Mỹ. Cuối cùng, Ấn Độ và Mỹ đều coi Trung Quốc là mối đe dọa lớn nhất và cam kết hợp tác ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương để quản lý sự trỗi dậy của Trung Quốc với tư cách là hai trong số các thành viên quan trọng của QUAD, bao gồm Nhật Bản và Australia.
Trên mặt chính trị, cả Mỹ và Nga với tư cách là các cường quốc có quyền phủ quyết tại Liên hợp quốc, đều ủng hộ nỗ lực của Ấn Độ để có được ghế thường trực trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cũng như ủng hộ việc Ấn Độ gia nhập Nhóm các nhà cung cấp hạt nhân. Do một ghế thường trực trong UNSC và tư cách thành viên NSG được coi là then chốt đối với nguyện vọng của Ấn Độ trong việc coi mình là một cường quốc toàn cầu lớn, nên mối quan hệ chiến lược với Mỹ và Nga càng trở nên quan trọng hơn. Không cần phải nói, bất đồng là một phần của mọi phương trình song phương, nhưng điều quan trọng là phải điều hướng những điều này một cách khéo léo.
Mỗi ngày trôi qua, tình hình Ukraine ngày càng nghiêm trọng hơn, và không rõ Ấn Độ sẽ phản ứng như thế nào nếu xung đột bùng phát. Nhưng cho đến nay, Ấn Độ đã duy trì thành công quan hệ với các đối tác chiến lược lớn của mình và đang đưa ra các quyết định chính sách đối ngoại của riêng mình, bất kể Nga hay Mỹ có chấp thuận hay không.
Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ
Nguồn: https://www.orfonline.org/expert-speak/indias-balancing-act-between-russia-and-the-us-amidst-growing-tensions/
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục