“Hành động Phía Đông” trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ
Con lắc kinh tế toàn cầu đang chuyển động từ Tây sang Đông, nơi có nền kinh tế với tỷ lệ tăng trưởng ở mức độ cao hơn và ổn định hơn so với các cường quốc phương Tây. Với sự xuất hiện của RCEP (Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực), Ấn Độ đã nhìn thấy được một cơ hội lớn cho sự can dự vào khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
“Hành động Phía Đông” trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ
Mr. Ameya Paratkar*
Ms. Pooja Ranade**
Trong thời đại toàn cầu hóa, thuật ngữ “phát triển” (development) được thừa nhận với tầm thảo luận lớn hơn cụm từ “tăng trưởng” (growth). Sự “phát triển” này có thể chưa bao giờ xảy ra một cách đơn lẻ và cần được duy trì bền vững. Bởi vậy, nó đã trở thành một khái niệm hoặc được các quốc gia sử dụng như một thuật ngữ trong chương trình hợp tác và tham gia về phương diện kinh tế với các quốc gia khác. Trong khi đó, nhìn từ góc độ địa chính trị - đóng một vai trò quan trọng trong mối quan hệ quốc tế - thì đây là thuật ngữ chính được sử dụng trong sự phụ thuộc hoặc hợp tác về các vấn đề quốc tế ở thế kỷ XXI.
Con lắc kinh tế toàn cầu đang chuyển động từ Tây sang Đông, nơi có nền kinh tế với tỷ lệ tăng trưởng ở mức độ cao hơn và ổn định hơn so với các cường quốc phương Tây. Bất chấp những biến động về kinh tế trong thời gian gần đây, sự tăng trưởng dân số trong khu vực đã khiến cho nhu cầu và thị trường được giữ ở mức độ cao. Với sự phát triển và mở rộng của các thị trường tự do, các quốc gia này đã nhận ra được tiềm năng của họ, và điều này đã đến sự tái xuất hiện của khái niệm “khối thương mại” (trade blocs).
Ngày nay, có rất nhiều hiệp hội quốc tế ra đời với các nhu cầu khác nhau. Ví dụ một vài tổ chức mới như TPP, TTIP, trong khi các tổ chức như EU, ASEAN, NAFTA và MERCOSUR vẫn tiếp tục tồn tại và biến đổi theo thời gian.
Mục đích của những khối này nhằm hướng đến việc loại bỏ các rào cản thương mại giữa các nước thành viên, từ đó tạo thuận lợi trong thương mại và cuối cùng là sự phát triển thịnh vượng. Với những điều nói trên, Ấn Độ đã nhìn thấy được một cơ hội lớn trong RCEP (Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực)
Về RCEP
Đàm phán về RCEP được bắt đầu trong Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN năm 2012 tại Campuchia. RCEP được xem là sự thay thế cho TPP, bởi vì TPP không bao gồm Trung Quốc và Ấn Độ, nhưng có sự xuất hiện của Mỹ.
RCEP là Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa mười nước thành viên của ASEAN và sáu nước khác (Trung Quốc, Ấn Độ, Australia, New Zealand, Nhật Bản và Hàn Quốc) đã ký kết FTA với tổ chức này. Những nước này với dân số gần 3 tỷ dân, GDP 23 nghìn tỷ USD (theo số liệu của IMF năm 2015), đóng góp đến 27% thương mại toàn cầu. Vì thế, các công ty xuất khẩu của Ấn Độ có một cơ hội rất lớn trong thỏa thuận này.
Chương trình nghị sự của RCEP
Chương trình nghị sự của RCEP bao gồm các thảo luận về thương mại hàng hoá và dịch vụ, đầu tư, hợp tác kinh tế và kỹ thuật, sở hữu trí tuệ, cạnh tranh và giải quyết tranh chấp. Sự hợp tác này không chỉ là sự đối lập với TPP, mà còn như là một sức mạnh nhằm giảm thiểu sự thiếu hiệu quả của các hiệp định thương mại ở khu vực châu Á hiện nay. RCEP mang lại sự năng động về kinh tế, sự mở rộng của mạng lưới sản xuất toàn cầu và thiết lập các tiêu chuẩn thương mại quốc tế. Sự hội nhập khu vực ở mức độ rộng lớn sẽ giải quyết những mối quan tâm đến hiệu ứng “bát mì Spaghetti” của các thỏa thuận song phương và đa phương đang quá tải ở châu Á.
ROO (Quy tắc xuất xứ) trong thỏa thuận này khiến việc vận chuyển hàng hóa dễ dàng hơn và nhắm đến hệ thống thuế quan sâu xa hơn đang chia cắt các nước. Nếu RCEP trở thành hiện thực thì nó sẽ là ngôi nhà của hơn 100 triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ, và lợi ích của những doanh nghiệp này được xem như có liên hệ đến các tập đoàn đa quốc gia. Do đó, RCEP sẽ tác động đến các quyết định đầu tư mới trong ngành dệt, da, chế biến thực phẩm, máy móc và các ngành linh kiện điện tử.
Nhìn chung, cùng với việc ngày càng phụ thuộc lẫn nhau, đôi bên cùng có lợi, hiệu quả và tính toàn diện về kinh tế, thỏa thuận này cũng thể hiện sự gia tăng sức mạnh khu vực của các nền kinh tế châu Á, và do đó, được xem như là một sự thay đổi cuộc chơi trong nền kinh tế chính trị.
Ấn Độ được hưởng lợi như thế nào?
Ấn Độ đã nâng cấp chính sách Hướng đông trở thành chính sách Hành động phía Đông, trong đó cam kết tăng cường kết nối với các quốc gia phía Đông và liên kết với các hướng đi khác nhau như địa lý, thể chế, kết nối con người, đi cùng với những phép thử về mặt ngoại giao chính trị.
Trở thành một phần của RCEP sẽ đảm bảo Ấn Độ là một phần của chuỗi cung ứng toàn cầu. Các chương trình như "Sản xuất tại Ấn Độ" (Make in India) sẽ thành công khi nhu cầu tương thích với các sản phẩm và dịch vụ. Mặc dù Trung Quốc, nền kinh tế lớn nhất trong RCEP, nhập khẩu rất ít từ Ấn Độ, nhưng các nước như Việt Nam (thành viên của cả TPP và RCEP), Myanmar và Lào lại có thâm hụt thương mại với Ấn Độ. Thêm vào đó, sức mạnh của Ấn Độ nằm ở mảng dịch vụ và có không gian rộng lớn cho Ấn Độ xuất khẩu dịch vụ công nghệ thông tin đến các nước này. Bởi vậy, một chế độ thương mại thông thường cũng sẽ khuyến khích đầu tư FDI vào Ấn Độ.
Gia nhập RCEP sẽ giúp Ấn Độ tăng cường tiệp cận các thị trường ở châu Á. Ấn Độ có sự kết nối về đường bộ, đường thủy và đường hàng không để tạo các đòn bẩy cần thiết đối với các nước láng giềng. Để đạt được những nhân tố này và trở thành một phần của nền kinh tế trị giá 23 nghìn tỷ USD, các công ty Ấn Độ phải tăng năng suất, nâng cao tiêu chuẩn dịch vụ và chất lượng sản phẩm, xử lý vấn đề bản quyền và tuân thủ luật chơi toàn cầu. Điều này sẽ đảm bảo xuất khẩu của Ấn Độ di chuyển lên phía trên của chuỗi giá trị. Là một thành viên của một khối thương mại khu vực hiệu quả sẽ tạo nên những thay đổi quan trọng đối với chiến lược Ấn Độ, cũng như đối với nền kinh tế, tăng cường kết nối, hợp tác đa phương, tăng uy tín của Ấn Độ trên thị trường toàn cầu và nâng cao địa vị quyền lực mềm của nước này.
Nhân tố Trung Quốc
Có những lời chỉ trích cho rằng, RCEP mâu thuẫn với một số chính sách của chính phủ Ấn Độ, đặc biệt ở các lĩnh vực sản xuất, nông nghiệp, chăn nuôi bò sữa, và các lĩnh vực liên quan đến dược phẩm. Mặc dù Ấn Độ có mức thâm hụt thương mại với một số quốc gia tham gia vào RCEP, nhưng những lo ngại chính có liên quan đến Trung Quốc.
Theo Bộ Thương mại, Chính phủ Ấn Độ đang làm việc về việc thực hiện một cơ cấu thuế quan chung cho tất cả 15 quốc gia RCEP. Đồng thời, do mức thâm hụt thương mại 52 tỷ USD, nên Trung Quốc phải được xử lý riêng. Ấn Độ phải đảm bảo thị trường không bị tràn ngập bởi hàng hóa Trung Quốc, cách thức duy nhất là thực hiện các chính sách thích hợp để bảo vệ thị trường Ấn Độ và hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp địa phương và lĩnh vực sản xuất.
Bởi vậy, New Delhi cần phải đảm bảo rằng, lợi ích của Ấn Độ ở ngành dịch vụ, thương mại trong khuôn khổ Hiệp định SPS, dược phẩm và dệt may được bảo vệ tốt bởi các thỏa thuận thuộc RCEP. Đồng thời, đối với việc tham gia một cách thực dụng đối với những thực tế địa chính trị ngày nay, nhiều nước ASEAN đang ngày càng cảnh giác với sự leo thang của Trung Quốc trong khu vực này, và điều này có thể chứng minh một cơ hội vàng để Ấn Độ có thể thông qua sự hiện diện của mình để tích cực xây dựng và củng cố hình ảnh của Ấn Độ như một “sức mạnh tích cực” của khu vực.
Kết luận
Trong tác phẩm “Khám phá Ấn Độ”, Thủ tướng Nehru đã tiên đoán rằng, “Trong tương lai, Thái Bình Dương có thể sẽ thay thế Đại Tây Dương, trở thành trung tâm của thế giới. Mặc dù không phải là một quốc gia Thái Bình Dương, nhưng Ấn Độ chắc chắn sẽ có ảnh hưởng quan trọng trong khu vực. Ấn Độ cũng sẽ phát triển như một trung tâm quan trọng về kinh tế và chiến lược của thế giới, nơi mà sẽ phát triển trong tương lai.”
Hiệp định Thương mại tự do Nam Á (SAFTA) chứng tỏ là một thử nghiệm thất vọng, và, do đó, RCEP phải rút ra bài học kinh nghiệm, tiến lên phía trước một cách thận trọng và tập trung vào tương lai. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán và thành công của RECP phụ thuộc vào sự tôn trọng lẫn nhau và ý chí chính trị giữa các thành viên, nơi có một sự đánh giá cao về mục tiêu chung trong sự cân bằng giữa lợi ích quốc gia và các thỏa thuận.
Đối với Ấn Độ, RCEP cung cấp một nền tảng cao hơn, giúp nâng cao chiến lược và tình trạng kinh tế của nước này trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. RCEP tập hợp 5 nền kinh tế lớn nhất trong khu vực gồm: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ và Úc. Việc loại bỏ các rào cản thương mại là bước đi hướng đến tự do hóa về hàng hóa và dịch vụ.
Với sự tương tác ở mức cao hơn, bước tiếp theo sẽ là chính sách di chuyển tự do của người dân sẽ giúp các nước xích lại gần nhau hơn và phát triển trở thành một thực thể thống nhất. Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN tại Lào sẽ trả lời cho câu hỏi nổi cộm, liệu các quốc gia riêng rẽ sẽ chú trọng hơn đến lợi ích tự thân? Vì vậy, cần phải có các cuộc thảo luận chi tiết nhằm tập trung điều tiết các yêu cầu trong chương trình nghị sự của RCEP, chỉ sau khi thực hiện được điều đó thì “thế kỷ Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương" mới trở thành hiện thực theo đúng nghĩa của từ này.
Người dịch: Đỗ Khương Mạnh Linh
Hiệu đính: TS Nguyễn Thị Phương Thảo
Nguồn: http://www.thedialogue.co/acting-east-indias-foreign-policy/
* Đồng sáng lập website www.thedialogue.co, chuyên viết về các vấn đề chiến lược và quản trị.
** PGS chuyên ngành tiếng Anh, ThS chuyên ngành Khoa học Chính trị, Cử nhân An ninh quốc gia và quan hệ quốc tế, ĐH Pune.
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục
Tư liệu Nghiên cứu Ấn Độ 04:00 12-12-2024
G20 và Cơ hội Mở Rộng Quan Hệ Ấn Độ - Mỹ Latinh
Tư liệu Nghiên cứu Ấn Độ 03:00 12-12-2024