Hòa bình cho Ukraine cần bàn tay kiến thiết của Ấn Độ
Ấn Độ có cơ hội đóng vai trò trung gian hòa giải quan trọng trong cuộc khủng hoảng Ukraine và đưa các bên tiến gần hơn tới hòa bình.
Theo ghi nhận của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, nhiệm kỳ Chủ tịch G20 của Ấn Độ năm nay diễn ra vào thời điểm thế giới đang phải chống chọi với căng thẳng địa chính trị, suy thoái kinh tế, hậu quả tiêu cực của đại dịch và cuộc xung đột vũ trang Nga-Ukraine.
Trong nhiệm kỳ Ấn Độ làm chủ tịch G20, Ấn Độ tuyên bố ý định thúc đẩy chương trình nghị sự mới về hòa bình, tiến bộ, đối thoại và đồng thuận cũng như nguyện vọng đại diện cho lợi ích của các nước đang phát triển Nam bán cầu. Điều này trùng khớp với mong muốn nhanh chóng kết thúc chiến tranh của Ukraine. Ấn Độ đóng vai trò quan trọng trong việc lên án chiến tranh trước các nước tham gia hội nghị thượng đỉnh G20 năm 2022 ở Indonesia. Thông cáo chung của G20 tại Bali lặp lại thông điệp của Thủ tướng Narendra Modi gửi tới Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng “Thời đại ngày nay không được có chiến tranh”. Điều này có thể đóng vai trò là cơ sở cho các nỗ lực kiến tạo hòa bình của Ấn Độ trong nhiệm kỳ làm chủ tịch G20 trong năm 2023.
Trong bài phát biểu trực tuyến tại hội nghị thượng đỉnh, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã trình bày “Công thức hòa bình”—một tài liệu toàn diện gồm 10 điểm nhằm khôi phục hòa bình trên đất Ukraine và tạo ra các biện pháp bảo vệ để ngăn chặn chiến tranh trong tương lai.
Hành động của Nga đối với U-crai-na không chỉ ảnh hưởng đến lãnh thổ của một nước mà còn thách thức cả thế giới; gây ra khủng hoảng năng lượng, khủng hoảng lương thực, gia tăng lạm phát, gián đoạn chuỗi cung ứng và gia tăng rủi ro bất ổn tài chính toàn cầu. Mỗi quốc gia có thể đóng góp cho hòa bình bằng cách chọn một khía cạnh cụ thể mà ở đó sự trung gian và lãnh đạo của quốc gia đó tỏ ra hữu ích. Cuộc chiến hiện nay liên quan đến hàng loạt vấn đề cần giải quyết như an toàn bức xạ và hạt nhân, an ninh lương thực, an ninh năng lượng, trả tự do cho tất cả tù binh và những người bị trục xuất về lãnh thổ Liên bang Nga, thực hiện Hiến chương Liên hợp quốc và khôi phục toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine và trật tự thế giới, diệt chủng, truy tố tội phạm chiến tranh, v.v.
Nguy cơ tiếp tục chiến sự
Chính quyền Ukraine nhấn mạnh rằng mục tiêu của họ là chấm dứt hoàn toàn chiến tranh chứ không phải một thỏa thuận ngừng bắn mà Nga đề xuất. Ukraine đã rút ra bài học từ thỏa thuận Minsk 1 và Minsk 2 dẫn đến “xung đột đóng băng”, tức là xung đột không chấm dứt mà đất nước trở thành “bãi mìn” để Nga chuẩn bị hoạt động quân sự quy mô lớn và đẫm máu hơn. Theo ước tính của Liên Hợp Quốc, từ tháng 4 năm 2014 đến tháng 2 năm 2020, tổng số thương vong trong cái gọi là ngừng bắn lên tới 13.100 đến 13.300 dân thường và binh lính của cả hai bên thiệt mạng và 29.500 đến 33.500 người bị thương.
Do đó, điều quan trọng đối với Ukraine là khôi phục hoàn toàn toàn vẹn lãnh thổ và thiết lập hòa bình. Nghịch lý thay, để có hòa bình thì phải tiếp tục chiến sự và dùng sức mạnh quân sự để giải phóng các vùng lãnh thổ. Nga đã tuyên bố không đàm phán với Ukraine trên cơ sở “Công thức hòa bình” và yêu cầu Ukraine đồng ý với “thực tế lãnh thổ mới”, tức là công nhận các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng là của Nga. Chính quyền Nga không che giấu mục tiêu cuối cùng của chiến dịch quân sự này vẫn là chiếm đóng toàn bộ lãnh thổ, cũng như lật đổ chính phủ Ukraine hiện tại. Để đạt được mục tiêu này, Điện Kremlin đã thực hiện các biện pháp tổ chức lại nền kinh tế, tăng cường sản xuất vũ khí, củng cố tiềm lực của lực lượng quân sự Nga và chuẩn bị lực lượng dự bị để tiến hành chiến tranh lâu dài.
Giới chính trị và chuyên gia Nga tin rằng thất bại trong cuộc chiến với Ukraine có thể làm xói mòn niềm tin của công chúng vào chính phủ hiện tại. Đối với chế độ Putin, cuộc phiêu lưu ở Ukraine là cách để khôi phục Liên bang Nga như một cường quốc toàn cầu, nhưng có thể gây ra sự sụp đổ chính trị. Ghi nhớ điều này, chính quyền Nga đã tăng cường các mối đe dọa hạt nhân để tạo thêm áp lực lên chính quyền Ukraine và các đồng minh phương Tây của Ukraine.
Với những hành động như vậy, Nga hạ thấp ngưỡng răn đe đối với các quốc gia khác và bình thường hóa việc sử dụng vũ khí hạt nhân trên thế giới. Điều này đã dẫn đến sự gia tăng đáng kể trong các luận điệu về hạt nhân, chẳng hạn như của Triều Tiên, và cũng đã bắt đầu một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân ở Đông Á.
Cùng với những rủi ro khi sử dụng vũ khí hạt nhân, còn có nguy cơ xảy ra tai nạn hạt nhân: Ukraine có 4 nhà máy điện hạt nhân đang hoạt động (gồm 15 tổ máy) và một nhà máy đã ngừng hoạt động. Pháo kích thường xuyên vào cơ sở hạ tầng năng lượng, cũng như việc quân đội Nga chiếm giữ nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia và đặt vũ khí trên lãnh thổ của mình, tạo ra mối đe dọa về một vụ tai nạn hạt nhân có thể gây ra hậu quả không thể đảo ngược vượt xa biên giới Ukraine.
Nga đang cố gây ra “yếu tố sợ hãi” trong địa chính trị, điều này đã từng diễn ra trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Mối nguy hiểm nằm ở chỗ, các đại diện của chính quyền Nga, với các mối đe dọa hạt nhân đối với Ukraine và phương Tây, làm gia tăng mức độ cực đoan hóa trong xã hội Nga và gia tăng áp lực chính trị lên chính Điện Kremlin để đạt được chiến thắng bằng mọi giá.
Tuy nhiên, để tiến hành một cuộc chiến trường kỳ, Nga không chỉ tìm cách đặt nền kinh tế “lên đường ray quân sự”, mà còn đa dạng hóa thương mại sau khi mất thị trường châu Âu, tìm cách giảm nhẹ áp lực trừng phạt và cải thiện vị thế quốc tế khi đối mặt với sự cô lập của phương Tây. Giới chuyên gia Nga đang tích cực thảo luận về sự cần thiết phải xây dựng mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Ả Rập Saudi và các quốc gia OPEC+, cũng như các quốc gia Mỹ Latinh, Châu Phi và Châu Á. Mục tiêu chính là giảm hậu quả của áp lực tài chính, kinh tế và trừng phạt từ các nước phương Tây. Tuy nhiên, cùng với điều này, Nga đang tìm cách củng cố vị thế địa chính trị của mình, tạo ra một đối trọng với phương Tây với cái giá phải trả tạo ra một “Thê giới Đa số” kiểu mới (một thuật ngữ được lan truyền tích cực trong giới chuyên gia Nga) với sự tham gia của các quốc gia này.
Tuy nhiên, trung lập hay không sẵn sàng tham gia các biện pháp trừng phạt chống Nga không có nghĩa là “chống phương Tây”. Hầu hết các quốc gia thuộc nhóm “thân thiện” với Nga, ngoại trừ Iran và Triều Tiên, đều hợp tác bình đẳng với cả hai bên. Sự sẵn sàng hợp tác với Liên bang Nga ở cấp độ song phương và đa phương liên quan nhiều hơn đến lợi ích cá nhân của các quốc gia này. Đồng thời, nhiều người trong số họ không đồng ý với việc Nga vi phạm Hiến chương Liên hợp quốc và bỏ phiếu cho các nghị quyết lên án hành động xâm lược của Nga đối với Ukraine.
Vai trò của Ấn Độ
Chính phủ Ukraine đặt mục tiêu đạt được hòa bình vào năm 2023. Chính quyền của ông Zelensky dự kiến tổ chức hội nghị thượng đỉnh về hòa bình vào cuối tháng 2 năm 2023, tại đó họ sẽ trình bày một kế hoạch hòa bình chứa đầy nội dung thiết thực dựa trên 10 điểm đã đề cập trước đó.
Sự hỗ trợ của Ấn Độ với tư cách là quốc gia chủ tịch G20 có thể hữu ích trong việc thực hiện những điểm trong “công thức hòa bình” của Zelensky trùng khớp với chương trình nghị sự của hội nghị thượng đỉnh năm nay. Một cuộc chiến tranh kéo dài sẽ dẫn đến những tác động tàn phá hơn nữa đối với nền kinh tế thế giới, bao gồm cả các quốc gia đang phát triển ở Nam bán cầu. Một mặt, một vấn đề phức tạp như vậy trở thành thách thức đối với nhiệm kỳ tổng thống của Ấn Độ, nhưng mặt khác, nó tạo cơ hội để Ấn Độ nổi lên như một cường quốc có ảnh hưởng toàn cầu.
Tác giả: Nataliya Butyrska là chuyên gia Quan hệ quốc tế đến từ Kyiv, Ukraine.
Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục