Hội nghị thượng đỉnh Ấn Độ-Trung Á: Định hình địa chính trị trong khu vực
Ấn Độ và các nước Cộng hòa Trung Á bước vào kỷ nguyên mới của quan hệ đối tác chiến lược mạnh mẽ, thể hiện qua việc kết thúc thành công hội nghị thượng đỉnh lần đầu tiên do Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi chủ trì vào ngày 27 tháng 1 năm 2022 theo hình thức trực tuyến.
Ấn Độ và các nước Cộng hòa Trung Á bước vào kỷ nguyên mới của quan hệ đối tác chiến lược mạnh mẽ, thể hiện qua việc kết thúc thành công hội nghị thượng đỉnh lần đầu tiên do Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi chủ trì vào ngày 27 tháng 1 năm 2022 theo hình thức trực tuyến. Sự kiện này có sự tham dự của tổng thống các nước Cộng hòa Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan. Hội nghị Cấp cao Ấn Độ - Trung Á lần thứ nhất diễn ra trùng với dịp kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Ấn Độ và các nước Trung Á, được coi là sự kiện mang tính bước ngoặt thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của lãnh đạo hai bên trong việc đưa mối quan hệ lên tầm cao mới một cách toàn diện và lâu dài. Hội nghị thượng đỉnh đã bàn sâu về vấn đề ổn định, an ninh và cân bằng địa chiến lược ở biên giới phía tây của Ấn Độ. Nó cho thấy hiệu quả của “Chính sách láng giềng mở rộng” của Ấn Độ trong việc giải quyết những thách thức đang nổi lên trong khu vực với quyết tâm mạnh mẽ, theo tinh thần của chủ nghĩa đa phương được cải cách và tính minh bạch trong quản trị toàn cầu.
Trong vài năm qua, Ấn Độ và các nước Trung Á đã nhanh chóng củng cố cam kết chiến lược để giải quyết các thách thức đang nổi lên, dựa trên sự tin cậy, hiểu biết lẫn nhau và tầm nhìn chung về an ninh và tiến bộ cho người dân hai bên. Quan hệ giữa Ấn Độ và các nước Trung Á chứng kiến sự thăng tiến đáng kể khi Thủ tướng Narendra Modi có chuyến thăm trở lại cả 5 nước vào tháng 7 năm 2015, qua đó, nêu bật ý nghĩa chiến lược của mối quan hệ đối tác đang phát triển, đồng thời củng cố lại những kết nối về mặt lịch sử, xã hội và văn hóa. Động lực này càng được tiếp tục kéo dài trong Hội nghị thượng đỉnh tháng 1 năm 2022, khi các nhà lãnh đạo thảo luận về toàn bộ các đề xuất quan trọng mà hai bên cùng quan tâm, nhằm tăng cường hợp tác, đặc biệt trong các lĩnh vực quốc phòng và an ninh, thương mại và kết nối, hợp tác phát triển, hợp tác y tế và chăm sóc sức khỏe, năng lượng các cuộc tiếp xúc an ninh, văn hóa và giao lưu nhân dân, bên cạnh việc nhất trí nhắc lại sự ủng hộ của họ đối với một Afghanistan hòa bình, an ninh và ổn định, với một chính phủ bao trùm, để duy trì an ninh và ổn định trong khu vực. Từ sự gắn bó ngày càng tăng giữa Ấn Độ và các nước Trung Á, chúng ta có thể đi đến kết luận rằng, hai bên đều sẵn sàng hợp tác để định hình quỹ đạo của cân bằng địa chiến lược trong khu vực quan trọng ở khu vực phía tây Ấn Độ, mà cuối cùng, mối quan hệ đó sẽ có ý nghĩa lâu dài trong mô hình toàn cầu.
Hội nghị thượng đỉnh tháng 1/2022 đã phác thảo ra lộ trình đầy tham vọng cho những năm tới và tập trung vào kế hoạch hành động cụ thể nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược. Đề xuất thành lập “Trung tâm Ấn Độ-Trung Á” tại New Delhi để hoạt động như một Ban Thư ký cho Hội nghị Cấp cao Ấn Độ-Trung Á định kỳ 6 tháng một lần là một quyết định mang tính bước ngoặt, hướng tới tăng cường hợp tác thể chế. Tính tích cực càng được thể hiện rõ hơn qua đề xuất thành lập “Diễn đàn Nghị viện Ấn Độ-Trung Á” để tạo điều kiện cho các cuộc thảo luận chặt chẽ giữa các cơ quan lập pháp của các quốc gia này. Đồng thời, hai bên nhất trí tổ chức một số hoạt động trong đó có việc phát hành tem bưu chính chung nhân kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Tất cả những quyết định như vậy đều có ý nghĩa quan trọng và là biểu tượng sâu sắc về tính toàn diện của sức mạnh tổng hợp kinh tế-chính trị-xã hội.
Thủ tướng Modi, khi chủ trì hội nghị thượng đỉnh, đã vạch ra ba mục tiêu chính cho sự kiện: “Thứ nhất, phải làm rõ rằng, hợp tác giữa Ấn Độ và Trung Á là điều cần thiết cho an ninh và thịnh vượng của khu vực. Theo quan điểm của Ấn Độ, tôi muốn nhấn mạnh rằng, Trung Á là trọng tâm trong tầm nhìn của Ấn Độ về khu vực láng giềng mở rộng tích hợp và ổn định. Mục tiêu thứ hai là đưa ra cấu trúc hiệu quả cho sự hợp tác của chúng ta. Điều này sẽ thiết lập một khuôn khổ tương tác thường xuyên ở các cấp độ và giữa các bên liên quan. Và, mục tiêu thứ ba là tạo ra lộ trình hợp tác đầy tham vọng của chúng ta”.
Những nhận xét trên của Thủ tướng Modi cộng hưởng nền tảng vững chắc của các cam kết chiến lược ngày càng tăng giữa hai bên trong những năm qua và tầm nhìn tương lai, hướng tới việc áp dụng cách tiếp cận tích hợp để hợp tác bền chặt trong khu vực láng giềng mở rộng của New Delhi.
Trong hội nghị thượng đỉnh, để giải quyết những thách thức an ninh đang nổi lên trong khu vực, đặc biệt trong bối cảnh diễn biến ở Afghanistan, các nhà lãnh đạo đã kêu gọi nâng cấp quan hệ đối tác quốc phòng hiện có, đồng thời đồng ý xem xét tổ chức các cuộc tập trận chung chống khủng bố để đạt được mục tiêu “Thế giới không còn khủng bố”. Lưu ý đến tình hình hiện tại ở Afghanistan, quốc gia gần gũi với cả sáu quốc gia tham gia hội nghị thượng đỉnh, các nhà lãnh đạo thể hiện sự ủng hộ đối với một Afghanistan ổn định, đồng thời nhấn mạnh về việc tôn trọng chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ và không can thiệp vào công việc nội bộ của Afghanistan. Bản tổng kết nhấn mạnh rõ ràng rằng, Afghanistan là mối quan tâm chung của cả sáu nước, do đó, việc củng cố hợp tác an ninh sẽ là điều tối quan trọng để đảm bảo sự ổn định trong khu vực. Sáu nhà lãnh đạo cũng đã đạt được đồng thuận khu vực về việc thành lập chính phủ đại diện và bao trùm, chống khủng bố và buôn bán ma túy, cung cấp hỗ trợ nhân đạo cho người dân Afghanistan, và bảo vệ quyền của phụ nữ, trẻ em, các nhóm dân tộc thiểu số và dân tộc khác. Quyết định thành lập Nhóm công tác chung (JWG) để theo dõi các diễn biến ở Afghanistan là một bước đi cụ thể nhằm tăng cường các nỗ lực ngoại giao.
Thương mại và kết nối
Sự phát triển của kết nối nhằm tăng cường giao thương kinh tế và thương mại giữa Ấn Độ và các nước Trung Á trong bối cảnh địa hình địa lý không có biển và thiếu các phương tiện kết nối trên bộ là một điểm nhấn khác của hội nghị thượng đỉnh. Các dự án kết nối được các nhà lãnh đạo hình dung là “nhân tố thúc đẩy hợp tác kinh tế và thương mại, và liên hệ giữa các quốc gia và con người”, do đó, chúng cần được nâng cấp với ưu tiên hàng đầu. Hai bên nhất trí sử dụng các dịch vụ của Nhà ga Shahid Beheshti tại Cảng Chabahar để tạo thuận lợi cho kết nối thương mại. Vì mục đích này, JWG cũng đã được thành lập để hợp lý hóa quá trình kết nối. Các bên cũng đã được nhất trí về việc sử dụng tối ưu Hành lang Giao thông Bắc Nam Quốc tế (INSTC) cũng như Thỏa thuận Ashgabat về Hành lang Vận tải và Quá cảnh Quốc tế (ITTC) để tăng cường kết nối giữa Ấn Độ và các nước Trung Á.
Hợp tác năng lượng
Tại hội nghị thượng đỉnh, các nhà lãnh đạo đã thảo luận một cách toàn diện về các cách thức và phương tiện để tăng cường hợp tác năng lượng, dựa trên những tiến triển của các mối quan hệ hợp tác hiện đang có. Các nhà lãnh đạo cũng nhắc lại cam kết kiên định hướng tới việc khai thác tối ưu các nguồn năng lượng để đảm bảo an ninh năng lượng cho các quốc gia một cách toàn diện. Do khu vực Trung Á được ưu đãi với nguồn năng lượng phong phú, đặc biệt là dầu thô, khí đốt tự nhiên, than đá, khoáng sản và nhu cầu năng lượng của Ấn Độ dự kiến sẽ tăng theo cấp số nhân trong những năm tới, nên có thể nhận thấy được tính cấp thiết rõ rệt trong quá trình Ấn Độ thảo luận về vấn đề này. Các nhà lãnh đạo Trung Á tỏ ra quan tâm đến sáng kiến “Một mặt trời, một thế giới, một lưới điện” của Ấn Độ nhằm mục đích thúc đẩy liên kết cơ sở hạ tầng năng lượng mặt trời ở quy mô toàn cầu. Sáng kiến này có mối quan hệ chặt chẽ với Hiệp hội năng lượng mặt trời quốc tế do Ấn Độ-Pháp đứng đầu. Hướng tới tăng cường kết nối năng lượng, hội nghị thượng đỉnh nhấn mạnh sự cần thiết phải thiết lập hợp tác giữa các tổ chức quốc gia chuyên ngành trong các lĩnh vực năng lượng tái tạo, thông tin, kỹ thuật số và công nghệ tiên tiến.
COVID-19 và ngành Y tế
Liên quan đến đại dịch COVID-19, các nhà lãnh đạo kêu gọi khuyến khích các nỗ lực tập thể để chống lại mối đe dọa sức khỏe cộng đồng. Hội nghị đã nhấn mạnh rõ ràng tầm quan trọng của việc “tiêm chủng rộng rãi, cung cấp vắc xin, chuyển giao công nghệ, phát triển năng lực sản xuất địa phương, thúc đẩy chuỗi cung ứng sản phẩm y tế và đảm bảo minh bạch về giá cả”. Sự đánh giá cao của các nhà lãnh đạo Trung Á đối với cách tiếp cận “Một Trái đất, Một sức khỏe” do Thủ tướng Modi trình bày, đã biểu trưng cho sức mạnh và cam kết của các mối quan hệ đang phát triển trong lĩnh vực y tế. Các nhà lãnh đạo cũng kêu gọi thiết lập cơ chế minh bạch để tạo điều kiện đáp ứng kịp thời, hiệu quả và không phân biệt đối xử của quốc tế đối với các vấn đề sức khỏe toàn cầu và đảm bảo khả năng tiếp cận thuốc và nguồn cung cấp y tế quan trọng một cách công bằng và hợp lý trong tương lai. Với quan điểm tăng cường giao lưu nhân dân và khai thác tài năng con người của nhau, các nhà lãnh đạo Trung Á đánh giá cao vai trò của Ấn Độ trong việc nâng cao năng lực và phát triển nguồn nhân lực cho các quốc gia Trung Á. Đồng thời, lời kêu gọi thúc đẩy thương mại trong các lĩnh vực như y học, chăm sóc sức khỏe, dược phẩm, giáo dục, công nghệ thông tin, cơ sở hạ tầng, nông nghiệp, năng lượng, biến đổi khí hậu, không gian, v.v. phản ánh rõ sự cam kết và tính linh hoạt của các mối quan hệ đang phát triển giữa các quốc gia tham gia hội nghị.
Sự củng cố và hội tụ của mối quan hệ Ấn Độ-Trung Á là điều dễ nhận thấy. Việc 5 nhà lãnh đạo Trung Á ban đầu được mời làm khách chính cho buổi lễ Ngày Cộng hòa Ấn Độ phản ánh sự gắn bó ngày càng tăng. Cam kết sâu sắc hướng tới việc đưa quan hệ đối tác đang phát triển lên tầm cao mới có khả năng duy trì trạng thái cân bằng địa chiến lược của khu vực và thế giới khi Ấn Độ đảm nhận vai trò Chủ tịch của nhóm G-20 vào năm 2023.
Tác giả: Debasis Bhattacharya, Giáo sư tại Trường Kinh doanh Amity, Tổng biên tập Bản tin Trung tâm Nghiên cứu BRICS thuộc Đại học Amity, Gurugram.
Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ
Nguồn: https://www.orfonline.org/expert-speak/india-central-asia-summit/
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục