Hội nghị Thượng đỉnh BRICS 2017: Thắng lợi của ngoại giao Ấn Độ
Hội nghị Thượng đỉnh BRICS lần thứ 9 đã kết thúc vào ngày 4/9/2017 tại Hạ Môn, Trung Quốc. Nhóm BRIC (Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc) được thành lập vào năm 2006 nhằm tăng cường hợp tác trong lĩnh vực kinh tế và ca ngợi các nỗ lực chuyển đổi hệ thống quản trị quốc tế.
Tháng 12 năm 2010, Trung Quốc chủ trì Hội nghị Thượng đỉnh BRIC và mời Nam Phi gia nhập nhóm các nền kinh tế mới nổi, từ đó sinh ra cụm từ viết tắt BRICS. Cho đến nay, đã có 9 Hội nghị Thượng đỉnh đã được tổ chức và lần gần nhất tổ chức ở Hạ Môn, Trung Quốc.
Hội nghị Thượng đỉnh Hạ Môn là sự kiện cực kỳ quan trọng đối với Pakistan và mối quan hệ giữa nước này với người bạn thủy chung Trung Quốc. Mọi người đều biết rằng, hai quốc gia này đã duy trì tình hữu nghị và thân thiện từ 6 thập kỷ qua, và Trung Quốc luôn ủng hộ Pakistan trong những thời điểm quyết định. Hợp tác trong các lĩnh vực quân sự - hạt nhân và nỗ lực phối hợp chống khủng bố được ghi nhận và thừa nhận. Tuy nhiên, tuyên bố của Hội nghị Thượng đỉnh lần này đã làm tổn thương quan hệ đối tác chiến lược giữa hai người bạn này. Với tinh thần đồng tâm hiệp lực, Ấn Độ đã giành chiến thắng trong cuộc chiến kéo dài với các tổ chức khủng bố có trụ sở tại Pakistan.
Các thành viên BRICS đã bày tỏ quan ngại về tình hình an ninh trong khu vực và bạo lực do Taliban, ISIL/DAISH, Al-Qaeda và các chi nhánh của nó bao gồm Phong trào Hồi giáo Đông Turkistan, Phong trào Hồi giáo Uzbekistan, Mạng lưới Haqqani, Lashkar-e-Taiba, Jaish-e-Mohammad, TTP và Hizb ut-Tahrir gây ra. Bản tuyên bố nói rằng, chúng tôi “lên án tất cả các hình thức khủng bố và các biểu hiện của nó, bất cứ nơi nào và bất kỳ ai, và nhấn mạnh rằng, không có bất kỳ sự biện minh nào cho bất kỳ hành động khủng bố nào. Chúng tôi khẳng định rằng, những người có trách nhiệm thực hiện, tổ chức, hoặc hỗ trợ các hành động khủng bố phải bị truy cứu trách nhiệm”[1]. Hơn nữa, các thành viên BRICS tái khẳng định tình đoàn kết và quyết tâm chống khủng bố, và kêu gọi tất cả các quốc gia thực hiện cách tiếp cận toàn diện trong việc chống khủng bố bằng.
Các nhóm khủng bố ở Pakistan được nêu trong tài liệu của Hội nghị Thượng đỉnh cho thấy sự thay đổi quan điểm của Trung Quốc đối với các nhóm khủng bố đang hoạt động ở Pakistan. Trong cuộc họp Thượng đỉnh BRICS tại Goa, Trung Quốc bác bỏ những nỗ lực của Ấn Độ trong việc đưa các nhóm khủng bố được Pakistan ủng hộ vào tuyên bố, mặc dù Ấn Độ đã cung cấp bằng chứng cho Trung Quốc về sự dính líu của Pakistan với các nhóm khủng bố trong các cuộc tấn công khủng bố khác nhau xảy ra ở Ấn Độ[2]. Ở đây, một câu hỏi đặt ra là, tại sao Trung Quốc đồng ý đưa các nhóm khủng bố có trụ sở tại Pakistan vào trong tuyên bố Thượng đỉnh?
Có ba nhân tố có thể ảnh hưởng đến sự thay đổi của Trung Quốc đối với Ấn Độ và các nhóm khủng bố có căn cứ ở Pakistan.
Thứ nhất, tranh chấp ở Doklam đóng vai trò quan trọng trong sự thay đổi của Trung Quốc với đối thủ ở Nam Á. Sau hơn hai tháng rưỡi căng thẳng giữa quân đội Ấn Độ và quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) trên vùng lãnh thổ Hymalaya, cuộc xung đột Doklam đã chấm dứt. Ngày 28/8/2017, Bộ Ngoại giao Ấn Độ và Bộ Ngoại giao Trung Quốc ra tuyên bố hai nước đã đạt được một thỏa thuận rút quân[3].
Cuộc xung đột gia tăng vào tháng 6 năm nay, khi PLA bắt đầu mở rộng cơ sở hạ tầng đường bộ ở Doklam, một phần của vùng Doklam, vùng lãnh thổ tranh chấp giữa Bhutan và Trung Quốc. Quân đội Ấn Độ ngăn chặn PLA mở rộng một con đường về phía Nam hướng tới Jampheri Ridge - nơi mang chiến lược quan trọng đối với quân đội Ấn Độ. Ấn Độ tuyên bố rằng, việc xây dựng con đường của Trung Quốc sẽ cản trở nghiêm trọng đến an ninh của Ấn Độ trong khu vực, và phản đối những thay đổi đơn phương trong khu vực của Trung Quốc. Kể từ đó, quân đội hai bên luôn trong tình trạng đối mặt và mối đe dọa chiến tranh giữa hai quốc gia hạt nhân luôn chực chờ.
Xung đột Doklam là một bài thử nghiệm cho cả Ấn Độ và Trung Quốc trong việc thể hiện sức mạnh và sức chịu đựng, cũng như các kênh hòa bình để phân tán sự căng thẳng. Ngay từ ngày đầu tiên, Trung Quốc nhấn mạnh rằng, Ấn Độ phải rút quân đơn phương trước khi giải quyết tranh chấp bằng con đường ngoại giao, tuy nhiên Ấn Độ không có dấu hiệu rút quân cho đến khi có thỏa thuận ràng buộc. Mặc dù leo thang ở biên giới, nhưng cả hai nước vẫn tiếp tục các kênh ngoại giao để giải quyết vấn đề và cuối cùng đã đạt được thỏa thuận triệt thoái quân đội.
Tuy nhiên, cuộc xung đột kéo dài hai tháng này tạo cơ hội cho Ấn Độ đánh giá sức kháng cự chống lại đối thủ lớn của nó ở châu Á. Ấn Độ đã đánh giá thành công sức mạnh quân sự chống lại Trung Quốc, và thừa nhận rằng, họ có khả năng chống lại sự xâm lược của Trung Quốc. Trong khi đó, Trung Quốc đã thừa nhận rằng, đây không phải thời điểm thích hợp để gây xung đột với Ấn Độ, và Ấn Độ thế kỷ XXI không giống Ấn Độ năm 1962. Ấn Độ hiện nay là nước hạt nhân với lực lượng quân đội quy ước lớn và có quan hệ đối tác chiến lược chặt chẽ với Mỹ và Nhật Bản - là đối thủ chiến lược của Trung Quốc ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Lo sợ tàn phá lẫn nhau trong trường hợp xảy ra cuộc chiến tranh hạt nhân đã ngăn Trung Quốc tiếp tục leo thang xung đột. Do đó, Trung Quốc thừa nhận rằng, mối quan hệ hòa bình với hàng xóm lớn mạnh và đối địch là điều cần thiết hiện tại.
Thứ hai, Ấn Độ đã thành công trong việc dự báo sức mạnh ngoại giao của mình trên khắp thế giới và sử dụng nhiều chiến thuật ngoại giao khác nhau bao gồm: ngoại giao công kích đối với các nước láng giềng yếu và ngoại giao con thoi các nước phát triển khác để thu hút sự hỗ trợ cho Ấn Độ. Đội ngũ ngoại giao này là cầu nối quan hệ làm việc gần gũi với chính quyền mới được bầu của Tổng thống Doland Trump của Hoa Kỳ.
Do đó, mối quan hệ Ấn - Mỹ hiện tại đã trở thành mối quan hệ chiến lược mới với thông báo của Tổng thống Trump về vai trò lớn hơn của Ấn Độ tại Afghanistan. Bài phát biểu của ông Trump chỉ ra rằng, Ấn Độ đã đầu tư rất nhiều ở Mỹ để đạt được sự ủng hộ cho các nỗ lực trong tương lai, và những kết quả này phản ánh bằng cách tiếp cận cứng rắn hơn đối với Pakistan bởi người đứng đầu nước Mỹ. Hơn nữa, kể từ khi đảm nhận ghế Thủ tướng, ông Narendra Modi đã đến thăm một loạt nước châu Âu và ký kết hàng tỷ USD thỏa thuận trong các lĩnh vực kinh tế và quân sự, từ đó đã mở rộng hình ảnh của Ấn Độ.
Một ví dụ sáng tỏ về thành công ngoại giao của Ấn Độ có thể thấy thông qua nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về các giải pháp chung của Ấn Độ và Mỹ chỉ đích danh tổ chức Lashkar-e-Taiba và Jammad-ud-Dawa của Pakistan là các tổ chức khủng bố quốc tế. Trong khi đó, một đề xuất chung khác đã được Mỹ, Anh và Pháp đưa ra vào ngày 19/1/2017 tuyên bố Molana Masood Azhar là một kẻ khủng bố. Trước đây, bằng cách sử dụng quyền phủ quyết, Trung Quốc đã ngăn chặn tất cả các đề xuất của Ấn Độ ở Hội đồng Bảo an. Tuy nhiên, Tuyên bố Hội nghị Hạ Môn đã phơi bày những sai sót trong ngoại giao Trung Quốc đối với ngoại giao có hệ thống và có sự phối hợp của Ấn Độ. New Delhi thành công kiềm chế Bắc Kinh rút lại sự ủng hộ cho Pakistan, và bao gồm việc nêu tên các tổ chức khủng bố có trụ sở tại Pakistan trong tài liệu thượng đỉnh. Các nước thành viên cũng ủng hộ và thuyết phục Trung Quốc thay đổi chính sách đối ngoại đối với Ấn Độ vì tương lai sáng sủa của BRICS.
Có thể khẳng định rằng, Hội nghị Thượng đỉnh BRICS lần thứ 9 đã mở đường cho những nỗ lực phối hợp chống khủng bố dưới mọi hình thức. Tương tự, đây cũng là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc không thể chống lại các nghị quyết của Ấn Độ ở Hội đồng Bảo an trong việc nêu tên các tổ chức có trụ sở tại Pakistan là các tổ chức khủng bố. Một kịch bản khác đang nổi lên là việc Bắc Kinh ủng hộ cho vị trí thường trực của Ấn Độ trong Hội đồng Bảo an và gia nhập NSG.
Thứ ba, việc đưa các tổ chức có trụ sở tại Pakistan vào danh sách các tổ chức khủng bố là một trở ngại lớn khác, đã khiến chính sách đối ngoại của Pakistan sụp đổ. Kể từ cuộc bầu cử năm 2013, Thủ tướng mới được bầu Nawaz Sharif đã từ chối vị trí Bộ trưởng Ngoại giao và giữ vị trí cố vấn ngoại giao, và hầu như không có tiếng nói trong các vấn đề đối ngoại và tất cả các quyết định quan trọng đã được chính phủ quyết định, và nhiệm kỳ của ông đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho quan hệ ngoại giao của đất nước, và tăng thêm những thách thức mới trong chính sách và ngoại giao vốn đầy bất ổn của nước này. Mặc dù, Pakistan đã biết về Hội nghị Thượng đỉnh BRICS và ý định của Ấn Độ, nhưng Islamabad đã không quan tâm nghiêm túc và tập trung các nguồn lực vào chiến lược của Hoa Kỳ đối với Afghanistan và Nam Á được công bố gần đây. Có vẻ như Islamabad đã bỏ qua tình hình địa chính trị đang nổi lên sau cuộc xung đột Doklam, và không nhận ra là, đã có những nỗ lực chống lại Pakistan của Ấn Độ. Điều quan trọng không kém là, Pakistan đã không thuyết phục được Bắc Kinh về những lo ngại nêu trên.
Trái lại, việc Ấn Độ thuyết phục Bắc Kinh về chủ nghĩa khủng bố xuyên biên giới là một thành công to lớn. Một học giả ở Trung Quốc lập luận rằng, sau khi Bắc Kinh ủng hộ những lo ngại của Ấn Độ về các tổ chức khủng bố được Islamabad chống lưng, áp lực sẽ gia tăng đối với Pakistan. Cuối cùng, tuyên bố Thượng đỉnh Hạ Môn là sự thất bại của chính sách ngoại giao và nên ngoại giao của Islamabad, và là chiến thắng trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ.
Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ
[1] Văn kiện thượng đỉnh lần thứ 9 Nhóm BRICS
[2] PTI, BEICS: Lần đầu tiên, Trung Quốc tố cáo các nhóm khủng bố có trụ sở tại Pakistan, Telangana Today, September 4, 2017, https://telanganatoday.com/china-terror-groups-pakistan
[3] Ankit Panda, Xung đột tại Doklam: Tại sao và như thế nào sự chệch hướng Ấn Độ - Trung Quốc kết thúc, The Diplomat, August 29,2017
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục
Tư liệu Nghiên cứu Ấn Độ 04:00 12-12-2024
G20 và Cơ hội Mở Rộng Quan Hệ Ấn Độ - Mỹ Latinh
Tư liệu Nghiên cứu Ấn Độ 03:00 12-12-2024