Hội nghị thượng đỉnh Phật giáo toàn cầu thể hiện sức mạnh mềm Ấn Độ
Hội nghị thượng đỉnh Phật giáo toàn cầu (GBS) vừa được tổ chức tại New Delhi ngày 20-21 tháng 4 năm 2023. Đây là một trong những hội nghị lớn nhất xét về thành phần tham dự cấp cao. GBS được tổ chức bởi Liên đoàn Phật giáo Quốc tế (IBC) có trụ sở tại Delhi với sự hỗ trợ của chính phủ Ấn Độ.
Ngoài Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14, Tai Situpa Rinpoche và các thiền sư lỗi lạc như Mingyur Rinpoche, Hòa thượng Việt Nam Thích Trí Quảng, Thượng Tọa Sitagu Sayadaw của Myanmar, Pomnyun Sunim của Hàn Quốc, Lãnh đạo tối cao của Phật giáo Mông Cổ Khamba Lama Choijamts, Jetsunma Tenzin Palmo và nhà Tây Tạng học nổi tiếng Giáo sư Robert Thurman. Hội nghị có gần 500 người tham dự. Trong số này, gần 180 người là chức sắc nước ngoài.
Quy mô và phạm vi của các nhà lãnh đạo Phật giáo sáng chói như vậy đều tập trung tại một nơi là điều mà không hội nghị toàn cầu nào khác đạt được. Ngay cả Hội Liên hữu Phật tử Thế giới (WFB) có trụ sở tại Bangkok cũng được coi là không đủ sức hút như GBS.
Điều này đặt ra một câu hỏi: GBS có phải là buổi bình minh của một nơi gặp gỡ toàn cầu thực sự, nơi những bộ óc Phật giáo tốt nhất có thể tập hợp, thảo luận và đưa ra các giải pháp có ý nghĩa? Chìa khóa ở đây là những nguyện vọng có ý nghĩa và hiệu quả hơn là công bố một danh sách những việc cần làm rồi quên ngay sau khi hội nghị kết thúc. Vậy, Ấn Độ đã làm gì để mọi thứ trở nên đúng đắn?
Cho dù do lựa chọncó chủ đích hay chỉ là lập kế hoạch ngẫu nhiên để mọi thứ đi vào đúng vị trí, thì sự thành công của GBS đều phụ thuộc vào một số yếu tố quan trọng.
Thực sự toàn cầu
Từ "toàn cầu" trong nhiều “cái gọi là” hội nghị Phật giáo thật đáng buồn chỉ là một cách gọi sai. Mời hai hoặc ba cái tên nổi tiếng làm người thuyết trình chính và mời nhiều quốc gia tham dự có thể biểu thị cảm giác quốc tế của nó, nhưng với tư cách là người tạo ra tác động, nó luôn kết thúc trong tiếng thở dài. "Toàn cầu" có nghĩa là nó phải có tầm ảnh hưởng tiếp cận, nơi những người tham gia cảm thấy rằng họ có vai trò trong việc tạo ra tác động.
Bên cạnh những tên tuổi lớn làm rạng danh GBS, một số liệu thống kê ẩn chứa một số phân tích thú vị. Đoàn quốc gia lớn nhất tham dự sự kiện này, ngoài nước chủ nhà, là Việt Nam, với 30 đại biểu. Trong khi Việt Nam có một số lượng lớn Phật tử, ảnh hưởng của Phật giáo Việt Nam vượt ra cả nước ngoài nhờ danh tiếng của cố Thượng tọa Thích Nhất Hạnh.
Đạo Phật của Thích Nhất Hạnh vươn tới mọi nơi trên thế giới, trong đó phương Tây có những tín đồ nhiệt thành nhất. Khi một phái đoàn như vậy tham gia vào một hội nghị, những người theo phái đoàn đó có xu hướng quan tâm đến quá trình thảo luận. Quốc tế rất quan tâm tới các phiên thảo luận. Điều tương tự cũng xảy ra với những vị thầy nổi tiếng của Tây Tạng, chẳng hạn như Đức Pháp Vương và Đức Đạt Lai Lạt Ma.
Sức mạnh của nước chủ nhà
Phật giáo toàn cầu chưa bao giờ có tiếng nói thống nhất. Ngay cả khi các vấn đề xảy ra đe dọa đến lợi ích của Phật tử, hiếm khi đạt được sự đồng thuận trên mặt trận chung. Một ví dụ là việc phá hủy các tượng Phật ở Bamiyan vào năm 2001 bởi Taliban. Những lời phản đối gay gắt từ các chính phủ Phật giáo nhạt nhòa trước sự quở trách trực tiếp từ các quốc gia Hồi giáo như Ả Rập Saudi và Pakistan. Phật tử không lên tiếng tập thể để phản đối.
Tại sao như vậy? Bởi vì nói chung, các quốc gia có đa số Phật tử được coi là nhỏ. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu một siêu cường đang phát triển như Ấn Độ giờ đây nắm lấy vai trò lãnh đạo và ủng hộ các vấn đề Phật giáo, liệu điều đó có tạo nên sự khác biệt? Tất nhiên, quyền lực đi kèm với trách nhiệm. Nhưng với sức mạnh đến từ một siêu cường quốc, không ai có thể bỏ qua tiếng nói của siêu cường.
Một số người có thể thắc mắc tại sao lại để số phận của Phật tử trong tay người Ấn Độ giáo, giống như những gì đã xảy ra với ủy thác quản lý của ngôi đền Mahabodhi ở Bồ đề Đạo Tràng? Nếu Ấn Độ muốn đóng vai trò dẫn đầu, liệu các quốc gia có đa số Phật tử khác có ủng hộ không?
Trong khi một số người có thể e ngại về động thái củng cố “sức mạnh mềm” của Ấn Độ bằng cách sử dụng đức tin Phật giáo, thì Phật giáo nói chung có thể được hưởng lợi từ một cách tiếp cận hợp nhất hơn. Với nguồn tài chính tốt hơn, quan tâm nhiều hơn đến nghiên cứu dựa trên cơ sở khoa học để hiểu triết học Phật giáo, việc áp dụng xây dựng sự đồng thuận và xây dựng chính sách chính xác hơn để đối mặt với những thách thức hiện tại bằng cách sử dụng giáo lý Phật giáo, đây có thể là một yếu tố thay đổi cuộc chơi.
Giáo hội và phương pháp tiếp cận khoa học
GBS tập trung thảo luận về khủng hoảng môi trường, sức khỏe và tính bền vững. Tham dự diễn đàn đặc biệt này là một trải nghiệm mở rộng tầm mắt vì nội dung của các cuộc thảo luận là của những người tham gia nghiên cứu khoa học, thậm chí có các chủ đề về đa dạng sinh học và môi trường.
Một ví dụ là bài trình bày của Tiến sĩ Sarah Kim Gruetzmacher, đưa ra một báo cáo xuất sắc dựa trên thực tế về việc sử dụng đất vô trách nhiệm đang hủy hoại đa dạng sinh học, dẫn đến sự gia tăng của các bệnh lây truyền từ động vật sang người gây ra các đại dịch như COVID-19 và cúm gia cầm. Cô ấy không chỉ vạch ra các vấn đề mà còn đề xuất các bước để ngăn chặn các đại dịch trong tương lai, tất cả đều có lý lẽ và sự thật khoa học xác đáng.
Điều mới mẻ là cách cô ấy lập luận về việc sử dụng lòng từ bi của Phật giáo để chúng ta học cách đối xử với động vật bằng sự tôn trọng và tử tế. Bằng cách đó, "... chúng ta có thể giảm đáng kể nguy cơ xảy ra đại dịch trong tương lai".
Ban tổ chức GBS chắc chắn có thể nâng cao chất lượng Hội nghị bằng cách đảm bảo rằng ủy ban cố vấn không chỉ bao gồm các tăng ni quen thuộc với kiến thức và truyền thống Phật giáo. Ban quản lý Hội nghị cần phải táo bạo và phác thảo một cách tiếp cận chiến lược sẽ khiến các Phật tử tham gia thảo luận với các nhà khoa học.
Điều này đã được Giáo sư Robert Thurman đề cập trong bài phát biểu của ông vào ngày thứ hai của hội nghị. Vì Phật giáo đòi hỏi phải xem xét và kiểm tra chặt chẽ các giáo lý của nó, như được thể hiện trong Kinh Kalama, không có lý do gì mà cuộc hôn nhân giữa triết học và nghiên cứu khoa học không thể thực hiện được. Nếu Giáo hội Ấn Độ bắt tay vào việc này, Ấn Độ sẽ được công nhận là động lực khiến Phật giáo trở nên phù hợp trong thời đại này.
Đất Phật tôn trọng truyền thống
Có một điều mà không một quốc gia nào có trừ Ấn Độ, đó là đất nước Ấn Độ là cái nôi của Đức Phật. Với sự liên kết này dẫn đến mối liên hệ với các tổ chức tôn giáo, từ các văn bản của nó (Tipitaka) đến các trường học và truyền thống. Một trong số đó là trường đại học truyền thống Nalanda nổi tiếng, đã từng là nguồn sáng tạo và học thuật xuất sắc.
Truyền thống Nalanda được ghi nhận là nguồn gốc của sự ra đời của Phật giáo Tây Tạng, hay Kim cương thừa, từ đó đã mang đến cho chúng ta những Đạo sư xuất sắc như Liên Hoa Sinh, Long Thọ và Atisa. Ngày nay, truyền thống Nalanda có thể được mở rộng sang chủ yếu là người Brazil theo đạo Thiên chúa thông qua sự cống hiến của Ricardo Sasaki.
Đặc biệt, Ấn Độ và Giáo hội Phật giáo Ấn Độ nên đóng vai trò tích cực hơn trong việc đảm bảo rằng truyền thống này tiếp tục phát triển, cả trong và ngoài Ấn Độ. Nó nên được thực hiện như một chương trình nghị sự của Ấn Độ đưa ra nước ngoài. Nếu những phát hiện của Yi Jing có thể chỉ ra rằng Nalanda ngày xưa có thể gây ảnh hưởng đến tận Hàn Quốc và Sumatra ở Indonesia, thì với kết nối Internet nhanh và giao tiếp hiệu quả ngày nay, không có lý do gì mà tinh thần học thuật và nghiên cứu xuất sắc này không thể được nhân rộng và hồi sinh.
Hiệp hội thông minh, mạng thông minh
Bộ não thu hút bộ não. Các mạng lưới được xây dựng với sự xuất hiện của trí thông minh thậm chí còn là những đổi mới mang tính đột phá hơn. Đây là cơ sở để thành lập Thung lũng Silicon ở California. Hội nghị GBS nên xem xét để mở rộng điểm cố định để phát triển Du lịch Phật giáo.
Năm 2020, Tổ chức Du lịch Thế giới của Liên hợp quốc (UNWTO) đã công bố một nghiên cứu mang tính bước ngoặt về "Du lịch Phật giáo ở Châu Á: Hướng tới Phát triển Bền vững". Báo cáo cho rằng, Ấn Độ có thể đóng vai trò và thúc đẩy phát triển mạng lưới đặc biệt bao gồm các công ty lữ hành, quản lý di sản, công ty hàng không và tư vấn du lịch để tận dụng di sản Phật giáo phong phú của Ấn Độ.
Một sự phát triển thú vị đã xảy ra một cách tình cờ là sự khởi đầu của việc cung cấp tin tức Phật giáo. Kể từ năm 2016, Ấn Độ đã mời các cơ quan thông tấn Phật giáo độc lập không có trụ sở tại Nam Á đưa tin về các hoạt động của mình. Bắt đầu từ SAMVAD, các Buddha Channel (Malaysia), Lotus Communication Network và IDN (Úc), Buddha Door (Hồng Kông) và Buddhist Television Network (BTN) của Hàn Quốc đã trở thành những cái tên quen thuộc đưa tin về các sự kiện này.
Thông qua chương trình truyền thông dành cho báo chí do Lotus Communication Network khởi xướng, những kênh thông tin này đã thiết lập được tình bạn và sự tin tưởng trong nhiều năm qua. Tại Hội nghị GBS này, một nỗ lực đã được thực hiện để chia sẻ tin tức, thiết lập khuôn khổ cơ bản của một tập đoàn tin tức chuyên về chủ đề Phật giáo.
Sau Hội nghị GBS sẽ là gì?
Điều gì xảy ra sau GBS 2023 sẽ phụ thuộc rất nhiều Chính phủ Ấn Độ. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã thể hiện sự tận tâm và quan tâm trong việc chia sẻ những nỗ lực không ngừng của Ấn Độ đối với việc bảo tồn các di sản Phật giáo trong nước và thành lập các trung tâm nghiên cứu và học tập Phật giáo.
Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy các giá trị như lòng từ bi, bất bạo động và cùng chung sống hòa bình, vốn là cốt lõi của Phật giáo, để giải quyết các thách thức toàn cầu và tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn cho các thế hệ tương lai.
Giáo hội Phật giáo Ấn Độ chắc chắn sẽ đóng vai trò tích cực hơn trong các vấn đề Phật giáo khu vực, với sự hỗ trợ của chính phủ. Liệu các quốc gia Phật giáo khác hay người dân có chấp nhận sự liên kết địa chính trị mới này hay không vẫn còn là điều cần tranh luận.
Tác giả: Lim Kooi Fong là một chuyên gia CNTT người Malaysia, và là người sáng lập Kênh truyền thông Phật giáo.
Nguồn: https://www.indepthnews.net/index.php/opinion/6122-the-global-buddhist-summit-exhibits-india-s-soft-power
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục
Ấn Độ Đang trỗi dậy trong cuộc đua AI toàn cầu
Tư liệu Nghiên cứu Ấn Độ 10:00 06-09-2024
Ấn Độ bảo vệ chuỗi cung ứng công nghệ
Tư liệu Nghiên cứu Ấn Độ 12:09 01-09-2024
Hiến pháp Ấn Độ: văn kiện cải cách xã hội
Tư liệu Nghiên cứu Ấn Độ 12:18 01-09-2024