Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Hồi ứng và đối sách của Ấn Độ đối với kế hoạch “Một vành đai, một con đường” của Trung Quốc (Phần 1)

Hồi ứng và đối sách của Ấn Độ đối với kế hoạch “Một vành đai, một con đường” của Trung Quốc (Phần 1)

Có thể khẳng định rằng, kế hoạch “Một vành đai, một con đường” ra đời là nhằm phù hợp với nhu cầu mở cửa của Trung Quốc trong thời kỳ mới, là bước đi quan trọng trong hợp tác giữa Trung Quốc với các quốc gia châu Âu, châu Á, châu Phi. Ấn Độ, với vai trò quan trọng trong chiến lược “Con đường tơ lụa” của Trung Quốc, nên thái độ của nước này về cái gọi là “Một vành đai, một con đường” đặc biệt đáng chú ý. Mặc dù Ấn Độ vẫn né tránh câu trả lời về chiến lược này của Trung Quốc, nhưng thông qua sự lựa chọn hợp lý trong từng bước đi, ví dụ như sự kết nối giữa “Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ XXI” với “Kế hoạch Mausam”*** của Ấn Độ, thúc đẩy xây dựng hành lang kinh tế Banglades - Trung Quốc - Ấn Độ - Myanmar, cũng như tăng cường giao lưu văn hóa, xoa dịu sự đối lập song phương về dân ý. v.v.., từ đó khiến sự hợp tác giữa Ấn Độ và Trung Quốc trong khuôn khổ trên trở thành khả năng.

05:13 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Hồi ứng và đối sách của Ấn Độ đối với kế hoạch “Một vành đai, một con đường” của Trung Quốc*

Yang Siling**

Tháng 9, 10 năm 2013, trong chuyến thăm đến các nước Trung Á và Đông Nam Á, Tập Cận Bình đã đưa ra ý tưởng chiến lược xây dựng “Vành đai kinh tế con đường tơ lụa” và “Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ XXI”. Nhìn một cách tổng thể, kế hoạch “Một vành đai, một con đường” là sự thử nghiệm của Trung Quốc về điểm đột phá mới trong cải cách mở cửa thời kỳ mới, nó không những kế thừa sự phát triển lịch sử, mà cũng hàm chứa mong muốn thúc đẩy hợp tác và tăng cường quan hệ giữa Trung Quốc với các nước xung quanh. Nhìn từ góc độ lịch sử, Ấn Độ đóng vai trò vô cùng quan trọng ở phía Bắc và phía Nam của Con đường tơ lụa. Ấn Độ có vị trí rất quan trọng trong Chiến lược “Một vành đai, một con đường” trong thời kỳ mới của Trung Quốc. Nhìn một cách khách quan, do bị ràng buộc bởi địa chính trị và quan hệ song phương, nên Ấn Độ vẫn giữ thái độ lảng tránh đối với chiến lược này của Trung Quốc. Vì thế, việc lựa chọn cách thức hợp tác hiệu quả trong khuôn khổ “Một vành đai, một con đường” là vấn đề bức thiết cần giải quyết.

1. Ấn Độ: Viên ngọc lấp lánh trên Con đường tơ lụa cổ đại

Trên Con đường tơ lụa cổ đại, Ấn Độ chiếm một vị trí rất nổi bật. Theo hướng đi, về cơ bản có thể phân chia con đường tơ lụa cổ đại giữa Trung Quốc và Ấn Độ theo các con đường sau:

Một là, Con đường tơ lụa phía Bắc[1]. Con đường này chủ yếu xuất phát từ Tân Cương, Trung Quốc, đi ngang qua Trung Á, Tây Á đến Nam Á và châu Âu. Năm 140 tr.CN thời Hán Vũ Đế, Trương Khiên phụng mệnh đi sứ Tây Vực, mặc dù Trương Khiên đi sứ không thành công, nhưng điều này không chỉ mở ra một kỷ nguyên thịnh vượng về giao lưu văn hóa và thương mại cho Con đường tơ lụa phía Bắc, hơn nữa, cũng gợi mở về sự tồn tại của Con đường tơ lụa ở phía Nam. Trương Khiên, sau khi đến Đại Hạ, đã kinh ngạc phát hiện ra tre trúc và sợi bông ở phía Tây Nam Trung Quốc được mua bán ở đây, những hàng hóa được các đoàn thương nhân Ấn Độ mang qua phía Bắc Ấn Độ và Afghanistan mang đến. Những thông tin này được nhà Tây Hán xem trọng, sau khi nhà Hán xua quân đẩy lùi người Hung Nô ở biên giới phía Tây, con đường thông thương từ Trung Quốc đến Trung Á được thông suốt, hoạt động thương mại từ khắp nơi, bao gồm cả Ấn Độ đã tràn vào Trung Quốc. Năm 65, Dharmaraksa và Kasyapa Matanga - hai nhà truyền giáo Phật giáo Ấn Độ đến Trung Quốc xây dựng nên ngôi chùa Bạch Mã nổi tiếng, mở ra thời kỳ đỉnh cao về giao lưu văn hóa Trung Ấn. Con đường tơ lụa Trung Ấn xuất phát từ Trường An - kinh đô dưới thời nhà Hán, ra khỏi ải Ngọc Môn, băng qua phía Bắc và Nam của sa mạc Tarim đến Kashgar, Taxkorgan, sau đó tiếp tục đến Gilgit-Baltistan, thượng du sông Ấn. Một phân nhánh khác của Con đường tơ lụa bắt nguồn từ bình nguyên Kashgar, vượt qua cao nguyên Pamir, băng qua vương quốc Tocharia để đến Đại Hạ, sau đó lại tiếp tục vượt qua dãy núi Hindu Kush để đến Bamiyan, sau đó lại đi qua thành Hila và Jalalabad, men theo lòng chảo Kabul để đến khu vực phía Tây bắc Ấn Độ. Chúng ta có thể thấy rằng, Con đường tơ lụa phía Bắc cổ xưa này đã hình thành nên một số khu vực văn hóa vô cùng quan trọng, ví dụ như Madhya-desa, Đôn Hoàng, Hotan hay Pamir,…

Hai là, Con đường tơ lụa phía Tây Nam, hay còn gọi là Con đường tơ lụa phía Nam cổ đại. Vào thế kỷ thứ II tr.CN, thương nhân Ấn Độ đã từ phía Bắc Ấn, thậm chí Đại Hạ đã đến Trung Quốc mua hàng. Vào thế kỷ I, các thương nhân Trung Quốc đã theo học đạo từ khu vực phía Đông Ấn đến tận cửa sông Hằng. Trước và sau khoảng thời gian này, các tăng lữ Phật giáo Ấn Độ đã truyền đạo đến Assam, Myanmar và Trung Quốc. Con đường tơ lụa này phân thành hai nhánh: Một nhánh xuất phát từ Tứ Xuyên, băng qua Vân Nam, bắc Myanmar đến vùng Assam của Ấn Độ, sau đó đến khu vực Trung Á. Hướng đi cụ thể của con đường tơ lụa này từ Côn Minh, Vân Nam đến Bhamo, Myanmar, sau đó chia thành 3 nhánh: Một nhánh từ bắc Myanmar đi vào vùng núi Patkai, băng qua sông Yarlung Tsangpo, Banglades; Nhánh thứ hai từ sông Khâm Đôn đến Manipur; Nhánh thứ ba từ sông Ayeyarwady đến Arakan. Cả ba nhánh trên hội tụ tại Guwahati ở Assam, Ấn Độ, băng qua bắc Banglades, Raj Mahal và Bhagalpur, đến Patna cố đô cũ của Ấn Độ. Một con đường tơ lụa phía nam khác bắt đầu từ Tây Tạng, băng qua Nepal rồi đến Ấn Độ, thông qua Trung Á, con đường này còn có tên gọi là con đường Trà ngựa (Tea Horse Road).

Ba là, Con đường tơ lụa trên biển[2]. Con đường này là tuyến đường trên biển về trao đổi văn hóa và thương mại giữa Trung Quốc cổ đại và nước ngoài. Đặc biệt, cùng với sự phát triển không ngừng về kỹ thuật hàng hải, tính ưu việt về đường biển càng được thể hiện, đặc biệt, đường biển không chịu sự hạn chế về địa hình, dễ đến đích, càng thúc đẩy sự hình thành và phát triển về con đường tơ lụa trên biển giữa Trung Quốc và Ấn Độ. Từ góc nhìn Ấn Độ, ảnh hưởng về sự truyền bá văn hóa qua con đường này đối với Ấn Độ rất sâu sắc, điều này có thể thấy rõ thông qua sự hình thành của các quốc gia hoặc dân tộc như khu vực Đông Dương hay Indonesia. Trung Quốc và Ấn Độ cũng thông qua Con đường tơ lụa trên biển để tăng cường các hoạt động trao đổi về thương mại và văn hóa. Từ nửa sau thế kỷ thứ VII, cùng với việc Con đường tơ lụa phía Bắc bị quấy rối, Con đường tơ lụa trên biển đã trở thành con đường giao thương duy nhất giữa hai nước này.

Tóm lại, nếu tiến hành khảo sát với trung tâm là Ấn Độ, chúng ta có thể phát hiện ra rằng, Con đường tơ lụa phía Bắc, Con đường tơ lụa phía Nam và Con đường tơ lụa trên biển không hề đứng độc lập, mà thể hiện sự kết nối liên hoàn, trong đó Ấn Độ là điểm tụ hội quan trọng nhất. Ấn Độ là đích đến quan trọng và cũng là trung tâm hội tụ của các con đường tơ lụa. Con đường tơ lụa phía Bắc từ Trung Á hướng đến Ấn Độ, Con đường tơ lụa phía Nam từ Myanmar đến Ấn Độ, điểm cuối cùng liên kết giữa Kashmir và Trung Á, giao kết với Con đường tơ lụa phía bắc; Con đường tơ lụa trên biển đi từ biển Hoa Đông, Biển Đông (Việt Nam) để vào Ấn Độ Dương, đến bờ biển phía Tây Ấn Độ. Kết cấu và đặc điểm của con đường tơ lụa này thể hiện rõ ràng nhất ở Pháp Hiển - một nhà sư Trung Quốc, đi theo con đường tơ lụa phía Bắc đến Ấn Độ, rồi sau đó đi theo con đường tơ lụa trên biển từ Ấn Độ để quay về với Trung Quốc. Nhìn từ góc độ này, Ấn Độ đóng một vị trí không thể thay thế trên con đường tơ lụa cổ đại, và có tác dụng cực kỳ quan trọng trong giao lưu văn hóa Đông Tây, là viên ngọc sáng lấp lánh trên con đường tơ lụa cổ đại. (Còn tiếp) 

(Xem tiếp phần 2)


[1]Shi Jueming, “Ấn Độ và Trung Quốc: Lịch sử quan hệ văn hóa Trung - Ấn”, Tạp chí Ấn Độ ngày nay, 7.2012, tr. 6-10.

[2] Shi Jueming, “Ấn Độ và Trung Quốc: Lịch sử quan hệ văn hóa Trung Ấn”, Tạp chí Ấn Độ ngày nay, 7.2012, tr. 6-10.


* Trung Quốc, Tạp chí “Toàn cảnh Nam Á”, 6.2014.

** Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nam Á, Học viện Khoa học xã hội Vân Nam, Trung Quốc.

*** Kế hoạch Mausam: Kế hoạch Con đường hàng hải trên Ấn Độ Dương và cảnh quan văn hóa

Người dịch: ThS Đỗ Khương Mạnh Linh
Hiệu đính: PGS, TS Lê Văn Toan

Nguồn:

Cùng chuyên mục