Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Hồi ứng và đối sách của Ấn Độ đối với kế hoạch “Một vành đai, một con đường” của Trung Quốc (Phần 2)

Hồi ứng và đối sách của Ấn Độ đối với kế hoạch “Một vành đai, một con đường” của Trung Quốc (Phần 2)

Có thể khẳng định rằng, kế hoạch “Một vành đai, một con đường” ra đời là nhằm phù hợp với nhu cầu mở cửa của Trung Quốc trong thời kỳ mới, là bước đi quan trọng trong hợp tác giữa Trung Quốc với các quốc gia châu Âu, châu Á, châu Phi. Ấn Độ, với vai trò quan trọng trong chiến lược “Con đường tơ lụa” của Trung Quốc, nên thái độ của nước này về cái gọi là “Một vành đai, một con đường” đặc biệt đáng chú ý. Mặc dù Ấn Độ vẫn né tránh câu trả lời về chiến lược này của Trung Quốc, nhưng thông qua sự lựa chọn hợp lý trong từng bước đi, ví dụ như sự kết nối giữa “Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ XXI” với “Kế hoạch Mausam” của Ấn Độ, thúc đẩy xây dựng hành lang kinh tế Banglades - Trung Quốc - Ấn Độ - Myanmar, cũng như tăng cường giao lưu văn hóa, xoa dịu sự đối lập song phương về dân ý. v.v.., từ đó khiến sự hợp tác giữa Ấn Độ và Trung Quốc trong khuôn khổ trên trở thành khả năng.

05:11 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Hồi ứng và đối sách của Ấn Độ đối với kế hoạch “Một vành đai, một con đường” của Trung Quốc*

Yang Siling**

(Tiếp theo phần 1)

2. Ý nghĩa của “Một vành đai, một con đường” đối với hai nước Ấn, Trung

Sự huy hoàng trước đây trên con đường tơ lụa đã mang lại nhiều gợi mở cho các nhà lãnh đạo hiện tại, trên cơ sở đó đề ra ý tưởng phát triển “Một vành đai, một con đường”. Trước khi Tập Cận Bình đến thăm Ấn Độ, Ngoại trưởng nước này đã bày tỏ, Trung - Ấn là hai sức mạnh quan trọng trong một thế giới đa cực, là hai thị trường to lớn, và cũng là hai nền văn minh vĩ đại. Nhiệm vụ trước mắt của hai nước là thực hiện công cuộc chấn hưng dân tộc. Trong tiến trình đó, Trung Quốc nguyện đứng bên cạnh Ấn Độ, hy vọng kết nối chiến lược phát triển với Ấn Độ để cùng nhau phồn vinh; kết nối quan niệm phát triển, thúc đẩy giao lưu, trao đổi kinh nghiệm quản trị hai nhà nước; kết nối hai nền văn minh, ra sức cống hiến cho sự tiến bộ của nền văn minh nhân loại[1]. Chiến lược “Một vành đai, một con đường” mang ý nghĩa quan trọng đối với sự kết nối phát triển chiến lược Trung - Ấn. Ngụy Vi – nguyên Đại sứ Trung Quốc tại Ấn Độ cho rằng, “Một vành đai, một con đường” phù hợp với lợi ích chung hai quốc gia Trung, Ấn, thúc đẩy tiến trình nhất thể hóa kinh tế khu vực Nam Á, nó hoàn toàn có thể trở thành điểm tăng trưởng mới cho quan hệ đối tác chiến lược Trung, Ấn[2].

Tóm lại, chiến lược phát triển “Một vành đai, một con đường” có những ý nghĩa sau đối với hai quốc gia Trung, Ấn:

Một là, thực hiện nhiệm vụ phát triển hai nước. Nhìn từ thực tế phát triển có thể thấy rằng, hai nước đều là các quốc gia đang phát triển, thu nhập bình quân đầu người còn tương đối thấp, vấn đề nghèo đói ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển. Nếu muốn thực hiện cải cách và giải quyết các vấn đề trong nước thì vẫn cần phải giải quyết vấn đề phát triển. Ở Trung Quốc, số người sống ở mức nghèo đói là 128 triệu người, chiếm 10% dân số. Người nghèo Ấn Độ còn nhiều hơn, với 355 triệu người, chiếm 29,8% dân số. Để thực hiện nhiệm vụ phát triển, Trung Quốc đã bước vào giai đoạn đi sâu cải cách toàn diện, xác định 15 lĩnh vực và hơn 330 hạng mục cải cách; Chính phủ mới của Ấn Độ do Thủ tướng Modi lãnh đạo đã xác lập hơn 10 hạng mục lớn cần tiến hành cải cách như: thể chế bộ máy quản lý, cải thiện hạ tầng cơ sở,… tập trung xây dựng một “Ấn Độ kiệt xuất” đoàn kết, mạnh mẽ và hiện đại. Rõ ràng, hai nước muốn thực hiện mục tiêu kể trên đều cần đến hợp tác khu vực và quốc tế. Chiến lược “Một vành đai, một con đường” có thể thỏa mãn nhu cầu phát triển nội tại của hai nước, đặc biệt là mức độ phụ thuộc vào phát triển kinh tế đối ngoại của hai nước này ngày càng cao thì chiến lược “Một vành đai, một con đường” càng mang ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế. Nói cách khác, chiến lược “Một vành đai, một con đường” không chỉ có thể thực hiện tác dụng bổ sung ưu thế trong hợp tác kinh tế giữa hai nước, mà sự hợp tác song phương này còn có thể phát xạ ra khu vực Viễn Đông và khu vực Âu, Á, Phi rộng lớn hơn, từ đó thúc đẩy sự phát triển kinh tế nội địa hai nước.

Hai là, sâu sắc hóa lòng tin chiến lược giữa hai nước. Bản chất của “Một vành đai, một con đường” chủ yếu thúc đẩy hợp tác và giao lưu kinh tế và văn hóa. Về lĩnh vực kinh tế, nó chủ yếu thúc đẩy việc xây dựng cơ sở hạ tầng, kết nối giao thông, thuận lợi hóa đầu tư thương mại,… với tôn chỉ “cùng thắng, xây dựng lợi ích chung, chắp cánh cho công cuộc chấn hưng toàn châu Á”. Nhìn từ phương diện định vị quốc gia, các nước trên thế giới lo lắng Trung Quốc thông qua chiến lược này để mở rộng ảnh hưởng, theo đuổi mục tiêu cường quốc, nên chủ yếu hạn chế trong lĩnh vực kinh tế và văn hóa. Nhìn từ góc độ kinh tế, sự liên kết kinh tế chặt chẽ giữa các quốc gia có tác dụng trực tiếp trong việc tăng cường lòng tin lẫn nhau, theo nghiên cứu của Polachek, tăng trưởng thương mại tăng gấp đôi có thể giảm thiểu 17% nguy cơ xung đột giữa hai quốc gia[3]. Về hợp tác kinh tế Trung Ấn, hai nước vẫn còn tiềm năng to lớn chưa khai thác, tổng dân số hai nước khoảng 2,5 tỷ, nhưng kim ngạch thương mại song phương chưa đến con số 70 tỷ USD. Cơ hội hợp tác kinh tế do “Một vành đai, một con đường” mang lại có tác dụng thúc đẩy thương mại song phương, một khi thương mại hai nước được tăng trưởng ở biên độ lớn, ví dụ tăng trưởng đến con số 200 - 300 tỷ USD thì sự mức độ phụ thuộc lẫn nhau sẽ tăng lên, từ đó lòng tin chiến lược cũng không ngừng tăng lên. Nhưng hợp tác giao lưu văn hóa giữa hai nước hiện nay không được khả quan, trao đổi nhân viên giữa hai nước năm 2013 không đến 1 triệu lượt, con số này không tương xứng với hiện trạng phát triển hợp tác và quan hệ hai nước. Do giao lưu về văn hóa còn yếu kém, nên dẫn đến những hiểu lầm thâm căn cố đế giữa đôi bên đã ảnh hưởng to lớn đến sự phát triển quan hệ song phương[4]. Có thể dự đoán rằng, các hoạt động trao đổi, giao lưu văn hóa giữa hai nước trong khuôn khổ “Một vành đai, một con đường” sẽ thúc đẩy việc xây dựng quan hệ hữu hảo giữa hai nước, cải thiện lòng tin chiến lược, góp phần tăng cường hợp tác chặt chẽ hơn.

Ba là, bảo vệ an toàn đường biển và môi trường khu vực. Tuy tôn chỉ của chiến lược “Một vành đai, một con đường” là tập trung hợp tác phát triển kinh tế, nhưng vấn đề an ninh không bị xem nhẹ. Trên “một vành đai” này, vấn đề an ninh khu vực chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa khủng bố, đặc biệt là các khu vực Trung Á, Tây Á và Nam Á, sự trỗi dậy của chủ nghĩa khủng bố và đấu tranh chống khủng bố tạo nên uy hiếp và thách thức nghiêm trọng đến an ninh và hợp tác khu vực; trên “một con đường”, vấn đề cướp biển tương đối nghiêm trọng. Theo thống kê, từ năm 1994 đến 2004, khu vực hoạt động cướp biển nghiêm trọng nhất là phía Đông Ấn Độ Dương, tức khu vực eo biển Malacca và khu vực biển Indonesia, tổng cộng đã xảy ra 1.050 vụ tấn công của cướp biển, khu vực biển Somalia xảy ra 75 vụ; từ sau năm 2005, các vụ cướp biển ở khu vực Tây Ấn Độ Dương như biển Somalia và vịnh Aden tăng lên nhanh chóng, từ năm 2005 đến 2009, tổng cộng xảy ra 416 vụ[5]. Vì thế, để bảo vệ môi trường hợp tác “Một vành đai, một con đường”, Trung Quốc và Ấn Độ với tư cách là hai quốc gia đang phát triển lớn nhất khu vực châu Á, hai nước này có trách nhiệm trong việc bảo vệ an ninh và hoà bình trong khu vực. Trong khuôn khổ “Một vành đai, một con đường”, việc bảo vệ an ninh đường biển và môi trường khu vực có thể tạo môi trường bên ngoài thuận lợi cho sự phát triển và phù hợp với lợi ích chung hai nước.

3. Thái độ và câu trả lời của Ấn Độ đối với kế hoạch “Một vành đai, một con đường”

Các quốc gia Nam Á có vị trí quan trọng trong kế hoạch “Một vành đai, một con đường” nên Trung Quốc vô cùng xem trọng khu vực này, đặc biệt là sự tham dự và hợp tác của Ấn Độ. Tham tán kinh tế Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cao Chấn Diên bày tỏ: Nhìn từ góc độ lịch sử, Ấn Độ là điểm giao kết giữa con đường tơ lụa trên biển và trên đất liền, hơn 2000 năm trước, hai nước Trung - Ấn đã giao lưu kết nối thông qua con đường tơ lụa phía Nam. Vì thế, chúng tôi tin rằng, hai nước sẽ thu được lợi ích thông qua kế hoạch “Một vành đai, một con đường”. Trung Quốc tin rằng, Ấn Độ chính là “đối tác tự nhiên” trong việc xây dựng kế hoạch “Một vành đai, một con đường”[6]. Tháng 9 năm 2014, Tập Cận Bình thực hiện chuyến thăm ba nước Nam Á gồm Maldives, Sri Lanka và Ấn Độ, ông đã đề xuất kiến nghị xây dựng và phát triển “Con đường tơ lụa trên biển” và được hai quốc gia tích cực hưởng ứng. Ở Maldives, Tập Cận Bình bày tỏ rằng, Maldives nằm trên tuyến đường quan trọng ở Ấn Độ Dương, là trạm dừng quan trọng của con đường tơ lụa trên biển cổ xưa. Trung Quốc hoan nghênh Maldives phát huy ưu thế, tích cực tham gia việc xây dựng “Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ XXI”. Trong chuyến thăm đến Sri Lanka, Tập Cận Bình cũng đề xuất, hai nước thúc đẩy việc phục hưng con đường tơ lụa trên biển để tạo phúc cho nhân dân hai nước[7]. Tổng thống Sri Lanka - Rajapaksa đã có động thái trả lời tích cực, ông cho rằng, ý tưởng xây dựng con đường tơ lụa trên biển của Tập Cận Bình phù hợp với việc xây dựng trung tâm vận chuyển hàng hải Ấn Độ Dương của nước này[8]. Phía Sri Lanka hoan nghênh và ủng hộ, đồng thời tích cực tham gia và hợp tác với phía Trung Quốc.

Tuy nhiên, trái ngược với Maldives và Sri Lanka, Ấn Độ lại có sự thể hiện bảo thủ đối với đề xướng “Một vành đai, một con đường” của Trung Quốc. Trong thực tế, Trung Quốc vô cùng xem trọng vai trò của Ấn Độ trong kế hoạch này. Vào kỳ họp lần thứ 17 về vấn đề biên giới hai nước được tổ chức vào tháng 2 năm 2014, Trung Quốc đã mời Ấn Độ tham gia xây dựng con đường tơ lụa, tháng 6 năm 2014, Phó Tổng thống Ấn Độ thăm Trung Quốc, phía Trung Quốc một lần nữa đưa ra đề nghị tương tự[9]. Tháng 9 cùng năm, trong chuyến thăm Ấn Độ, Tập Cận Bình cũng nhiều lần đưa ra đề nghị Ấn Độ cùng hợp tác trong kế hoạch này[10]. Tuy nhiên, kiến nghị xây dựng “Một vành đai, một con đường” của phía Trung Quốc vẫn chưa nhận được câu trả lời toàn diện từ phía Ấn Độ. (Còn tiếp)

(Xem tiếp phần 3)


[1]Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Buổi họp báo ngày 16.9.2014, Hồng Lỗi – Người phát ngôn Bộ Ngoại giao.

[2] Ngụy Vi, “Kế hoạch “Một vành đai, một con đường” mang lại điểm tăng trưởng mới trong hợp tác Trung Ấn”, 22.5.2014, http://money.163.com/14/9522/17/9SS9OKDN00254T15.html

[3] Worldbank, Trade Bloc, Oxford University Press, 2000. http://www-wds.worldbank.org/external/default/WDSContentServer/IW3P/IB/2000/09/01/000094946_00081805551199/Rendered/PDF/multi_page.pdf

[4]Bộ Ngoại giao Trung Quốc, “Tuyên bố chung về tăng cường quan hệ đối tác phát triển giữa CHND Trung Hoa và Cộng hòa Ấn Độ”, 19.9.2014.

[5]Xu Ke, “Đe dọa cướp biển ở Ấn Độ Dương và chiến lược Ấn Độ Dương của Trung Quốc”, Tạp chí Nghiên cứu Nam Á, 2011.1, tr. 2-14.

[6] China invites India to join its ambitious Silk Road projects, Aug 10, 2014. http://articles.economictimes.indiatimes.com/2014-08-10/news/52648283_1_maritime-silk-road-china-and-india-shanghai-cooperation-organisation

[7]Xi Jinping, “Bạn bè chân thành, Đối tác phát triển”, 14.9.2014, http://www.fmprc.gov.cn/mfa_chn/zyxw_602251/t1190948.shtml

[8]Xi Jinping, “Đối tác theo đuổi giác mơ cùng hội cùng thuyền”, 16.9.2014, http://www.fmprc.gov.cn/mfa_chn/zyxw_602251/t1191563.shtml

[9] Dr Rahul Mishra, What China MUST do to get India on Silk Route, September 17, 2014. http://www.rediff.com/neww/column/what-china-must-do-to-get-india-on-silk-route/20140917.htm

[10] http://www.fmprc.gov.cn/mfa_chn/zyxw_602251/t1192535.shtml

*Trung Quốc, Tạp chí “Toàn cảnh Nam Á”, 6.2014. 
** Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nam Á, Học viện Khoa học xã hội Vân Nam, Trung Quốc.

Người dịch: ThS Đỗ Khương Mạnh Linh
Hiệu đính: PGS, TS Lê Văn Toan

Nguồn:

Cùng chuyên mục