Hồi ứng và đối sách của Ấn Độ đối với kế hoạch “Một vành đai, một con đường” của Trung Quốc (Phần 3)
Có thể khẳng định rằng, kế hoạch “Một vành đai, một con đường” ra đời là nhằm phù hợp với nhu cầu mở cửa của Trung Quốc trong thời kỳ mới, là bước đi quan trọng trong hợp tác giữa Trung Quốc với các quốc gia châu Âu, châu Á, châu Phi. Ấn Độ, với vai trò quan trọng trong chiến lược “Con đường tơ lụa” của Trung Quốc, nên thái độ của nước này về cái gọi là “Một vành đai, một con đường” đặc biệt đáng chú ý. Mặc dù Ấn Độ vẫn né tránh câu trả lời về chiến lược này của Trung Quốc, nhưng thông qua sự lựa chọn hợp lý trong từng bước đi, ví dụ như sự kết nối giữa “Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ XXI” với “Kế hoạch Mausam” của Ấn Độ, thúc đẩy xây dựng hành lang kinh tế Banglades - Trung Quốc - Ấn Độ - Myanmar, cũng như tăng cường giao lưu văn hóa, xoa dịu sự đối lập song phương về dân ý. v.v.., từ đó khiến sự hợp tác giữa Ấn Độ và Trung Quốc trong khuôn khổ trên trở thành khả năng.
Hồi ứng và đối sách của Ấn Độ đối với kế hoạch “Một vành đai, một con đường” của Trung Quốc*
Yang Siling**
Trong thực tế, ở Ấn Độ không hoàn toàn bài trừ kế hoạch này. Ở nước này vẫn tồn tại quan điểm cho rằng, về mặt tổng thể, “Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ XXI” vẫn có lợi cho Ấn Độ, và nó là một cơ hội. Tuy Trung Quốc có thể lợi dụng kế hoạch này để xâm nhập vào Ấn Độ Dương, nhưng nếu Ấn Độ có đủ thực lực kinh tế, hơn nữa Trung Quốc đảm bảo xem trọng các quốc gia thuộc con đường tơ lụa trên biển, đặc biệt là Ấn Độ, điều này có giá trị to lớn đối với Ấn Độ[1]. Quan điểm chủ trương hợp tác này thậm chí được đưa ra, nếu Thủ tướng Modi lẩn tránh vấn đề này thì Ấn Độ sẽ bị đẩy ra ngoài sự thay đổi kinh tế ở khu vực địa chính trị châu Á - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, nhìn từ quan điểm chủ lưu ở Ấn Độ, quan niệm cạnh tranh ảnh hưởng địa chính trị vẫn chiếm ưu thế. Mặc dù Trung Quốc nhiều lần giải thích về mục đích kinh tế của con đường tơ lụa trên biển, nhưng nhìn từ góc độ cạnh tranh, đề nghị về kế hoạch này vẫn tồn tại trong nội bộ Ấn Độ. Có quan điểm cho rằng, con đường tơ lụa trên biển của Trung Quốc thực chất phục vụ cho hai mục đích: Một là, thông qua việc lợi dụng ngoại giao hải quân để chấn hưng quan hệ với các nước láng giềng; Hai là, đây là câu trả lời cho chiến lược “xoay trục” về châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ. Nhìn từ góc độ vĩ mô, viễn cảnh của con đường tơ lụa trên biển chính là chiến lược phòng ngự của Trung Quốc, nếu kế hoạch này của Trung Quốc thành hiện thực, nó có thể đi cùng với ngoại giao quốc phòng với các nước thành viên của kế hoạch này[2]. Cơ quan chiến lược Ấn Độ luôn lo lắng về sự bành trướng của Hải quân Trung Quốc tại Ấn Độ Dương, đồng thời cũng lo lắng về việc Trung Quốc xây dựng cảng biển ở Pakistan và Sri Lanka. Mặc dù phía Ấn Độ không công khai bình luận, nhưng có quan điểm cho rằng, con đường tơ lụa trên biển đã được đưa vào nghị trình an ninh và ngoại giao của Trung Quốc, giống như các cường quốc khác trong quá khứ, với tư cách là thực thể thương mại lớn nhất thế giới, Trung Quốc muốn trở thành cường quốc biển. Họ cho rằng, nhìn từ góc độ Trung Quốc, việc mời Ấn Độ tham gia vào kế hoạch này là hành động rất sáng suốt, nhưng New Delhi lại đang kẹt giữa hai suy nghĩ: Một là, tăng cường hợp tác về biển với Trung Quốc; hai là, kìm hãm sức ảnh hưởng của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương[3].
Trong bối cảnh như thế, về đề nghị “Một vành đai, một con đường” và đặc biệt là “Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ XXI” của Trung Quốc, Ấn Độ vẫn còn đang trong quá trình tính toán. Để tranh giành ảnh hưởng khu vực với Trung Quốc, Chính phủ Modi đã phát động một kế hoạch con đường tơ lụa riêng. Nhìn từ góc độ Ấn Độ, nước này có vị trí chủ đạo trong an ninh và thương mại tại Ấn Độ Dương, vị trí địa lý và thực lực của họ có thể tổ chức các hành động chung với các quốc gia ven bờ Ấn Độ Dương. Xuất phát từ suy nghĩ này, tháng 6/2014, Chính phủ Ấn Độ đã đưa ra kế hoạch Mausam[4]. Theo quan sát của các học giả Ấn Độ, mục đích của kế hoạch này nhằm cân bằng với Trung Quốc, mục tiêu của kế hoạch Mausam nhằm khiến Ấn Độ tái xây dựng quan hệ với các đối tác thương mại cổ xưa, đồng thời xây dựng “thế giới Ấn Độ Dương” với các quốc gia trong khu vực này, “thế giới Ấn Độ Dương” này kéo dài từ Đông Phi, men theo bán đảo A rập, băng ngang qua phía Nam Iran và kéo đến các quốc gia Nam Á, sau đó đến Sri Lanka, và cuối cùng là khu vực Đông Nam Á. Rất rõ ràng, Ấn Độ hy vọng thông qua kế hoạch này để mở rộng sự tồn tại của quốc gia này về các phương diện hải dương, văn hóa, chiến lược và tâm lý ở vùng biển Ấn Độ Dương, đồng thời khiến mọi người nhớ rằng, tại sao đại dương này được gọi tên là “Ấn Độ Dương”. Tóm lại, mặc dù quan hệ Trung Ấn, đặc biệt là quan hệ hợp tác kinh tế tất nhiên sẽ bước vào một giai đoạn mới, nhưng do ảnh hưởng về cạnh tranh địa chính trị, Chính phủ Modi đã không hưởng ứng đề xướng về kế hoạch “Một vành đai, một con đường” của Trung Quốc, hơn nữa, Ấn Độ cũng đã dự tính phát triển một kế hoạch về con đường tơ lụa trên biển theo phiên bản Ấn Độ.
4. Con đường thúc đẩy hợp tác “Một vành đai, một con đường” giữa hai nước Trung - Ấn
Mặc dù Ấn Độ lảng tránh đề nghị hợp tác về kế hoạch “Một vành đai, một con đường” của Trung Quốc, nhưng chuyến thăm của Tập Cận Bình đến Ấn Độ đã thực sự khiến quan hệ hai nước này đạt được bước phát triển to lớn. Đặc biệt, Thủ tướng Modi đã bày tỏ rằng “Ấn - Trung phải phát huy tinh thần “từ inch đến mile” nhằm thúc đẩy quan hệ hai nước tiến lên. Trong bối cảnh như thế, hợp tác giữa hai nước này trong khuôn khổ “Một vành đai, một con đường” cũng trở nên có hy vọng. Trong ngắn hạn, hai nước có thể tiến hành hợp tác thông qua một số con đường sau:
Một là, thực hiện việc kết nối giữa hai kế hoạch “Một vành đai, một con đường” và kế hoạch Mausam. Như đã trình bày ở trên, trong thực tế, Ấn Độ có thái độ tránh né đề nghị về kế hoạch “Một vành đai, một con đường” của Trung Quốc là điều có thể lý giải ở một mức độ nào đó, bởi vì bản thân nước này cũng theo đuổi mục tiêu cường quốc, hơn nữa, nước này cũng tuân theo chính sách ngoại giao “tự chủ chiến lược”, vì thế Ấn Độ dễ dàng từ chối đề nghị của Trung Quốc về kế hoạch “Một vành đai, một con đường”. Nhìn vào kế hoạch của Ấn Độ, việc xây dựng con đường tơ lụa trên biển của nước này chủ yếu xuất phát từ phương diện an ninh và văn hóa. Nhìn từ góc độ giao lưu văn hóa lịch sử Ấn -Trung, nền tảng hợp tác song phương rất vững chắc, vì thế, Trung Quốc phải có thái độ nhún nhường, chủ động kết nối với kế hoạch con đường tơ lụa trên biển của Ấn Độ, đặc biệt cần phải tránh vấn đề an ninh biển nhạy cảm của nước này, mà phải xuất phát từ góc độ văn hóa để tìm kiếm các hạng mục hợp tác.
Hai là, thúc đẩy hợp tác và phát triển hành lang kinh tế Banglades - Trung Quốc - Ấn Độ - Myanmar. Bản thân hành lang kinh tế bốn nước này chính là một bộ phận tổ thành quan trọng của “Một vành đai, một con đường”. Chính phủ Ấn Độ tuy né tránh đề nghị phát triển “Một vành đai, một con đường”, nhưng lại có sự quan tâm đến hành lang kinh tế này. Từ sau khi lên nắm quyền, Chính phủ Modi luôn giữ thái độ tương đối thận trọng về hành lang kinh tế này, trong cuộc gặp giữa Tập Cận Bình và Modi tại Brazil vào tháng 7/2014, Thủ tướng Modi đã không trả lời trực tiếp về đề nghị xây dựng hành lang kinh tế Banglades - Trung Quốc - Ấn Độ - Myanmar do Tập Cận Bình đưa ra, nhưng trong chuyến thăm Ấn Độ vào tháng 9 cùng năm, Thủ tướng Modi lại có câu trả lời tích cực về hành lang kinh tế này. Trong tuyên bố chung giữa hai nước cũng nhấn mạnh rằng: Hai bên chú ý đến tiến trình thúc đẩy hợp tác về hành lang kinh tế Banglades - Trung Quốc - Ấn Độ - Myanmar, hai bên đồng ý tiếp tục nỗ lực để đạt được nhận thức chung sau Hội nghị thứ nhất về tổ hợp tác liên hợp Hành lang kinh tế Banglades - Trung Quốc - Ấn Độ - Myanmar[5]. Đây chính là một tín hiệu tích cực mang ý nghĩa rằng, Chính phủ Modi đã kế thừa chính sách của Chính phủ tiền nhiệm, bằng lòng hợp tác với Trung Quốc phát triển hành lang kinh tế bốn nước. Trong giai đoạn tiếp theo, Trung Quốc cần phải tích cực phát huy vai trò chủ động để tăng cường hợp tác thực chất, đặc biệt là kết nối hệ thống liên lạc về cơ sở hạ tầng, tài chính, du lịch,… Đồng thời, kiến nghị có thể đưa các hạng mục hợp tác có liên quan đến hành lang kinh tế bốn nước vào trong nghị trình của “Ngân hàng Xây dựng hạ tầng châu Á” (AIIB).
Ba là, tổ chức hạng mục triển khai liên hợp về văn hóa “con đường tơ lụa” giữa hai nước Trung - Ấn. Tuy bị bó buộc bởi một số nhân tố, Ấn Độ có thể có những nghi ngờ về đề xuất phát triển kế hoạch “Một vành đai, một con đường” của Trung Quốc, nhưng, trong thực tế, bản thân Ấn Độ cũng biết rằng, giao lưu văn hóa giữa hai nước bắt nguồn từ xa xưa, đặc biệt là Ấn Độ có ưu thế to lớn và nguồn tài nguyên phong phú trong giao lưu trên con đường tơ lụa kết nối Đông Tây, đây chính là nhân tố quan trọng mà Ấn Độ đề xuất kế hoạch Mausam. Hơn nữa, từ thành quả của chuyến thăm Ấn Độ năm 2014 của Tập Cận Bình, chúng ta có thể nhận thấy việc giao lưu trao đổi văn hóa Trung - Ấn đã được Ấn Độ đón nhận. Trong tuyên bố chung của hai nhà lãnh đạo, Trung - Ấn đã đồng ý khởi động “Kế hoạch giao lưu văn hóa Ấn - Trung”, trong đó nhấn mạnh việc Trung Quốc trợ giúp Ấn Độ tuyên truyền các sản phẩm và tuyến du lịch Ấn Độ liên quan đến nhà sư Huyền Trang đến Ấn Độ thỉnh kinh vào thế kỷ thứ VII. Trong thực tế, hai nước có thể tăng cường xây dựng kết nối văn hóa, tổ chức các hoạt động chung về văn hóa “con đường tơ lụa” trên quy mô lớn.
Bốn là, ngăn chặn sai lầm, khống chế sự chia rẽ, dẫn dắt quan hệ hai nước phát triển tích cực. Bất kỳ sự hợp tác nào cũng đều cần một môi trường thuận lợi, hợp tác “Một vành đai, một con đường” giữa hai nước Ấn - Trung cũng không phải là ngoại lệ. Tuy bị ảnh hưởng bởi quan niệm cạnh tranh địa chính trị, Ấn Độ vẫn có thái độ hoài nghi về đề xướng kế hoạch “Một vành đai, một con đường”, đồng thời vẫn không hồi đáp đề xướng của Trung Quốc. Nhưng từ sau chuyến thăm của Tập Cận Bình đến Ấn Độ tháng 9/2014 có thể thấy rằng, Ấn Độ cũng rất hy vọng cải thiện và tăng cường quan hệ với Trung Quốc. Trong thực tế, nếu không đề cập đến kế hoạch “Một vành đai, một con đường”, nhìn từ góc độ phát triển thì quan hệ Trung - Ấn đã bước vào một giai đoạn mới, ví dụ từ quan hệ đối tác chiến lược phát triển thành quan hệ đối tác chiến lược chặt chẽ hơn, thậm chí Tập Cận Bình còn đề xuất nâng cấp quan hệ đối tác toàn cầu với Ấn Độ; về nội dung hợp tác, sự hợp tác song phương ngày càng cụ thể, nội dung ngày càng phong phú liên quan đến đầu tư công nghiệp, xây dựng cơ sở hạ tầng, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, khoa học kỹ thuật cao, năng lượng sạch, phát triển đô thị bền vững,…; về triển vọng phát triển quan hệ hai nước, Thủ tướng Modi đã ví quan hệ hai nước là “hai cơ thể, một tinh thần”, đồng thời hy vọng quan hệ hai nước thay đổi “từ inch đến mile”. Tập Cận Bình còn cho rằng, thế kỷ XXI là thế kỷ của châu Á, trong đó sự phát triển của hai nước Trung - Ấn đóng vai trò then chốt. Sự tồn tại hài hòa, phát triển hòa bình, giữa hai nước sẽ mang lại lợi ích cho 2,5 tỷ người, có lợi cho các quốc gia đang phát triển, có ảnh hưởng sâu sắc đối với khu vực và thế giới. Nhìn từ những điểm trên, lãnh đạo hai nước rất tin tưởng vào sự phát triển quan hệ song phương. Tuy nhiên, nhìn từ phương diện khác, giữa hai nước vẫn phải nỗ lực hơn nữa để giữ xu thế phát triển tích cực hiện tại, trong đó vấn đề then chốt là ngăn chặn vấn đề biên giới trở thành nguyên nhân gây xáo trộn quan hệ song phương. Để xử lý vấn đề này, một mặt, hai nước phải lý tính khi xử lý chia rẽ về vấn đề biên giới, cảnh giác với các bình luận gây hiểu lầm của giới truyền thông, kịp thời hóa giải các xung đột biên giới; mặt khác, nhìn từ góc độ dài hạn, hai nước phải giáo dục cách nhìn nhận chính xác của nhân dân hai nước về vấn đề biên giới và hình tượng quốc gia, xoa dịu dư luận hai nước, giảm thiểu tâm lý đối lập, từ đó đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển hữu nghị lâu dài.
[1] Dr Rahul Mishra, What China MUST do to get India on Silk Route, September 17, 2014. http://www.rediff.com/news/column/what-china-must-do-to-get-india-on-silk-route/20140917.htm
[2] Dr Rahul Mishra, What China MUST do to get India on Silk Route, September 17, 2014. http://www.rediff.com/news/column/what-china-must-do-to-get-india-on-silk-route/20140917.htm
[3] Dr Rahul Mishra, What China MUST do to get India on Silk Route, September 17, 2014. http://www.rediff.com/news/column/what-china-must-do-to-get-india-on-silk-route/20140917.htm
[4] Parth Shastri & Paul John, Mausam to link 10 Gujarat sites to Indian Ocean World, Jul 24, 2014.http://www.unesco.org/new/fileadmin/MULTIMEDIA/FIELD/New_Delhi/images/time-sofindia_35.pdf
[5] http://www.fmprc.gov.cn/mfa_chn/zyxw_602251/t1193043.shtml
*Trung Quốc, Tạp chí “Toàn cảnh Nam Á”, 6.2014.
** Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nam Á, Học viện Khoa học xã hội Vân Nam, Trung Quốc.
*** Kế hoạch Mausam: Kế hoạch Con đường hàng hải trên Ấn Độ Dương và cảnh quan văn hóa
Người dịch: ThS Đỗ Khương Mạnh Linh
Hiệu đính: PGS, TS Lê Văn Toan
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục