Hợp tác thương mại Việt - Ấn: Những rào cản và triển vọng (Phần 1)
Hợp tác thương mại Việt Nam - Ấn Độ những năm gần đây khá ổn định. Ấn Độ hiện là thị trường lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Nam Á và là một trong 10 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trên thế giới. Với lợi thế về kinh tế - xã hội của mỗi nước và truyền thống hữu nghị tốt đẹp lâu đời giữa nhân dân hai nước được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Neru xây dựng, vun đắp, với một “niềm tin chiến lược” giữa hai Chính phủ hiện nay, mối quan hệ thương mại Việt Nam - Ấn Độ nhất định sẽ thành công, gặt hái được những kết quả tốt đẹp vì lợi ích của cả hai bên.
Hợp tác thương mại Việt - Ấn: Những rào cản và triển vọng
TS Nguyễn Quốc Dũng*
Ấn Độ là một quốc gia có lịch sử phát triển lâu đời, là một trong những cái nôi văn minh của loài người - văn minh sông Hằng nổi tiếng thế giới. Nằm trong khu vực Nam Á, Ấn Độ được coi là nền kinh tế lớn nhất, chiếm đến 79% GDP của cả khu vực[1]. Sau khi giành được độc lập năm 1947, Ấn Độ chủ trương xây dựng nền kinh tế tự lực, tự cường. Từ đó đến nay, qua nhiều lần cải cách, Ấn Độ đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế nói riêng và phát triển đất nước nói chung. Hiện nay, Ấn Độ đang áp dụng mô hình kinh tế mới, mở cửa, dựa nhiều hơn vào dịch vụ và tri thức để phát triển công nghệ thông tin, coi đây là đầu tàu cho toàn bộ nền kinh tế[2] nhằm vực dậy những “mẫu số chung”, đưa Ấn Độ trở lại bàn cờ kinh tế, chính trị của thế giới trong thế trận cạnh tranh và hợp tác đang ngày càng gia tăng. Để đạt được mục tiêu đó, một trong những nỗ lực mà Ấn Độ đang đẩy mạnh là tăng cường phát triển hợp tác kinh tế, thương mại với nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Có thể đánh giá một cách khái quát, hợp tác thương mại Việt Nam - Ấn Độ những năm gần đây khá ổn định. Ấn Độ hiện là thị trường lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Nam Á và là 1 trong 10 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trên thế giới[3]. Từ khi hai nước thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, kim ngạch thương mại Việt - Ấn tăng trên 3 lần, theo số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam, trong giai đoan 10 năm, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Ấn Độ tăng 77 lần, từ 72,1 triệu USD năm 1995 lên 5,6 tỷ USD năm 2014. Hai nước đã đặt mục tiêu tăng kim ngạch thương mại lên mức 15 tỷ USD vào năm 2020[4]. Với mục tiêu này, thời gian tới, hai nước sẽ phải tập trung nỗ lực nhiều hơn nữa nhằm phát huy những hiệu quả và đem lại những lợi ích thiết thực trong hợp tác thương mại giữa hai bên. Trong khuôn khổ của tham luận này, tác giả tập trung vào phân tích những rào cản và triển vọng trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam - Ấn Độ hiện nay và những năm tới.
1. Những triển vọng trong quan hệ hợp tác thương mại Việt Nam - Ấn Độ thời gian tới
Trước tiên, có thể thấy, kim ngạch buôn bán hai chiều giữa Việt Nam và Ấn Độ trong thời gian qua đã thiết lập được xu hướng tăng bền vững (16,2%/năm) từ mức 2,05 tỷ USD năm 2009 lên 2,74 tỷ USD năm 2010, đạt mức 3,9 tỷ USD năm 2011, 3,94 tỷ USD năm 2012 và tăng trưởng mạnh trong năm 2013 với kim ngạch 2 chiều đạt 5,24 tỷ USD[5], đến năm 2014 đạt trên 5,6 tỷ USD. Với đà tăng trưởng như hiện nay, Việt Nam và Ấn Độ có cơ sở tin tưởng rằng, kim ngạch thương mại hai nước sẽ tiếp tục vững bước hướng tới mốc 15 tỷ USD vào năm 2020 như mục tiêu đã được lãnh đạo cấp cao hai nước đặt ra.
Thứ hai, cả Việt Nam và Ấn Độ hiện đang có tốc độ tăng trưởng khá cao, với GDP năm 2014 của Việt Nam đạt khoảng 6%, Ấn Độ là 7%; cùng với đó là sự nỗ lực của cả Ấn Độ và Việt Nam trong việc phát triển kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh, chính sách thu hút đầu tư,… của mỗi nước. Đây sẽ là các cơ hội tốt để các doanh nghiệp hai bên hướng tới thị trường đầy tiềm năng của nhau. Có thể dẫn chứng điển hình là sự nỗ lực “trải thảm đỏ” cho các nhà đầu tư nước ngoài của Ấn Độ thời gian gần đây nhằm xây dựng Ấn Độ trở thành trung tâm sản xuất, gia công lớn nhất thế giới[6]. Điều này sẽ mở ra những triển vọng mới cho các nhà đầu tư Việt Nam trong hợp tác thương mại với Ấn Độ.
Thứ ba, Ấn Độ là một trong những quốc gia đông dân nhất trên thế giới, nhu cầu về các mặt hàng rất đa dạng và phong phú, Ấn Độ được đánh giá là nơi hứa hẹn có sức tiêu thụ hàng hóa và dịch vụ lớn (hiện mức tiêu thụ cá nhân của Ấn Độ chiếm tới 67% GDP của cả nước, chỉ sau Hoa Kỳ - chiếm 70% GDP cả nước)[7]. Vì vậy, Việt Nam còn nhiều tiềm năng để xuất khẩu hàng hóa sang thị trường này, có thể kể tới các mặt hàng như: nông sản (hạt điều, gia vị, chè xanh, chè đen, lạc, tơ, thực phẩm đóng hộp), cao su tự nhiên, hàng mỹ nghệ, vật liệu xây dựng và thiết bị vệ sinh, quần áo may sẵn… Đây cũng là những mặt hàng thế mạnh của Việt Nam trong việc xuất khẩu ra thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, trong Chính sách Ngoại thương giai đoạn 2009 - 2014, Ấn Độ đề ra mục tiêu đạt được tỷ lệ tăng trưởng xuất khẩu hàng năm 15%, để làm được điều này, Ấn Độ cần mở rộng xuất khẩu các sản phẩm hiện hành, đặc biệt là thông qua việc khai thác các thị trường mới, trong đó có Việt Nam, nghĩa là việc đẩy mạnh hợp tác giao lưu thương mại với các nước nói chung và Việt Nam nói riêng là rất cần thiết.
Thứ tư, cả Việt Nam và Ấn Độ hiện đang rất nỗ lực triển khai có hiệu quả các Hiệp định hợp tác mà hai bên đã ký kết, như: Hiệp định Thương mại song phương; Tránh đánh thuế hai lần; Khuyến khích và bảo hộ đầu tư; Lãnh sự, du lịch, hàng hải thương mại, dịch vụ hàng không,… Đồng thời, hai nước cũng đã đẩy mạnh phối hợp lợi ích chung trên các diễn đàn kinh tế khu vực và quốc tế như WTO, thiết lập Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN - Ấn Độ,... Đây sẽ là lợi thế lớn để hai bên mở rộng thị trường cho sản phẩm của mình. Với vị trí của trung tâm trong khu vực ASEAN và Tiểu vùng sông Mêkông, Việt Nam là đối tác quan trọng trong mối quan hệ giữa Ấn Độ với Việt Nam nói riêng và ASEAN nói chung. Tác động thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa của FTA ASEAN - Ấn Độ tới trao đổi thương mại Việt Nam - Ấn Độ có thể nói là lớn nhất và quan trọng nhất mà Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - Ấn Độ (AITIG) mang lại. Thông qua Hiệp định, hàng xuất khẩu của ta đã, đang và sẽ được hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi. Trong thời gian tới, khi mức thuế xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Ấn Độ được cắt giảm theo lộ trình, doanh nghiệp Việt Nam cần nhanh chóng tận dụng lợi thế về thuế do Hiệp định mang lại. Sẽ có nhiều mặt hàng của Việt Nam được hưởng thuế 0-7% tại thị trường Ấn Độ và do cách tính thuế của Ấn Độ, hàng hoá của Việt Nam sẽ có lợi rất nhiều khi xuất khẩu vào thị trường Ấn Độ[8].
Thực tế cho thấy, FTA ASEAN-Ấn Độ đã góp phần tăng nhanh giá trị xuất khẩu giữa Việt Nam và các đối tác ASEAN với Ấn Độ. Trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Ấn Độ liên tục tăng trưởng ấn tượng kể từ khi Hiệp định có hiệu lực từ năm 2010 đến nay. Theo số liệu thống kê của Tổng Cục Hải quan, kim ngạch trao đổi thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Ấn Độ tăng trưởng ấn tượng trong giai đoạn từ năm 2010 đến 2013, đặc biệt là kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Ấn Độ tăng mạnh, mặc dù ta vẫn nhập siêu từ Ấn Độ, tuy nhiên, chênh lệch cán cân thương mại giữa hai nước được thu hẹp đáng kể. Nếu xét về giá trị tuyệt đối, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Ấn Độ giai đoạn 3 năm từ 2011-2013 (đạt 5,7 tỷ USD Mỹ) cao gấp 5 lần kim ngạch giai đoạn 2007-2009 (1,13 tỷ USD). Xuất khẩu tăng trưởng ổn định hơn trong giai đoạn sau khi FTA có hiệu lực, năm 2010 tăng 136%, năm 2011 tăng 56%, năm 2012 tăng 15% và năm 2013 tăng 32%, tốc độ tăng trưởng trung bình 35%/năm, cao hơn so với các thị trường khác khu vực Châu Phi, Tây Á, Nam Á. Chỉ riêng trong năm 2013, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Ấn Độ chiếm xấp xỉ 3/4 tổng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Nam Á[9].
Bên cạnh đó, thời gian qua, thông qua việc thực hiện AITIG, cơ cấu xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Ấn Độ đang có chiều hướng thay đổi tích cực và bền vững hơn. Từ những mặt hàng có hàm lượng chế tác thấp, Việt Nam đã xuất khẩu nhiều mặt hàng mới thâm nhập vào thị trường Ấn Độ như clinker, sản phẩm hóa chất, linh kiện ô tô, thức ăn gia súc, dược phẩm,… với giá trị cao và ổn định. Về nhập khẩu, với trên 90% kim ngạch nhập khẩu từ Ấn Độ là các nguyên liệu đầu vào cho nền kinh tế, việc thực hiện AITIG đã góp phần giúp các doanh nghiệp, các nhà sản xuất của Việt Nam tiếp cận nguồn nguyên liệu đầu vào với chi phí thấp hơn, nâng cao năng lực sản xuất và cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam[10].
Tóm lại, việc ký kết và thực hiện các hiệp định hợp tác hai bên, cũng như đẩy mạnh việc phối hợp lợi ích chung trên các diễn đàn kinh tế khu vực và quốc tế sẽ góp phần thúc đẩy thương mại giữa Việt Nam và Ấn Độ trong thời gian tới có nhiều cơ hội phát triển theo hướng cân bằng hơn, có lợi hơn cho cả hai bên.
Thứ năm, nền kinh tế hai nước có nhiều nét tương đồng, đồng thời có những thế mạnh riêng, có thể hỗ trợ và bổ sung lẫn nhau cùng phát triển, cụ thể: Ấn Độ có thể trở thành nhà cung cấp nguyên, nhiên liệu phục vụ sản xuất, xuất khẩu như ngô, thức ăn gia súc, dược phẩm, máy móc thiết bị và phụ tùng, chất dẻo,… Đồng thời, Việt Nam cũng có những mặt hàng lợi thế như hàng tiêu dùng, hàng điện tử, nông thủy sản, sản phẩm gỗ,... Ngoài ra, các lĩnh vực hai bên có thế mạnh như công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, chế tạo máy, hóa chất, dược phẩm, điện, dầu khí, chế biến nông thủy sản,… sẽ là điều kiện để thúc đẩy trao đổi thương mại giữa hai nước trong thời gian tới. (Còn tiếp) (Xem tiếp phần 2)
* Giám đốc Học viện Chính trị Khu vực IV, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
[1] Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới, GDP của khu vực Nam Á năm 2013 đạt 2.370 triệu USD, trong đó Ấn Độ đạt 1.876 triệu USD. Nguồn: tổng hợp từ số liệu của Ngân hàng thế giới, http://data.worldbank.org, truy cập ngày 10/4/2015.
[2] Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ, “Tài liệu cơ bản Nước Cộng hòa Ấn Độ”, http://vietnamexport.com/thi-truong-an-do-2013/vn2520082.html, truy cập ngày 10/4/2015.
[3] Lê Phương, “Thực trạng và tiềm năng trong xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Ấn Độ”, http://arid.gov.vn/default.aspx?page=news&do=detail&category_id=232&news_id=3617truy cập ngày 12/4/2015.
[4]Thu-tuong-du-Dien-dan-Thuong-mai-va-Dau-tu-Viet-NamAn-Do, http://baodientu.chinhphu.vn/Thong-cao-bao-chi, truy cập ngày 12/4/2015.
[5] Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á, “Năm 2013 – Trao đổi thương mại Việt Nam - Ấn Độ tiếp tục đà tăng trưởng ấn tượng”, http://www.moit.gov.vn/vn/tin-tuc/2805/nam-2013--trao-doi-thuong-mai-viet-nam---an-do-tiep-tuc-da-tang-truong-an-tuong.aspx
[6]Lục Minh Tuấn , “Mẫu số chung trong thế trận giữa các cường quốc”, http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/221272/-mau-so-chung--trong-the-tran-giua-cac-cuong-quoc-.html
[7] Lưu Thị Mai Hương (2013), Sự trỗi dậy của Ấn Độ trong những năm đầu thế kỉ XXI, Luận văn Thạc sĩ, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn.
[8] và 9 Nhật Nam, “Tác động FTA ASEAN-Ấn Độ tới trao đổi thương mại Việt Nam-Ấn Độ”, http://baodientu.chinhphu.vn/Kinh-te/Tac-dong-FTA-ASEANAn-Do-toi-trao-doi-thuong-mai-Viet-NamAn-Do/212138.vgp
[10] Lê Thu Quỳnh (2014), Năm 2013 – Trao đổi thương mại Việt Nam - Ấn Độ tiếp tục đà tăng trưởng ấn tượng, Vụ Thị trường Châu Phi, Tây Á, Nam Á.
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục
Ấn Độ: Chứng khoán bùng nổ và cách bảo vệ nhà đầu tư nhỏ lẻ
Kinh tế 10:00 09-12-2024
Tập đoàn Vietravel mở rộng hoạt động tại Ấn Độ
Kinh tế 03:00 16-11-2024
Ấn Độ đạt kỷ lục trong xuất khẩu hàng hóa
Kinh tế 03:00 17-11-2024
Ấn Độ dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo và những tác động
Kinh tế 02:00 28-10-2024