Hướng tới quan hệ đối tác Ấn Độ-Châu Phi “lành mạnh”
Ấn Độ có thể tiếp cận với các quốc gia châu Phi theo nhiều cách khác nhau để giúp đối phó với sự tàn phá của đại dịch Covid-19.
Tác động của đại dịch Covid-19 đối với Ấn Độ đặc biệt tồi tệ. Do tính liên kết của các hệ thống thế giới, điều quan trọng là phải xem xét cách thức xây dựng quan hệ đối tác trong quá trình phục hồi, đặc biệt là với các nước ở châu Phi.
Mặc dù châu Phi là một trong những khu vực cuối cùng bị tấn công bởi vi rút và với hơn 35.000 ca tử vong, nhưng theo báo cáo về mặt khống chế lây lan thì số ca mắc thấp hơn châu Á và thậm chí châu Âu, nguyên nhân có thể là do dân số trẻ.
Ảnh hưởng kinh tế
Tuy nhiên, về mặt kinh tế, châu Phi bị ảnh hưởng sâu sắc bởi sự suy giảm lượng thương mại nội khối, với nhu cầu giảm từ EU, Mỹ, Trung Quốc và các thị trường khác đã gây ra cú sốc cung cầu. GDP bình quân đầu người thực tế của châu Phi cận Sahara có thể giảm 5,4% trong năm nay, điều này có thể khiến đẩy lùi một thập kỷ tiến bộ với 49 triệu người châu Phi có khả năng bị đẩy vào cảnh đói nghèo.
Ngoài ra, 30 triệu việc làm có thể sẽ biến mất trong khi các nền kinh tế lớn hơn như Nigeria, Nam Phi và Angola dự kiến sẽ không có tăng trưởng GDP thực trở lại mức trước Covid-19 cho đến năm 2023 và 2024. Đại dịch cũng cho thấy tình trạng tương đối yếu kém của các chương trình phúc lợi xã hội và cơ sở hạ tầng y tế trong khu vực.
Điều đó cho thấy, sự hợp tác giữa các nhà lãnh đạo châu Phi, Liên minh châu Phi và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Phi đã giúp nâng cao năng lực xét nghiệm, huy động nguồn lực và các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của vi rút.
Bên cạnh những nỗ lực của nhà nước, các tổ chức xã hội dân sự và các nhà hoạt động trẻ ở khắp các quốc gia châu Phi đóng vai trò quan trọng trong việc huy động các nguồn lực, truyền bá nhận thức và tìm kiếm giải pháp. Mối quan hệ Ấn Độ-Châu Phi đã tăng trưởng mạnh trong thời gian gần đây - với các chuyến thăm cấp cao thường xuyên, dấu ấn ngoại giao ngày càng tăng, sự tham gia đa dạng giữa các lĩnh vực và cộng đồng Ấn kiều sôi động - có thể tiếp tục phát triển trong bối cảnh cuộc khủng hoảng chưa từng có này.
Tiếp cận với vắc xin
Một lĩnh vực hợp tác ưu tiên là đảm bảo sự tham gia trực tiếp vào các nỗ lực cứu trợ Covid-19 và tiếp cận vắc xin công bằng, đi cùng với kế hoạch tăng cường toàn diện hệ thống y tế của Châu Phi. Hiện tại, hợp tác y tế Ấn Độ-Châu Phi mang tính đa chiều, toàn diện và có sự tham gia của các quốc gia, nhà nước và địa phương nhằm tăng cường năng lực thể chế và cá nhân của Châu Phi. Chương trình bao gồm xuất khẩu thuốc chung chi phí thấp, xây dựng cơ sở hạ tầng y tế, cung cấp viện trợ, hỗ trợ kỹ thuật và tiếp đón khách du lịch y tế.
Với tư cách là “cửa hàng thuốc của thế giới”, trong khi Ấn Độ đã gửi các loại thuốc bao gồm hydroxychloroquine và các loại thuốc khác đến hơn 25 quốc gia châu Phi, Ấn Độ cũng có thể trở thành một đối tác quan trọng trong việc cung cấp vắc xin Covid-19 giá rẻ cho khu vực. Trong khi Viện Huyết thanh của Ấn Độ (SII) dẫn đầu phụ trách mặt trận vắc xin, các sản phẩm khác bao gồm Covaxin, được phát triển bởi Bharat Biotech và ICMR và ZyCoV-D của Zydus Cadila, rất có thể sẽ có mức giá thấp hơn và được phân phối cho các nước có thu nhập trung bình và thấp.
Dù SII đã tuyên bố rằng, họ sẽ bắt đầu gửi nguồn cung cấp cho sáng kiến COVAX do WHO hậu thuẫn, Bộ Y tế Nam Phi đã xác nhận rằng họ đã ký thỏa thuận với SII và sẽ nhận được 1,5 triệu liều vắc xin trong hai tháng tới.
Các công ty dược phẩm của Ấn Độ cũng có thể đóng một vai trò trong việc thúc đẩy năng lực sản xuất dược phẩm của châu Phi. Một số công ty Ấn Độ đã bị thu hút bởi môi trường đầu tư ở các nước như Kenya và Ethiopia và đã thành lập các liên doanh với các công ty địa phương.
Hợp tác sản xuất dược phẩm
Đối với các doanh nghiệp Ấn Độ mà nói, ở đây có cơ hội xuất khẩu kiến thức ngành nghề, bao gồm trợ giúp trong việc điều hướng các bằng sáng chế phức tạp và thiết lập quan hệ đối tác với các tổ chức đã hoạt động trong khu vực.
Kế hoạch Sản xuất Dược phẩm cho Châu Phi, một ý tưởng kinh doanh được phát triển vào năm 2007 và Khu vực Thương mại tự do lục địa châu Phi (AfCTA), bắt đầu hoạt động vào ngày 1/1/2021, có thể thúc đẩy sản xuất dược phẩm ở Châu Phi.
Việc tạo ra một thị trường cho 1,3 tỷ người hiện nay, 2,2 tỷ người vào năm 2050, sẽ không chỉ cung cấp cho các nhà sản xuất quy mô và phạm vi kinh tế để cạnh tranh quốc tế, mà còn có thể dẫn đến nhiều thế hệ việc làm, tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển giao kỹ năng và công nghệ, đồng thời giúp kết nối khoảng cách kiến thức.
Ngoài ra, khu vực công của Ấn Độ cũng sẽ được hưởng lợi từ các ưu đãi dành cho các nhà đầu tư nước ngoài và các ưu đãi bổ sung cho việc thiết lập quan hệ đối tác với các doanh nghiệp địa phương bên cạnh việc khai thác những hứa hẹn to lớn trong các ngành công nghiệp gia công chế biến nguyên liệu, đóng gói và vận chuyển vật tư.
Ngoài ra, trong khi các tổ chức tư nhân trong lĩnh vực y tế của Ấn Độ đã hiện diện đáng kể ở châu Phi thì Liên đoàn Y tế Ấn Độ (NATHEALTH) và Liên đoàn Y tế Châu Phi (AHF) vừa ký kết Biên bản ghi nhớ nhằm xây dựng hệ sinh thái chăm sóc sức khỏe, tăng đầu tư và xây dựng các quan hệ đối tác quốc gia nhằm nhận thức tiềm năng kinh doanh lớn trong lĩnh vực y tế.
Thúc đẩy các sáng kiến điện tử
Chính phủ Ấn Độ cũng có thể đóng vai trò điều phối viên và thành lập các nhóm làm việc với các chuyên gia y tế để tổ chức các cuộc hội thảo qua video với các đối tác từ các nước châu Phi.
Dự án e-ArogyaBharti (Tele-Medicine), một phần của e-VBAB ra mắt vào tháng 10/2019, dường như là một bước đi theo hướng đó. Dự án e-VBAB cũng bao gồm e-VidyaBharti (Giáo dục từ xa) được tài trợ hoàn toàn bởi Chính phủ Ấn Độ. Nó được xây dựng dựa trên Dự án mạng điện tử Pan-Africa và hứa hẹn khả năng tiếp cận các cơ sở giáo dục hàng đầu và các chuyên gia y tế của Ấn Độ. Các dịch vụ trên do Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Y tế và Phúc lợi gia đình, Trung tâm Phát triển máy tính tiên tiến và các bên liên quan khác cung cấp.
Tuy nhiên, sẽ rất hữu ích nếu các tương tác này minh bạch và dễ tiếp cận hơn, với các cuộc trò chuyện được tải lên trực tuyến để tiếp cận nhiều đối tượng hơn.
Hợp tác y tế Ấn Độ - Châu Phi sẽ rất quan trọng trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn khi cả hai khu vực phục hồi sau hậu quả của đại dịch. Mặc dù các chương trình đào tạo dài hạn cho các chuyên gia y tế châu Phi sẽ mang lại hiệu quả sâu rộng trong những thập kỷ tới, nhưng điều quan trọng là phải có các khóa đào tạo cụ thể, ngắn hạn cho các nhân viên phụ trợ, đào tạo y tá, kỹ thuật viên phòng thí nghiệm và các bác sĩ y tế khác ở các viện y tế của Ấn Độ.
Những ý tưởng đột phá không đòi hỏi đầu tư nhiều vốn bao gồm sự hợp tác giữa các chuyên gia y tế và nhân viên y tế của cả hai khu vực và cho phép trao đổi các bác sĩ trẻ Ấn Độ và các thực tập sinh của các nước châu Phi. Các chủ thể phía Ấn Độ cũng có thể khởi xướng và thúc đẩy các nỗ lực đa phương hơn của các bên liên quan như WHO hoặc Liên hợp quốc để làm nhiều việc hơn nữa giúp phục hồi châu Phi.
Mặc dù có thể lập luận rằng cuộc khủng hoảng Covid-19 đã có những tác động nghiêm trọng đối với Ấn Độ và nước này có nghĩa vụ trong nước rất lớn phải giải quyết, nhưng việc hợp tác với Châu Phi ở thời điểm quan trọng này sẽ bổ sung giá trị to lớn cho lịch sử phong phú về tình đoàn kết Ấn Độ Châu Phi.
Tác giả Veda Vaidyanathan: Nghiên cứu viên tại Viện Nghiên cứu Trung Quốc, New Delhi, Ấn Độ.
Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ
Nguồn: https://www.thehindubusinessline.com/opinion/columns/towards-a-healthy-india-africa-partnership/article33709946.ece
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục