Indore - thành phố sạch nhất Ấn Độ
Indore là thành phố lớn nhất và đông dân nhất của bang Madhya Pradesh. Tại đây, mỗi người dân đều có trách nhiệm và hưởng ứng chính sách làm sạch thành phố.
Vài tháng trước, một số người dân ở Indore, thành phố lớn nhất và đông dân nhất bang Madhya Pradesh, đã bắt đầu một chiến dịch truyền thông xã hội phản đối một khách hàng nữ vứt cốc Starbucks, loại cốc cà phê có thể phân hủy được, ra lối đi bên một trong những con đường lớn của thành phố. Starbucks viết tên khách hàng trên cốc của họ, nên có thể dễ nhận ra tên của người phụ nữ đó.
Mục đích là để khiến người phụ nữ hối lỗi vì xả rác bừa bãi. Chiến dịch đã đạt được hiệu quả như mong muốn. Vài ngày sau, người phụ nữ đến cửa hàng Starbucks và xin lỗi.
Tuy nhiên, thành phố Indore đã có quy định rõ trong xử phạt những tình huống tương tự, nhất là khi thành phố có biện pháp để những người bán hàng rong, người lái xe kéo trên phố cũng có thể phát hiện và báo cáo về những trường hợp vứt rác nơi công cộng.
Một quan chức cấp cao của Ban quản lý thành phố Indore (IMC) nói rằng, đã từng có lần một safai mitra (lao công quét rác của thành phố), đã dừng một chiếc xe kéo trên một con đường đông đúc sau khi thấy hành khách ném từ trong xe ra một bọc nhựa. Hành khách đã phải xuống nhặt lại rác bên đường.
Theo bà Pratibha Pal, Ủy viên Hội đồng thành phố, do ý thức cao của người dân và mức độ hưởng ứng nhiệt tình của cộng đồng đã khiến Indore liên tục được coi là thành phố sạch nhất Ấn Độ trong nhiều năm qua.
Indore đã giữ danh hiệu thành phố sạch nhất trong năm năm liên tiếp trong cuộc khảo sát Swachh Survekshan (khảo sát về mức độ sạch sẽ) năm 2021 do chính quyền của Thủ tướng Modi công bố.
Pal đã đảm nhận chức vụ Ủy viên Hội đồng thành phố Indore vào tháng 5 năm 2021. Bà cho biết. “Suy nghĩ của mọi người đã thay đổi. Họ tự giác báo cáo nếu thấy rác thải không đúng nơi quy định hoặc trực tiếp phản đối người xả rác bừa bãi nơi công cộng”.
Ý thức tốt rõ ràng mang lại nhiều lợi ích. Việc xả rác nơi công cộng là rất hiếm; việc khạc nhổ cũng vậy. Không có bãi tập kết rác, đường xá và lối đi bộ sạch không tì vết. Cũng không có động vật đi lạc đi lang thang và các thùng đựng rác không bị mất nắp trong thành phố.
Tất cả những điều này đang mang lại nhiều lợi ích khác, ngoài việc cải thiện chất lượng cuộc sống nói chung.
“Tỷ lệ giao dịch bất động sản đã tăng lên. Các nhà đầu tư đang đến”, Pal nói.
Manish Singh từng là Ủy viên Hội đồng Thành phố, cho biết, ô nhiễm đã giảm, “chất lượng cuộc sống đã được cải thiện ở Indore”.
Ông Singh cho biết chỉ số RSPM (hạt vật chất lơ lửng) đã giảm từ 150 xuống 70-80. RSPM là các vật chất dạng hạt có đường kính nhỏ hơn 10 micromet và được tạo ra từ các phương tiện giao thông, các nguồn công nghiệp, v.v. “Bụi đã giảm. Chúng tôi đảm bảo rằng, không còn bụi. Chúng tôi cũng đã mở rộng và cải thiện vành đai xanh”.
Indore cũng có thể là hình mẫu cho các thành phố khác của Ấn Độ khi chứng minh rằng, những tiêu chuẩn này có thể đạt được.
Trước đó, Indore, thủ đô thương mại của bang MP, với dân số hơn 3 triệu người, cũng giống như bất kỳ thành phố nào khác của Ấn Độ.
Nutan Samvatsar, 61 tuổi, một giáo viên đã nghỉ hưu sống gần quảng trường Bapat sầm uất cho biết: “Trước đây, bãi rác lúc nào cũng đầy tràn. Nếu hồi đó có người nói với tôi rằng, một ngày nào đó thành phố sẽ sạch như bây giờ, tôi sẽ không tin”.
Nhưng ngày càng có nhiều chính sách giảm thiểu rác thải, thành phố kiên trì phân loại rác, và sự thay đổi trong nhận thức đã thúc đẩy Indore đạt được điều tưởng chừng như không thể.
Mọi việc đã bắt đầu thế nào
Hành trình trở thành thành phố sạch nhất Ấn Độ của Indore bắt đầu vào đầu năm 2015, vài tháng sau khi Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi phát động Sứ mệnh làm sạch Ấn Độ Swachh Bharat để làm cho đất nước sạch hơn và xóa bỏ tình trạng phóng uế bừa bãi.
Manish Singh, khi đó là Ủy viên chính quyền thành phố, đã coi đây là một thách thức để đưa Indore đi đúng hướng.
Năm 2016, Chính quyền Trung ương khởi động Swachh Survekshan, cuộc khảo sát hàng năm về mức độ sạch sẽ, vệ sinh và điều kiện vệ sinh ở các thành phố và thị trấn của đất nước. Đây chính là động lực cần thiết để thực hiện sứ mệnh làm sạch thành phố.
Điều đầu tiên Singh quyết định làm là tập trung củng cố cơ sở hạ tầng vệ sinh trong nhà.
“Chúng tôi xây dựng đội xe thu gom rác tận nơi. Chúng tôi đã đầu tư cho những những xưởng sản xuất của thành phố để sửa chữa, nâng cấp các xe gom rác”.
“Chúng tôi đã củng cố đội ngũ người gom rác karamcharis và xây dựng năng lực cho họ”.
Ngày nay, Indore Municipal Corporation (IMC) có đội xe gồm 1.500 chiếc và đội ngũ 11.000 công nhân safai (bao gồm cả những người làm thuê cho các nhà thầu tư nhân).
IMC đã triển khai thu gom rác từng nhà. Để khuyến khích người dân thành phố tuân thủ các quy định, Pal cho biết, họ chỉ đặt ra một mục tiêu để quyết tâm thực hiện trong mỗi năm.
“Năm 2015, chúng tôi chỉ tập trung vào việc thu gom rác tận nhà. Mọi người ngay từ đầu đã hoài nghi. Vì vậy, chúng tôi đã lấy hai phường làm thí điểm” bà nói. “Kết quả rất tốt. Khi mọi người thấy xe của thành phố hàng ngày đến nhà để gom rác sinh hoạt, rất dễ thuyết phục họ thực hiện bước tiếp theo, đó là tách riêng rác thải khô và rác thải ướt”.
Đến cuối năm 2016, IMC đã thực hiện 100% việc thu gom rác từng nhà.
Trong năm thứ ba, IMC tập trung vào “giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế”. Năm thứ tư, mục tiêu là thúc đẩy việc làm phân trộn tại nhà.
Vào năm thứ năm, năm 2019, IMC yêu cầu mọi người không xả đường ống nước thải ra sông. Pratibha Pal cho biết: “Mục tiêu của chúng tôi là không để các nguồn nước bị bẩn… Chúng tôi đã làm sạch đường phố. Lần này, chúng tôi sẽ giữ cho các nguồn nước sạch sẽ”.
Điều gì đã khiến Indore trở thành thành phố sạch nhất Ấn Độ
Theo Pal, mắt xích quan trọng nhất trong toàn bộ chuỗi này là phân loại rác từ nguồn.
Bà nói: “Có một nguyên tắc vàng là nếu chúng ta phân loại rác bằng nhiều cách, giá trị gia tăng và khả năng tái chế rác sẽ tăng lên. Ban đầu, Indore có hai cách phân loại rác, ngày nay đã tăng lên sáu cách.”
Một trung tâm điều khiển kiêm chỉ huy được thành lập để theo dõi sự di chuyển của các phương tiện thu gom rác từ thành phố đến trung tâm xử lý.
Sau khi rác được sơ loại, nó được vận chuyển đến Trạm trung chuyển rác (GTS) để phân loại. Ở đây nó được phân tách thành sáu loại. Rác cũng được nén bằng máy và cho vào những viên nhựa khổng lồ. Điểm đến cuối cùng của những viên nhựa này là bãi đất trống của NEPRA Resource Limited, có trụ sở tại Ahmedabad, một trong những nhà máy quản lý chất thải rắn lớn nhất Ấn Độ.
Sự giám sát chặt chẽ của chính quyền thành phố, cùng với hành động mạnh mẽ, bao gồm các hình phạt nặng và cách chức do bỏ nhiệm vụ, đã đảm bảo rằng, chính sách không có kẽ hở.
Ajit Kalyan, giám đốc thanh tra vệ sinh của IMC, cho biết: “Việc giám sát đã trở nên rất nghiêm ngặt. Có sáu lớp kiểm soát. Và mục tiêu là vẫn giữ vị trí số một; vì vậy, chúng tôi phải tiếp tục nỗ lực và thực hiện công việc thật chăm chỉ hàng năm”.
Những người hùng làm sạch Indore
Có rất nhiều người hùng tham gia hành trình làm sạch Indore.
Đầu tiên, luôn luôn là những người dân Indore, những người đã thay đổi nhận thức, thái độ, và hành vi để giữ vị trí hàng đầu cho thành phố.
Pal nhận xét: “Đó là một sự thay đổi văn hóa. Cư dân bây giờ có trách nhiệm giữ cho thành phố sạch sẽ”.
Nhóm thứ hai là đội ngũ 11.000 người gom rác safai, đa số là phụ nữ.
Họ mặc sarees, tay cầm chổi, đi ủng cao su và đeo khẩu trang. Đó là cảnh tượng phổ biến trên các con đường của Indore.
Họ làm việc từ sáng sớm cho đến tận đêm khuya. Đội quân phụ nữ safai làm việc theo ca. Ca đầu tiên bắt đầu lúc 6:30 sáng, và ca cuối cùng bắt đầu lúc 10 giờ tối và kết thúc lúc 7 giờ sáng. Những người phụ nữ làm ca đêm làm việc theo nhóm 25 người và có hai nam giám sát viên để hỗ trợ công việc và đảm bảo an toàn cho họ.
Hầu hết trong số họ tình nguyện làm ca đêm vì họ nói rằng, điều đó cho phép họ ở bên gia đình và con cái vào ban ngày. Và họ tự hào rằng, họ đóng vai trò trong thành tích chung của Indore, thành phố sạch nhất Ấn Độ.
Rekha Ratan, người gom rác safai làm việc tại phường 33, cho biết: “Chúng tôi cảm thấy rất vui vì đã góp công đưa Indore trở thành số một”.
Pal cho biết nhóm anh hùng thứ ba là những đại diện chính trị, những người kiên quyết đứng đằng sau và hỗ trợ chính quyền trong việc thực thi các quyết định khó khăn.
Bà nói thêm: “Người hùng thứ tư là chính quyền. Hành trình của chúng tôi đứng trên bốn trụ cột này”.
Một ban lãnh đạo mạnh mẽ ở cấp cao nhất đã đảm bảo toàn bộ chu trình phân loại, thu gom và xử lý rác được tuân thủ một cách tỉ mỉ.
Đó không chỉ là phân loại và xử lý rác.
Một cuộc vận động lớn đã được thực hiện để loại bỏ tình trạng gia súc đi lạc lảng vảng trên các con đường. Manish Signhal, người phụ trách gom rác, từng là ủy viên chính quyền thành phố từ năm 2015 đến 2018, cho biết, khoảng 40.000 con gia súc đi lạc đã được di dời khỏi các con đường. Ông nói: “Gia súc vắt sữa được đưa đến các khu vực panchayat và giữ ở đó.
Indore có dân số khoảng 2,5 triệu người đi làm hàng ngày. IMC xây dựng nhà vệ sinh công cộng cách nhau 200 m, được bảo trì tốt. “Mọi người không cần phải đắn đo suy nghĩ xem nhà vệ sinh có sạch sẽ không” Pal nói.
Cách tiếp cận đa hướng của chính quyền đã đảm bảo sự sạch sẽ toàn diện trong thành phố.
IMC cũng thu hút các tổ chức phi chính phủ sử dụng các kỹ năng mềm để nâng cao nhận thức về các khía cạnh của sự sạch sẽ và thuyết phục người dân về tầm quan trọng của việc phân tách rác từ nguồn.
“Các tổ chức phi chính phủ đóng vai trò là cầu nối giữa IMC và người dân. Chúng tôi nhận ra rằng, rất nhiều lần, chúng tôi có thể thiếu các kỹ năng mềm để thuyết phục và động viên người dân. Tại đây, các tổ chức phi chính phủ đã được giao trách nhiệm trong việc giao dục cộng đồng. Điều đó đóng vai trò quan trọng”, ông Singh nói.
Indore đã quản lý như thế nào để duy trì vị trí số 1
Theo Pal, lý do chính cho sự bền vững của mô hình Indore là không có khoảng trống.
“100% rác được thu gom từ hộ gia đình. Bất cứ thứ gì rác được thu gom đều trải qua toàn bộ chu trình phân loại và xử lý 100%”, bà cho biết.
Nếu việc phân loại không hợp lý, nhân viên sẽ từ chối thu gom rác.
“Lý do chính cho sự bền vững là ý thức của công chúng trong phân loại rác. Nếu chất lượng phân loại tốt, chất lượng rác cũng được cải thiện và những người đối tác sẽ vào cuộc”, Pal cho biết.
Hệ thống đã được thiết lập tốt đến mức những người dân bình thường đã quen với quá trình này. Indore cũng cho thấy không cần có chế tài phạt quá hà khắc để giữ sạch thành phố.
Trong số 50 tỉ rupee ngân sách hàng năm của IMC, khoảng 12 tỉ rupee được phân bổ cho công tác vệ sinh, gồm tiền lương và các chi tiêu khác.
Theo ông Singh: “Chi phí vận hành và bảo trì của chúng tôi chỉ tăng 25%”.
Chính quyền đô thị Indore cũng chỉ ra rằng, nếu việc cung cấp dịch vụ tốt, người dân sẵn sàng trả tiền.
IMC thu phí từ người dân cho việc thu gom rác tại nhà. Mức phí dao động từ 60 rupee/nhà/tháng ở khu ổ chuột đến 90 rupee/nhà/tháng ở khu vực trung lưu và 150 rupee/nhà/tháng ở các khu sang trọng.
IMC thu được khoảng 2,4 tỉ rupee trong năm tài chính vừa qua từ việc thu phí. Pal nói: “Chúng tôi giữ lại 86% số tiền phí thu được vào năm ngoái. Không có ai miễn cưỡng phải nộp. Người dân rất vui và có cảm giác tự hào”.
Đôi bên cùng có lợi
Ở Ấn Độ, mô hình PPP (Hợp tác đối tác Công - Tư) trong lĩnh vực vệ sinh không mấy thành công. Sự can thiệp chính trị được cho là đã dẫn đến việc nhiều đối tác tư nhân chọn không tham gia.
Nhưng có vẻ như mô hình này đang hoạt động tốt ở Indore.
Cơ quan Quản lý Tài nguyên NEPRA có trụ sở tại Ahmedabad đã thiết lập cơ sở quản lý chất thải rắn lớn nhất Ấn Độ trên diện tích đất rộng 4,5 mẫu Anh với chi phí 43 tỉ rupee.
Công ty đã ký thỏa thuận 14 năm với IMC vào năm 2018 để vận hành và bảo trì nhà máy, xử lý 400 tấn chất thải khô mỗi ngày.
Đó là một thỏa thuận đôi bên cùng có lợi.
Trong khi Nepra trả khoảng 150 triệu rupee mỗi năm cho IMC để cung cấp chất thải khô cho quá trình xử lý, Nepra thu được khoảng 150 đến 160 triệu rupee mỗi tháng từ bán rác tái chế sau khi xử lý.
Virendra Mane, người đứng đầu bộ phận vận hành Nepra tại Indore, cho biết công ty đã hòa vốn. “Chúng tôi chọn Indore vì thành phố phân loại rác 100% từ nguồn. Người dân đang phân loại rác tại nguồn, điều này không xảy ra ở bất kỳ thành phố nào khác vào thời điểm hiện tại”.
Mohan Pandey, Giám đốc điều hành của International Waste Management, công ty con tại Ấn Độ của Công ty Vệ sinh Quốc gia có trụ sở tại Kuwait, cũng có trải nghiệm tương tự. Công ty đã nhận được hợp đồng quét rác ban đêm từ IMC vào năm 2016.
Pandey cho biết họ quyết định thực hiện dự án ở Indore vì văn hóa làm việc và “không có sự can thiệp của chính trị”. “IMC rất ủng hộ. Họ đã chỉ định một đầu mối có mặt bất cứ lúc nào chúng tôi cần” ông nói.
Pandey có công ty hoạt động ở các quốc gia khác bao gồm UAE, Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ và Philippines. Ông cho biết ở Indore không có sự can thiệp chính trị nào.
Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ
Nguồn: https://theprint.in/india/these-are-the-secrets-to-indores-5-year-cleanest-city-streak-and-its-not-rocket-science/772362/
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục