Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Kêu gọi cải tổ các cam kết nhân dịp kỷ niệm 70 năm quan hệ Ấn – Nga

Kêu gọi cải tổ các cam kết nhân dịp kỷ niệm 70 năm quan hệ Ấn – Nga

Nhân dịp Ấn Độ và Nga đánh dấu 70 năm quan hệ ngoại giao, hai nhóm chuyên gia tư vấn đã đưa ra một bản báo cáo về mối quan hệ giữa hai quốc gia trong đó đòi hỏi phải có sự cải tiến lớn trong mối quan hệ hợp tác lâu dài giữa hai nước.

05:00 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Báo cáo do Quỹ Vivekananda có trụ sở ở New Delhi và Hội đồng Các vấn đề quốc tế có trụ sở Moscow biên soạn. Báo cáo kêu gọi gia tăng tương tác ở cấp bộ trưởng và quan chức trong suốt cả năm, thay vì chỉ gói gọn trong các hội nghị thượng đỉnh hàng năm giữa lãnh đạo Nga và Ấn Độ. Từ năm 2000, giữa Ấn Độ và Nga đã có những hội nghị thượng đỉnh song phương thường xuyên giữa Tổng thống Nga và Thủ tướng Ấn Độ.

Bản báo cáo cũng kêu gọi đàm phán ba bên giữa Nga, Ấn Độ và Mỹ bên cạnh hội nghị ba bên giữa Nga, Ấn Độ và Israel để tăng cường hợp tác. Ngoài ra, Ấn Độ và Nga đã có cuộc gặp gỡ ba bên với  Trung Quốc.

Về chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan tôn giáo, báo cáo kêu gọi hai nước hỗ trợ lẫn nhau một cách rõ ràng hơn. Đồng thời, báo cáo cũng kêu gọi hai nước hợp tác với một nước thứ ba - chẳng hạn như các nước trong khu vực của Ấn Độ như Nepal và ngoại vi của Nga như các nước Cộng hòa Trung Á.

Báo cáo phát hành tại Moscow tháng trước viết rằng: “Ấn Độ là đối tác lâu dài và đáng tin cậy của Nga. Tuy nhiên, mô hình quan hệ hiện tại cơ bản đã cạn kiệt và hợp tác nên nâng lên một mức độ mới”.

"Tạo ra một động lực mới cho quan hệ Moscow - New Delhi sẽ cho phép Nga đa dạng hóa các nỗ lực ở châu Á. Ấn Độ và Nga cần phải ngăn chặn nước thứ ba gây ảnh hưởng đáng kể đến quan hệ song phương”. Điều này có thể là một sự nhắc nhở về mối lo ngại của Ấn Độ đối với mối quan hệ của Nga với Trung Quốc, đang phủ bóng đen lên mối quan hệ giữa Moscow và New Delhi. New Delhi cũng cho rằng, mối liên hệ gần đây giữa Moscow với Pakistan là một phần của mối quan hệ Nga - Trung.

Về phía Nga mà nói, Moscow đã lo lắng về sự ấm áp ngày càng gia tăng trong quan hệ Ấn Độ - Hoa Kỳ.

Mặc dù có quan hệ gần gũi với Liên Xô, nhưng quan hệ của Ấn Độ với Hoa Kỳ đã có sự thay đổi mạnh mẽ trong những năm gần đây, Washington nổi lên như một nguồn cung cấp vũ khí quan trọng cho Ấn Độ. New Delhi cũng có gần 30 cuộc đối thoại với Washington – điều không thể tưởng tượng được trong những năm Chiến tranh Lạnh khi Hoa Kỳ được coi là một đồng minh chính của Pakistan.

Trong khi đó, mối quan hệ gần gũi giữa Ấn Độ và Nga đã có những dấu hiệu căng thẳng vì mối quan hệ ngày càng tăng của Moscow với Islamabad. Về vấn đề này, một thời hai nước xem Pakistan là nước chống lưng cho Taliban ở Afghanistan, thì Ấn Độ và Nga giờ đây có sự khác biệt về vấn đề này, Moscow dường như lo lắng hơn về mối đe dọa của IS hơn là Taliban.

Theo báo cáo, “một khung pháp lý thiếu hoàn thiện, các hạn chế thương mại thuế quan và phi thuế quan, thiếu thông tin cập nhật về các quá trình chính trị ở cả hai nước; mức độ trao đổi kinh doanh thấp; và những hình ảnh đã lỗi thời của cả Nga và Ấn Độ trong mắt công dân của hai nước” là một số trở ngại cho mối quan hệ đối tác mới giữa hai quốc gia.

Báo cáo cho biết: “Điều quan trọng là tiếp tục mở rộng sự tham gia của Nga và Ấn Độ trên trường quốc tế", và thúc giục Nga “tiếp tục ủng hộ Ấn Độ về việc tham gia nhiều hơn vào các vấn đề quốc tế”, đặc biệt trong việc cải tổ Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Về các dự án kết nối quốc tế, báo cáo nói rằng, Nga và Ấn Độ “có lợi ích địa chính trị trong việc chủ động thúc đẩy hành lang Bắc - Nam đi ngang qua Iran để các dự án kết nối trong khu vực trở nên đa dạng và tránh sự thống trị bởi một quốc gia".  Đây được xem là sự tham chiếu đến Sáng kiến “Vành đai, Con đường” đầy tham vọng của Trung Quốc nhằm kết nối với khoảng 60 quốc gia trên khắp ba châu lục Á, Phi và Âu. Mặt khác, Hành lang Bắc - Nam là một hệ thống vận tải đa phương thức đầy tham vọng do Iran, Nga và Ấn Độ thành lập năm 2000 để kết nối Ấn Độ Dương và Vịnh Ba Tư với Biển Caspi thông qua Iran, và sau đó đến St Petersburg và Bắc Âu thông qua Nga.

Để tăng cường mối liên kết kinh tế giữa hai nước, báo cáo viết rằng: “cần phải xác định các điều kiện kinh doanh có thể chấp nhận được, khuyến khích dòng vốn đầu tư và đầu tư lẫn nhau”.

Về hợp tác quốc phòng, báo cáo nói rằng, “điều quan trọng là phải đảm bảo và củng cố các xu hướng mới trong việc phát triển hợp tác kỹ thuật quân sự và trước hết là chuyển từ mô hình “người bán và người mua” sang các dự án hợp tác đột phá trên quy mô lớn”.

Báo cáo cũng nói thêm rằng: “Nga nên tham gia tích cực vào chương trình “Sản xuất ở Ấn Độ” trong sản xuất quốc phòng, với sự chuyển giao công nghệ hơn, vì nó sẽ củng cố vị trí số một của Nga trong các đối tác quốc phòng của Ấn Độ”.

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Nguồn: http://www.livemint.com/Politics/ScWqeBFu0RKXzArSsoqTEI/As-India-Russia-mark-70th-year-of-ties-report-calls-for-re.html

Nguồn:

Cùng chuyên mục