Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Khác biệt trong ưu tiên chính sách, Mỹ - Ấn Độ có thực sự 'hội tụ chiến lược'?

Khác biệt trong ưu tiên chính sách, Mỹ - Ấn Độ có thực sự 'hội tụ chiến lược'?

Việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan, sự ra đời của thỏa thuận an ninh ba bên AUKUS và các cuộc thảo luận giữa Mỹ và Ấn Độ về đảm bảo tự do hàng hải ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đã bộc lộ những khác biệt trong ưu tiên chiến lược của Washington và New Delhi.

05:19 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Những thông báo chính thức thường chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm". Điều này đúng với những tuyên bố mà Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman đưa ra trước báo giới tại New Delhi ngày 6/10/2021 và thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ liên quan đến chuyến công du của bà Sherman đến Ấn Độ.

Mỹ - Ấn và "mớ bòng bong" Afghanistan, AUKUS

Nhà ngoại giao Sherman đã đúng khi nói rằng, Ấn Độ và Mỹ có cùng quan điểm về việc thành lập một chính phủ bao trùm ở Afghanistan.

Tuy nhiên, tuyên bố mang tính trấn an của bà Sherman rằng, Mỹ sẽ "luôn đặt vấn đề an ninh của Ấn Độ lên hàng đầu và ở vị trí trung tâm" cũng như những lưu ý ngắn gọn của Bộ Ngoại giao Mỹ về cuộc đối thoại của bà Sherman với Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ S. Jaishankar hay Bí thư Đối ngoại Ấn Độ Harsh Vardhan Shringla đều đối nghịch với quyết định chóng vánh của Tổng thống Joe Biden về kế hoạch rút binh sĩ khỏi Afghanistan.

Chiến dịch rút quân đó chính là điều làm gia tăng nỗi lo sợ của New Delhi về nguy cơ chủ nghĩa khủng bố do Taliban hậu thuẫn tràn sang Ấn Độ.

Ngoài ra, Tổng thống Biden đã tán dương việc Australia tham gia thỏa thuận an ninh ba bên cùng với Mỹ và Anh (AUKUS), trong đó Mỹ và Anh sẽ giúp đất nước chuột túi xây dựng một hạm đội tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.

AUKUS đã không được đề cập trong những thông báo báo chí của Bộ Ngoại giao Mỹ hoặc Bộ Ngoại giao Ấn Độ về cuộc đối thoại của bà Sherman tại New Delhi.

Điều này dễ hiểu khi Ấn Độ coi AUKUS là một liên minh khác biệt với nhóm Bộ tứ, một thỏa thuận an ninh khác gồm Ấn Độ, Mỹ, Nhật Bản và Australia.

Ở một cấp độ khác, vấn đề Afghanistan và AUKUS sẽ tái định hình quan điểm và tầm nhìn chiến lược của Mỹ đối với châu Á nói riêng và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nói chung.

Trước hết, Washington không có một chính sách rõ ràng và mang tính chiến lược đối với Afghanistan, Nam Á, Tây Nam Á và Trung Á.

Khi nhận thấy không thể chi phối lực lượng Taliban đang kiểm soát Afghanistan, Washington giờ đây bất ngờ đặt hy vọng vào vai trò của các cường quốc khu vực, bao gồm Ấn Độ, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và các nước láng giềng của Afghanistan như Pakistan, Iran, Trung Quốc, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan trong việc tháo gỡ "mớ bòng bong" do Mỹ để lại sau khi rút quân khỏi quốc gia Nam Á này.

Những nước nói trên đều lo sợ rằng, những nhóm khủng bố ở Afghanistan sẽ gây bất ổn đối với tình hình an ninh quốc gia và khu vực "sân sau" của họ.

Thứ hai, đối với vịnh Bengal, Biển Đông và Biển Hoa Đông, sự ra đời của AUKUS làm thay đổi môi trường địa chiến lược ở cấp độ rộng lớn hơn khi đưa Australia vào vị trí "trung tâm" của Đông Nam Á và Đông Á, vốn nằm trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

AUKUS ưu tiên cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc về khả năng kiểm soát những tuyến hải lộ quốc tế.

Điều này giải thích vì sao Mỹ muốn dựa vào hạm đội tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân mà nước này sẽ hỗ trợ Australia xây dựng. Ấn Độ là quốc gia thành viên duy nhất trong nhóm Bộ tứ có tranh chấp biên giới với Trung Quốc. Mỹ muốn giải quyết tranh chấp này theo cơ chế song phương.

Do đó, AUKUS là "điềm may" xen lẫn lo âu đối với Ấn Độ. AUKUS có thể giúp gia tăng mức độ răn đe và ngăn chặn đối với Trung Quốc.

Ấn Độ trong một châu Á đa cực

Tuy nhiên, khả năng triển khai hạm đội tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân của Australia ở phía Đông Ấn Độ Dương hoặc Biển Arab có thể làm giảm cơ hội tăng cường lợi thế chiến lược của Hải quân Ấn Độ ở những khu vực này.

Ở cấp độ khác, các hoạt động triển khai binh sĩ của Mỹ lâu nay đều nhấn mạnh những ưu tiên của Washington đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Hiện đã có hơn 130.000 binh lính Mỹ đồn trú ở Đông Nam Á, Đông Á và Thái Bình Dương, trong khi con số này ở Tây Á là 11.000. Trong số đó, chỉ có hơn 200 binh sĩ Mỹ đồn trú ở Diego Garcia, căn cứ quân sự của Mỹ gần với Ấn Độ nhất.

Những sự thật nói trên chẳng khác nào dội "gáo nước lạnh" vào New Delhi về "những hy vọng liên minh" giữa Ấn Độ và Mỹ để đối phó với Trung Quốc.

Ở cấp độ khu vực, Mỹ không phải là đối tác kinh tế hoặc quân sự chủ chốt của bất kỳ quốc gia Nam Á nào và cũng không gắn kết với bất kỳ đồng minh chiến lược chủ chốt nào của Ấn Độ trong khu vực này.

Kể từ năm 1971, một nước Nga thân thiện với Trung Quốc trở thành nhà cung cấp khí tài chủ yếu cho New Delhi, chiếm hơn 60% tổng số vũ khí và công nghệ tàu ngầm hạt nhân cho Ấn Độ.

Trái lại, Washington lại từ chối đề nghị của New Delhi về cùng phát triển tàu ngầm hạt nhân.

Kể từ năm 2013, việc Trung Quốc lôi kéo được các nước Nam Á, trừ Ấn Độ, tham gia sáng kiến Vành đai và Con đường đã giúp Bắc Kinh có được được ảnh hưởng ngày càng lớn về kinh tế, chính trị và quân sự đối với Pakistan, Bangladesh và Sri Lanka.

Trong khi đó, cả Mỹ và Ấn Độ đều thu hẹp ảnh hưởng đối với những quốc gia này.

Mặc dù cả Trung Quốc và Ấn Độ đều không thể thay thế vai trò chủ đạo của Mỹ ở châu Á xét trên góc độ tổng thể, song Trung Quốc và Pakistan - vốn đều đanh có tranh chấp biên giới lãnh thổ với New Delhi - có thể sẽ trở thành những lực lượng bên ngoài có tầm ảnh hưởng lớn ở Afghanistan thời kỳ hậu Mỹ.

Thế nhưng, điều này không có nghĩa là Bắc Kinh và Islamabad sẽ lấp đầy chỗ trống mà Mỹ bỏ lại, bởi cả Trung Quốc và Taliban đều hậu thuẫn tuyên bố chủ quyền của Pakistan đối với khu vực Kashmir đang tranh chấp với Ấn Độ.

New Delhi đối mặt với một thách thức phức tạp trong một khu vực châu Á đa cực.

Một mặt, Ấn Độ sẽ phải đối đầu với những mối đe dọa mà Bắc Kinh và Islamabad gây ra đối với chủ quyền lãnh thổ biên giới.

Mặt khác, New Delhi phải tăng cường hợp tác trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố với cả Trung Quốc và Nga, cũng như với cả đối thủ của hai nước này là Mỹ.

Vì vậy, điều đất nước sông Hằng cần làm lúc này là mở rộng hơn nữa những năng lực của mình và thiết lập những liên kết kinh tế và chiến lược mới với Mỹ, Tây Á, Trung Á và khu vực Thái Bình Dương nhằm ngăn chặn nguy cơ bất ổn lan sang Ấn Độ từ các nước láng giềng, đồng thời giúp tăng cường vị thế của New Delhi trong khu vực.

Nguồn: https://baoquocte.vn/khac-biet-trong-uu-tien-chinh-sach-my-an-do-co-thuc-su-hoi-tu-chien-luoc-163128.html

Nguồn:

Cùng chuyên mục