Khôi phục liên minh Đại Tây Dương qua mối quan hệ giữa Anh và Mỹ
Mối quan hệ giữa Thủ tướng Anh Boris Johnson và Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có bước tiến dài so với khi ông Biden gọi người đồng cấp Anh là “bản sao về thể chất và cảm xúc” của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump vào năm 2019. Những ký ức mạnh mẽ về tình bạn thân thiết giữa Johnson và Trump vẫn còn tươi mới trong tâm trí của chính quyền Biden. Johnson ban đầu có đủ lý do để lo lắng về việc sẽ bị Biden bỏ rơi. Tuy nhiên, tình hình hoàn toàn trái ngược, thể hiện ở mối quan hệ đồng minh xuyên Đại Tây Dương từ khi Biden tiếp quản Washington. Trong chuyến công du ba ngày tới Mỹ, Johnson lần đầu tiên gặp Phó Tổng thống Kamala Harris, ông bày tỏ sự hài lòng về sự hợp tác ngày càng tăng và sự kết nối giữa Mỹ và Anh. Hai bên đã thảo luận về các vấn đề quan trọng như kiểm soát đại dịch, đối phó với biến đổi khí hậu và duy trì nền dân chủ trên toàn thế giới bất chấp sự thất bại của phương Tây trong vấn đề Afghanistan, Iraq và Libya.
Chuyến công du này là chuyến đi nước ngoài đầu tiên của Johnson kể từ khi ông đắc cử, được coi là một chiến thắng ngoại giao cho phố Downing, do Biden miễn cưỡng gặp các nguyên thủ quốc gia tại New York nhân dịp họp Đại hội đồng Liên hợp quốc (UNGA). Johnson tới Mỹ với mục đích mang lại hy vọng cho bài toán khí hậu do hội nghị COP26 sẽ được tổ chức tại Glasgow, Vương quốc Anh vào cuối tháng 10/2021. Trước chuyến đi, Johnson đặt mục tiêu bảo đảm 100 tỷ USD mỗi năm từ các nước giàu để giúp các nước nghèo và nhỏ đối phó với biến đổi khí hậu, và lo ngại chứng kiến sự thất bại của Vương quốc Anh trong tổ chức hội nghị thượng đỉnh COP26. Tuy nhiên, Biden đã tăng gấp đôi khoản đóng góp của Mỹ lên 11,2 tỷ USD cho các nước kém phát triển chống biến đổi khí hậu và tham vọng của Vương quốc Anh càng được thúc đẩy khi Trung Quốc tuyên bố ngừng xây dựng nhà máy nhiệt điện than mới ở nước ngoài. Ông kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới ở New York coi hội nghị thượng đỉnh UNGA là một bước ngoặt của nhân loại và cùng nhau “thổi tắt ngọn nến thế giới đang cháy”. Bài phát biểu của ông tại UNGA, được nhiều người cho là có ý tưởng lạ, lấy ý tứ từ hình ảnh chú ếch Kermit và bài hát “Thật không dễ dàng để trở nên xanh”. Trong bài phát biểu, ông tuyên bố nói như vậy là sai, và ông tin vào chính sách hành động khí hậu mạnh mẽ hơn ở Glasgow để kìm hãm sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.
Chính phủ Anh, trong hai thập kỷ qua, đã trung thành ủng hộ liên minh do Mỹ đứng đầu ở Afghanistan, dù nhận được phản ứng dữ dội từ các quốc gia thành viên EU khác. Quyết định đơn phương rút khỏi Afghanistan của Mỹ khiến phố Downing khó chịu, và Johnson bày tỏ sự bất bình trước sự bất lực của Mỹ ở Afghanistan. Các nghị sĩ Hạ viện Anh đã trút đau buồn và giận dữ trước quyết định rút lui của Biden, và xấu hổ khi Nhà Trắng lờ đi yêu cầu của Anh về việc kéo dài thời hạn rút quân, báo hiệu sự phụ thuộc vào Mỹ trong các vấn đề về quyền tự quyết. Đây là lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ, Anh và Mỹ công khai mâu thuẫn với nhau trong vấn đề địa chính trị và nhân đạo lớn. Cuộc khủng hoảng Afghanistan đánh dấu mức thấp kỷ lục trong lịch sử của “Mối quan hệ đặc biệt”, một thuật ngữ do Winston Churchill đặt ra để chứng thực mối quan hệ lâu dài giữa các đồng minh xuyên Đại Tây Dương.
Mối quan hệ hồi sinh chỉ trong vài ngày với sự hình thành của một thỏa thuận an ninh ba bên, AUKUS, bao gồm Úc, Anh và Mỹ. Úc từ bỏ liên minh với Pháp để tham gia liên minh của các đồng minh nói tiếng Anh trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Stephen Lovegrove, Cố vấn An ninh Quốc gia Anh, đã gọi hiệp ước là sự hợp tác quan trọng nhất trên thế giới vì AUKUS hiện xác định lại các thỏa thuận và liên minh an ninh ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương để kiềm chế chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc. AUKUS đã đưa các đồng minh truyền thống xích lại gần nhau hơn nhưng đã gây ra sự chia rẽ giữa quan hệ Pháp-Anh. Pháp càng giận dữ với quyết định của bộ ba từ bỏ liên minh với Paris trong khu bực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Jean-Yves Le Drian và bộ trưởng các lực lượng vũ trang Pháp Florence Parly đã công khai bày tỏ sự thất vọng trước quyết định của Úc từ bỏ liên minh với Pháp để tham gia AUKUS. Pháp đã triệu hồi đại sứ từ Canberra và Washington, hoãn Hội nghị thượng đỉnh Bộ trưởng Quốc phòng Pháp – Anh, và có thể sẽ trì hoãn đàm phán hiệp định thương mại EU - Úc. Pháp coi Anh là đối tác cơ bản trong mối quan hệ đặc biệt với Mỹ, do đó, Pháp nhắc lại quyết định của cựu Thủ tướng Anh Tony Blair ủng hộ cuộc xâm lược Iraq của Mỹ vào năm 2003. Trước sự giận dữ của Pháp, Thủ tướng Johnson đã đáp lại: “Tôi chỉ nghĩ rằng, đã đến lúc một số người bạn thân yêu nhất của chúng ta trên khắp thế giới hiểu cho điều này và cho tôi nghỉ ngơi” (ông nói tiếng Anh pha lẫn tiếng Pháp). Nước Pháp nhận thức về nước Anh theo cách tướng De Gaulle nhận thức về nước Anh năm 1944, coi Anh như con ngựa thành Troy cho sự thống trị của người Mỹ đối với châu Âu. Tuy nhiên, hiện tại, bằng việc ký kết AUKUS và cắt đứt với Pháp, Anh và Mỹ đã làm gia tăng rạn nứt giữa các đồng minh châu Âu.
Tham gia vào nhiều thỏa thuận
Chương trình nghị sự chính của Johnson trước khi đến Washington là tiến hành thỏa thuận thương mại Anh - Mỹ (UKUSFTA), một phần không thể thiếu trong chiến lược Anh toàn cầu của Johnson. Kể từ sau Brexit, Vương quốc Anh trân trọng quyền tự do theo đuổi các thỏa thuận thương mại song phương, Anh đã ký 69 thỏa thuận thương mại, trong đó có một thỏa thuận với EU. Việc Vương quốc Anh rời khỏi châu Âu sau Brexit hình thành một chiến lược quan trọng cho phố Downing nhằm nâng cao tầm vóc và vai trò của Anh trong trật tự quốc tế hiện tại. Hiệp định thương mại Anh - Mỹ được coi là viên ngọc quý trên vương miện, vì Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Anh với tổng kim ngạch thương mại chiếm 57,72 tỷ USD.
Các cuộc đàm phán của thỏa thuận thương mại bắt đầu từ thời chính quyền Trump; tuy nhiên, kể từ khi Biden tiếp quản vào tháng 1/2021, các cuộc đàm phán đã bị đình trệ do sự chú ý và cảm giác cấp bách của chính quyền Biden đối với các thỏa thuận thương mại giữa Anh và Mỹ bị làm chệch hướng bởi các mối quan tâm địa chính trị và trong nội bộ nước Mỹ. Thông qua thỏa thuận thương mại, Vương quốc Anh nhằm mục đích dễ dàng thu hút các dịch vụ tài chính và giảm thuế đối với hàng hóa của Anh, cụ thể là rượu whisky và len cashmere, trong khi Mỹ mong muốn các công ty Mỹ được tiếp cận với các sản phẩm nông nghiệp và dịch vụ chăm sóc sức khỏe của Vương quốc Anh, là khu vực nằm ở cốt lõi của nền kinh tế Anh, sử dụng 1,5% lực lượng lao động và sử dụng 69% tổng diện tích đất của cả nước. Mỹ cũng dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu thịt cừu và thịt bò của Anh kéo dài hai thập kỷ từng gây ra thời gian tạm lắng của hoạt động kinh doanh xuất khẩu thịt gia súc, gia cầm ở Anh. Ngành xuất khẩu này được cho là trị giá 66 triệu Euro trong 5 năm tới. Thịt bò Anh bị Washington cấm vào năm 1998 do bùng phát dịch bệnh bò điên, căn bệnh phá hủy não và tủy sống từ từ ở gia súc.
Johnson có quan điểm về việc Biden có “rất nhiều cá để chiên”. Do đó, Vương quốc Anh đã xem xét các lựa chọn thay thế khác như tham gia hiệp ước thương mại Mỹ, Mexico và Canada (USMCA), kế thừa Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA). USMCA được ký kết vào năm 2019 để hiện đại hóa tổ chức tiền nhiệm, bao quát thêm vấn đề sở hữu trí tuệ và thương mại kỹ thuật số nhưng thỏa thuận này không có điều khoản cho phép quốc gia khác gia nhập. Vương quốc Anh đã cân nhắc khi theo đuổi việc trở thành thành viên của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sau khi chính thức xin gia nhập vào ngày 1 tháng 2 năm 2021. Vương quốc Anh có mục đích gia hạn quan hệ thương mại với 11 đối tác thương mại chỉ trong một cuộc đàm phán. Các quy tắc của CPTPP được đặt ra để được Vương quốc Anh chấp nhận trong khi đàm phán song phương về khả năng tiếp cận thị trường với các quốc gia thành viên khác. Nhật Bản, chủ tịch hiện tại của Ủy ban hỗn hợp CPTPP, đã hoan nghênh đơn xin gia nhập của Vương quốc Anh do Anh có vị thế là đối tác chiến lược ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, trở ngại lớn đối với thỏa thuận thương mại Anh - Mỹ là tranh chấp biên giới Bắc Ireland giữa Brussels và London. Chủ tịch Hạ viện Mỹ, Nancy Pelosi, cho biết thỏa thuận thương mại Anh-Mỹ là “rất khó xảy ra” nếu Thỏa thuận Thứ Sáu Tuần Thánh bị cản trở và các cuộc đàm phán sẽ chỉ đạt được động lực sau khi phố Downing giải quyết các bất đồng về biên giới Bắc Ireland với EU.
Liên minh Đại Tây Dương đang tận hưởng một thời kỳ khôi phục và đổi mới một cách đáng ngạc nhiên sau mối quan hệ Trump – Johnson, khi mối quan hệ Biden - Johnson hướng tới hợp tác cùng nhau trong một số khía cạnh quan trọng nhất định để làm cho sự hiện diện của họ được biết đến và chuẩn bị cho những thách thức lớn đang chờ đợi phía trước. Sự chú ý của phố Downing sẽ đổ dồn vào COP26 ở Glasgow, nơi mà Johnson xem như là một phần không thể thiếu trong thương hiệu “Nước Anh toàn cầu”. Ông thường phát biểu coi COP26 phải là một bước ngoặt đối với nhân loại. Tuy nhiên, một cuộc khủng hoảng nhiên liệu lớn ở Anh đang chờ đợi Johnson trước thềm COP26, và quân đội Anh đang trong tình trạng sẵn sàng đối phó để giảm bớt tình trạng thiếu nhiên liệu và năng lượng trên khắp nước Anh.
Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ
Nguồn: https://www.orfonline.org/expert-speak/restoration-of-the-atlantic-alliance-between-the-uk-and-us/
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục
Tư liệu Nghiên cứu Ấn Độ 04:00 12-12-2024
G20 và Cơ hội Mở Rộng Quan Hệ Ấn Độ - Mỹ Latinh
Tư liệu Nghiên cứu Ấn Độ 03:00 12-12-2024