Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Khủng hoảng ở Sri Lanka và Nepal vừa là cơn đau đầu vừa là cơ hội cho Ấn Độ

Khủng hoảng ở Sri Lanka và Nepal vừa là cơn đau đầu vừa là cơ hội cho Ấn Độ

NEW DELHI - Khủng hoảng kinh tế Sri Lanka, thảm họa dự trữ ngoại hối đang ập đến ở Nepal, cũng như hỗn loạn tài chính và chính trị của Pakistan đang khiến nước láng giềng Ấn Độ đau đầu, nhưng cũng mang lại cơ hội cho New Delhi.

05:41 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Bộ Ngoại giao Ấn Độ ngày 7/4 cho biết, trong hai hoặc ba tháng qua, Ấn Độ đã cung cấp các khoản tín dụng trị giá 2,5 tỷ USD nhiên liệu và thực phẩm cũng như các hỗ trợ khác để giúp giải quyết khó khăn về kinh tế cho Sri Lanka.

Cuộc khủng hoảng ở đảo quốc này có thể ảnh hưởng đến Hiệp định An ninh Colombo - bao gồm Ấn Độ, Sri Lanka, Maldives và Mauritius - vì các lĩnh vực hợp tác chínhbao gồm an ninh hàng hải, chống khủng bố và cực đoan cũng như chống buôn người và tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia.

Tai họa ở Sri Lanka cũng có thể ảnh hưởng đến nỗ lực của New Delhi trong việc củng cố Hiệp hội Vành đai Ấn Độ Dương (IORA), một phiên bản khu vực của APEC, theo đó nó thể hiện cam kết thúc đẩy hòa bình, an ninh và thịnh vượng trên khắp khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Pankaj Jha, giáo sư nghiên cứu chiến lược và quốc phòng tại Đại học Toàn cầu O.P. Jindal, nói với Nikkei Asia rằng: “Các cuộc tập trận an ninh hàng hải [đang được lên kế hoạch trong các diễn đàn này] có thể bị trì hoãn do vấn đề đang diễn ra ở Sri Lanka”.

Ấn Độ cũng có thể tiếp nhận dòng người Tamil tị nạn từ đảo quốc này do sự gần gũi về địa lý và mối quan hệ dân tộc với những người sống ở phía nam Ấn Độ. GS Jha nói rằng, cách tiếp cận tốt nhất mà Ấn Độ có thể thực hiện trong tình hình hiện tại là "hỗ trợ Sri Lanka để nước này tự trụ vững và phục hồi."

Trong khi đó, những lo ngại về một cuộc khủng hoảng giống như Sri Lanka đang ẩn hiện ở Nepal khi dự trữ ngoại hối của nước này tiếp tục biến mất. Nền kinh tế của Sri Lanka và Nepal phụ thuộc nhiều vào du lịch và kiều hối từ các công dân làm việc ở nước ngoài, dòng doanh thu này dường như đã ngừng chảy do COVID-19. Giá nhiên liệu tăng vọt xuất phát từ cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine đang gây tổn hại thêm cho các quốc gia.

Ramesh Pokhrel, một nhà báo ở Kathmandu, cho biết, thương mại của Nepal phụ thuộc nhiều vào Ấn Độ, trong khi những khó khăn về địa lý dọc biên giới với Trung Quốc không hỗ trợ thương mại suôn sẻ. Nepal là một quốc gia không giáp biển nằm giữa Ấn Độ và Trung Quốc, có địa hình khắc nghiệt của biên giới miền núi phía bắc với Trung Quốc, và dân cư thưa thớt.

Ông Pokhrel nói với Nikkei rằng: “Đó không chỉ là cơ hội” để Ấn Độ tăng cường hỗ trợ Kathmandu và ngăn Trung Quốc lan rộng ảnh hưởng ở Nepal, đồng thời cho biết thêm rằng, khoảng 70% hàng hóa nhập khẩu của nước này đến từ Ấn Độ.

Sri Lanka và Nepal, cùng với Pakistan, là những nước ký kết Sáng kiến ​​BRI đầy tham vọng của Trung Quốc, mà một số nhà phê bình gọi đây là "ngoại giao bẫy nợ" do các khoản vay đáng kinh ngạc mà các nước này đang sử dụng để xây dựng cơ sở hạ tầng.

GS Jha nói rằng: "Đã đến lúc các quốc gia như Nepal và Sri Lanka phải thừa nhận sự thật rằng, Trung Quốc là người cho vay của 'Người lái buôn thành Venice', người có quyền lấy một pound thịt [của người đi vay]", một ví von được trích từ tác phẩm của William Shakespeare vào thế kỷ 16. Ông nói, Trung Quốc cũng sẽ yêu cầu một "pound thịt" nếu các khoản vay không được hoàn trả.

Trong một nỗ lực để bảo vệ dự trữ tiền tệ, Nepal đã tạm thời cấm nhập khẩu các mặt hàng mà họ coi là xa xỉ phẩm, bao gồm ô tô, rượu và thuốc lá. Nước này cũng đã chuyển sang tuần làm việc kéo dài 5 ngày để cắt giảm mức tiêu thụ nhiên liệu. Trước đây, ngày nghỉ duy nhất là thứ Bảy.

Hôm 28/4, Arindam Bagchi thuộc Bộ Ngoại giao Ấn Độ nói với các phóng viên rằng, Nepal đã và đang đối mặt với "một số khó khăn về ngoại hối. Nhưng tôi chờ cho chính phủ Nepal để cho chúng tôi biết liệu chúng tôi có thể hỗ trợ điều gì. Trong trường hợp của Sri Lanka, chúng tôi đã có những yêu cầu cụ thể mà họ đưa ra và chúng tôi đang cố gắng hỗ trợ những gì chúng tôi có thể làm".

Mở rộng sự giúp đỡ tới các nước trong khu vực là chìa khóa trong chính sách "láng giềng trên hết" của chính phủ Narendra Modi. Chính sách này tập trung vào việc cung cấp khả năng kết nối cao hơn, cải thiện cơ sở hạ tầng, an ninh và các mối giao lưu nhân dân rộng rãi hơn.

Tuy nhiên, quan hệ của Ấn Độ với Trung Quốc - đồng minh Pakistan vẫn căng thẳng. New Delhi đổ lỗi cho Islamabad vì đã kích động chủ nghĩa khủng bố xuyên biên giới ở vùng tranh chấp Kashmir của Ấn Độ - một cáo buộc mà Pakistan phủ nhận, nói rằng, họ chỉ mở rộng hỗ trợ về mặt tinh thần và ngoại giao cho phong trào ly khai trong khu vực.

Nhưng Shahbaz Sharif, người trở thành thủ tướng Pakistan vào tháng 4 sau khi người tiền nhiệm Imran Khan ra đi, đại diện cho một trong những cơ hội mới của Ấn Độ.

Thủ tướng Modi là một trong những nhà lãnh đạo thế giới đầu tiên chúc mừng ông Sharif nhậm chức. Shamshad Ahmad Khan, trợ lý giáo sư về quan hệ quốc tế tại BITS Pilani Dubai Campus, cho biết, việc Modi tiếp cận đã thắp lại hy vọng bình thường hóa quan hệ Ấn Độ-Pakistan, đặc biệt là quan hệ thương mại, vì nhà lãnh đạo mới là người ủng hộ quan hệ thương mại.

Tuy nhiên, ông Khan nói với Nikkei rằng, "sẽ còn quá sớm để dự đoán rằng quan hệ song phương sẽ trở lại đúng hướng" sau sự thay đổi chế độ ở Pakistan, đồng thời cho biết thêm, chính phủ liên minh mới ở Islamabad hiện tại "quá lung lay".

Ông nói thêm rằng, "Để bắt đầu mới với Ấn Độ, ông Sharif sẽ cần phải có được sự tin tưởng của giới lãnh đạo quân sự Pakistan, [điều này] mang tính quyết định đối với đường lối chính sách đối ngoại của Pakistan đối với Ấn Độ".

Ấn Độ kiên trì cho rằng, Pakistan có trách nhiệm trong việc tạo dựng bầu không khí có lợi cho việc bình thường hóa quan hệ.

Khi được hỏi liệu Ấn Độ có thay đổi quan điểm của mình đối với Pakistan khi một chính phủ mới đã được thành lập ở đó hay không, ông Bagchi nói, "Lập trường của chúng tôi rất đơn giản. Cần phải có một ... bầu không khí không có chủ nghĩa khủng bố. Đây là một nhu cầu chính đáng [của Ấn Độ]. Không có thay đổi [trong chính sách của Ấn Độ]. "

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Nguồn: https://asia.nikkei.com/Politics/International-relations/Sri-Lanka-Nepal-woes-are-both-headache-and-opportunity-for-India

Nguồn:

Cùng chuyên mục