Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Kinh tế Ấn Độ: Một thập niên dưới thời Narendra Modi

Kinh tế Ấn Độ: Một thập niên dưới thời Narendra Modi

04:00 04-05-2024 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Hơn 960 triệu người Ấn Độ sẽ tham gia bỏ phiếu trong cuộc bầu cử lớn nhất thế giới diễn ra từ ngày 19/4 đến đầu tháng 6 năm 2024. Đảng Bharatiya Janata (BJP) cầm quyền, do Thủ tướng Narendra Modi lãnh đạo, đang tìm kiếm nhiệm kỳ thứ ba. Và các cuộc thăm dò cho thấy ông Modi sẽ có nhiệm kỳ thứ ba.

Nếu chỉ xét riêng các con số tăng trưởng kinh tế thì hiệu quả hoạt động của chính phủ Modi rất ấn tượng. Khi ông Modi lên nắm quyền vào năm 2014, tốc độ tăng trưởng kinh tế rất chậm chạp. Nhưng từ năm 2014 đến năm 2022, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người của Ấn Độ đã tăng từ 5.000 USD lên hơn 7.000 USD - tăng khoảng 40% trong 8 năm theo sức mua tương đương (PPP).

Sự tăng trưởng này xảy ra bất chấp việc ngay trong nhiệm kỳ đầu tiên ông Modi nhằm loại bỏ các tờ tiền ₹500 và ₹1000 khỏi lưu hành. Việc loại bỏ tiền giấy đã dẫn đến tình trạng thiếu tiền mặt trầm trọng, làm chậm tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người từ 6,98% năm 2016 xuống còn 5,56% vào năm 2017.

Theo IMF, nền kinh tế Ấn Độ được dự đoán sẽ tăng trưởng với tốc độ 6,5% vào năm 2024. Con số này cao hơn mức tăng trưởng dự kiến 4,6% của Trung Quốc và vượt xa bất kỳ nền kinh tế lớn nào khác.

Tuy nhiên, những ước tính gần đây cũng cho thấy tình trạng bất bình đẳng ở Ấn Độ đang ở mức cao nhất mọi thời đại. Sự tăng trưởng dường như không đồng đều. Một thách thức chính mà chính phủ Modi phải đối mặt trong nhiệm kỳ tiếp theo sẽ là chuyển mức tăng trưởng cao hơn thành việc làm hiệu quả đồng thời hạn chế sự giàu có quá mức của giới tinh hoa kinh tế và chính trị Ấn Độ.

Ngắm hoa qua gương?

Khó đánh giá hiệu quả kinh tế của Ấn Độ do chính phủ chưa công bố dữ liệu chính thức về nghèo đói và việc làm kể từ năm 2011. Điều này đã khiến các nhà phân tích sử dụng các nguồn dữ liệu thay thế không đáng tin cậy bằng các cuộc khảo sát việc làm và tiêu dùng quy mô lớn và mang tính đại diện trên toàn quốc của cơ quan thống kê chính phủ Ấn Độ.

Kết quả nhận được là những ước tính rất khác nhau về tình trạng nghèo đói. Chưa đầy hai tháng trước cuộc bầu cử, chính phủ Ấn Độ đã công bố thông tin cho thấy tỷ lệ nghèo ở Ấn Độ đã giảm xuống mức thấp lịch sử vào năm 2022. Kết quả này dựa trên một cuộc khảo sát tiêu dùng quy mô lớn do chính phủ Ấn Độ thực hiện. Nhưng dữ liệu thực tế đằng sau ước tính của chính phủ không được công bố để phân tích độc lập. Sự thiếu minh bạch về dữ liệu đã dẫn đến tình trạng không ai thực sự biết ước tính thực sự về nghèo đói và bất bình đẳng là gì.

Chủ nghĩa phúc lợi mới

Trong nhiệm kỳ thứ hai, chính phủ Modi chú trọng hơn vào việc cung cấp hàng hóa công và các chương trình phúc lợi xã hội tốt hơn. Điều này chứng kiến sự ra mắt của Aadhaar, một hệ thống ID kỹ thuật số được liên kết với dấu vân tay và quét mống mắt, với sự tham gia của khoảng 99% người trưởng thành Ấn Độ.

Đặc biệt, việc triển khai Aadhaar đã cho phép chính phủ ở cấp liên bang và tiểu bang phân phối lợi ích trực tiếp cho người nghèo thông qua tài khoản ngân hàng được liên kết với tài khoản Aadhaar của họ. Nó cũng giúp hạn chế rò rỉ trong việc cung cấp trợ cấp cho các hộ gia đình nghèo, vốn từ lâu đã trở thành nguyên nhân cản trở việc cung cấp phúc lợi của Ấn Độ. Điều này dẫn đến cái mà nhà kinh tế Ấn Độ và cựu Cố vấn kinh tế trưởng của chính phủ, Arvind Subramanian, gọi là “Chủ nghĩa phúc lợi mới” ở Ấn Độ.

Ngoài ra, chính phủ Modi cũng đạt được thành công trên các lĩnh vực khác như: Tỷ lệ các ngôi làng ở Ấn Độ được sử dụng điện tăng từ 88% năm 2014 lên 99,6% vào năm 2020; 71,1% người dân ở Ấn Độ hiện sở hữu tài khoản tại một tổ chức tài chính, tăng từ mức 48,3% vào năm 2014.

Những khoản chuyển tiền mặt khổng lồ, cùng với việc cung cấp hàng hóa và dịch vụ nhiều hơn cho người nghèo ở Ấn Độ, đã khiến BJP ngày càng nhận được sự ủng hộ của các nhóm bị thiệt thòi. Trong lịch sử, các nhóm này có xu hướng bỏ phiếu cho Đảng Quốc Đại đối lập.

Thiếu việc làm tốt

Chính phủ Modi đã thúc đẩy phát triển nền kinh tế Ấn Độ. Nhưng nó đã không thành công trong việc tạo ra việc làm cho phần lớn lực lượng lao động không có tay nghề và người nghèo ở Ấn Độ.

Khoảng 40% lao động vẫn làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp và chỉ khoảng 20% làm việc trong các ngành sản xuất hoặc dịch vụ kinh doanh như CNTT. Các cuộc khảo sát trước cuộc bầu cử cho thấy tỷ lệ thất nghiệp và lạm phát ngày càng tăng là những nguyên nhân khiến nhiều cử tri lo ngại.

Thành tích yếu kém của chính phủ Modi trong việc tạo việc làm là điều đáng ngạc nhiên vì chính phủ đã đưa ra nhiều sáng kiến để khởi động sản xuất. Chương trình “Make in India” được triển khai ngay khi ông Modi lên nắm quyền vào năm 2014, nhằm mục đích giảm chi phí kinh doanh ở Ấn Độ.

Ngoài ra, chương trình khuyến khích liên kết sản xuất được khởi động vào tháng 11 năm 2023, đã cung cấp 24 tỷ USD khuyến khích công nghiệp để thúc đẩy sản xuất trong nước trong các lĩnh vực sản xuất quan trọng từ sản phẩm điện tử đến máy bay không người lái. Tuy nhiên, tỷ trọng sản lượng của ngành sản xuất vẫn giữ nguyên vào năm 2022 như khi ông Modi mới nhậm chức.

Để Ấn Độ có thể mô phỏng thành công nền công nghiệp sử dụng nhiều lao động như Trung Quốc, cần phải có những cải cách cơ cấu sâu sắc hơn trong thị trường sản phẩm, lao động và tín dụng của nước này. Nhưng điều này sẽ khó thực hiện về mặt chính trị vì nó liên quan đến việc đối đầu với các tập đoàn và công đoàn hùng mạnh của Ấn Độ.

Thách thức chính đối với nhiệm kỳ thứ ba của ông Modi  là tạo việc làm hiệu quả ngoài lĩnh vực nông nghiệp cho tầng lớp thanh niên ngày càng có trình độ học vấn và đầy khát vọng của đất nước.

Nguồn:

CIS

Viết bình luận

Bình luận

Cùng chuyên mục